Câu hỏi thường gặp liên quan đến hôn mê

24-04-2025 16:28 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hôn mê là tình trạng bất tỉnh kéo dài. Khi rơi vào trạng thái hôn mê người bệnh sẽ không có bất kỳ phản ứng nào với những kích thích từ bên ngoài. Đây là một tình trạng cấp cứu, vì vậy cần phải được chăm sóc y tế kịp thời để bảo vệ sự sống và chức năng não.

Hôn mê: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnhHôn mê: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Hôn mê là tình trạng bất tỉnh kéo dài, khi rơi vào trạng thái hôn mê sẽ không có bất kỳ phản ứng nào với những kích thích từ bên ngoài. Bệnh nhân khi hôn mê nằm bất động sẽ mất khả năng thức tỉnh.

1. Đông y có chữa được hôn mê không?

Hôn mê có thể diễn biến ở nhiều mức độ và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Dù với bất kỳ nguyên nhân nào thì hôn mê vẫn luôn được xem là một tình trạng cấp cứu, cần được thực hiện khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng và chức năng não của bệnh nhân. Vì vậy đông y không chữa được hôn mê.

2. Các phương pháp điều trị hôn mê

Điều trị hôn mê phụ thuộc rất nhiều vào việc tiếp cận y tế kịp thời và biết được nguyên nhân khởi phát. Vì vậy, người thân của bệnh nhân cần nhanh chóng đưa họ đến các cơ sở y tế gần nhất, đồng thời, cung cấp các thông tin về bệnh sử, nguyên nhân phát bệnh cho bác sĩ, điều này sẽ càng làm tăng cơ hội chữa trị.

Sau khi nhập viện, bệnh nhân hôn mê thường được chăm sóc trong phòng chăm sóc đặc biệt (khoa Hồi sức Cấp cứu – ICU). Tại đây người bệnh sẽ được đảm bảo ổn định các chức năng của cơ thể như hô hấp (giữ thông đường thở, duy trì thở oxy, mở và đặt nội khí quản), huyết áp, tuần hoàn (duy trì nhịp tim, nước điện giải, điều chỉnh huyết áp).

Như vậy có thể nói cách duy nhất điều trị hiệu quả hôn mê là điều trị đúng nguyên nhân. Điều này không phải luôn luôn khả thi. Nếu xác định được nguyên nhân dẫn đến hôn mê, các phương pháp điều trị đặc hiệu cần được thực hiện ngay lập tức để giảm thiểu tổn thương não bộ hay tránh tử vong.

Ở những trường hợp hôn mê chưa xác định được nguyên nhân, bác sĩ cố gắng duy trì hỗ trợ hô hấp và giữ cho nhịp tim của bệnh nhân ở ngưỡng an toàn. Để thực hiện được những việc trên thì bệnh nhân cần được theo dõi liên tục hô hấp, tuần hoàn qua máy theo dõi. Bằng cách theo dõi này đội ngũ y tế có thể can thiệp ngay lập tức nếu tình trạng bệnh nhân trở nặng. Đôi khi những bệnh nhân hôn mê cần hỗ trợ hô hấp bằng máy thở.

Bệnh nhân hôn mê cũng cần được:

  • Điều trị thuốc để kiểm soát tốt các chức năng của cơ thể như huyết áp, nhịp tim hay nhiệt độ.
  • Đặt đường truyền tĩnh mạch hoặc sonde dạ dày.
  • Xoay trở chống loét ở những vùng tì đè do nằm lâu.
  • Thực hiện các xét nghiệm máu thường xuyên để phát hiện các dấu hiệu bất thường hay nhiễm trùng.
  • Thăm khám phản xạ và đánh giá các đáp ứng thường xuyên trong thời gian điều trị.
  • Theo dõi sát nhiệt độ cơ thể cũng như những chỉ số sinh hiệu quan trọng khác.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến hôn mê- Ảnh 2.

Hôn mê có thể diễn biến ở nhiều mức độ và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

3. Hôn mê có chữa khỏi được không?

Trong tình trạng hôn mê thì bệnh nhân mất khả năng thức tỉnh (hai mắt luôn ở trạng thái nhắm, không mở tự nhiên, cũng như không mở khi có kích thích các loại với những cường độ khác nhau). Bệnh nhân không còn những đáp ứng phù hợp với các tác nhân kích thích bên ngoài, rối loạn ngôn ngữ (không nói được và không hiểu được lời nói), không có các vận động chủ động có định hướng và có ý nghĩa của các cơ mặt, các cơ ở chi thể hoặc cơ thân.

Thông thường các trường hợp hôn mê không quá nặng nếu được chẩn đoán nguyên nhân sớm và can thiệp kịp thời thường hồi tỉnh trong khoảng 2 – 4 tuần. Hôn mê thường không kéo dài và bệnh nhân thường hồi phục sau vài tuần nếu được điều trị đúng nguyên nhân. Sau hôn mê bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn hoặc một phần. Những trường hợp hôn mê nặng, không thể chẩn đoán hoặc điều trị nguyên nhân có thể dẫn đến tử vong.

4. Những chú ý quan trọng đối với hôn mê

Trên thực tế bất kỳ ai cũng có thể rơi vào tình trạng hôn mê. Tuy nhiên vẫn có một số đối tượng có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này bao gồm:

  • Người thiếu máu não hoặc nhồi máu não.
  • Nạn nhân bị chấn thương vùng đầu nghiêm trọng.
  • Người bị động kinh, mắc u não hoặc viêm não – màng não.
  • Thiếu oxy trong thời gian dài, tiếp xúc với các chất độc hoặc sử dụng chất kích thích quá liều.
  • Bệnh nhân mắc tiểu đường có lượng đường huyết không ổn định (tăng hoặc giảm quá mức).

Hôn mê có thể kéo dài và cũng có vài trường hợp kéo dài nhiều năm. Người bệnh có thể dần dần tỉnh dậy sau hôn mê hoặc tiến triển sang có biểu hiện người sống thực vật, thậm chí có thể tử vong. Tiến triển của hôn mê hoặc đời sống thực vật phụ thuộc vào nguyên nhân, vị trí, độ nặng và độ lớn của tổn thương thần kinh. Các biến chứng có thể phát triển trong thời gian hôn mê bao gồm đau áp lực, nhiễm trùng tiết niệu và viêm phổi.

Hôn mê là một tình trạng cấp cứu, vì vậy cần phải được chăm sóc y tế kịp thời để bảo vệ sự sống và chức năng não.

5. Chi phí khám chữa bệnh

Việc thăm khám chẩn đoán nguyên nhân gây hôn mê rất cần thiết để điều trị phù hợp, hiệu quả. Những thông tin được khai thác thường là nguyên nhân gây hôn mê, thời gian hôn mê bao lâu, cách thức khởi phát…

Tiếp theo các bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng bao gồm: Quan sát các chấn thương (nếu có), theo dõi sự thay đổi của sắc tố da (trên xương phía sau tai hoặc hốc mắt), tình trạng tụ máu màng nhĩ, kiểm tra các cử động của mắt và thân nhiệt…

Song song đó một số xét nghiệm sẽ được chỉ định để kiểm tra tình trạng đường huyết, lượng độc tố trong cơ thể (nếu bệnh nhân nhiễm độc hoặc có sử dụng chất kích thích), chọc dò tủy sống (kiểm tra nhiễm trùng), chụp CT scanner hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI) và một số bước kiểm tra khác.

Chính vì vậy việc chi phí cho người bệnh hôn mê là rất lớn. Việc điều trị hôn mê tại khoa hồi sức tích cực có thể lên tới 400 - 500 triệu đồng viện phí, dù bệnh nhân có bảo hiểm y tế. Bệnh nhân hôn mê thường phải đặt nội khí quản, thở máy… Ngoài ra, có thể phải lọc máu, sử dụng phương pháp oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO), các thuốc đặc biệt khác để duy trì sự sống cứu bệnh nhân.

Thuốc và các biện pháp điều trị hôn mêThuốc và các biện pháp điều trị hôn mê

SKĐS - Hôn mê là tình trạng bất tỉnh kéo dài. Đây là một tình trạng cấp cứu, cần phải được chăm sóc y tế kịp thời để bảo vệ sự sống và chức năng não. Bệnh nhân cần được điều trị tại bệnh viện có đầy đủ thiết bị.


BS. Nguyễn Văn Dũng
Ý kiến của bạn