1. Đông y có chữa được dậy thì sớm?
Dậy thì là một giai đoạn phát triển để cơ thể trở nên hoàn thiện hơn và bước sang giai đoạn trưởng thành. Dậy thì diễn ra nhờ vào sự điều tiết ở các hoạt động của hormone tuyến sinh dục do các cơ quan sinh lý như: tuyến đồi, tuyến yên, tuyến sinh dục phụ trách. Có những yếu tố về di truyền gây nên dậy thì sớm không thể tránh khỏi.
Hiện chưa có tài liệu nào về điều trị chứng dậy thì sớm bằng Y học cổ truyền. Tuy nhiên, vẫn có thể tác động vào ngoại cảnh để hạn chế tình trạng này. Cha mẹ nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, không tẩm bổ quá mức, tránh cho uống thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, tránh thực phẩm chứa steroid tăng trưởng...
2. Cách chăm sóc trẻ dậy thì sớm
Ngoài việc chăm sóc dinh dưỡng, cha mẹ cần là chỗ dựa tâm lý cho trẻ. Khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu phát triển bất thường nào cần đưa trẻ đi khám ngay. Trẻ dậy thì sớm thường cảm thấy lạc lõng với bạn bè, tâm lý sợ hãi, bất an nên cha mẹ nên gần gũi và có sự quan tâm đặc biệt.
Cần hướng dẫn trẻ cách giữ vệ sinh vùng sinh dục hằng ngày, đặc biệt trong kỳ kinh bởi có nhiều bé gái mới 10 - 12 tuổi đã bị viêm âm đạo do vệ sinh không đúng cách. Bà mẹ cần để ý tới trẻ nhiều hơn mỗi khi trẻ đến kỳ kinh. Nếu trẻ bị ra máu nhiều cần đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị. Ngoài ra, thực hiện giáo dục giới tính để trẻ biết cách tránh bị lạm dụng tình dục.
3. Dậy thì sớm gây hậu quả gì?
Trẻ được coi là dậy thì sớm nếu bé gái trước 8 tuổi đã xuất hiện lông mu, âm vật lớn hơn, ngực phát triển và thấy kinh lần đầu trước 12 tuổi. Với bé trai thì trước 9 tuổi đã có râu, yết hầu lớn lên, tiếng nói trầm khàn... Dậy thì sớm gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ, về chiều cao, khung xương thường đóng lại sớm khiến trẻ có chiều cao khi trưởng thành thấp hơn những trẻ khác.
Trẻ dậy thì sớm cũng gặp những vấn đề về tinh thần như: cảm giác tự ti khi khác biệt với bạn bè cùng trang lứa, có lúc cảm thấy chán ghét chính mình. Do trẻ chưa nhận thức đúng về tình dục nên dễ khả năng tự bảo vệ và chăm sóc bản thân chưa tốt, dẫn đến nguy cơ bị lạm dụng và quan hệ tình dục sớm,...
Khi không được chăm sóc tốt, bé gái dậy thì sớm có nguy cơ viêm nhiễm âm hộ, âm đạo, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm dính âm hộ, âm đạo, nhiễm trùng vùng tử cung, buồng trứng. Nguy cơ bệnh lý ở những trẻ dậy thì sớm cũng cao hơn, nhất là các bệnh mạn tính, tim mạch, lão hóa sớm khi trẻ trưởng thành.
4. Dậy thì sớm có điều trị được không?
Với sự phát triển của y học ngày nay, tình trạng dậy thì sớm ở trẻ có thể được điều trị và cho kết quả khả quan. Tùy theo từng nguyên nhân, phương pháp điều trị cũng khác nhau:
- Điều trị nội khoa: Sau khi đã được chẩn đoán nguyên nhân dậy thì sớm, bác sĩ sẽ cho trẻ sử dụng thuốc để điều chỉnh lại quá trình dậy thì. Phương pháp này có thể bao gồm những mũi tiêm nhằm ngăn trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục không tiết quá nhiều hormone Gn-RH. Việc tiêm thuốc được tiến hành hằng tháng cho đến khi trẻ đạt độ tuổi dậy thì bình thường thì dừng lại.
- Phẫu thuật can thiệp: Phương pháp này được thực hiện khi dậy thì sớm có nguồn gốc từ những bệnh lý bất thường như u tuyến thượng thận, u não, u nang buồng trứng... Sau khi được phẫu thuật, trẻ cần được kiểm tra định kỳ để theo dõi kết quả.
5. Chi phí khám chữa dậy thì sớm
Cha mẹ theo dõi nếu con có những biểu hiện dậy thì trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai thì nên đưa con tới khám tại cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi để được thăm khám cụ thể.
Một số cơ sở y tế xây dựng gói khám phát hiện dậy thì sớm ở trẻ em. Gói khám thường bao gồm cả khám sức khỏe tổng quát, kiểm tra xét nghiệm máu, siêu âm bụng, siêu âm tử cung, buồng trứng, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI để đo độ tuổi xương và một số xét nghiệm khác tùy tình trạng của trẻ...
Để điều trị dậy thì sớm, phương pháp chủ yếu được áp dụng là tiêm hormone làm chậm tốc độ tăng trưởng của trẻ. Khi vào cơ thể, nó sẽ ức chế hoạt động của các tuyến nội tiết, làm chậm lại tốc độ tăng trưởng và dậy thì. Hormone này sẽ được tiêm mỗi 4 tuần 1 lần hoặc ở dạng cấy ghép dưới da cánh tay của trẻ 12 tháng một lần.
Tùy từng loại thuốc mà trẻ phải uống hoặc tiêm định kỳ để bổ sung lượng chất cần thiết, kiềm chế sự phát triển trong giai đoạn dậy thì. Đến độ tuổi thích hợp, bác sĩ sẽ ngưng sử dụng thuốc để trẻ dậy thì hoàn toàn đúng độ tuổi.
6. Dùng thuốc điều trị dậy thì sớm có gây hại không?
Điều trị dậy thì sớm là cần thiết để trẻ có thể phát triển thể chất và tinh thần tốt hơn, hạn chế nguy cơ ảnh hưởng tâm sinh lý và bệnh lý trong tương lai. Trẻ được tiêm hormone đúng cách sẽ làm chậm được quá trình dậy thì sớm, vì thế trẻ vẫn có thể đạt được chiều cao cuối theo di truyền của bố mẹ. Các áp lực tâm sinh lý và những nguy cơ khác cũng được hạn chế, giúp trẻ phát triển đúng độ tuổi.
Tuy nhiên, thuốc điều trị dậy thì sớm ở dạng nội tiết tố cần sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ, đảm bảo liều lượng và thời gian sử dụng thích hợp. Nếu lạm dụng dùng sai cách hoặc không đúng liều lượng, trẻ sẽ gặp phải nhiều vấn đề như:
- Rối loạn nội tiết tố, đặc biệt là nội tiết sinh dục không ổn định gây ra sự phát triển không bình thường ở trẻ, nguy cơ bệnh lý ở tuyến nội tiết cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác sau này.
- Chậm hoặc ngưng dậy thì hoàn toàn: Thuốc điều trị nội tiết tố có thể tác dụng ngược, làm ngưng hoặc dừng quá trình dậy thì hoàn toàn ảnh hưởng đến phát triển thể chất và sức khỏe sinh sản khi trẻ trưởng thành.
Ngoài ra, thuốc điều trị dậy thì sớm còn có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như: hình thành khối u nội tiết, rối loạn cảm xúc, giảm thị lực, bất thường hệ thần kinh trung ương, cảm giác đau nhức, ngứa ran tại vị trí tiêm hoặc đặt thuốc, chảy máu âm đạo ở bé gái, đau dạ dày, buồn nôn,...
Do đó, trong quá trình điều trị dậy thì sớm trẻ cần được theo dõi sát sao bởi cả cha mẹ và bác sĩ điều trị. Nếu có dấu hiệu bất thường, hãy thông báo với bác sĩ điều trị để được hỗ trợ. Cha mẹ hãy là người đồng hành cùng trẻ, là nơi giải tỏa, động viên và giải quyết các vấn đề của trẻ trong quá trình trưởng thành này.