1. Đông y có chữa được bệnh nhồi máu cơ tim cấp không?
Người bị nhồi máu cơ tim cần được đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt, nhằm giảm thiểu tổn thương cơ tim và ngăn ngừa các biến chứng.
Các phương pháp điều trị tái lưu thông mạch vành bị tắc nghẽn trong nhồi máu cơ tim cấp gồm: Thuốc tiêu sợi huyết; Chụp mạch vành, nong đặt stent; Mổ bắc cầu động mạch vành… vì vậy Đông y không thể chữa được. Tuy vậy, các phương pháp Đông y có thể hỗ trợ điều trị người bệnh nhanh chóng phục hồi.
2. Cách xử trí khi gặp nhồi máu cơ tim cấp
Người bệnh nhồi máu cơ tim cấp nếu được sơ cứu kịp thời và đúng cách sẽ có khả năng vượt qua cơn nguy kịch, hạn chế được các biến chứng xấu và tăng cơ hội sống.
Nếu phát hiện người bị nhồi máu cơ tim cấp, người thân cần giữ bình tĩnh và gọi cấp cứu. Trong thời gian chờ đợi đội ngũ nhân viên y tế, các bác sĩ khuyến cáo người nhà nên thực hiện các phương pháp sơ cứu tại chỗ, bao gồm:
- Giữ người bệnh ở tư thế thoải mái.
- Cởi bớt áo khoác, cà vạt, khăn trên người bệnh để giảm cảm giác khó thở, mệt mỏi.
- Trấn an tinh thần người bệnh.
- Thực hiện ép tim ngoài lồng ngực hoặc hô hấp nhân tạo khi có dấu hiệu ngưng tim ngưng thở. Tuy nhiên, đây là phương pháp cần được huấn luyện kỹ và người thực hiện đã có kinh nghiệm thực hành.
Đa số các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp đều được đưa đến bệnh viện trong tình trạng cấp cứu, do đó cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế có khả năng can thiệp tim mạch để được điều trị kịp thời.
3. Cách chăm sóc bệnh nhồi máu cơ tim cấp tại nhà
Sau khi đã điều trị tình trạng cấp, bệnh nhân cần nằm viện để tiếp tục điều trị và theo dõi. Bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng và vận động phù hợp, tăng dần để trở về bình thường.
Bệnh nhân tiếp tục sử dụng thuốc để cải thiện tình trạng thiếu máu cục bộ, cải thiện triệu chứng và chức năng tim. Đồng thời cần điều trị tích cực các yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu (nếu có).
Sau khi ra viện, bệnh nhân cần đi bộ tối thiểu mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần 20-30 phút và theo dõi nhịp tim, tránh nhịp tim tăng quá nhiều. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm nghiệm pháp đo gắng sức tim mạch (CPET) để đánh giá.
Đồng thời, bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp cần duy trì thói quen lối sống lành mạnh:
- Bệnh nhân cần tập thể dục đều đặn.
- Cần giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.
- Nếu bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có hút thuốc thì cần bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc lá thụ động.
- Cần hạn chế uống rượu bia, nước ngọt.
- Bệnh nhân nên ăn nhạt, giảm chất béo bão hòa, nhất là thịt mỡ động vật, thực phẩm đóng hộp.
- Tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, nên ăn nhiều cá và gà hơn là thịt heo, thịt bò.
- Hạn chế căng thẳng.
Ngoài ra, bệnh nhân cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám thường xuyên.
Nếu đã từng bị nhồi máu cơ tim thì người bệnh cần tham gia phục hồi chức năng tim và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để hạn chế nhồi máu cơ tim lần thứ hai. Việc tập thể dục, có chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh, kiểm soát các bệnh lý nền và kiểm tra sức khỏe thường xuyên cần được duy trì suốt đời.
4. Bệnh nhồi máu cơ tim cấp có chữa khỏi không?
Hiện nay đã có nhiều thành tựu y học trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp, cho phép cứu sống bệnh nhân và giảm thiểu biến chứng nặng tuy nhiên điều quan trọng bệnh nhân được phát hiện sớm cấp cứu kịp thời. Vì vậy, chúng ta nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, khám chuyên khoa tim mạch khi có triệu chứng bất thường như: đau tức ngực, khó thở, toát mồ hôi lạnh, nôn, choáng váng…
5. Lưu ý với người cao tuổi, người tăng huyết áp
Người bị xơ vữa động mạch sẽ có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim. Các yếu tố nguy cơ của bệnh xơ vữa động mạch vành làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim ở một người.
Dưới đây là các yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim:
- Người cao tuổi, nam trên 50 tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh;
- Người có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn;
- Rối loạn mỡ máu di truyền;
- Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá;
Trong gia đình có người thân (cha, mẹ, anh chị em ruột) bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ não sớm trước 55 tuổi (đối với nam) và trước 65 tuổi (đối với nữ).
Ngoài ra, những người huyết áp cao, mỡ máu cao, tiểu đường, béo phì, stress, ít vận động… dễ mắc nhồi máu cơ tim. Các yếu tố nguy cơ này làm tăng khả năng hình thành và nứt vỡ các mảng xơ vữa ở động mạch vành, gây tắc nghẽn, dẫn đến nhồi máu cơ tim.
6. Chi phí khám chữa bệnh
Tùy từng cá nhân mà các bác sĩ chỉ định điều trị như thế nào cho phù hợp. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ khám thực thể, đo huyết áp, nghe tim phổi để tìm kiếm các dấu hiệu của nhồi máu cơ tim, đồng thời tiến hành các cận lâm sàng để giúp chẩn đoán cũng như theo dõi.
- Điện tâm đồ.
- Xét nghiệm máu các men/dấu ấn sinh học tim: Creatine kinase (CK), troponin, lactate dehydrogenase (LDH), các transaminase SGOT và SGPT.
- Các xét nghiệm máu khác: Công thức máu, lipid, chức năng thận, …
- Siêu âm tim.
- Chụp mạch vành.
Về điều trị, ban đầu cho nhồi máu cơ tim, bệnh nhân cần nằm bất động tại giường, được cho thở oxy, hoặc trong trường hợp suy hô hấp nặng phải đặt nội khí quản và cho thở máy. Điều trị bằng các thuốc:
- Thuốc giảm đau
- Thuốc giãn mạch
- Thuốc chống ngưng kết tiểu cầu
- Thuốc chống đông
- Thuốc chẹn beta giao cảm
Điều trị tái tưới máu là giúp máu lưu thông qua động mạch trở lại, các biện pháp điều trị là: Dùng thuốc tiêu huyết khối; Can thiệp động mạch vành (nong, đặt stent); Mổ bắc cầu động mạch vành (CABG)… Việc lựa chọn phương pháp điều trị nào sẽ phụ thuộc vào khoảng thời gian bị nhồi máu cơ tim và tình trạng cụ thể của bệnh nhân.
Nếu thời gian đến bệnh viện sớm và bệnh nhân không có chống chỉ định thì dùng thuốc tiêu huyết khối là lựa chọn tốt nhất. Nếu không thể dùng thuốc tiêu huyết khối thì cần can thiệp động mạch vành. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành được sử dụng khi các biện pháp trước đó thất bại hoặc không áp dụng được.
Chi phí đối với các trường hợp can thiệp mạch vành trong nhồi máu cơ tim dao động khoảng 30 triệu đồng đến 70 triệu đồng, nếu có biến chứng có thể lên tới 150 triệu đồng thậm chí nhiều hơn nữa.
Chi phí này không bao gồm các chi phí xét nghiệm, dùng thuốc và có sự khác biệt bởi yếu tố tuổi, phương thức điều trị, thời gian nằm tại đơn vị hồi sức tích cực, thời gian nằm viện...