Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus ở trẻ em

03-08-2024 15:57 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Rotavirus là một loại virus rất truyền nhiễm gây ra tiêu chảy nghiêm trọng ở trẻ em. Nhiều người đang có nhiều câu hỏi liên quan đến bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus

    1. Đông y có hỗ trợ chữa điều trị bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus ở trẻ em hay không?

Đông y có thể hỗ trợ điều trị tiêu chảy cấp do Rotavirus ở trẻ em hiệu quả trong một số trường hợp. Đông y có nhiều phương pháp điều trị tiêu chảy như sử dụng bài thuốc, châm cứu, cứu ngải và chế độ ăn uống. Hiệu quả của Đông y trong điều trị tiêu chảy phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng của bệnh, tình trạng sức khỏe của người bệnh, việc tuân thủ chế độ điều trị.

Tuy nhiên, trường hợp tiêu chảy kéo dài, tiêu chảy mất nước nặng, bạn cần đến bệnh viện để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị theo y học hiện đại càng sớm càng tốt.

    2. Cách nhận biết dấu hiệu nặng ở trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus

Nếu trẻ có một số dấu hiệu sau, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất:

  • Li bì, khó đánh thức, co giật.
  • Nôn tất cả mọi thứ, không ăn uống được.
  • Trẻ nôn hoặc tiêu chảy rất nhiều, bù dịch bằng đường uống không có hiệu quả.
  • Trẻ sốt cao trẻ 39 độ C và không đáp ứng hạ sốt.
  • Trẻ đại tiện phân có lẫn máu.
  • Trẻ có dấu hiệu bất thường mà người chăm sóc không lí giải được nguyên nhân.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus ở trẻ em- Ảnh 1.

Mùa hè là lúc trẻ rất dễ mắc tiêu chảy cấp. Tùy theo nguyên nhân gây tiêu chảy như do virus hay vi khuẩn... mà việc điều trị lại khác nhau.

3. Chăm sóc bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus ở trẻ em tại nhà như thế nào?

Bù nước: Pha oresol theo hướng dẫn trên bao bì. Khi cho trẻ uống bạn nên đút từng thìa oresol cho trẻ, 2 phút/ lần. Không nên cho trẻ uống oresol quá nhiều và liên tục vì dễ khiến trẻ bị nôn, nên dừng lại 10 - 15 phút rồi cho trẻ uống lại với tốc độ chậm hơn.

Không cho trẻ ăn cháo quá mặn, nước hoa quả pha đường (nước cam) vì có thể khiến tình trạng bệnh nặng hơn.

Chế độ dinh dưỡng: Cho trẻ ăn đầy đủ các chất để trẻ có đề kháng và sức để chống lại bệnh. Cho trẻ ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp, sữa, chuối tiêu… ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.

Đặc biệt khi trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus thì cha mẹ không cho trẻ ăn các loại có lá chát nhiều vì những loại này có chứa nhiều tanin, một chất giúp niêm mạc ruột săn se nhưng trong trường hợp này thì có thể gây hại cho trẻ. Bệnh sẽ giảm ở biểu hiện bên ngoài nhưng bên trong lòng ruột lượng virus chưa được đào thải nhiều khiến bệnh có thể nặng hơn.

4. Bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus ở trẻ em có chữa khỏi không?

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho căn bệnh tiêu chảy do Rotavirus. Phương pháp điều trị cơ bản nhất vẫn là bù dịch điện giải, điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng. Cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, chẳng hạn như nước đun sôi để nguội, nước canh hoặc nước bù điện giải oresol với sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn. Trong trường hợp trẻ bị nôn mửa nhiều thì có thể bù dịch qua đường truyền tĩnh mạch. Nếu trẻ có dấu hiệu sốt thì cần điều trị hạ sốt. Đồng thời, cần chăm sóc trẻ bằng một chế độ dinh dưỡng tốt nhất. Tiêu chảy do Rotavirus là do căn nguyên virus nên điều trị kháng sinh không hiệu quả, không nên tự ý điều trị kháng sinh gây tốn kém và có thể làm bệnh nặng hơn.

Phương pháp phòng chống bệnh tốt nhất chính là chủ động uống Vaccine phòng bệnh. Hiện nay, 2 loại Vaccine phòng bệnh phổ biến nhất là Vaccine Rotarix (do Bỉ sản xuất) và Vaccine Rotateq (do Mỹ sản xuất). Đây là 2 loại vaccine được giới chuyên môn đánh giá cao về hiệu quả phòng ngừa bệnh.

Vaccine Rotarix: Nên cho trẻ uống trước 24 tuần tuổi. Liều đầu tiên uống vào lúc 6 tuần tuổi và liều thứ 2 uống sau liều đầu 4 tuần.

Vaccine Rotateq: Trẻ sẽ được uống 3 liều và kết thúc liều cuối cùng trước tuần thứ 32. Uống liều Rotateq đầu tiên khi trẻ được 7 đến 12 tuần tuổi. Sau đó những liều còn lại sẽ được uống cách nhau khoảng 4 tuần.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus ở trẻ em- Ảnh 2.

Phương pháp phòng chống bệnh tốt nhất chính là chủ động uống Vaccine phòng bệnh.

5. Khi trẻ bị mắc bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus cha mẹ cần lưu ý gì?

Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị Tiêu chảy cấp do vi rút Rota. Những phương pháp giữ gìn vệ sinh cơ thể như rửa tay đúng cách, tắm gội bằng xà phòng, vệ sinh ăn uống, vệ sinh đồ chơi… chỉ có tác dụng phòng ngừa khi bệnh chưa xảy ra. Nếu trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần cách ly trẻ để không lây nhiễm cho trẻ khác. Sau khi trẻ đi vệ sinh cần vệ sinh bồn cầu bằng dung dịch diệt khuẩn có cồn.

  • Trong trường hợp virus đã xuất hiện, những biện pháp vệ sinh không thể tiêu diệt được virus. Để chủ động bảo vệ trẻ em khỏi Rotavirus, bố mẹ nên cho trẻ đi uống Vaccine phòng Rotavirus theo đúng lịch khuyến cáo.
  • Nếu trẻ bị tiêu chảy cấp cần được xử lý nhanh và kịp thời, chống mất nước bằng cách: trẻ nhỏ tiếp tục cho bú mẹ, uống sữa; cho trẻ uống nhiều nước (nước lọc, nước hoa quả, dung dịch Oresol...); ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, đủ dinh dưỡng, đảm bảo ăn chín, uống sôi... và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Cha mẹ tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc truyền miệng hay phương pháp dân gian để chữa tiêu chảy cấp do Rotavirus vì không những không có tác dụng mà có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Khi trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus, nếu trẻ đang bú mẹ, cần tiếp tục cho trẻ bú mẹ bình thường. Nếu trẻ đã ăn dặm, tiếp tục cho trẻ ăn ăn cháo/cơm thịt nạc, rau xanh… Tránh cho trẻ dùng các thực phẩm chứa các chất béo khó hấp thụ, các thức uống thể thao chứa nồng độ glucose và điện giải không phù hợp. Không sử dụng chế độ ăn kiêng để tránh ảnh hưởng tình trạng dinh dưỡng của trẻ trong và sau khi bị bệnh.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus ở trẻ em- Ảnh 3.

Không nên tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy.

6. Chi phí khám chữa bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus ở trẻ em?

Chi phí khám, chữa bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus ở trẻ em có thể biến động tùy theo nhiều yếu tố như địa điểm điều trị, tình trạng bệnh, và các biện pháp điều trị cần thiết. Dưới đây là các loại chi phí thường gặp:

Chi phí khám bệnh: Bao gồm phí thăm khám của bác sĩ hoặc chuyên gia nhi khoa. Chi phí này có thể dao động từ vài trăm nghìn đến một triệu đồng tùy vào cơ sở y tế.

Chi phí xét nghiệm: Để xác định nguyên nhân gây tiêu chảy và đánh giá mức độ bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm phân, xét nghiệm máu, hoặc xét nghiệm vi sinh vật.

Chi phí cho các xét nghiệm này có thể từ vài trăm nghìn đến một triệu đồng.

Chi phí điều trị: Điều trị tiêu chảy cấp do Rotavirus chủ yếu tập trung vào việc bù nước và điện giải, và có thể cần đến các loại thuốc chống nôn hoặc thuốc chống tiêu chảy. Trong trường hợp nặng, có thể cần nhập viện để điều trị truyền dịch.

Chi phí điều trị nội trú có thể dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và thời gian nằm viện.

Chi phí nhập viện: Nếu trẻ cần phải nhập viện, chi phí bao gồm tiền phòng, tiền điều trị, và chi phí liên quan đến việc chăm sóc y tế. Mức giá khám, chữa bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ bệnh, phương pháp điều trị và cơ sở y tế, bảo hiểm y tế và giá dịch vụ được áp dụng đúng theo quy định của Nhà nước.

Tiêu chảy cấp do Rotavirus: Nguyên nhân, triệu chứng, đường lây truyền và  điều trịTiêu chảy cấp do Rotavirus: Nguyên nhân, triệu chứng, đường lây truyền và điều trị

SKĐS - Tiêu chảy cấp do Rotavirus, hay còn gọi là nhiễm trùng ruột do Rotavirus, là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể gây tử vong ở trẻ nhỏ.



Ths.Bs Nguyễn Hoài Nam
Phó khoa TIêu hóa - Huyết học lâm sàng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An
Ý kiến của bạn