1. Thoái hóa cột sống cổ có thể chữa được không?
Thoái hóa cột sống cổ hay thoái hóa đốt sống cổ (tên tiếng Anh – Cervical spondylosis) là tình trạng thoái hóa các thành phần xung quanh đốt sống cổ như sụn khớp, đĩa đệm, dây chằng, cơ cạnh cột sống...

Thoái hóa cột sống cổ là tình trạng thoái hóa các thành phần xung quanh đốt sống cổ như sụn khớp, đĩa đệm, dây chằng, cơ cạnh cột sống...
Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý có thể chữa trị nhưng khó có thể chữa khỏi hoàn toàn. Bởi khi cột sống bị thoái hóa, biến dạng hay bị thay đổi cấu trúc thì sẽ rất khó để hồi phục tình trạng ban đầu.
Dẫu vậy người bệnh cũng không nên quá lo lắng, dù khó chữa khỏi hoàn toàn nhưng việc kiểm soát và làm chậm quá trình thoái hóa của bệnh là hoàn toàn có thể. Nếu chữa trị đúng cách, các triệu chứng sẽ thuyên giảm đáng kể, đồng thời có thể ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho cơ thể.
2. Bệnh thoái hóa cột sống cổ có lây nhiễm không?
Thoái hóa cột sống cổ không phải là bệnh lây nhiễm nên không thể truyền từ người này sang người khác.
3. Những ai dễ bị thoái hóa đốt sống cổ?
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống cổ là người già từ 40 đến 50 tuổi, gồm cả nam và nữ. Tuy nhiên, hiện nay đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đang dần trẻ hóa (từ 25 - 30 tuổi) bởi thói quen sinh hoạt cũng như lao động thiếu khoa học.
Những yếu tố, thói quen dẫn đến nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống cổ như ít vận động, luyện tập thể thao; nằm và ngồi sai tư thế trong thời gian dài; có tiền sử bị chấn thương vùng cổ; chế độ ăn uống thiếu khoa học, không bổ sung các chất canxi, magie, vitamin D; người có bệnh nhân béo phì; một số vấn đề di truyền cũng có nguy cơ gây ra bệnh này.

Nằm và ngồi sai tư thế trong thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống cổ.
4. Thoái hóa cột sống cổ có nguy hiểm không?
Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý mạn tính khá phổ biến, bệnh tiến triển từ từ có khả năng gây nên tình trạng cứng khớp, suy giảm khả năng vận động của người bệnh. Bệnh khi được nhận biết và tiến hành điều trị hiệu quả sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng, khả năng phục hồi cao.
Nếu để bệnh tiến triển nặng mà không chữa trị có thể dẫn đến nhiều nguy cơ như mất hoàn toàn chức năng vận động, tàn phế suốt đời khi không thể di chuyển được nữa.
5. Biểu hiện của thoái hóa cột sống cổ là gì?
Các biểu hiện, triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào thời gian và mức độ của bệnh. Khi bệnh tiến triển nặng, các triệu chứng dần xuất hiện rõ.
- Triệu chứng dễ thấy là người bệnh đau nhức vùng cơ cạnh cột sống cổ, đau lan qua 2 tai, đôi khi kéo theo cả đau đầu, bả vai và cánh tay, có thể cộng thêm hoa mắt, chóng mặt.
- Bệnh nhân gặp tình trạng cứng cổ, đau ê ẩm vùng gáy, đau đầu khi nằm không đúng tư thế, thời tiết đột ngột thay đổi, khó khăn khi vận động ở cổ và dù đã nghỉ ngơi. Triệu chứng đau tăng lên khi thực hiện những cử động như xoay, cúi, ngửa cổ, khi ho hoặc hắt hơi,... có thể có điểm đau tại cột sống cổ.
- Nếu dây thần kinh bị chèn ép có thể xảy ra tình trạng tê, cảm giác kiến bò vùng vai và dọc theo cánh tay, trường hợp nặng có thể dẫn đến yếu cơ, teo cơ cánh tay, thậm chí ảnh hưởng đến dáng đi của người bệnh.
6. Những biến chứng nguy hiểm của thoái hóa cột sống cổ là gì?
- Ảnh hưởng tuần hoàn máu lên não: Do bị chèn ép bởi gai xương hoặc đĩa đệm thoát vị nên lượng máu lưu thông lên não kém ổn định, thậm chí là thiếu hụt, nên người bệnh hay chóng mặt, đau đầu, buồn nôn…
Do bị chèn ép bởi gai xương hoặc đĩa đệm thoát vị nên lượng máu lưu thông lên não kém ổn định, thậm chí là thiếu hụt, nên người bệnh hay chóng mặt, đau đầu...
- Tê bì, mất cảm giác, yếu chi: Khi tủy sống bị chèn ép, người bệnh sẽ có biểu hiện tê bì, yếu các khớp vai và lan dần xuống hai cánh tay, bàn tay, khó phối hợp với phần thân dưới…
- Rối loạn tiểu tiện, bại liệt: Ở mức độ thoái hóa nặng, người bệnh có nguy cơ bị rối loạn tiểu tiện, liệt một hoặc cả hai tay, chân do dây thần kinh bị dồn nén, tủy sống bị chèn ép.