Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng

21-04-2025 10:46 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng tuy không nguy hiểm ngay lập tức đến tính mạng, nhưng người bệnh phải chịu đau đớn, mệt mỏi và nhiều phiền toái trong sinh hoạt.

1. Thoái hóa cột sống thắt lưng có nguy hiểm không?

Thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh lý mạn tính khi sụn khớp và đĩa đệm bị thoái hóa khiến hình thành các gai nhỏ tại vị trí tổn thương, gây ra các cơn đau thắt lưng, cứng cột sống, tê bì chân tay, bệnh nhân khó gập mình hay xoay người. Nghiêm trọng hơn, thoái hóa cột sống thắt lưng có thể làm hẹp cột sống, chèn ép dây thần kinh tọa, biến dạng cột sống...

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng- Ảnh 1.

Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng tuy không nguy hiểm ngay lập tức đến tính mạng, nhưng người bệnh phải chịu đau đớn, mệt mỏi và nhiều phiền toái trong sinh hoạt.

Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng tuy không nguy hiểm ngay lập tức đến tính mạng nhưng người bệnh phải chịu đau đớn, mệt mỏi và nhiều phiền toái trong sinh hoạt. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng thoái hóa sẽ ngày càng nghiêm trọng và dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.

2. Độ tuổi nào dễ mắc thoái hóa cột sống thắt lưng?

Thoái hóa cột sống nói chung và bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng nói riêng là bệnh xương khớp rất phổ biến. Đa số người mắc bệnh đều nằm trong độ tuổi từ 35 trở lên. Độ tuổi tăng lên thì tỷ lệ mắc bệnh cũng tăng theo. Nhưng không có nghĩa là người trẻ tuổi hơn không bị mắc bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng.

3. Thoái hóa cột sống thắt lưng có chữa được không?

Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng là vấn đề mạn tính khó có thể chữa khỏi hoàn toàn. Bởi đốt sống đã bị hao mòn rất khó để phục hồi lại như trạng thái ban đầu. Tuy nhiên, hiện có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa cột sống đem lại hiệu quả cao, nên người bệnh cũng không cần quá lo lắng. Nếu chữa trị đúng cách, các triệu chứng sẽ thuyên giảm đáng kể, đồng thời có thể ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng- Ảnh 2.

Thực hiện một số bài tập đơn giản có thể hỗ trợ quá trình điều trị bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng.

4. Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng có lây nhiễm không?

Thoái hóa cột sống thắt lưng không phải là bệnh lây nhiễm nên không thể lây truyền từ người này sang người khác.

5. Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng?

  • Tình trạng thoái hóa cột sống thắt lưng gây chèn ép các dây thần kinh, dẫn tới các cơn đau lan xuống vùng mông, tứ chi,... Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây đau nhức, co cơ, gây khó khăn khi vận động, tê liệt, lâu ngày có thể gây bại liệt.
  • Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng tiến triển đến giai đoạn mạn tính có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như chèn ép tủy thắt lưng dẫn đến tàn phế, bại chân.
  • Gây biến dạng cột sống: Người bị thoái hóa cột sống lâu ngày sẽ bị đau dữ dội khi thay đổi thời tiết, dẫn tới không thể làm việc hoặc vận động được. Giữ một tư thế xấu quá lâu, khiến cột sống thắt lưng bị gù hoặc cong vẹo,... Biến chứng này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt, lao động bình thường của bệnh nhân.
  • Trở ngại thị lực: Bệnh nhân thoái hóa cột sống lưng có thể gặp tình trạng suy giảm thị lực, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, mắt sưng đau, tầm nhìn bị thu nhỏ lại, thậm chí bị mù.

6. Triệu chứng để nhận biết bị thoái hóa cột sống thắt lưng?

  • Người mắc bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng có thể xuất hiện tình trạng đau vùng lưng dưới liên tục trong khoảng 6 tuần, có thể lan rộng xuống mông và hai chi dưới. Tình trạng đau gia tăng khi người bệnh vặn mình, nâng nhấc đồ vật hoặc thời tiết thay đổi. Các cơn đau có thể chia thành từng đợt và kéo dài. Những cơn đau khiến người bệnh khó khăn khi vận động, không thể thực hiện các động tác như vặn mình, cúi người.
  • Người bị thoái hóa đốt sống thắt lưng cũng xuất hiện tình trạng tê bì chân tay, thường xuất hiện về đêm, sáng sớm hoặc khi thời tiết thay đổi.
  • Thoái hóa cột sống thắt lưng có thể gây yếu hoặc teo cơ chi dưới. Lúc này, người bệnh khó giữ thăng bằng khi đứng hoặc di chuyển. Đây cũng là biểu hiện cho thấy bệnh đang ở mức độ nghiêm trọng.
  • Thoái hóa cột sống thắt lưng có thể khiến người bệnh mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột, kèm theo cơn đau co thắt cơ bắp.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng- Ảnh 3.

Người mắc bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng có thể xuất hiện tình trạng đau vùng lưng dưới liên tục trong khoảng 6 tuần, có thể lan rộng xuống mông và hai chi dưới.

7. Có những phương pháp nào điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng?

  • Người bệnh có thể thư giãn và nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng để giảm các triệu chứng.
  • Sử dụng các sản phẩm có tác dụng tăng cường tái tạo xương dưới sụn và sụn khớp, nhờ đó hỗ trợ cải thiện tích cực bệnh thoái hóa đốt sống lưng.
  • Dùng thuốc giảm đau: khi các cơn đau trở nên dữ dội và dai dẳng, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng một số loại thuốc giảm đau. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc trong thời gian dài có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và nếu ngừng thuốc sẽ bị tái đau.
  • Vật lý trị liệu: Đây là phương pháp phổ biến trong điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng nhằm hạn chế tình trạng co cứng khớp, tăng cường sự lưu thông máu đến các khớp và giúp các cử động không còn khó khăn.
  • Châm cứu: khi áp dụng châm cứu, các cơn đau ở thắt lưng sẽ nhanh chóng được xoa dịu. Tuy nhiên, hiệu quả giảm đau của phương pháp này chỉ là tạm thời bởi nguyên căn của thoái hóa cột sống vẫn chưa được điều trị tận gốc.
  • Phẫu thuật: Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng, không đáp ứng điều trị nội khoa thì phẫu thuật là phương án cần thiết để điều trị bệnh.

8. Chi phí điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng

Trong thời đại hiện nay, lĩnh vực y học đã phát triển nhiều phương pháp điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng. Bệnh nhân có thể dựa vào tình trạng của họ để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Các chi phí điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng cơ bản bao gồm:

  • Chi phí khám và chụp hình chẩn đoán.
  • Chi phí phẫu thuật: mổ hở truyền thống, mổ nội soi.
  • Viện phí.
  • Những yếu tố khác bao gồm chi phí cho thuốc, chi phí cho liệu pháp vật lý (tuỳ thuộc vào nhu cầu của mỗi bệnh nhân)…

Để biết thông tin chi tiết về chi phí điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng, người bệnh nên đến trực tiếp cơ sở khám chữa bệnh. Tại đây có niêm yết giá cụ thể cho từng dịch vụ và các can thiệp theo chỉ định chuyên môn của bác sĩ.

Chế độ dinh dưỡng cho người bị thoái hóa cột sống thắt lưngChế độ dinh dưỡng cho người bị thoái hóa cột sống thắt lưng

SKĐS - Một chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng thiết yếu giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ trị bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng và giảm nguy cơ tái phát bệnh.


BS Nguyễn Chí Ngọc
Phó Khoa Ngoại, BV Đa khoa huyện Quảng Ninh (Quảng Bình)
Ý kiến của bạn