Câu hỏi thường gặp liên quan đến loét dạ dày tá tràng

22-08-2024 08:26 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Loét dạ dày tá tràng là tình trạng những vết loét phát triển trên niêm mạc của dạ dày và đoạn đầu của ruột non, thường xảy ra do vi khuẩn HP và thói quen sinh hoạt không lành mạnh.

1 .Đông y có chữa được loét dạ dày tá tràng không?

Viêm loét dạ dày tá tràng rất thường gặp ở mọi lứa tuổi. Theo Ðông y, bệnh được chia làm 4 thể: thể hàn tà phạm vị, thể can khí phạm vị, thể tỳ vị hư hàn, thể ẩm thực đình trệ.

Điều trị loét dạ dày tá tràng bằng Đông y cũng là một phương pháp an toàn và hiệu quả. Trong Đông y có rất nhiều bài thuốc điều trị các chứng đau dạ dày. Tùy vào nguyên nhân, biểu hiện đau dạ dày mà các thầy thuốc sẽ đưa ra bài thuốc điều trị phù hợp.

Người bệnh cần lưu ý nên đi khám và điều trị tại các cơ sở điều trị y học cổ truyền uy tín. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc theo mách bảo hoặc sử dụng các bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến loét dạ dày tá tràng- Ảnh 1.

Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý đường tiêu hóa rất phổ biến tại nước ta.

2. Loét dạ dày tá tràng có nguy hiểm không?

Theo ThS.BS. Nguyễn Ngọc Đan, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là ung thư dạ dày. Một số biến chứng thường gặp là:

  • Hẹp môn vị: Thường gặp ở loét hành tá tràng. Ổ loét xơ chai gây chít hẹp đường xuống của thức ăn từ dạ dày. Biểu hiện khi bị hẹp môn vị là đầy hơi, đau bụng sau bữa ăn, trướng bụng. Đặc biệt là nôn ra thức ăn ngày hôm trước do thức ăn bị giữ lại ở dạ dày không qua được lỗ môn vị để xuống ruột.
  • Chảy máu ổ loét dạ dày tá tràng: Ổ loét ăn sâu vào thành dạ dày, tá tràng làm thủng các mạch máu gây ra tình trạng chảy máu. Triệu chứng thường gặp là nôn ra máu, ỉa phân đen, mệt mỏi, chóng mặt, thậm chí choáng ngất do mất máu nhiều. Đây là một cấp nặng, nếu không chẩn đoán, điều trị sớm có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
  • Thủng ổ loét: Ổ loét ăn thủng thành dạ dày tá tràng làm chảy dịch tiêu hóa vào trong ổ bụng gây nên tình trạng viêm phúc mạc cần phải mổ cấp cứu sớm. Nếu đến muộn người bệnh có thể tử vong do nhiễm trùng nhiễm độc nặng. Triệu chứng điển hình là bệnh nhân đau đột ngột, dữ dội vùng trên rốn, sau đau lan ra khắp bụng. Sờ bụng thấy bụng luôn co cứng, ấn đau.
  • Biến chứng ung thư hoá: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất, nhiều khi bệnh được chẩn đoán muộn, do đó kết quả điều trị thường không tốt.

3. Loét dạ dày tá tràng có chữa khỏi được không?

Bệnh loét dạ dày là một bệnh tiêu hóa không quá nghiêm trọng. Loét dạ dày ở giai đoạn cấp tính hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm bằng cách dùng thuốc với mức chi phí hợp lý.

Tuy nhiên, cần lưu ý và chăm sóc sức khỏe tiêu hóa và phòng ngừa bệnh tái phát nhiều lần. Viêm loét dạ dày nếu tái phát nhiều lần hoặc kéo dài không được chữa trị sẽ có nguy cơ diễn tiến mạn tính. Những trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng mạn tính tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm có ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến loét dạ dày tá tràng- Ảnh 2.

Các biến chứng dễ gặp khi bị loét dạ dày tá tràng.

4. Cách xử trí khi bị loét dạ dày tá tràng

Khi có dấu hiệu nghi ngờ bị viêm dạ dày cấp, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và làm các xét nghiệm cần thiết như: nội soi dạ dày, xét nghiệm máu, X-quang để được chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị phù hợp.

5. Cách chăm sóc điều trị tại nhà người loét dạ dày tá tràng như thế nào?

Chườm nóng

Nhiệt lượng tỏa ra từ phương pháp chườm nóng sẽ kích thích tuần hoàn lưu thông máu tốt hơn. Nhờ đó mà người bệnh sẽ thuyên giảm cơn đau dạ dày một cách nhanh chóng.

Chườm muối: Đem rang nóng một lượng muối hột vừa phải rồi bọc kín vào trong khăn. Tiếp theo chườm bọc muối này lên vùng bụng đang bị đau, tiếp tục chườm cho tới khi cơn đau đã giảm thì dừng lại.

Tuy cách chườm nóng có vẻ đơn sơ nhưng lại đem về hiệu quả bất ngờ.

Massage bụng

Người bệnh áp tay xoa quanh vùng rốn cùng chiều kim đồng hồ. Massage sẽ giúp bệnh nhân giảm đau và kích thích dạ dày hoạt động ổn định hơn.

Ngoài ra để đạt hiệu quả tốt hơn trong điều trị, người bệnh nên kết hợp massage cùng các loại tinh dầu thơm như quế, khuynh diệp, đinh hương,... Sau khoảng 5 phút massage, người bệnh sẽ thấy cơn đau giảm hẳn và dần biến mất.

Dùng nghệ và mật ong chữa loét dạ dày tá tràng

Trong bột nghệ chứa nhiều curcumin có công dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn HP, giảm tiết axit trong dạ dày. Ngoài ra nghệ còn giúp gia tăng tiết chất nhầy giúp ích cho quá trình tiêu hóa.

Cách thực hiện: Hòa 10g tinh bột nghệ cùng vài thìa mật ong vào 100ml nước ấm, khuấy đều rồi uống. Nên dùng 2 - 3 lần/ngày trước khi ăn.

Trộn tinh bột nghệ vào mật ong thành hỗn hợp sệt. Tiếp theo vo thành viên nhỏ để dùng dần. Nên dùng 2 lần/ngày, mỗi lần 2 - 3 viên.

Sử dụng gừng chữa loét dạ dày tá tràng

Gừng có đặc tính sát khuẩn, chống viêm, ngăn ngừa phản ứng oxy hóa giúp giảm các triệu chứng khó chịu do viêm loét dạ dày.

Cách thực hiện: Cho một ít lát gừng tươi vào một tách trà nóng dùng vào buổi sáng và tối. Nên uống liên tục từ 2 - 3 ngày để cải thiện bệnh.

Lá tía tô

Lá tía tô rất giàu glucosid và tanin. Đây là 2 hoạt chất giúp làm lành vết loét và giảm tiết axit trong dịch vị dạ dày.

Bệnh nhân có thể sử dụng lá tía tô dạng tươi hoặc khô. Đầu tiên đem đi rửa sạch, tiếp theo đun sôi với nước và uống khi để nguội.

Chế độ ăn uống sinh hoạt

Bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp như: ăn thức ăn mềm, chia thành nhiều bữa, ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no, tránh các chất kích thích, gia vị mạnh, đồ ăn nhiều dầu mỡ. Đi ngủ sớm, tập thể dục đều đặn, tránh lo âu, căng thẳng…

6. Lưu ý khi chăm sóc người bệnh loét dạ dày tá tràng

Hầu hết các trường hợp loét dạ dày tá tràng liền ổ loét sau 8 tuần điều trị, một số ít không liền được xem như là kháng thuốc hay loét dai dẳng. Người bệnh nên lưu ý các điểm dưới đây để chăm sóc đạt hiệu quả:

Thay đổi chế độ dinh dưỡng giúp loét dạ dày tá tràng nhanh khỏi

  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng giàu trái cây, đầy đủ các loại vitamin, đặc biệt là vitamin A và vitamin C, ăn nhiều rau và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Chia nhỏ bữa ăn lớn thành các bữa nhỏ trong ngày.
  • Không lạm dụng đồ uống có cồn, các đồ uống có gas và caffein (cà phê, một số loại socola và soda).
  • Không dùng các thức ăn chua, cay, nhiều gia vị gây kích thích dạ dày.
  • Hạn chế uống sữa: Sữa ban đầu làm giảm cơn đau, nhưng sau đó gây ra acid dư thừa làm tăng cơn đau.

Thay đổi lối sống

- Stress có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng của dạ dày. Giảm stress bằng nhiều cách như: tập thể dục, nghe nhạc, dành thời gian cho bạn bè, gia đình, viết nhật ký, sử dụng các liệu pháp giảm căng thẳng.

- Bỏ thuốc lá, không sử dụng rượu bia: Thuốc lá và rượu bia gây tăng kích ứng dạ dày, tăng nguy cơ phát triển ổ loét cũng như làm chậm thời gian lành ổ loét.

- Ngủ đủ giấc: giấc ngủ đầy đủ tốt cho hệ miễn dịch và cũng giúp giảm bớt stress cho cơ thể…

Các dấu hiệu nguy hiểm cần phải đến bệnh viện ngay

Khi thấy các dấu hiệu sau đây cần đến bệnh viện chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời:
  • Cơn đau bụng tăng nhiều bất thường.
  • Nôn ra máu/ dịch có màu cà phê.
  • Đi cầu phân đen.
  • Mệt, vã mồ hôi, xây xẩm.

Bệnh nhân loét dạ dày tá tràng cần tuân thủ tốt phác đồ điều trị của bác sĩ và các chế độ chăm sóc để giúp mau lành ổ loét, tránh các biến chứng nặng ảnh hưởng đến sức khoẻ, kéo dài điều trị tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình.

7. Chi phí khám điều trị loét dạ dày tá tràng

Nếu người bệnh loét dạ dày tá tràng có tham gia bảo hiểm y tế và muốn thực hiện nội soi dạ dày sẽ được bảo hiểm y tế chi trả theo đúng mức quy định. Trường hợp đi khám đúng tuyến, bảo hiểm y tế sẽ thanh toán 80% chi phí nội soi dạ dày tá tràng. Trường hợp đi khám trái tuyến, người bệnh chỉ được hưởng 40% chi phí do bảo hiểm thanh toán.

Loét dạ dày tá tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và cách điều trịLoét dạ dày tá tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và cách điều trị

SKĐS - Loét dạ dày tá tràng là tình trạng niêm mạc của hai bộ phận này bị tổn thương, xuất hiện các vết loét sâu xuống lớp cơ niêm mạc. Người bệnh thường thấy xuất hiện các cơn đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội tùy vào tình trạng bệnh. Bệnh cần được phát hiện và điều trị kịp thời.


Nhật Hiếu
Ý kiến của bạn