Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh viêm họng

15-03-2024 20:37 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Viêm họng là một bệnh phổ biến ở chuyên khoa tai mũi họng. Do viêm họng hay xảy ra nên nhiều người sẽ chủ quan và thường tự điều trị bằng các phương pháp dân gian tại nhà hoặc tự mua thuốc không theo kê đơn của bác sĩ về uống… việc này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Viêm họng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhViêm họng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Viêm họng là một dạng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp phổ biến, xuất hiện thường xuyên ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Vậy nguyên nhân, triệu chứng của căn bệnh này như thế nào, bị viêm họng chữa ở đâu, có thuốc gì đặc hiệu điều trị viêm họng không?.

1. Đông y có chữa được bệnh viêm họng không?

Viêm họng là tình trạng niêm mạc họng bị viêm do các tác nhân virus hoặc vi khuẩn gây ra. Vì thế đông y không thể chữa được. Tuy vậy, các phương pháp đông y có thể hỗ trợ điều trị người bệnh viêm họng nhanh chóng phục hồi và giảm các triệu chứng của bệnh.

2. Cách xử trí khi bị viêm họng

Đa phần các trường hợp bị viêm họng không nguy hiểm. Nhưng một số ít trường hợp viêm họng ở người có sức khỏe yếu hoặc điều trị không tốt - nhất là nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, có thể tiến triển và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vì vậy, khi bị viêm họng cần phải chăm sóc và điều trị đúng cách.

Khi cơ thể có biểu hiện ho, đau họng, chảy nước mũi… nên theo dõi tại nhà. Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh và làm thông thoáng mũi. Đồng thời cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ, thường xuyên súc miệng bằng nước muối. Nên ăn thức ăn dạng lỏng, mềm như cháo, súp… và uống thật nhiều nước để giúp làm loãng dịch đờm. Nếu có những biểu hiện bệnh nghiêm trọng, bệnh nhân nên đi khám để được các bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Trong trường hợp sốt cao, có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu bệnh nhân có biểu hiện ho nhiều, nên đưa bệnh nhân đi khám để được các bác sĩ kê loại thuốc ho phù hợp.

Trong trường hợp bệnh nhân có biểu hiện viêm họng do liên cầu khuẩn như sốt cao, đau đầu, có chất xuất tiết ở họng… thì cũng không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh. Cần đi khám để được các bác sĩ chẩn đoán bệnh và kê những loại thuốc kháng sinh phù hợp.

Khi được bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh, bệnh nhân nên tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Sau khi uống thuốc, dù bệnh đã thuyên giảm thì bệnh nhân vẫn không nên tự ý dừng thuốc, cần uống đủ liều thuốc mà bác sĩ đã kê.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh viêm họng- Ảnh 2.

Viêm họng là một bệnh phổ biến ở chuyên khoa tai mũi họng.

3. Cách chăm sóc viêm họng tại nhà

Khi bị viêm họng việc chăm sóc tại nhà vô cùng quan trọng. Người bệnh cần theo dõi nhiệt độ, nếu sốt cần uống thuốc theo chỉ định của các bác sĩ. Cần vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn và mỗi khi ngủ dậy bằng bàn chải đánh răng. Súc họng bằng nước muối pha loãng sẽ giúp nhanh khỏi và giảm đau họng.

Cần ăn các thức ăn loãng, mềm cho dễ nuốt. Hạn chế những thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ và gia vị, vì sẽ gây kích thích niêm mạc cổ họng, tăng tình trạng sưng đau, ứ đọng nhiều đờm đặc ở cổ họng. Không cố nuốt các thức ăn khô cứng và khó nuốt, vì có thể sẽ làm niêm mạc họng bị tổn thương, lâu khỏi bệnh.

Cần hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều acid để tránh tổn thương thêm niêm mạc họng và gia tăng các triệu chứng viêm họng. Không uống rượu bia, cà phê, thuốc lá và các chất kích thích, vì có thể sẽ gây kích ứng niêm mạc họng và làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng ho, ứ đờm, đau rát cổ họng, khàn tiếng

Có thể uống nước/trà pha với mật ong, điều này sẽ giúp cải thiện chứng đau họng, giảm viêm. Chanh rất tốt trong chữa trị tình trạng viêm, vì chanh có thể làm giảm bớt chất nhầy trong họng và giảm đau. Pha nước chanh vào một cốc nước ấm và uống sẽ giúp giảm đau nhanh chóng.

4. Bệnh viêm họng có chữa khỏi không?

Viêm họng là vấn đề thường gặp, bệnh có thể khỏi hoàn toàn nếu chăm sóc và điều trị đúng. Bệnh sẽ tự hồi phục trong khoảng 7 - 10 ngày mà không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, nếu triệu chứng không giảm hoặc tình trạng ngày càng trầm trọng hơn như sưng tấy cổ, đau họng kèm sốt cao, thì có thể là do virus, vi khuẩn, siêu vi cảm cúm gây nên, cần phải đến bác sĩ để được khám và điều trị đúng cách.

5. Lưu ý với trẻ em, người cao tuổi… khi bị viêm họng

Viêm họng ở người lớn, nhất là người cao tuổi và trẻ em, nếu không được điều trị một cách kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng tai (viêm tai), nhiễm trùng xoang (viêm xoang), viêm phổi, viêm màng não và sốt thấp khớp.

Bệnh thấp khớp được xem là một biến chứng nặng của viêm họng. Nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, có thể làm cho các vi khuẩn còn lại trong amidan kích thích các phản ứng miễn dịch một cách dai dẳng, dẫn tới việc gây viêm ở các bộ phận khác trong cơ thể bao gồm não, tim, khớp và da. Tình trạng này được gọi là sốt thấp khớp và thường xảy ra sau 2 - 4 tuần sau khi bị viêm họng. Hậu quả nghiêm trọng nhất của bệnh lý thấp khớp là ảnh hưởng đến tim, có thể gây ra sẹo ở van tim.

Một số phản ứng của hệ thống miễn dịch của người bị viêm họng cũng có thể gây ra chứng viêm thận (viêm cầu thận) sau khi bị liên cầu khuẩn tấn công. Biến chứng này phổ biến hơn, nhưng lại ít nguy hiểm so với sốt thấp khớp.

Viêm thận có thể xảy ra từ 1 - 3 tuần sau khi viêm họng và có xu hướng tự khỏi trong vòng vài ngày mà không gây ra bất kỳ tổn thương nào. Trẻ em có nguy cơ bị viêm thận cao sau khi bị viêm họng.

6. Chi phí khám chữa bệnh

Viêm họng là một bệnh lý thuộc nhóm tai mũi họng, nên thường gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở trẻ em. Việc thăm khám viêm họng nói riêng cũng như tai mũi họng nói chung với chi phí không quá cao. Tùy từng cơ sở y tế mà có giá dao động từ 50.000 đồng đến 150.000đồng hoặc 500.000đ.

Tương tự việc điều trị cũng tùy thuộc vào từng người bệnh và cơ sở y tế, các chi phí dao động từ 350.000 đồng – 800.000 đồng/lần.

Nguyên nhân gây viêm họng, viêm thanh quảnNguyên nhân gây viêm họng, viêm thanh quản

SKĐS - Vào mùa lạnh, đặc biệt là những đợt rét đậm đột ngột, bệnh viêm họng, viêm thanh quản rất dễ xuất hiện. Đối tượng hay mắc là trẻ nhỏ, người già và những người phải nói nhiều, làm việc lâu ngoài trời.


BS Nguyễn Văn Dũng
Ý kiến của bạn