Hormone cortisol glucocorticoid do vỏ tuyến thượng thận sản xuất, luôn giữ được mức ổn định là do sự điều tiết của vùng dưới đồi não và tuyến yên. Nếu ở mức giới hạn bình thường thì nó sẽ có nhiều công dụng với cơ thể như: Chống lại stress, dùng năng lượng dự trữ, thúc đẩy chuyển hóa... Tuy nhiên nếu dư thừa hormone này sẽ là hệ lụy của hàng loạt tác động tiêu cực cho sức khỏe.
1. Đông y có chữa được hội chứng Cushing không?
Hội chứng Cushing là một bệnh nội tiết do rối loạn sản xuất hormone vỏ thượng thận gây tăng mạn tính hormone glucocorticoids không kìm hãm được.
Bệnh xuất hiện sớm nhưng các dấu hiệu lâm sàng thường kín đáo và muộn. Người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại những hậu quả nặng nề về thể chất và tinh thần, gây ra những biến chứng nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
Nguyên nhân thường gặp nhất trong lâm sàng nội khoa là hội chứng Cushing do thuốc. Các nguyên nhân khác là do rối loạn chức năng đồi – yên, tuyến yên, bệnh lý tuyến thượng thận hoặc do sự tiết hormone kích thích vỏ thượng thận (ACTH) lạc chỗ… vì vậy đông y không chữa được.
2. Các phương pháp điều trị hội chứng Cushing
Nguyên nhân thường gặp nhất trong lâm sàng nội khoa là hội chứng Cushing do thuốc. Các nguyên nhân khác là do rối loạn chức năng đồi – yên, tuyến yên, bệnh lý tuyến thượng thận hoặc do sự tiết hormone kích thích vỏ thượng thận (ACTH) lạc chỗ.
Tùy từng bệnh nhân và nguyên nhân gây ra hội chứng Cushing mà có những điều trị khác nhau.
- Hội chứng Cushing do thuốc: Dùng thuốc không chứa corticoid thay thế. Nếu được chỉ định sử dụng glucocorticoid thì người bệnh cần dùng đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, bệnh nhân còn cần được giải độc glucocorticoid để bảo vệ sự sống trước tình trạng suy thượng thận cấp.
- Hội chứng Cushing khối u thượng thận: Tiến hành phẫu thuật nội soi để lấy khối u. Trước và sau khi điều trị người bệnh cần phải được điều trị huyết áp một cách tích cực đồng thời có sự kiểm tra nồng độ cortisol huyết và điện giải đồ chặt chẽ để bồi phụ ngay, tránh xảy ra suy thượng thận cấp.
- Bệnh Cushing: Hầu hết các trường hợp phát hiện khối u sẽ được phẫu thuật thành công. Nếu khối u nhỏ khó phát hiện thì giai đoạn đầu sẽ tiến hành điều trị nội khoa nhằm làm giảm triệu chứng của bệnh sau đó thực hiện các kỹ thuật cao hơn để phát hiện chính xác vị trí khối u.
3. Hội chứng Cushing có chữa khỏi được không?
Đa phần suy tuyến thượng thận do thuốc corticoid đều có thể chữa khỏi. Tuy nhiên thời gian để hồi phục lại chức năng của tuyến thượng thận rất khác nhau. Tùy theo từng trường hợp có thể chỉ cần vài tháng nhưng cũng có thể đến vài năm. Đặc biệt cũng có một số trường hợp chức năng tuyến thượng thận không thể hồi phục được.

Hội chứng Cushing xảy ra khi có sự tăng quá mức các hormone cortisol trong thời gian dài.
4. Những chú ý quan trọng đối với hội chứng Cushing
Hội chứng Cushing thường gặp ở trẻ, thanh thiếu niên và người lớn, chủ yếu từ 25 – 50 tuổi. Có khoảng 70% phụ nữ mắc hội chứng Cushing, tỷ lệ này ở nam giới là 30%.
Những đối tượng có nguy cơ cao, cần tầm soát hội chứng Cushing gồm:
- Người thừa cân hoặc béo phì.
- Người bệnh tiểu đường type 2 hoặc huyết áp cao khó kiểm soát.
- Trẻ em tăng cân và chậm phát triển chiều cao.
Hội chứng Cushing cần được phân biệt để tránh nhầm lẫn với một số bệnh cấp tính, trầm cảm và béo phì:
- Béo phì: Rất ít khi gặp béo phì nặng ở người mắc hội chứng Cushing. Người bị béo phì thường béo toàn thân, còn hội chứng này chủ yếu gây béo ở phần thân của cơ thể.
- Trầm cảm: Người bị trầm cảm thường tăng nhẹ cortisol niệu, bị rối loạn nhịp ngày đêm và không hề có các triệu chứng của hội chứng Cushing.
- Bệnh cấp tính: Kết quả xét nghiệm bất thường và không thể dùng dexamethasone để ức chế vì sự điều chỉnh bài tiết ACTH đã bị phá vỡ bởi những stress chính như đau, sốt...
Các thay đổi trên cơ thể bệnh nhân mắc hội chứng Cushing:
Thay đổi ngoại hình, thể trạng béo do sự tăng lắng đọng mỡ và phân bố tổ chức mỡ. Thường gặp ở màng bụng, trung thất, dưới da mặt (mặt tròn như mặt trăng), trên xương đòn (dấu hiệu cổ áo), hố thái dương, cổ, gáy (cổ trâu).
Da đỏ và mỏng: Do lớp thượng bì và tổ chức dưới da bị teo, giãn mạch dưới da. Xuất hiện những vết rạn da màu đỏ tím, rộng từ 0,5 – 2cm, bề mặt lõm. Các vị trí thường gặp ở bụng, mông, đùi, nếp lằn vú... Trong trường hợp bệnh nhân nặng có thể rạn da toàn thân.
Lông rậm và nhiều mụn trứng cá do tăng tiết androgen. Triệu chứng này xuất hiện chủ yếu ở nữ. Lông tơ mọc nhiều ở mặt, cũng có thể ở bụng, ngực, vú, đùi, tóc cũng rậm hơn.
Tăng huyết áp.
Rối loạn sinh dục: Đối với phụ nữ còn hoạt động sinh dục bị mất kinh hoặc bị rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, âm vật to hiếm gặp. Đối với nam giới thường giảm khả năng tình dục.
Rối loạn thần kinh tâm lý: Dễ xúc động, chán nản, mất ngủ, lo lắng, giảm trí nhớ.
Yếu, teo cơ gốc chi nhưng cơ lực ở ngọn chi vẫn bình thường. Nguyên nhân là do tăng quá trình dị hóa, giảm quá trình tổng hợp protein và hạ kali máu.
Loãng xương: Bệnh nhân thường bị đau xương như cột sống, xương dài... có thể gãy xương.
Sỏi đường tiết niệu do tăng thải canxi qua đường tiểu, đôi khi có cơn đau quặn thận điển hình.
Đái tháo đường (hiếm gặp).
5. Chi phí khám chữa bệnh
Xét nghiệm chẩn đoán xác định hội chứng Cushing cụ thể:
Các xét nghiệm đặc hiệu định lượng cortisol máu 8 giờ và 20 giờ, bình thường cortisol máu 8 giờ: 120 – 620 nmol/l; 20 giờ: 90 – 460 nmol/l.
Xét nghiệm chẩn đoán xác định cường tiết cortisol: Lấy nước tiểu 24 giờ, định lượng cortisol tự do và creatinine: Cortisol tự do > 100 µg/dl hoặc creatinine > 95mg/mg.
Nghiệm pháp ức chế Dexamethasone.
Các nghiệm pháp ức chế bằng Dexamethason được sử dụng để tầm soát và chẩn đoán nguyên nhân hội chứng Cushing:
- Nghiệm pháp ức chế bằng Dexamethason liều thấp trong hai ngày.
- Nghiệm pháp ức chế bằng 1mg Dexamethason qua đêm.
- Nghiệm pháp ức chế bằng Dexamethason liều cao.
- Nghiệm pháp ức chế bằng Dexamethason liều cao qua đêm.
- Nghiệm pháp kích thích bằng CRH.
Ngoài ra, bệnh nhân được chỉ định các xét nghiệm không đặc hiệu: Công thức máu; Xét nghiệm sinh hóa; Soi đáy mắt; X-quang; Điện tâm đồ... để tìm nguyên nhân gây ra hội chứng Cushing.
Các phương pháp thăm dò hình thể nội tiết cũng được chỉ khi chẩn đoán, phân biệt hội chứng Cushing với các bệnh khác và phát hiện sớm tổn thương vỏ thượng thận. Cụ thể X-quang hố yên; Chụp cắt lớp vi tính sọ não (CT scanner, MRI); MRI tuyến thượng thận; Bơm hơi sau phúc mạc, siêu âm tuyến thượng thận.
Chính vì vậy, việc mỗi bệnh nhân sẽ có chỉ định thăm khám, điều trị khác nhau nên việc chi phí cũng khác nhau. Ví dụ: Chụp Xquang hố yên có giá 130.000 - 300.000VNĐ, Xét nghiệm sinh hóa máu 100.000 - 150.000VNĐ, siêu âm hệ tiết niệu (thận, tuyến thượng thận, bàng quang, tiền liệt tuyến) có chi phí từ 100.000 - 200.000VNĐ.