Câu hỏi thường gặp liên quan đến mất thính lực

13-09-2024 16:21 | Tra cứu bệnh

SKĐS- Mất thính lực là tình trạng giảm thính lực từ một rối loạn ở một hoặc nhiều bộ phận của tai. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi.

Mất thính lực: Nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và cách điều trị bệnhMất thính lực: Nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và cách điều trị bệnh

SKĐS - Mất thính lực (hay điếc tai, khiếm thính) là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nghe âm thanh một phần hoặc toàn bộ ở một hoặc cả hai tai. Từ đó ảnh hưởng tới quá trình giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Mất thính lực là hiện tượng giảm một phần hay toàn bộ khả năng cảm nhận về âm thanh của tai. Khi bị giảm thính lực hầu hết không thể phục hồi, nhưng có thể cải thiện nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

1. Đông y có chữa được bệnh mất thính lực?

Mất thính lực có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở độ tuổi từ 40 - 50 tuổi. Để điều trị cần phối hợp nhiều phương pháp khác nhau, trong đó có Đông y.

Theo y học cổ truyền, nguyên nhân gây suy giảm thính lực phần nhiều do thận âm, thận dương hư tổn, không điều hòa. Hoặc do can đởm hoả bốc lên gây nghễnh ngãng, ù tai, điếc tai.

Một số phương pháp điều trị hoặc hỗ trợ điều trị mất thính lực có thể kể đến:

Châm cứu: Là phương pháp dùng kim xuyên qua da kích hoạt các kinh mạch để lưu thông khí huyết đến vùng tai, giúp người bệnh nghe rõ hơn. Với hệ thống các đường kinh dương ở vùng đầu mặt và bao quanh tai, châm cứu có vai trò nhất định trong điều trị các bệnh về tai.

Xoa bóp, bấm huyệt: Bấm huyệt là phương pháp xoa bóp để tạo áp lực lên các vị trí huyệt đạo có ảnh hưởng đến thính lực giúp tăng lưu thông khí huyết, thông kinh lạc, giúp hỗ trợ điều trị, làm giảm các triệu chứng khó chịu kèm theo như chóng mặt, nặng vùng tai…

Cấy chỉ: Cấy chỉ là phương pháp trị bệnh bằng cách sử dụng chỉ khâu phẫu thuật để vi cấy vào các huyệt đạo có liên quan đến thính lực. Đây là phương pháp tác động lên huyệt đạo tương tự như châm cứu. Thường sử dụng chỉ tự tiêu sau khoảng 15-20 ngày.

Dùng thuốc: Tùy theo nguyên nhân do thận âm hư, thận dương hư, can đởm hỏa, đàm thấp tắc trệ, hoặc huyết ứ … mà sử dụng các vị thuốc gia giảm phù hợp.

Hiệu quả của việc điều trị bằng Đông y phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa của mỗi người, nguyên nhân gây bệnh, thời gian mắc bệnh, mức độ nặng nhẹ của bệnh và phương pháp điều trị.

Trong một số trường hợp, việc kết hợp điều trị bằng Đông y và Tây y có thể mang lại hiệu quả tốt hơn.

Để đạt được kết quả tốt nhất, nên kết hợp điều trị với việc điều chỉnh lối sống, tăng cường sức đề kháng cơ thể và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, thăm khám sức khỏe định kỳ.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến mất thính lực- Ảnh 2.

Châm cứu có vai trò nhất định trong điều trị các bệnh về tai như: ù tai, nghe kém, điếc.

2. Có thể điều trị mất thính lực tại nhà không?

Nếu tình trạng suy giảm thính lực nhẹ, người bệnh có thể điều trị tại nhà theo cách thức sau:

Giảm tiếng ồn: Tiếng ồn được cho là nguyên nhân gây suy giảm thính lực. Do đó, muốn điều trị suy giảm thính lực, cần chú ý giảm tiếng ồn. Nếu công việc thường xuyên phải tiếp xúc với tiếng ồn, có thể dùng các thiết bị bảo vệ tai.

Giảm chất béo: Các đối tượng có vấn đề về mạch máu, xơ vữa động mạch... có nguy cơ suy giảm thính lực cao hơn. Do đó, để cải thiện tình trạng suy giảm thính lực, cần giảm chất béo trong thực đơn.

Không ngoáy tai: Ngoáy tai giúp giảm ngứa, vệ sinh tai. Tuy nhiên, nếu đang bị suy giảm thính lực, việc ngoáy tai nhiều, dụng cụ ngoáy không hợp vệ sinh, quá cứng, ngoáy không đúng cách... có thể gây thủng màng nhĩ, viêm nhiễm... Những điều này đều có thể ảnh hưởng đến thính lực. Do đó, điều trị suy giảm thính lực, chú ý không ngoáy tai.

Không được để nước vào tai: Điều trị suy giảm thính lực cần tránh để nước vào tai. Bởi đây cũng là tác nhân khiến cho tai bị ảnh hưởng, nghe kém.

Lấy ráy tai đúng cách: Có thể lấy ráy tai tại các cơ sở y tế. Bác sĩ tai mũi họng sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để lấy ráy tai, vệ sinh tai. Đây cũng là cách điều trị suy giảm thính lực hiệu quả.

3. Mất thính lực có chữa khỏi hoàn toàn không?

Mất thính lực là hiện tượng giảm một phần hay toàn bộ khả năng cảm nhận về âm thanh của tai. Khi bị giảm thính lực, hầu hết không thể phục hồi hoàn toàn, nhưng có thể cải thiện nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Việc điêu trị mất thính lực và tình trạng cải thiện thế nào phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh, cũng như việc áp dụng phương pháp điều trị.

3.1 Trường hợp có thể cải thiện hoặc chữa khỏi

Mất thính lực do tắc nghẽn: Nếu bị mất thính lực do ráy tai, dịch nhầy hoặc các vật lạ trong tai làm tắc nghẽn, việc làm sạch tai có thể giúp khôi phục thính lực.

Mất thính lực do viêm nhiễm: Điều trị nhiễm trùng tai bằng kháng sinh có thể cải thiện tình trạng nghe.

Mất thính lực do một số vấn đề về tai giữa: Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể giúp khôi phục khả năng nghe.

3.2 Những trường hợp khó chữa khỏi

Mất thính lực do tổn thương thần kinh thính giác: Các tổn thương ở tai trong hoặc dây thần kinh thính giác thường khó phục hồi hoàn toàn.

Mất thính lực do lão hóa: Việc giảm thính lực do tuổi tác thường tiến triển dần dần và khó chữa khỏi hoàn toàn.

Để biết chính xác tình trạng bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp, người bệnh nên đi khám tại chuyên khoa tai mũi họng.

4. Cần làm gì để bảo vệ tai khi dùng tai nghe?

Đeo tai nghe có thể ảnh hưởng tới sức nghe, thậm chí bị tổn hại vĩnh viễn đến thính giác nếu sử dụng không đúng cách. Việc sử dụng tai nghe không đúng cách có thể khiến tai chịu đựng sức ồn ngang với tiếng cưa máy, búa khoan, xe máy và tất nhiên là cả những buổi hòa nhạc, nhạc pop,…

Khi dùng tai nghe, không nên mở âm lượng quá to, điều chỉnh âm lượng ở mức dưới 60% so với mức cao nhất của thiết bị. Không đeo tai nghe quá lâu, không nên đeo tai nghe lúc ngủ, vì dễ ngủ quên.

Dùng các loại tai nghe vừa khít với tai để không phải tăng volume do ảnh hưởng của âm thanh bên ngoài. Nếu không thì phải nhớ rằng: Khi volume bật càng to thì thời gian nghe càng phải được rút ngắn tương ứng.

Nên dùng các loại tai nghe chụp cả tai. Loại tai nghe này sẽ ngăn không cho âm thanh bên ngoài làm ảnh hưởng đến sự "trung thực" của âm thanh, nhưng loại tai nghe này lại rất đắt và cũng khá "cồng kềnh", nên không nhận được sự ưu ái từ các bạn trẻ. Tuy nhiên, đây là lựa chọn tốt nhất để hạn chế tác hại của việc đeo tai nghe.

Lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày là nên nghe nhạc, học tập... bằng loa ngoài, nếu cần dùng tai nghe thì không nên vặn volume quá lớn. Không nên nghe trong môi trường quá ồn ào, vì người nghe phải điều chỉnh âm thanh lớn hơn.

Người có bệnh về tai ngoài, tai giữa không nên đeo tai nghe lâu dài vì sẽ làm cho viêm tai dễ tái phát. Chỉ nên đeo tai nghe khoảng dưới 2 giờ/ngày, đặc biệt lưu ý không nghe bằng tai nghe khi ngủ.

Khi thấy có biểu hiện ù tai, nghe kém, chóng mặt, nhức đầu, hoa mắt… nên đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa tai - mũi - họng với các trang thiết bị đo thính lực để khám và được hướng dẫn điều trị hiệu quả.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến mất thính lực- Ảnh 4.

Nên dùng các loại tai nghe chụp cả tai và nghe với âm lượng vừa phải.

5. Khi nào cần đưa trẻ đi khám thính lực?

Theo Viện Tai mũi họng Mỹ, 3 triệu trẻ em dưới 18 tuổi bị mất thính lực, trong đó cứ 1.000 trẻ sơ sinh thì có 4 trẻ bị mất thính lực.

Trẻ sơ sinh nghe bình thường phản ứng với tiếng động và tiếng thì thầm, tiếng cười hay tiếng nói ríu rít. Khi các bé lớn hơn, chúng biết nhìn và quay đầu cũng như nói bi bô và thay đổi cao độ giọng nói của chúng để tìm kiếm nguồn âm thanh phát ra. Trẻ ở tuổi tập đi nhận ra tên các đồ chơi, các bộ phận cơ thể và các đồ vật quen thuộc khác. Chúng lắc lư theo nhạc và cố gắng lặp lại các từ. Đến 18 tháng tuổi, các bé có một ít vốn từ vựng, chúng sử dụng để nói các câu có 2 từ và âm thanh tiếng nói của chúng bình thường. Các bé có thể làm theo các hướng dẫn đơn giản như: "Đưa cho mẹ cái hộp kia".

Nếu trẻ không đạt được các giai đoạn quan trọng này, đừng hoảng sợ. Trẻ có thể chỉ phát triển ở một mức khác hơn so với các trẻ cùng tuổi.

Nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng nếu bé:

  • Không có bất kỳ đáp ứng nào với tiếng động lớn bất ngờ.
  • Không quay đầu theo hướng giọng nói.
  • Không bập bẹ, hay cố gắng bắt chước âm thanh.
  • Không hiểu các cụm từ đơn giản lúc 12 tháng tuổi.
  • Không đáp ứng với âm thanh hoặc tên của mình, và không thể xác định vị trí nơi âm thanh được phát ra.
  • Không bắt chước nói hoặc sử dụng những từ đơn giản đối với những người và các đồ vật quen thuộc.
  • Không nghe tivi ở các mức bình thường.
  • Không sử dụng tiếng nói hay cho thấy sự phát triển ngôn ngữ như các trẻ cùng tuổi.

Nói chung, nếu trẻ sơ sinh hay trẻ mới biết đi không đáp ứng với tiếng động từ phía sau và không giật mình với các âm thanh lớn, nên đưa trẻ đi khám thính giác.

6. Suy giảm thính lực ảnh hưởng tới sức khỏe người cao tuổi như thế nào?

Có khoảng 1/3 người trong độ tuổi 65 - 74 bị suy giảm thính lực. Suy giảm thính lực ở người cao tuổi tuy không đe dọa tính mạng nhưng gây ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng sống của người bệnh:

Người cao tuổi mất thính lực thường khó nghe rõ người khác nói, dẫn đến cảm giác cô đơn, lạc lõng và ngại giao tiếp. Điều này có thể làm giảm các mối quan hệ xã hội và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.

Người cao tuổi mất thính lực dễ bị té ngã và gặp phải các chấn thương do không nghe thấy các âm thanh cảnh báo như chuông cửa, tiếng xe cộ…

Việc giao tiếp khó khăn do suy giảm thính lực gây trở ngại trong việc tham gia các hoạt động xã hội, làm giảm khả năng làm việc và học hỏi.

Cảm giác cô lập, khó khăn trong giao tiếp và sự thay đổi trong cuộc sống hàng ngày có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu. Theo một nghiên cứu, so với những người không bị mất thính lực, người cao tuổi bị mất thính lực có khả năng bị trầm cảm cao hơn 47%.

Mất thính lực cũng được chứng minh có thể liên quan đến việc giảm khả năng nhận thức và tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.

7. Chi phí điều trị mất thính lực

Việc điều trị bệnh mất thính lực phải thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, tùy từng tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra các giải pháp điều trị phù hợp.

Với người bệnh có thẻ BHYT, quá trình điều trị bệnh mất thính lực được BHYT chi trả theo quy định.

Tìm ra cách có thể ngăn ngừa mất thính lực do kháng sinhTìm ra cách có thể ngăn ngừa mất thính lực do kháng sinh

SKĐS - Lạm dụng kháng sinh hoặc tiếp xúc lâu dài với kháng sinh có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm nhiễm độc tai hoặc mất thính lực...



BS. Đức Thông
bác sĩ
Ý kiến của bạn