1.Đông y có hỗ trợ giảm triệu chứng cho phụ nữ mãn kinh sớm?
Nhiều phụ nữ do các nguyên nhân khác nhau đã mãn kinh khi còn rất trẻ, dẫn đến các nguy cơ về sức khoẻ. Đông y có một số bài thuốc hay để hỗ trợ chị em giảm các khó chịu ở độ tuổi này. Chị em nên dùng các món cháo thuốc dành cho phụ nữ thời kỳ mãn kinh như sau:
1.1. Cháo gạo nếp, quả dâu
- Nguyên liệu: Quả dâu 30g, gạo nếp 50g, một lượng nước và đường phèn vừa đủ.
- Công dụng: Bổ gan, thận, nhuận âm kiện tỳ, tốt cho phụ nữ thời kỳ mãn kinh.
1.2. Cháo hà thủ ô, vừng đen
- Nguyên liệu: Hà thủ ô 30g, sơn thù du 20g, vừng đen 15g, gạo tẻ 60g. .
- Công dụng: Bổ gan thận, ích tinh huyết dùng cho phụ nữ thời kỳ mãn kinh.
1.3. Cháo hạt sen, hạch đào
- Nguyên liệu: Hạch đào nhân 20g, hạt sen 18g, gạo tẻ 60g.
- Công dụng: Bổ tỳ ích thận, dùng cho phụ nữ thời kỳ mãn kinh.
2.Trường hợp nào dễ bị mãn kinh sớm?
Mãn kinh là khi người phụ nữ chính thức không có kinh liên tiếp trong 12 tháng liên tục. Mãn kinh sớm là tình trạng kinh nguyệt dừng ở độ tuổi trẻ hơn bình thường, xảy ra khi buồng trứng ngừng sản xuất ra trứng gây giảm nồng độ estrogen - là hormone điều khiển chu kỳ sinh sản. Trung bình độ tuổi mãn kinh ở phụ nữ bình thường là quanh 50 tuổi. Nếu mãn kinh trước 45 tuổi được gọi là mãn kinh sớm, sau 55 tuổi được gọi là mãn kinh muộn.
Hầu hết phụ nữ đều sợ và không muốn trải qua thời kỳ này, nguyên nhân do sự sụt giảm của nội tiết tố nữ gây ra nhiều thay đổi ảnh hưởng đến cuộc sống như: thay đổi tính nết, bốc hỏa, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về rối loạn chuyển hóa, tim mạch, xương khớp, suy giảm trí nhớ, giảm ham muốn và cảm xúc tình dục…
Theo các chuyên gia y tế, mãn kinh sớm thường gặp ở những phụ nữ thường xuyên bị căng thẳng, phiền muộn, hút thuốc lá, uống rượu, bị rối loạn miễn dịch, suy buồng trứng sớm, phải điều trị xạ trị, phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng... Ngoài ra, mãn kinh sớm có thể do các nguyên nhân sau:
Tiền sử gia đình: Gia đình có mẹ hoặc dì hoặc chị em gái ruột bị mãn kinh sớm, phụ nữ cũng sẽ có khả năng gặp phải tình trạng này cao hơn.
Hút thuốc: Phụ nữ hút thuốc có thể mãn kinh sớm hơn 1- 2 năm so với người không hút thuốc. Đồng thời dễ có các triệu chứng mãn kinh nghiêm trọng hơn.
Hóa trị hoặc xạ trị vùng chậu để điều trị ung thư: Những phương pháp điều trị này có thể làm hỏng buồng trứng và khiến kinh nguyệt của phụ nữ ngừng tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng: Phẫu thuật cắt bỏ cả hai buồng trứng có thể gây mãn kinh ngay lập tức. Kinh nguyệt sẽ ngừng sau cuộc phẫu thuật này và lượng hormone của phụ nữ sẽ giảm nhanh chóng. Những người này cũng có thể có các triệu chứng mãn kinh nghiêm trọng như bốc hỏa và giảm ham muốn tình dục.
Ngoài ra, một số phụ nữ có vấn đề sức khỏe khác như mắc các bệnh tự miễn dịch (bệnh tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp), phụ nữ nhiễm HIV/AIDDS không được điều trị tốt, bị hội chứng mệt mỏi mạn tính, phụ nữ sinh ra bị thiếu nhiễm sắc thể hoặc có vấn đề về nhiễm sắc thể có nguy cơ mãn kinh sớm hơn.
3. Phụ nữ tuổi mãn kinh bổ sung vitamin nào thì tốt?
Thời kỳ mãn kinh, cơ thể sản xuất hormone estrogen ít dần, gây ra các triệu chứng như bốc hỏa, mất ngủ, đổ mồ hôi ban đêm, khô âm đạo và tâm trạng thất thường... Theo đó, việc bổ sung một số loại vitamin có thể giúp tăng cường sức khỏe, cải thiện những triệu chứng khó chịu trong thời kỳ mãn kinh.
Phụ nữ tuổi mãn kinh nên bổ sung vitamin A
Vitamin A là vi chất cần thiết để duy trì sức khỏe của mắt. Sự thiếu hụt vitamin A ở phụ nữ trung niên có thể dẫn đến các biểu hiện như đau mắt, mỏi mắt, nhìn mờ… Ngoài ra, một số vi chất của vitamin A như beta-carotene rất quan trọng đối với hệ miễn dịch, giúp phòng tránh nguy cơ loãng xương.
Bạn có thể bổ sung vitamin A từ beta-carotene bằng cách ăn trái cây và rau quả màu cam và vàng. Nếu muốn bổ sung viên uống vitamin A, liều khuyến nghị hàng ngày là 5.000 IU.
Một số nghiên cứu cho thấy việc bổ sung vitamin A liều cao có thể làm tăng nguy cơ gãy cổ xương đùi ở phụ nữ mãn kinh. Vì vậy, khi bổ sung vitamin A, cần đảm bảo bổ sung đúng liều lượng theo khuyến cáo, tránh sử dụng liều cao trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, những người mắc bệnh gan, uống nhiều rượu không nên bổ sung vitamin A. Vitamin A có thể gây ra tình trạng huyết áp thấp. Do đó người bị huyết áp thấp hoặc đang sử dụng thuốc hạ áp, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung vitamin A. Thận trọng khi bổ sung vitamin A đối với người đang sử dụng thuốc chống đông máu.
Các vitamin nhóm B
Các vitamin nhóm B cần thiết cho tuổi mãn kinh bao gồm vitamin B6, B9 và B12. Nhiều nghiên cứu cho thấy, vitamin B6 giúp cơ thể tạo ra serotonin. Hormone này có nhiệm vụ truyền tín hiệu lên não, từ đó làm thuyên giảm các triệu chứng trầm cảm và ngăn ngừa nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ theo thời gian.
Vitamin B9 không chỉ có nhiệm vụ cân bằng nội tiết tố mà còn giảm nguy cơ mắc bệnh tim và huyết áp. Khi tuổi tác ngày càng tăng cao, cơ thể có thể mất khả năng hấp thụ vitamin B12. Thiếu vitamin B12 gây thiếu máu, mệt mỏi, nguy cơ sa sút trí tuệ.
Do đó, bạn có thể bổ sung các vitamin nhóm B thông qua chế độ ăn uống hoặc viên uống tăng cường. Vitamin B6 và B12 có thể gây ảnh hưởng đến huyết áp và lượng đường trong máu. Do đó, người bệnh huyết áp và đái tháo đường cần lưu ý khi bổ sung vitamin B. Vitamin B6 có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, cần thận trọng khi dùng thuốc làm chống đông máu.
Ngoài ra, các trường hợp sau đây cần lưu ý khi bổ sung vitamin B12: Người có bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp; Người bệnh gout; Người có vấn đề liên quan tới dạ dày, ruột…
Vitamin D
Việc bổ sung đủ vitamin D và canxi trong thời kỳ mãn kinh có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ loãng xương, đau xương và gãy xương.
Đặc biệt hơn, những phụ nữ lớn tuổi ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời chính là đối tượng có nguy cơ thiếu hụt vitamin D. Theo khuyến nghị, phụ nữ từ 19-50 cần bổ sung 15 mcg (600 IU) vitamin D mỗi ngày, người trên 50 tuổi cần khoảng 20 mcg (800 IU).
Vitamin E
Vitamin E là một chất chống oxy hóa, giúp cơ thể ngăn chặn các gốc tự do gây hại các tế bào trong cơ thể. Do đó, vi chất này cũng mang đến tác dụng giảm viêm, giảm tần suất căng thẳng - một trong những tình trạng phổ biến ở thời kỳ mãn kinh.
Để bổ sung vitamin E trong và sau thời kỳ mãn kinh, hãy bổ sung viên uống vitamin E và tăng cường các thực phẩm bổ dưỡng vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Lưu ý, một số trường hợp sau đây cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung vitamin E qua đường uống: Người bệnh Alzheimer hoặc gặp các tình trạng suy giảm nhận thức khác; Người có vấn đề tim mạch, thận; Tổn thương mắt…
Một số loại thuốc có thể gây tương tác với vitamin, do đó, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo bổ sung vitamin đúng cách và hiệu quả.
4. Các liệu pháp chăm sóc người bị mãn kinh sớm thế nào?
Nhiều dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến mãn kinh có thể cải thiện bằng các liệu pháp trong cuộc sống hàng ngày. Hãy làm các bước sau để giúp làm giảm và ngăn chặn các ảnh hưởng của chúng:
Làm dịu những cơn nóng bừng: Mặc quần áo theo lớp, nên ở trong môi trường mát mẻ. Cố xác định và hạn chế yếu tố kích hoạt các cơn nóng bừng của bạn. Đối với nhiều chị em, các yếu tố kích thích có thể do đồ uống nóng, caffeine, thực phẩm cay, rượu, sự căng thẳng, thời tiết nóng bức ...
Làm giảm "khô hạn": Sử dụng các thuốc bôi trơn âm đạo có gốc nước (Astroglide, gel K-Y, ...), các chất bôi trơn hay dưỡng ẩm gốc silicon (Replens,...). Lựa chọn những sản phẩm không chứa glycerin, vì chất này gây bỏng rát hoặc kích ứng ở những phụ nữ nhạy cảm với chất đó. Nên duy trì hoạt động tình dục, giúp làm tăng lưu lượng máu đến âm đạo.
Ngủ đủ giấc: Hạn chế trà, caffeine, đồ uống có cồn có thể gây khó ngủ và làm gián đoạn giấc ngủ. Tập luyện thể dục thường xuyên (nhưng tránh tập thể dục trước khi đi ngủ). Nên thư giãn và thả lỏng cơ thể trước khi ngủ…
Áp dụng các động tác giúp thư giãn: Các kĩ thuật như thở sâu, thở nhịp nhàng, xoa bóp và tăng giãn cơ có thể giúp làm dịu các triệu chứng mãn kinh.
Chế độ ăn uống cân bằng: Bao gồm đa dạng các loại trái cây, rau củ và các loại ngũ cốc. Hạn chế chất béo bão hòa và đường. Tham khảo ý kiến bác sĩ để bổ sung các vitamin cần thiết.
Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, ung thư và một loạt các vấn đề về sức khỏe khác. Nó cũng làm tăng các cơn nóng bừng và là mọt nguyên nhân gây mãn kinh sớm.
Tập thể dục thường xuyên: Tập luyện thể chất thường xuyên luôn tốt cho cơ thể, giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tim, đái tháo đường, loãng xương và các tình trạng khác liên quan đến lão hoá.
5. Chi phí điều trị cho phụ nữ bị ảnh hưởng sức khỏe giai đoạn mãn kinh
Phần lớn phụ nữ trải qua tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh mà không gặp khó chịu gì lớn. Tuy nhiên cũng có nhiều người bị các triệu chứng ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống do những thay đổi nội tiết trong giai đoạn này. Vì vậy, chị em hãy đến gặp bác sĩ nếu gặp những triệu chứng tiền mãn kinh/mãn kinh khó chịu như: Bốc hỏa, nóng từng cơn, đổ mồ hôi đêm; Dễ cáu gắt, rối loạn lo âu, trầm cảm; Rối loạn giấc ngủ; Khô âm đạo, đau rát vùng kín, đau khi giao hợp; Rong kinh hoặc rong huyết sau mãn kinh; Tăng huyết áp...
Trước tiên, chị em nên đến khám tại các chuyên khoa sản hoặc bệnh viện phụ sản để kiểm tra sức khỏe tổng thể và được hướng dẫn, tư vấn điều trị và có chỉ định dùng thuốc nếu cần.
Việc điều trị cho phụ nữ gặp các bất lợi sức khỏe giai đoạn tiền mãn kinh/mãn kinh nhằm giảm nhẹ triệu chứng do nội tiết gây ra và chữa trị các bệnh lý nền sẵn có. Vì vậy thời gian điều trị tùy thuộc từng tình trạng sức khỏe của mỗi người. Chi phí điều trị có thể không nằm trong danh mục BHYT chi trả và người bệnh phải tự chi trả chi phí.
Chị em cần tuân thủ tư vấn điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không dùng thuốc theo lời mách bảo hoặc dùng chung đơn thuốc với người khác.