Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tiểu đường thai kỳ

02-10-2024 10:44 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tiểu đường thai kỳ (hay còn gọi là Đái tháo đường thai kỳ) là một dạng rối loạn chuyển hóa carbohydrate xuất hiện trong thai kỳ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con. Dưới đây là những câu hỏi thường gặp về bệnh tiểu đường thai kỳ.

1. Thuốc đông y chữa bệnh tiểu đường thai kỳ?

Hiện nay, Bộ Y tế không khuyến cáo điều trị tiểu đường thai kỳ bằng các bài thuốc đông y. Các phương pháp điều trị chủ yếu dựa vào việc thay đổi chế độ ăn uống, luyện tập và theo dõi đường huyết.

Sử dụng các bài thuốc đông y chưa được kiểm chứng về hiệu quả và độ an toàn cho thai phụ và thai nhi. Do đó, sản phụ không nên tự ý sử dụng các loại thuốc đông y khi chưa có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.

2. Cách sơ cứu hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường thai kỳ

Hạ đường huyết là tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra ở người bệnh tiểu đường, đặc biệt là khi thai phụ ăn uống không hợp lý, kiêng khem quá mức hoặc điều trị bằng insulin không đúng hướng dẫn sử dụng. Khi gặp tình trạng hạ đường huyết, người bệnh có thể cảm thấy run rẩy, yếu sức, chóng mặt, đổ mồ hôi, và khó tập trung.

Các bước sơ cứu hạ đường huyết:

Bước 1: Ngay lập tức cho thai phụ uống hoặc ăn thứ gì đó có đường, chẳng hạn như một ly nước đường, nước trái cây, hoặc một viên kẹo đường. Tránh sử dụng thực phẩm chứa đường hấp thụ chậm như bánh mì hoặc gạo lứt.

Bước 2: Sau khi đường huyết trở lại bình thường, người bệnh nên ăn một bữa ăn nhẹ có carbohydrate và protein (ví dụ như bánh quy và sữa) để duy trì mức đường huyết ổn định. Bước 3: Nếu tình trạng không được cải thiện sau 15 phút hoặc người bệnh không thể tự ăn uống, cần đưa thai phụ đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tiểu đường thai kỳ- Ảnh 1.

Khi gặp tình trạng hạ đường huyết, người bệnh có thể cảm thấy run rẩy, yếu sức, chóng mặt, đổ mồ hôi, và khó tập trung.

3. Cách chăm sóc bệnh nhân tiểu đường thai kỳ tại nhà

Đối với thai phụ không phải nhập viện

Thai phụ có thể kiểm soát đường huyết bằng cách thay đổi chế độ ăn uống kết hợp với việc tập luyện thể chất vừa phải. Việc theo dõi đường huyết tại nhà nên được thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ và tuân thủ lịch tái khám định kỳ.

Đối với thai phụ sau khi ra viện

Sau khi xuất viện, thai phụ cần tiếp tục duy trì chế độ ăn uống tiết chế và thực hiện các hoạt động thể chất vừa phải. Theo dõi đường huyết theo chỉ dẫn của bác sĩ trong suốt thời gian mang thai. Đối với những người phải sử dụng thuốc, việc dùng thuốc phải tuân thủ theo đúng đơn của bác sĩ. Ngoài ra, cần tái khám đúng lịch hẹn hoặc khi có bất thường xảy ra để kịp thời điều chỉnh phương pháp điều trị và tránh các biến chứng không mong muốn.

Việc chăm sóc và quản lý tiểu đường thai kỳ không chỉ giúp thai phụ đảm bảo an toàn cho chính mình mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của thai nhi.

4. Bệnh tiểu đường thai kỳ có chữa khỏi không?

Bản chất đái tháo đường thai kỳ là sự rối loạn chuyển hóa carbohydrate trong quá trình mang thai, đã được chứng minh do thiếu hụt tương đối insulin và tình trạng đề kháng Insulin chủ yếu gây ra bởi các hormon rau thai và nhu cầu tăng sử dụng glucose ở cơ thể thai phụ.

Bệnh tiểu đường thai kỳ không thể chữa khỏi trong giai đoạn mang thai, nhưng có thể được kiểm soát tốt thông qua chế độ ăn uống, tập luyện và sử dụng insulin khi cần thiết. Sau khi sinh, đường huyết của thai phụ thường sẽ ổn định lại, đặc biệt sau 6 tuần hậu sản.

Tuy nhiên, những phụ nữ từng mắc tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao mắc tiểu đường type 2 sau này, nên cần tiếp tục theo dõi sức khỏe định kỳ.

5. Lưu ý với người béo phì khi mắc bệnh tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ có thể xảy ra ở mọi thai phụ, nhưng những phụ nữ sau đây có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

  • Mang thai muộn, trên 35 tuổi.
  • Có tiền sử tiểu đường thai kỳ hoặc đã sinh con có cân nặng trên 4kg.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Bị hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Trong gia đình có người mắc tiểu đường.

Khi khám thai, bác sĩ thường tư vấn thai phụ tầm soát tiểu đường thai kỳ vào những tuần đầu của thai kỳ, đặc biệt là từ tuần thứ 24 - 28. Tuy nhiên, nếu thuộc nhóm nguy cơ cao, thai phụ nên tầm soát sớm hơn để có kế hoạch kiểm soát và điều trị kịp thời.

Nếu được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ, thai phụ cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Thông thường, cần điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý và dùng thuốc theo hướng dẫn.

Việc sử dụng thuốc phải được tuân thủ chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Nếu các biện pháp trên không giúp cải thiện chỉ số đường huyết, thai phụ có thể cần dùng thêm thuốc.

Các loại thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo tốt cho mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ.

Các loại thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo tốt cho mẹ bầu mắc đái tháo đường thai kỳ.

5.1 Thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ cần thực hiện tốt các biện pháp sau

5.1.1 Chế độ ăn uống

- Thực hiện chế độ ăn uống của người bệnh đái tháo đường, với nhu cầu năng lượng được điều chỉnh tùy theo trọng lượng trước khi mang thai, tình trạng tăng cân trong thai kỳ và đánh giá nhu cầu năng lượng của từng người.

- Thai phụ cần chú ý đến thực phẩm và thời điểm ăn, thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng. Ngoài ba bữa ăn chính, cần ăn thêm 2 đến 3 bữa ăn vặt vào cùng thời điểm mỗi ngày.

- Sử dụng các loại carbohydrat (tinh bột) hấp thu chậm và giàu chất xơ như gạo lứt, bánh mì đen, nui có chất xơ. Hạn chế hoặc không dùng thực phẩm chứa chất béo bão hòa như bơ, mỡ, nội tạng động vật. Đảm bảo nguồn thực phẩm đa dạng và đầy đủ dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cho cả mẹ và con.

5.1.2 Hoạt động thể chất

- Việc tập luyện cần được thực hiện cẩn thận. Nếu cảm thấy mệt mỏi trong khi tập luyện, cần ngừng tập và nghỉ ngơi. Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào, cần thảo luận với bác sĩ để chọn hình thức và thời lượng tập luyện phù hợp.

- Thai phụ có thể tập luyện ở mức trung bình và nên tránh một số hoạt động nhất định cho đến sau khi sinh. Trong khi tập luyện, cần giữ nhịp tim không vượt quá 140 lần/phút và tránh tình trạng nhịp tim nhanh kéo dài. Đi bộ hoặc bơi lội là những lựa chọn tốt nếu có điều kiện.

5.1.3 Quản lý các yếu tố nguy cơ khác

- Cần tập thể dục đều đặn để giúp điều hòa glucose trong máu. Nếu chế độ tập luyện và ăn uống không kiểm soát được đường huyết, thai phụ phải dùng thuốc. Điều trị bằng insulin với liều lượng do bác sĩ chỉ định và cần theo dõi chặt chẽ để tránh hạ đường huyết và các tai biến khác.

- Đối với người béo phì, cần giảm cân hợp lý trước khi mang thai. Giảm cân trong thời kỳ mang thai không được khuyến khích vì cơ thể cần hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.

Khi có thai, cần đi khám thai đúng lịch, tuân thủ chỉ định của bác sĩ và thường xuyên kiểm tra đường huyết để có các biện pháp can thiệp kịp thời, tránh tai biến đáng tiếc.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tiểu đường thai kỳ- Ảnh 3.

Thai phụ được theo dõi tim thai và cơn co tử cung bằng Monitoring.

6. Chi phí khám chữa bệnh tiểu đường thai kỳ

Khi đến cơ sở y tế, các thai phụ sẽ được thăm khám ban đầu, sau đó thực hiện các xét nghiệm, cận lâm sàng cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.

Các thai phụ mang thai từ 24-28 tuần hoặc sớm hơn đối với các thai phụ có nguy cơ cao, sẽ được tư vấn thực hiện xét nghiệm dung nạp đường để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé.

Khi bệnh nhân tiểu đường thai kỳ đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế, mức chi trả bảo hiểm y tế còn tùy thuộc vào vấn đề người bệnh được thanh toán theo diện đồng chi trả 80%, 95% hay 100%.

Do đó, người bệnh cần tới cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ cũng như được báo giá chính xác.

Tiểu đường thai kỳ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trịTiểu đường thai kỳ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

SKĐS - Tiểu đường thai kỳ (còn được gọi là Đái tháo đường thai kỳ), là bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp nhất trong thai kỳ và có xu hướng ngày càng tăng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sẽ gây nhiều tai biến cho cả mẹ và con, như tiền sản giật, sẩy thai, thai lưu, ngạt sơ sinh,...


Bác sĩ CKI Trần Thị Thùy Vân
Bệnh viện Nội tiết Nghệ An
Ý kiến của bạn