Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh xơ cứng bì toàn thể

22-10-2024 16:07 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Xơ cứng bì toàn thể là bệnh tự miễn dịch đặc trưng bởi xơ cứng da và tổn thương ở các cơ quan nội tạng. Đây là bệnh gặp nhiều ở phụ nữ trung niên. Việc khám và điều trị bệnh sớm sẽ giúp giảm thiểu đau đớn, khó chịu, cũng như các nguy cơ về sức khỏe.

Bệnh xơ cứng bì toàn thể: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnhBệnh xơ cứng bì toàn thể: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Xơ cứng bì toàn thể (hay còn gọi là xơ cứng bì hệ thống) là một bệnh lý mạn tính, một dạng rối loạn miễn dịch ảnh hưởng đến da và các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Bệnh hiếm gặp và xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn bất thường khiến cơ thể sản xuất quá nhiều protein collagen.

1. Đông y có chữa được xơ cứng bì toàn thể không?

Xơ cứng bì toàn thể là một bệnh mạn tính rối loạn tự miễn dịch có liên quan tới da và các cơ quan nội tạng, vì vậy đông y không thể chữa được. Tuy nhiên, có nhiều phương thuốc có thể hỗ trợ giúp bệnh nhân nâng cao sức đề kháng và khỏe mạnh hơn.

2. Các phương pháp điều trị xơ cứng bì toàn thể

Hiện nay chưa có phương pháp hoặc thuốc điều trị khỏi bệnh, nên chủ yếu điều trị bệnh xơ cứng bì là điều trị triệu chứng nhằm kiểm soát đợt tiến triển của bệnh, điều trị biến chứng và hạn chế các biến chứng của bệnh.

  • Điều trị các triệu chứng và hội chứng bệnh

- Nếu có triệu chứng ở da (Calci hóa da, xơ cứng da…): D-penicillamin, colchicin, interferon gama, kem giữ ẩm da, thuốc ức chế histamin H1.

- Các triệu chứng xương khớp: Vật lý trị liệu và vận động liệu pháp, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid.

- Hội chứng mạch (Raynaud): Ủ ấm đầu chi, vật lý trị liệu, thuốc giãn mạch ngoại vi, nhóm thuốc chẹn kênh calci…

- Tổn thương nội tạng (hội chứng dạ dày, thực quản, tăng áp lực động mạch phổi, xơ phổi…): Nhóm thuốc corticosteroid, nhóm thuốc ức chế miễn dịch, thuốc ức chế bơm proton …

  • Điều trị cụ thể

Điều trị không dùng thuốc: Chế độ ăn giàu protein và vitamin, không hút thuốc lá, giữ ấm bàn tay, bàn chân. Điều trị vận động liệu pháp và vật lý trị liệu (nhiệt trị liệu ở các đầu chi, ngâm bùn hoặc ngâm nước khoáng vùng da bị xơ cứng). Dùng kem giữ ẩm da, ánh sáng trị liệu…

- Điều trị bằng thuốc:

  • Điều trị hội chứng Raynaud: Thuốc chẹn kênh calci, buflomedil chlohydrat, ginkgo biloba.
  • Điều trị xơ cứng da và calci hóa ở da: D-penicillamin, Colchicin, thuốc ức chế histamin H1, Relaxin.
  • Điều trị chứng trào ngược dạ dày: Nhóm thuốc ức chế bơm proton.
  • Điều trị tổn thương xương khớp: Thuốc chống viêm không steroid diclofenac, meloxicam, celecocib. Cần lưu ý các tác dụng phụ của thuốc trên hệ thống dạ dày, ruột.
  • Điều trị tăng áp lực động mạch phổi: Prostacyclin khí dung hoặc uống, thuốc ức chế thụ thể endothelin, chẳng hạn như bosentan, sildenafil, thuốc ức chế men chuyển.
  • Các thuốc ức chế miễn dịch: Áp dụng điều trị cho các bệnh nhân xơ cứng bì có tổn thương mạch, có nguy cơ hoại tử đầu chi hoặc có tổn thương phổi kẽ… có thể dùng phương pháp lọc huyết tương để loại bỏ các phức hợp miễn dịch trong các trường hợp tiến triển nặng.

- Điều trị ngoại khoa:

  • Chỉ định điều trị ngoại khoa cắt bỏ phần chi hoại tử khi điều trị nội khoa không kết quả.
  • Xơ cứng bì toàn thể là bệnh lý nguy hiểm, không nên tự ý điều trị bệnh bằng thuốc tại nhà mà cần được thăm khám bởi các bác sĩ có chuyên môn để được chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị hiệu quả.

Ngoài ra, bệnh nhân cần điều trị vật lý trị liệu để phục hồi chứng năng vận động, làm mềm da. Phổ biến nhất là điều trị suối khoáng.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh xơ cứng bì toàn thể- Ảnh 2.

Xơ cứng bì toàn thể là bệnh tự miễn dịch đặc trưng bởi xơ cứng da và tổn thương ở các cơ quan nội tạng.

3. Xơ cứng bì toàn thể có chữa khỏi được không?

Xơ cứng bì toàn thể là một bệnh hệ thống chưa rõ nguyên nhân, với đặc điểm giảm độ đàn hồi, xơ cứng ở da, tổn thương vi mạch và tổn thương các cơ quan nội tạng (chủ yếu ở đường tiêu hóa, mạch máu, tim, phổi, thận). Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị xơ cứng bì toàn thể hiệu quả. Tuy nhiên, có nhiều biện pháp điều trị triệu chứng để giảm thiểu các tổn thương cũng như kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

4. Đối tượng nào có nguy cơ cao mắc bệnh xơ cứng bì toàn thể?

Nội tiết là yếu tố làm khởi phát bệnh. Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ cứng bì toàn thể bao gồm:

  • Di truyền: Những người có thành viên gia đình mắc bệnh sẽ có nguy cơ bị xơ cứng bì toàn thể cao hơn.
  • Môi trường: Ở trong môi trường bị ô nhiễm, nhiễm độc kết hợp với rối loạn nội tiết khiến bệnh khởi phát nhanh và diễn biến phức tạp.
  • Tuổi tác: Bệnh xảy ra ở hầu hết mọi lứa tuổi, tuy nhiên độ tuổi dễ mắc bệnh là từ 40 – 50.
  • Giới tính: Nữ giới dễ mắc bệnh hơn nam.

Bệnh nhân cần hiểu về bệnh lý xơ cứng bì và các thuốc điều trị để đảm bảo tuân thủ điều trị bệnh.

Cần kiểm soát tình trạng Raynaud: Bệnh nhân mặc ấm, đi găng tay, tất chân, không hút thuốc lá, không sử dụng các thuốc có tính chất co mạch (amphetamin, ergotamin…).

Bệnh nhân nên dùng các loại xà phòng tránh khô da, thoa kem làm mềm da, xoa bóp da thường xuyên. Không nên lạm dụng mỹ phẩm trên da…

Kiểm soát tình trạng trào ngược thực quản: Bệnh nhân nên ăn thành nhiều bữa nhỏ, không ăn quá no, nên nằm đầu cao, không nằm ngay sau khi ăn, tránh lạm dụng cà phê, thuốc lá và các chất kích thích khác.

Người bệnh cần tập thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe, tập thở và xoa bóp toàn thân thường xuyên.

Bệnh nhân được theo dõi và quản lý ngoại trú, khám định kỳ 1 - 3 tháng/lần, tùy theo tình trạng và tiến triển của bệnh.

Cần khám và đánh giá các triệu chứng lâm sàng: Tình trạng xơ cứng da, hội chứng Raynaud, các điểm hoại tử đầu chi, tình trạng rối loạn nhu động thực quản, tình trạng khó thở, tình trạng nhiễm khuẩn.

Bệnh xơ cứng bì chưa rõ nguyên nhân nên việc phòng bệnh chủ yếu là phòng các biến chứng của bệnh.

5. Chi phí khám chữa bệnh xơ cứng bì toàn thể

Người bệnh được thăm khám lâm sàng, kiểm tra xơ bì trên da tìm biến chứng. Tùy vào mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể được chỉ định xét nghiệm thường quy: Công thức máu, đường huyết, chức năng gan, chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu…

Các xét nghiệm cận lâm sàng để xác định thiệt hại ở các bộ phận, cơ quan khác như điện tim, siêu âm tim, nội soi tiêu hóa trên, thử nghiệm chức năng phổi…

Các xét nghiệm cần chỉ định mỗi lần tái khám: Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi, tốc độ máu lắng. Chức năng gan, thận. Tổng phân tích nước tiểu. Chụp tim phổi (chụp CT scaner phổi trong trường hợp nghi ngờ có tổn thương phổi kẽ, xơ phổi…). Siêu âm tim và đo áp lực động mạch phổi.

Chi phí của xét nghiệm tổng quát cơ bản dao động từ 1.500.000 – 1.600.000 VNĐ, siêu âm Doppler tim có giá khoảng 400.000- 587.000 VNĐ, nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng không sinh thiết có giá dao động từ 244.000 -1.000.000 VNĐ. Các chi phí này cũng khác nhau ở các cơ sở y tế.

Điều trị bệnh xơ cứng bì toàn thểĐiều trị bệnh xơ cứng bì toàn thể

SKĐS - Xơ cứng bì toàn thể là bệnh nặng, có nhiều biểu hiện và diễn biến phức tạp. Tùy từng tình trạng, mỗi bệnh nhân sẽ có phác đồ điều trị khác nhau, nhằm giảm triệu chứng bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống…


BS. Nguyễn Minh Ngọc
Ý kiến của bạn