Hà Nội

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh thừa sắt

12-09-2024 09:57 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Thừa sắt là một rối loạn trong đó lượng sắt tích tụ quá nhiều trong cơ thể. Cơ thể hấp thụ quá nhiều sắt từ thức ăn và không có cách nào để loại bỏ chất sắt dư thừa. Lượng sắt này tích tụ và ảnh hương đến khớp, gan, tim, tuyến yên và tuyến tụy.

1. Đông y có chữa được bệnh thừa sắt?

Đông y không chữa được bệnh thừa sắt. Tuy nhiên, có những món ăn, bài thuốc hiệu quả với căn bệnh này.

2. Cách xử trí khi mắc bệnh thừa sắt

Nếu không được điều trị, thừa sắt có thể dẫn đến một số biến chứng, đặc biệt là ở các khớp xương và trong các cơ quan tích trữ sắt như gan, tuyến tụy và tim. Các biến chứng có thể bao gồm:

  • Vấn đề về gan: Xơ gan chỉ là một trong những vấn đề có thể xảy ra bởi thừa sắt. Xơ gan làm tăng nguy cơ bị ung thư gan và các biến chứng đe dọa tính mạng.
  • Vấn đề về tuyến tụy: Tổn thương tuyến tụy có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.
  • Vấn đề tim mạch: Sắt thừa trong tim ảnh hưởng đến khả năng lưu thông máu của cơ thể, tình trạng này được gọi là suy tim sung huyết. Thừa sắt cũng có thể gây ra nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim).
  • Các vấn đề về sinh sản: Thừa sắt có thể dẫn đến rối loạn chức năng cương dương (liệt dương), mất ham muốn tình dục ở nam giới và không kinh nguyệt ở phụ nữ.
  • Thay đổi màu da: Thừa sắt có thể làm cho làn da của bạn xuất hiện màu đồng hoặc màu xám.

Ngoài ra, thừa sắt là một bệnh lý nguy hiểm nhưng các triệu chứng thường không đặc hiệu. Vì vậy, khi xuất hiện những dấu hiệu sau, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị:

  • Mệt mỏi kéo dài.
  • Vàng da.
  • Da đổi màu thành đồng hoặc xám.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.

Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn có thể đến ngay các cơ sở y tế gần nhất, các bệnh viện chuyên khoa Truyền máu - huyết học. Bệnh nhân cũng có thể liên hệ để được tư vấn tại một số bệnh viện lớn, uy tín và được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.

3. Bệnh thừa sắt có chữa được không?

Bệnh thừa sắt có thể chữa được. Các phương pháp điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và nguyên nhân gây bệnh. Các phương pháp điều trị thừa sắt bao gồm:

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh thừa sắt- Ảnh 1.

Thừa sắt có thể dẫn đến một số biến chứng, đặc biệt là ở các khớp xương và trong các cơ quan tích trữ sắt

Lấy máu tĩnh mạch

Ở những người mắc thừa sắt do di truyền, phương pháp điều trị chính là lấy máu tĩnh mạch thường xuyên dựa trên nồng độ ferritin huyết thanh. Cách tiến hành sẽ tương tự như hiến máu, bác sĩ sẽ đâm kim vào tĩnh mạch ở cánh tay hoặc chân. Máu chảy qua kim vào ống gắn với túi đựng máu.

Sử dụng thuốc thải sắt

Ở những bệnh nhân mắc bệnh tim nặng và/hoặc thiếu máu, lựa chọn lấy máu tĩnh mạch có thể bị hạn chế. Việc thải sắt bằng thuốc uống có thể được khuyến khích trong những trường hợp này.

Các loại thuốc như Deferoxamine, Deferasirox và Deferiprone có thể liên kết với sắt và đào thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu hoặc phân. Liều lượng, cách dùng sẽ được bác sĩ điều chỉnh phù hợp với thể trạng và nồng độ sắt dư thừa.

Ghép gan

Trong những trường hợp nặng, ghép gan có thể được chỉ định để loại bỏ lượng sắt tích tụ trong gan.

4. Cách chăm sóc bệnh thừa sắt tại nhà

Sắt thường được đưa vào và cơ thể từ bên ngoài, bằng thức ăn hàng ngày hoặc nhiều loại thuốc. Tình trạng thừa sắt sẽ được cải thiện thông qua việc ăn các loại thực phẩm có lợi cho cơ thể.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh thừa sắt- Ảnh 2.

Các thực phẩm có thành phần canxi tốt cho người bệnh thừa sắt.

Các loại thực phẩm dành cho người thừa sắt có thể kể đến như:

  • Rau xanh, quả tươi: Rau quả chứa lượng lớn chất xơ giúp giảm hấp thụ sắt khá hiệu quả như rau chân vịt, quả sung, quả táo, quả bơ.
  • Thịt gia cầm, cá, trứng, các loại hạt, đậu, ngũ cốc.
  • Thực phẩm có tác dụng lợi niệu để nhanh thải trừ sắt ra ngoài bao gồm rau bí, bầu, rau sam, uống nước trà xanh, uống cà phê, nước rau má, nước râu ngô. Nên phối hợp các sản phẩm ngăn chặn sự hấp thụ sắt như các loại sữa, phô mai, sữa chua.
  • Các thực phẩm có thành phần canxi (sữa, đậu nành, dầu cá), phosvitin (trứng), oxalat (rau bina, rau cải xoăn, lúa mì, dâu tây, phytate (óc chó, hạnh nhân, hạt đậu khô, đậu lăng, hạt ngũ cốc), polyphenol (cà phê, cacao, bạc hà, quả táo), tanin (chè đen, quả nho, lúa mạch, quả việt quất).

Người bệnh nên tránh những loại thực phẩm như:

  • Thịt đỏ: Thịt đỏ như thịt bò là thực phẩm chứa hàm lượng sắt lớn nhất và dạng sắt ở thịt còn là sắt heme được hấp thu vào cơ thể rất tốt. Bệnh nhân thừa sắt vẫn được ăn thịt đỏ tuy nhiên chỉ nên ăn ít trong khoảng 170 – 250 gram hàng tuần.
  • Hải sản tươi sống: Tuy hàm lượng sắt ở hải sản không tới mức quá cao nhưng bệnh nhân thừa sắt nên ăn ít hải sản, nhất là các loài động vật có vỏ: tôm, cua, hàu, bề bề, ốc…
  • Thức ăn giàu vitamin A và vitamin C: Vitamin C giúp tăng cường khả năng hấp thụ sắt tốt nhất. Nếu bị thừa sắt thì cần hạn chế ăn những loại thức ăn giàu vitamin C như cam, ổi, rau cải xanh, ớt chuông, khoai tây, quả kiwi,….
  • Rượu: Thường xuyên uống rượu bia nhiều sẽ gây tổn thương cho gan. Việc thừa sắt cũng có thể gây nên hoặc làm nghiêm trọng hơn tình trạng tổn thương gan. Vì thế bệnh nhân thừa sắt gây tổn thương gan thì không được uống rượu..
  • Thực phẩm chức năng: Hiện chưa có nhiều tài liệu về việc sử dụng thực phẩm chức năng khi bị thừa sắt. Tuy nhiên, vẫn phải hạn chế hoặc thận trọng khi sử dụng thực phẩm chức năng có chứa sắt, vitamin C, vitamin tổng hợp.

5. Những lưu ý quan trọng khi mắc bệnh thừa sắt

Người bị thừa sắt nên ăn nhiều rau. Ăn càng nhiều rau càng tốt vì rau có chất xơ làm giảm hấp thu sắt tương đối hiệu quả. Đồng thời dùng các thực phẩm có tác dụng lợi tiểu để nhanh đào thải sắt ra ngoài như: rau cải, bí, bầu, rau sam, uống nước chè xanh, cà phê, trà, rau má, nước râu ngô.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh thừa sắt- Ảnh 3.

Người bị thừa sắt nên ăn nhiều rau.

Đối với các chất đạm, bạn nên chọn các loại thức ăn chứa ít sắt như thịt dê, gia cầm, thịt lợn. Bệnh nhân cần tránh thực phẩm giàu dồi sắt như thịt bò, khô bò, pate, nội tạng động vật như gan, tim, phổi.

Bệnh nhân có bệnh khớp dù là nghiêm trọng hay đang diễn tiến, bệnh tim, tăng men gan, liệt dương và bệnh tiểu đường cũng cần xét nghiệm phát hiện bệnh quá tải sắt để điều trị sớm. Những người có quan hệ huyết thống với những người mắc bệnh quá tải sắt cần phải xét nghiệm máu để xem có bệnh hay không.

Nếu bạn đang uống viên sắt hãy ngừng uống viên sắt hoàn toàn. Ngừng uống viên sắt có tác dụng làm giảm lượng sắt đưa vào.

6. Chi phí khám chữa bệnh thừa sắt

Thông thường xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi khoảng 120.000 - 220.000 đồng. Tùy theo tình trạng của từng người ở mỗi lứa tuổi, giới tính khác nhau, bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định thực hiện các xét nghiệm phù hợp. Trong nhiều trường hợp có bệnh lý kèm theo thì có thể cần đến các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng như: Siêu âm, chụp X-quang, nội soi, chụp cắt lớp vi tính… để phục vụ chẩn đoán.

Mức chi phí được bảo hiểm y tế hỗ trợ sẽ tùy theo những trường hợp bệnh và chính sách của bảo hiểm trong thời điểm người bệnh điều trị. Nếu người bệnh có bảo hiểm y tế, chi phí điều trị sẽ được chi trả một phần hoặc toàn bộ.

Phụ nữ có cần bổ sung sắt trong kỳ kinh nguyệt không?Phụ nữ có cần bổ sung sắt trong kỳ kinh nguyệt không?

SKĐS - Mệt mỏi, yếu ớt… là triệu chứng bình thường khi đến kỳ kinh nguyệt nhưng cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Vậy kinh nguyệt có gây thiếu máu và có cần bổ sung sắt không?


BSCKI Nguyễn Như Thịnh
Trung tâm Huyết học Truyền máu Nghệ An
Ý kiến của bạn