Câu hỏi thường gặp liên quan đến hội chứng Sudeck

29-04-2025 21:19 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hội chứng Sudeck hay đau loạn dưỡng do thần kinh giao cảm là tình trạng đau và loạn dưỡng do rối loạn chức năng hệ thần kinh giao cảm, dẫn tới mất canxi nặng của xương, khiến khả năng vận động giảm sút.

1. Đông y có chữa được hội chứng Sudeck không?

Hội chứng Sudeck là một chứng rối loạn gây ra cơn đau kéo dài, thường ở cánh tay hoặc chân, xuất hiện sau một chấn thương, đột quỵ hoặc đau tim. Mặc dù đông y không chữa được nhưng có nhiều phương pháp hỗ trợ điều trị hiệu quả căn bệnh này. Các bài tập, món ăn bài thuốc, xoa bóp, vật lý trị liệu giúp người bệnh đi lại dễ dàng hơn và giảm đau.

2. Các phương pháp điều trị hội chứng Sudeck

Điều trị hội chứng Sudeck chủ yếu là sự kết hợp giữa điều trị nội khoa kết hợp với vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh. Các biện pháp gồm:

Điều trị nội khoa, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định dùng thuốc chống viêm giảm đau nhóm non-steroid đường uống hoặc tiêm. Corticoid có thể dùng liều cao một đợt với thời gian ngắn có thể có hiệu quả, nhưng không được dùng kéo dài vì có thể làm tăng rối loạn dinh dưỡng và loãng xương.

Phong bế gốc chi có thể giúp làm giảm các triệu chứng rối loạn vận mạch dinh dưỡng bàn tay: giảm đau, giảm nề, giảm tím đỏ bàn tay. Phong bế hạch sao hoặc đám rối thần kinh cánh tay có thể giúp giảm đau và giảm rối loạn vận mạch dinh dưỡng bàn tay.

Điều trị can thiệp chỉ áp dụng trong những trường hợp nặng, điều trị nội khoa thất bại. Có thể áp dụng các biện pháp: Phong bế và triệt hạch giao cảm cổ; Mổ cắt bỏ hạch giao cảm cổ bằng nội soi hoặc mổ mở. Sau triệt hoặc cắt hạch giao cảm cổ, triệu chứng loạn dưỡng thần kinh giao cảm cải thiện tốt, nhưng đông cứng khớp vai không thay đổi cần điều trị tích cực.

Vật lý trị liệu giúp người bệnh giảm triệu chứng và cải thiện vận động gồm:

  • Dây treo tay: dùng dây vòng qua cổ để treo tay là cần thiết để tránh đau nhức và phù nề tăng khi bàn tay ở vị trí thấp. Ban đêm và lúc nghỉ cần kê cao tay hơn mức tim để làm giảm nề.
  • Dùng băng thun hoặc dây thun quấn từ đầu ngón tay vào gốc ngón lần lượt từng ngón, sau khi cuốn tới gốc ngón tay tháo ra ngay. Rồi cuốn từ đầu xa bàn tay vào cổ tay để làm giảm nề, sau khi cuốn tới cổ tay tháo ra ngay. Mỗi ngày thực hiện 1-2 lần là một biện pháp có lợi.
  • Ngâm bàn tay vào nước lạnh (chậu nước đá) 1-2 phút mỗi lần, mỗi ngày 1-2 lần cũng giúp giảm bớt triệu chứng nề, đỏ, đau, loạn dưỡng bàn tay.
  • Các phương pháp điều trị nhiệt nóng có thể áp dụng vào vùng vai và cột sống cổ (tương ứng C5-C7), tuy nhiên cần tránh áp dụng vào vùng bàn tay khi rối loạn vận mạch đang nặng. Các kỹ thuật có thể áp dụng là: sóng ngắn, sóng cực ngắn, vi sóng, bức xạ hồng ngoại, paraffin.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến hội chứng Sudeck- Ảnh 1.

Sử dụng các bài tập phục hồi chức năng khớp vai với mục đích gây dãn bao khớp, chống dính bao khớp.

Khi bệnh chuyển sang giai đoạn 3, các triệu chứng rối loạn dinh dưỡng vận mạch vùng bàn tay thuyên giảm (đau bỏng buốt giảm, phù nề giảm, thay đổi màu sắc da cải thiện), có thể áp dụng các biện pháp điều trị nhiệt nóng kết hợp vận động phục hồi chức năng bàn tay.
  • Có thể áp dụng các biện pháp giảm đau bằng dòng điện, như điều trị điện xung vào vùng vai và vùng cổ gáy, điện xung dòng TENS (transcutanious electrical nerve stimulating) thường được khuyến cáo áp dụng, điện di Novocain 2% vào vùng C5-C7.
  • Điều trị bằng dòng Galvanic với điện cực khăn quàng cổ để giúp điều hòa rối loạn thần kinh thực vật. Khi triệu chứng rối loạn dinh dưỡng vận mạch vùng bàn tay thuyên giảm (bệnh chuyển sang giai đoạn 3), cần tích cực áp dụng các biện pháp điều trị đông cứng khớp vai để phục hồi chức năng khớp vai. Sử dụng các bài tập phục hồi chức năng khớp vai với mục đích gây dãn bao khớp, chống dính bao khớp, giải phóng khớp khỏi tình trạng bó cứng của bao khớp (xem bài viêm quanh khớp vai thể đông cứng).

3. Hội chứng Sudeck có chữa khỏi được không?

Hiện nay chưa có phương pháp chữa trị dứt điểm hội chứng Sudeck. Điều trị chỉ dừng lại ở việc thuyên giảm triệu chứng cho người bệnh.

4. Những chú ý quan trọng đối với hội chứng Sudeck

Hội chứng Sudeck ngoài gây các triệu chứng ở chi trên thì cũng có thể xuất hiện tương tự ở chi dưới. Nếu không điều trị kịp thời sẽ tiến triển theo ba giai đoạn như trên, dẫn đến mất chức năng các chi bị tổn thương, biến dạng chi và tàn phế. Ngoài ra, hội chứng Sudeck cũng có thể gây ảnh hưởng đến các hệ cơ quan của toàn thân.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng Sudeck

Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến hội chứng Sudeck bao gồm:

  • Tuổi: Hội chứng này có thể gặp ở tất cả mọi lứa tuổi, trung bình ở người 40 - 60 tuổi.
  • Giới: Tỷ lệ bệnh ở nữ giới so với nam giới là 2/3.
Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng Sudeck, bao gồm:
  • Bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ tay
  • Người bị chấn thương hoặc bệnh lý vùng cột sống cổ, chấn thương vùng vai
  • Người từng chấn thương vùng cổ tay, chấn thương xương cẳng tay đoạn 1/3 dưới
  • Người đã bị đột quỵ não, nhất là trong 1-6 tháng
  • Bệnh nhân mắc các bệnh nội tiết, đái tháo đường, các bệnh tim mạch
  • Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng Sudeck
  • Chế độ sinh hoạt:

- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh, tái khám đúng hẹn.

Duy trì thói quen tập thể dục với cường độ phù hợp, có thể bắt đầu từ những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe đạp,...

- Ngủ đủ giấc, giữ tâm lý thoải mái, tránh xa căng thẳng, áp lực.

- Vận động sớm dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên phục hồi chức năng sau đột quỵ não.

- Tránh xa các chất kích thích, rượu bia, thuốc lá gây hại cho sức khỏe.

  • Chế độ dinh dưỡng:

- Đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, ăn đầy đủ các chất.

- Tăng cường bổ sung rau xanh, thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất.

- Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin C, canxi và vitamin D.

- Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm có hại cho sức khỏe như thức ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ.

5. Chi phí khám chữa bệnh

Để chẩn đoán xác định bệnh cũng như tiên lượng tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đề nghị một số xét nghiệm chẩn đoán như sau:

  • Xquang đánh giá hiện tượng xương mất calci xuất hiện sớm và nặng dần;
  • Xét nghiệm máu: Trường hợp có đáp ứng viêm cấp bạch cầu, VS, CRP có thể tăng.
  • Siêu âm Doppler có tăng tốc độ tuần hoàn tại chỗ.
  • Xạ hình xương: Có thể phát hiện xem có xương nào bị mòn ở đầu hoặc có vấn đề với lưu lượng máu không.
  • Chụp cộng hưởng từ: Bác sĩ có thể yêu cầu chụp MRI để tìm những thay đổi đáng chú ý bên trong cơ thể, đặc biệt là ở các mô của người bệnh.
Vì vậy, mỗi bệnh nhân sẽ có chẩn đoán, điều trị khác nhau, thông thường chi phí các xét nghiệm máu sẽ dao động từ 49.000 - 150.000 VNĐ, chi phí chụp cộng hưởng từ (MRI) dao động từ 2.500.000 – 11.000.000 VNĐ; Chụp X quang thường có giá dịch vụ từ 100.000 -300.000VNĐ tùy vào từng vị trí cụ thể.
Hội chứng Sudeck: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnhHội chứng Sudeck: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Hội chứng Sudeck hay đau loạn dưỡng do thần kinh giao cảm là tình trạng đau và loạn dưỡng do rối loạn chức năng hệ thần kinh giao cảm.


BS. Nguyễn Văn Thành
Ý kiến của bạn