Câu hỏi thường gặp liên quan đến chứng nói lắp

14-10-2024 14:31 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Nói lắp không phải là chứng bệnh nguy hiểm đến tính mạng của con người nhưng nó lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người mắc.

1. Đông y có chữa được nói lắp?

Hiện tại chưa thấy Đông y có bài thuốc, vị thuốc nào chữa được nói lắp.

2. Bệnh nói lắp có chữa được không?

Việc chữa trị bệnh nói lắp phụ thuộc vào từng đối tượng mắc nói lắp và nguyên nhân gây nói lắp. Nếu là trẻ em đang tập nói thì trong vài năm đầu, tật nói lắp được coi là bình thường và sẽ dần được cải thiện hoàn toàn nếu được dạy đúng cách.

Người trưởng thành muốn chữa tật này sẽ khó khăn hơn nhiều do đã hình thành thói quen từ lâu, một phần do ảnh hưởng của thần kinh điều khiển và vấn đề về tâm lý.

2. Tập hát nhiều có chữa được nói lắp không?

Hiện tại chưa có nghiên cứu nào chứng minh được việc hát nhiều giúp cải thiện nói lắp.

Song thực tế một số bệnh nhân chỉ nói lắp trong giao tiếp thông thường hay thuyết trình còn khi hát thì không gặp tình trạng đó.

Lúc này người mắc có thể gặp chuyên gia để có thêm lời khuyên, giúp trị liệu hiệu quả hơn.

3. Những phương pháp nào dùng để khắc phục nói lắp?

Việc khắc phục nói lắp thường bao gồm tư vấn cho các bậc phụ huynh và liệu pháp ngôn ngữ cho trẻ. Mục tiêu chính của việc khắc phục là để giúp trẻ học nói một cách trôi chảy nhất.

Vì mỗi người sẽ có nhu cầu và khả năng khác nhau, nên một phương pháp hoặc nhiều phương pháp kết hợp có thể hữu ích cho người này nhưng không có hiệu quả cho người khác. Một vài ví dụ về phương pháp điều trị (không theo thứ tự về tính hiệu quả) bao gồm:

Kiểm soát sự lưu loát: Đây là loại trị liệu ngôn ngữ dạy bạn nói chậm và nhận ra khi nào mình nói lắp. Bạn có thể nói chuyện rất từ từ khi bắt đầu trị liệu, nhưng theo thời gian, có thể dần dần phát triển nói tự nhiên hơn;

Thiết bị điện tử: Một số thiết bị điện tử làm chậm phản hồi thính giác đòi hỏi bạn phải nói từ từ nếu không giọng nói sẽ bị bóp méo thông qua thiết bị. Một phương pháp khác là bắt chước lời nói như bạn đang đồng thanh với người khác. Một số thiết bị điện tử nhỏ có thể được dùng trong các hoạt động hàng ngày;

Liệu pháp hành vi nhận thức: Đây là loại tư vấn tâm lý có thể giúp bạn xác định và thay đổi cách suy nghĩ làm tình trạng nói lắp nặng hơn. Liệu pháp này cũng giúp bạn giải quyết căng thẳng, lo âu hay lòng tự trọng, những vấn đề cơ bản liên quan đến nói lắp.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến chứng nói lắp- Ảnh 1.

Khi mắc chứng nói lắp cần kiên trì luyện tập.

4. Nói lắp ở trẻ cần phòng như thế nào?

Từ khi còn nhỏ, nên có các biện pháp phát triển ngôn ngữ và kỹ năng xã hội như là:

Về gia đình

Cha mẹ nên tạo sự bình đẳng cho con cái, không tạo áp lực, quan tâm và kiên nhẫn lắng nghe con trẻ từ khi còn nhỏ.

Nên dành thời gian nhiều cho con cái để hiểu rõ các vấn đề trẻ đang gặp phải, cùng luyện tập, nói chuyện, tâm sự để phát triển ngôn ngữ cho con cái.

Về nhà trường

Nên tạo ra các hoạt động phát triển kỹ năng cá nhân cho trẻ, nhất là kỹ năng giao tiếp.

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa để giúp trẻ được thể hiện bản thân.

Có các biện pháp hỗ trợ tâm lý cho những trẻ, giúp trẻ có khả năng giải quyết vấn đề.

5. Cách nào khắc phục nói lắp sau sinh?

Nói lắp sau sinh trở thành một vấn đề khá thường gặp ở các chị em. Việc chữa khỏi là điều mà các chị em đều mong muốn, cần sự kiên trì cao trong quá trình tập luyện để giảm nói lắp.

Để khắc phục chứng nói lắp sau sinh, các chị em cần phải tập cách nói chậm rãi, nói từng từ một, không nói quá nhanh, nói canh nhanh thì căng khó kiểm soát được, suy nghĩ trước những gì định nói.

Các bà mẹ cũng đừng lo lắng quá, suy nghĩ quá nhiều mà hãy sắp xếp công việc chăm sóc con, để có thời gian được nghỉ ngơi thư giãn, nhờ vậy mới đảm bảo được cả sức khỏe thể chất và tinh thần.

Khi nói lắp thì không chỉ riêng mỗi người phụ nữ sau sinh cần cố gắng vượt qua mà còn rất cần sự hỗ trợ, cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ của người thân trong gia đình, đặc biệt là người chồng. Các thành viên trong gia đình nên quan tâm và chia sẻ công việc chăm sóc trẻ, giúp cho họ có thể thoải mái về tâm lý thì sẽ giúp hạn chế được tình trạng trên.

6. Nói lắp gây khó khăn gì cho người mắc?

Nói lắp khiến cho người mắc khó khăn trong trình bày nội dung muốn truyền đạt. Dù người nói có thể nói hết câu thì cũng khó mà nói hay và trôi chảy như người khác. Điều đó là điểm yếu rất lớn khiến người nói lắp gặp khó khăn hơn trong cuộc sống và công việc, có thể vì nó mà đánh mất đi nhiều cơ hội tốt.

Bệnh nói lắp luôn khiến người mắc tự ti, mất tự tin về bản thân, ngại giao tiếp. Thường không dám nói vì sợ chứng nói lắp của mình sẽ "gây cười" cho người khác, từ đó có thể dẫn đến nhiều bệnh về tâm lý khác.

Các vấn đề tâm lý mà người nói lắp có thể gặp phải:

- Khó khăn khi giao tiếp nói chung.

- Không thích chỗ đông người hoặc từ chối kết nối với người khác.

- Bỏ lỡ các hoạt động ngoài xã hội, ở trường hay ở nơi làm việc.

- Bị bắt nạt, kỳ thị, xa lánh bởi một nhóm người nào đó.

- Thiếu tự tin, khép mình, ít cởi mở với thế giới bên ngoài.

- Mắc bệnh trầm cảm, tự kỷ, rối loạn tăng động, rối loạn cảm xúc....

7. Khi nào người lớn bị nói lắp nên đến gặp bác sĩ?

Nói lắp ở người lớn khi có một trong các dấu hiệu sau nên đến gặp ngay bác sĩ, chuyên gia ngôn ngữ học để được trị liệu tốt nhất:

Nói lắp kéo dài hơn 6 tháng.

Nói lắp xảy ra thường xuyên hơn trong các cuộc giao tiếp.

Căng cơ mặt và phần trên cơ thể kèm theo nói lắp.

Khó khăn về mặt cảm xúc khi tham gia giao tiếp.

Nói lắp ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân và chất lượng cuộc sống của bạn.

Nói lắp: Nguyên nhân, triệu chứng, cách khắc phục và phòng ngừaNói lắp: Nguyên nhân, triệu chứng, cách khắc phục và phòng ngừa

SKĐS - Nói lắp là một tật do rối loạn ngôn ngữ. Nói lắp không phải là bệnh, nhưng nói lắp thường dẫn đến nhiều phiền phức và khó khăn cho người mắc phải.


BS. Lê Thanh Huyền
Ý kiến của bạn