1. Những đối tượng nào dễ mắc viêm màng ngoài tim?
Hiện nay, rất nhiều đối tượng có thể dễ dàng mắc bệnh viêm màng ngoài tim, điển hình như: Nhóm người bị nhiễm trùng, sức đề kháng kém gồm người nhiễm virus (cúm, HIV, COVID-19). Người nhiễm vi khuẩn (lậu, lao, tụ cầu vàng), nhiễm nấm và các tình trạng nhiễm khuẩn khác. Nhiễm ký sinh trùng (sốt rét, sán dây).
- 1. Những đối tượng nào dễ mắc viêm màng ngoài tim?
- 2. Đông y có thể chữa được viêm màng ngoài tim không?
- 3. Viêm màng ngoài tim có thể dẫn đến những biến chứng gì?
- 4. Những biện pháp phổ biến để kiểm tra, chẩn đoán bệnh viêm màng ngoài tim?
- 5. Viêm màng ngoài tim có lây không,có tự khỏi không?
- 6. Chi phí khám chữa bệnh viêm màng ngoài tim
Những người có bệnh lý toàn thân cũng dễ bị viêm màng ngoài tim như: Bệnh tự miễn (lu-pus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì). Bệnh lý ác tính (ung thư phổi, ung thư tụy…). Bệnh thận mạn tính (suy thận).
Người có bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim cấp, người từng phẫu thuật tim, người có bệnh lý van tim, suy tim, người sau chấn thương ngực hoặc sau các can thiệp tim mạch cũng dễ mắc viêm màng ngoài tim.
2. Đông y có thể chữa được viêm màng ngoài tim không?
Hiện nay, phác đồ điều trị của ngành y tế về bệnh viêm màng ngoài tim chưa nhắc đến đông y. Vậy nên, nếu người bệnh lựa chọn đông y hay các loại lá cây thì cần hết sức cẩn trọng, vì nếu điều trị không đúng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thực tế đã cho thấy, người viêm màng ngoài tim nếu không điều trị kịp thời, đúng hướng dẫn dễ dẫn đến bệnh tái phát hoặc trở thành mạn tính.
3. Viêm màng ngoài tim có thể dẫn đến những biến chứng gì?
Theo nghiên cứu thực tế, bệnh viêm màng ngoài tim có thể dẫn tới các biến chứng sau đây:
Tràn dịch màng ngoài tim (pericardial effusion): Tràn dịch ở khoang màng ngoài tim, làm tăng áp lực trong khoang màng ngoài tim gây chèn ép và ảnh hưởng đến chức năng bơm máu của tim dẫn đến suy tim cấp. Nặng có thể dẫn đến chèn ép tim cấp, gây rối loạn huyết động, tụt huyết áp và sốc tim có thể dẫn tới tử vong.
Với người khi bị viêm màng ngoài tim co thắt (constrictive pericarditis) có thể dẫn đến biến chứng màng ngoài tim dày lên, cứng, gây hạn chế sự giãn nở của tim, gây tổn thương cơ tim.
Viêm màng ngoài tim có thể gây tổn thương cơ tim, rối loạn nhịp tim. Bên cạnh đó, một số người có thể gặp các đợt viêm màng ngoài tim tái phát, dẫn đến tình trạng viêm màng ngoài tim mạn tính…
4. Những biện pháp phổ biến để kiểm tra, chẩn đoán bệnh viêm màng ngoài tim?
Hiện nay, có nhiều biện pháp để chẩn đoán chính xác viêm màng ngoài tim. Cụ thể như:
Điện tâm đồ: Có thể thấy các thay đổi điển hình như đoạn ST (sóng điện tim) chênh lên...
Siêu âm tim: Hình ảnh thường thấy là tràn dịch màng ngoài tim, bên cạnh đó còn đánh giá cấu trúc và chức năng tim, bệnh lý van tim đi kèm...
Chọc dò dịch màng ngoài tim: Để xác định nguyên nhân (nhiễm trùng, ung thư...). Các xét nghiệm máu như công thức máu, CRP, procalcitonin... để đánh giá tình trạng viêm.
Chụp X-Quang ngực thẳng: Có thể phát hiện tràn dịch màng ngoài tim, màng phổi, nhu mô phổi...
5. Viêm màng ngoài tim có lây không, bệnh có tự khỏi không?
Trong hầu hết các trường hợp, viêm màng ngoài tim không phải là bệnh lây nhiễm.
Trong một số trường hợp, bệnh viêm màng ngoài tim có thể tự khỏi mà không cần điều trị, đặc biệt là các trường hợp viêm do nguyên nhân không rõ ràng. Chỉ cần điều trị triệu chứng và các thuốc kháng viêm. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào mức độ viêm, các triệu chứng lâm sàng và các yếu tố nguy cơ khác của từng bệnh nhân.
Do đó, khi bị viêm màng ngoài tim, dù có thể tự khỏi trong một số trường hợp, vẫn nên được theo dõi và điều trị thích hợp để tránh tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra như tràn dịch màng tim, rối loạn nhịp tim, hoặc suy tim...
6. Chi phí khám chữa bệnh viêm màng ngoài tim
Hiện nay, chi phí khám và điều trị bệnh viêm màng ngoài tim tùy thuộc vào thời gian nằm viện và bệnh viện công lập hay tư nhân, có thẻ bảo hiểm y tế hay không có thẻ bảo hiểm y tế.
Đối với bệnh nhân viêm màng ngoài tim có thẻ bảo hiểm y tế, khám và điều trị ở các cơ sở y tế công lập, chi phí dao động từ 1 đến dưới 5 triệu đồng. Các chi phí này bao gồm: siêu âm tim, điện tâm đồ, X-Quang, các xét nghiệm và những loại thuốc điều trị cần thiết (thuốc Colchicine, Corticosteroid, kháng sinh…), tiền lưu trú...
Đối với bệnh nhân viêm màng ngoài tim không có thẻ bảo hiểm y tế, khám và điều trị ở các cơ sở y tế công lập cần chuẩn bị từ 5 đến 8 triệu đồng. Các chi phí này bao gồm: siêu âm tim, điện tâm đồ, X-Quang, các xét nghiệm và những loại thuốc điều trị cần thiết (thuốc Colchicine, Corticosteroid, kháng sinh…), tiền lưu trú...
Nếu người viêm màng ngoài tim lựa chọn các bệnh viện quốc tế, bệnh viện tư nhân có các dịch vụ theo yêu cầu thì giá cả tùy thuộc vào thỏa thuận giữa hai bên.