Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh thoát vị hoành ở trẻ em

22-07-2024 17:13 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Những trẻ bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh thường có tổn thương phổi nặng nề. Bệnh thường chiếm tỉ lệ 1/12.500 trẻ mới sinh ra, tỉ lệ tử vong từ 30 - 50%.

Những trẻ bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh thường có tổn thương phổi nặng nề.

    1. Đông y chữa bệnh thoát vị hoành ở trẻ em?

Phẫu thuật là biện pháp duy nhất điều trị thoát vị cơ hoành bẩm sinh. Mục đích của việc phẫu thuật là đưa các tạng thoát vị trở lại ổ phúc mạc và phục hồi cơ hoành. Đông y không có phương pháp hay bài thuốc chữa bệnh thoát vị hoành ở trẻ em.

    2. Cách sơ cứu bệnh thoát vị hoành ở trẻ em

Ngày nay thoát vị hoành bẩm sinh được chẩn đoán sớm từ thời kỳ bào thai qua siêu âm thai. Vì vậy, trẻ được phát hiện thoát vị hoành ở thời kỳ bào thai nên được chăm sóc theo dõi trước sinh: Mục đích là giúp thai nhi phát triển đầy đủ và chuẩn bị tốt nhất cho cuộc sống sau sinh. Trẻ nên được theo dõi và điều trị ở trung tâm có kết hợp giữa sản khoa, hồi sức sơ sinh và ngoại nhi.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh thoát vị hoành ở trẻ em- Ảnh 1.

Những trẻ bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh thường có tổn thương phổi nặng nề.

Ngay sau khi sinh ra trẻ thoát vị hoành bẩm sinh đã bắt đầu xuất hiện những biểu hiện như khó thở, suy hô hấp, tím tái. Trẻ cần được hồi sức để ổn định tình trạng hô hấp và tuần hoàn, giảm thiểu sang chấn. Các biện pháp bao gồm đặt nội khí quản, thông dạ dày, đặt catheter động mạch và tĩnh mạch rốn, ủ ấm và bù đủ dịch điện giải và chuyển đến trung tâm có can thiệp phẫu thuật nhi.Một số trường hợp thoát vị hoành biểu hiện muộn ở trẻ có biểu hiện viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần. Nhiều trường hợp trẻ không có biểu hiện và chỉ được phát hiện khi đi khám bệnh định kỳ.

    3. Cách chăm sóc bệnh thoát vị hoành ở trẻ em

Sau khi ra viện trẻ được theo dõi điều trị tại nhà. Nếu phát hiện các triệu chứng bất thường như : đau ngực, khò khè, khó thở, tím tái… cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra.Trẻ cần được theo dõi, tái khám định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng và rối loạn phát triển.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh thoát vị hoành ở trẻ em- Ảnh 2.

Phẫu thuật là biện pháp duy nhất điều trị thoát vị hoành bẩm sinh.

    4. Bệnh thoát vị hoành ở trẻ em có chữa khỏi không?

    Bệnh thoát vị hoành có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được theo dõi trước sinh, hồi sức trước sau phẫu thuật, phẫu thuật thành công. Tuy nhiên bệnh có tổn thương phổi nặng nề, tỉ lệ tử vong cao trong quá trình điều trị.

    5. Lưu ý khi mắc bệnh thoát vị hoành ở trẻ em

    Khi phát hiện trẻ nguy cơ mắc thoát vị hoành ở thời kỳ bào thai. Trẻ nên được theo dõi, sinh, hồi sức, phẫu thuật và điều trị hậu phẫu tại trung tâm y tế có đầy đủ sàng lọc trước sinh, sản khoa, hồi sức sơ sinh, hồi sức ngoại và ngoại nhi.

      6. Chi phí khám chữa bệnh thoát vị hoành ở trẻ em

    • Chi phí điều trị của bệnh thoát vị hoành tùy thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể, tình trạng nặng nhẹ của bệnh nhân.
    • Hầu hết chi phí sẽ được bảo hiểm y tế chi trả.
    Thoát vị hoành ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trịThoát vị hoành ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

    SKĐS - Thoát vị hoành trẻ em là bệnh nguy hiểm ở trẻ em, khi các tạng trong ổ bụng trượt lên lồng ngực qua lỗ khiếm khuyết cơ hoành. Tỷ lệ mắc bệnh dao động từ 1/5000 đến 1/2000 trẻ. Có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng cho hệ hô hấp nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.


    BSCKII Đậu Anh Trung
    Khoa Ngoại tổng hợp - BV Sản Nhi Nghệ An
    Ý kiến của bạn