Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tinh hoàn ẩn

09-10-2024 17:12 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh tinh hoàn ẩn là cần thiết để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như khả năng sinh sản của người bệnh sau này.

1. Đông y có chữa được bệnh tinh hoàn ẩn?

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về điều trị tinh hoàn không xuống bìu.

Phương pháp điều trị nội khoa bằng nội tiết đã có nhiều tác giả trên thế giới nghiên cứu, mặc dù chưa có phác đồ điều trị thống nhất, nhưng cũng mang lại thành công nhất định với mức độ khác nhau khoảng 20-30%. Tuy nhiên cần điều trị nhiều đợt và hiệu quả với thể nằm phần thấp ống bẹn, song phần lớn bệnh nhi cần can thiệp phẫu thuật là phương pháp hiệu quả nhất.

Đông y không thấy có y văn nào nhắc đến chữa bệnh tinh hoàn ẩn.

2. Cách sơ cứu bệnh tinh hoàn ẩn

Bệnh lý tinh hoàn ẩn không phải là cấp cứu nên không có sơ cứu.

3. Cách chăm sóc bệnh tinh hoàn ẩn

Xu hướng chung trên thế giới và Việt Nam, tuổi hạ tinh hoàn xuống bìu ngày càng sớm nhưng đa số tác giả đồng thuận 1-2 tuổi. Vì vậy bố mẹ cần phát hiện tình trạng tinh hoàn chưa xuống bìu càng sớm càng tốt và cần khám để được các chuyên gia y tế tư vấn, theo dõi, lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp, kịp thời.

Không nên tự ý dùng các bài thuốc dân gian hoặc chờ cho trẻ lớn tinh hoàn sẽ tự xuống vì những khó khăn cho điều trị khi trẻ lớn tuổi và các biến chứng teo tinh hoàn, ung thư tinh hoàn...

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tinh hoàn ẩn- Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa tinh hoàn ẩn ở trẻ.

3.1. Chăm sóc trước khi phẫu thuật đối với trẻ bị tinh hoàn ẩn

Trước khi phẫu thuật, bố mẹ cần cho trẻ nhập viện ít nhất 1 ngày để tiến hành các thủ tục nhập viện, thực hiện các xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của bác sĩ. Các xét nghiệm này có thể xác định trẻ bị tinh hoàn ẩn có đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện phẫu thuật không.

Trước phẫu thuật tinh hoàn ẩn, bố mẹ nên cho trẻ nhịn ăn ít nhất 6 tiếng trước khi phẫu thuật.

3.2. Chăm sóc sau phẫu thuật đối với trẻ bị tinh hoàn ẩn

Việc chăm sóc trẻ sau phẫu thuật tinh hoàn ẩn vô cùng quan trọng, bố mẹ nên lưu ý:

  • Sau phẫu thuật, trẻ nên tránh vận động, cử động quá nhiều vì có thể ảnh hưởng đến vết mổ.
  • Trẻ có thể được ăn sau khi về phòng bệnh khoảng 3 - 4 giờ. Tuy nhiên, bố mẹ nên ưu tiên cho trẻ ăn các thức ăn mềm như cháo, sữa...
  • Trong quá trình chăm sóc, nếu trẻ xuất hiện tình trạng đau nhiều, sưng đỏ, bố mẹ nên thông báo với bác sĩ và nhân viên y tế để được hỗ trợ kịp thời.
  • Đo nhiệt độ thường xuyên cho trẻ. Nếu trẻ xuất hiện bất cứ dấu hiệu nhiễm trùng nào cũng cần thông báo ngay lập tức đến bác sĩ.
  • Thông thường, 1 tuần sau phẫu thuật tinh hoàn ẩn trẻ cần phải thay băng vết mổ để đảm bảo vệ sinh. Tần suất thay bằng là 2 lần/ngày.
  • Đảm bảo trẻ uống thuốc giảm đau được kê đơn đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ. Thông báo cho bác sĩ nếu thuốc giảm đau không giúp giảm đau hoặc nếu có bất kỳ phản ứng phụ nào cho trẻ.
  • Hạn chế việc ngồi lâu và giữ cho vùng phẫu thuật ở vị trí cao hơn cơ thể để giảm sưng.
  • Tuân thủ đúng lịch trình tái khám và theo dõi hướng dẫn của bác sĩ khi chăm sóc cho trẻ. Thường là tái khám sau 2 tuần, 6 tháng, 12 tháng.
  • Việc tắm cho trẻ sau phẫu thuật cũng rất quan trọng, tránh việc tác động đến vết mổ nhất có thể.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tinh hoàn ẩn- Ảnh 2.

Bác sĩ sẽ theo dõi sau phẫu thuật để đảm bảo tinh hoàn được phát triển và hoạt động bình thường.

4. Bệnh tinh hoàn ẩn có chữa khỏi không?

Nếu tinh hoàn của trẻ không thể tự di chuyển về đúng vị trí trong vài tháng đầu sau sinh, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện phẫu thuật hạ tinh hoàn xuống cho trẻ. Đây là phương pháp điều trị tinh hoàn ẩn phổ biến và hiệu quả nhất với tỷ lệ thành công lên đến 90%.

Trẻ mắc bệnh nên được phẫu thuật trước 2 tuổi và có thể phẫu thuật sớm trước 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy khoảng thời gian phẫu thuật tốt nhất là khi trẻ nằm trong giai đoạn từ 6 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi bởi sau khi trẻ được 1 tuổi, số lượng tế bào mầm trong tinh hoàn giảm nhanh, xuất hiện các tế bào Leydid bất thường, các ống sinh tinh bắt đầu bị xơ hóa gây ảnh hưởng đến khả năng sinh tinh về sau của trẻ.

Ở phương pháp phẫu thuật hạ tinh hoàn, trẻ sẽ được gây mê toàn thân. Sau đó bác sĩ sẽ rạch một vết cắt nhỏ trên da bé ở vùng bẹn nhằm đưa tinh hoàn về đúng vị trí. Trong một số trường hợp, tinh hoàn teo nhỏ, không phát triển, bác sĩ có thể cắt bỏ tinh hoàn.

Mặc dù phẫu thuật hạ tinh hoàn mang lại hiệu quả điều trị cao nhưng một số trẻ sau khi phẫu thuật, tinh hoàn bị kéo ngược lại bìu (tinh hoàn ẩn tái phát). Tình trạng này thường sẽ xuất hiện ở vài tuần sau mổ, lúc này, trẻ cần phải phẫu thuật lại.

Theo dõi sau mổ: giảm đau trong 24 – 48h sau phẫu thuật, vết mổ được giữ khô trong 48h, trẻ cần tránh các động tác dạng chân và không tập thể dục trong 1 – 2 tuần sau phẫu thuật, tái khám sau 2 tuần, 6 tháng, 12 tháng.

Ngoài phẫu thuật, trẻ bị ẩn tinh hoàn có thể được hỗ trợ điều trị bằng hormone. Bác sĩ sẽ tiêm bắp HCG nhằm kích thích cơ thể trẻ sản xuất hormone sinh dục nam, kéo tinh hoàn xuống bìu. Tuy nhiên, phương pháp có nhiều tác dụng phụ, do đó, trước khi này bố mẹ cần cân nhắc kỹ lưỡng và có sự đồng ý, theo dõi của các chuyên gia nội tiết và bác sĩ chuyên khoa.

Trẻ có thể về nhà sau khi hồi tỉnh và nên mặc quần áo rộng rãi, thông thoáng. Đồng thời, trẻ cần được tái khám định kỳ đầy đủ và đúng lịch theo chỉ dẫn của bác sĩ nhằm đánh giá vị trí, kích thước và tốc độ phát triển của tinh hoàn sau. Quá trình theo dõi sau điều trị sẽ được kéo dài cho tới khi trẻ trưởng thành để đánh giá khả năng sinh sản, nội tiết và phát hiện sớm các nguy cơ ác hóa, ung thư (nếu có).

Nếu tinh hoàn của trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, trẻ cần được đưa đến bệnh viện để được kiểm tra ngay lập tức.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tinh hoàn ẩn- Ảnh 3.

Cha mẹ hãy đưa trẻ đi khám ngay khi thấy có dấu hiệu bất thường.

5. Những lưu ý khi mắc bệnh tinh hoàn ẩn

Tỷ lệ tinh hoàn không xuống bìu cao hơn ở những trẻ có yếu tố gia đình bố, anh trai cũng bị bệnh ẩn tinh hoàn.

Tỷ lệ trẻ mắc bệnh cũng tăng cao khi sàng lọc trước sinh có các hội chứng dị dạng khác như Down, thiếu máu Fanconi..., đặc biệt trong hội chứng Klinefelter (bất thường nhiễm sắc thể 47XXY). Vì vậy cần theo dõi thai kỳ đầy đủ, tầm soát trước sinh là cần thiết.

6. Chi phí khám chữa bệnh tinh hoàn ẩn

Đối với trẻ em ở độ tuổi dưới 6 tuổi khám và điều trị bệnh lý tinh hoàn ẩn được BHYT thanh toán toàn bộ. Đối với trẻ trên 6 tuổi sẽ có những khó khăn nhất định cho điều trị hạ tinh hoàn ẩn và tăng chi phí điều trị 7-10 triệu đồng.

Bệnh tinh hoàn ẩn: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trịBệnh tinh hoàn ẩn: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trị

SKĐS –Tinh hoàn ẩn ở trẻ là một trong những bất thường về đường sinh dục hay gặp ở các bé trai. Nếu không được phẫu thuật điều trị sớm, bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của trẻ.


BS CKI Lưu Tiến Dũng
Phó trưởng khoa Tiết Niệu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa
Ý kiến của bạn