Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh thấp tim ở trẻ em

16-08-2024 17:43 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh thấp tim là một bệnh hệ thống, gây tổn thương nhiều cơ quan. Trong đó những tổn thương trên tim là quan trọng nhất vì có thể gây nên những biến chứng và di chứng nguy hiểm. Việc hiểu rõ về bệnh giúp chúng ta phòng tránh và điều trị một cách tốt nhất, hạn chế nhứng biến chứng và di chứng về sau.

1. Đông y có chữa được bệnh thấp tim không?

Hiện nay, theo phác đồ điều trị bệnh thấp tim ở trẻ em của Bộ Y tế ban hành, thì điều trị thấp tim không có thuốc đông y.

2. Cách sơ cứu bệnh thấp tim ở trẻ em

Bệnh thấp tim có thể khởi phát một cách từ từ hoặc cấp tính đột ngột bởi các triệu chứng như đau tức ngực, khó thở, đau khớp, đi lại khó khăn, hoặc các triệu chứng rung giật, múa vờn. 

Tùy trường hợp cụ thể sẽ có các cách sơ cứu khác nhau trước khi được đưa đến cơ sở y tế.

Đau ngực: Cho trẻ ngồi, hoặc nằm nghỉ ngơi tại chỗ. Nếu đau nhiều có thể cho uống 1 liều thuốc giảm đau paracetamol liều 15mg cho mỗi 1 kg cân nặng. Bố mẹ cần giữ thái độ bình tĩnh để an ủi vỗ về con, đồng thời sắp xếp nhanh nhất để đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Đau khớp: Tương tự như đau ngực, trẻ cần được nghỉ ngơi tại giường, hạn chế vận động. Nếu đau nhiều, có thể cho trẻ 1 liều thuốc giảm đau Paracetamol, rồi đưa trẻ đến bệnh viện.

Co giật, múa vờn: Khi thấy trẻ đột ngột có các triệu chứng co giật, hoặc mùa vờn, bố mẹ cần tuân thủ các bước: 

  • Để trẻ nằm ở nơi thông thoáng khí, không có gió lùa, hạn chế nhiều người vây quanh, hạn chế các đồ vật cứng xung quanh, và để yên chờ cho trẻ qua cơn giật; 
  • Cho trẻ nằm nghiêng, lấy hết các dị vật trong miệng nếu có; 
  • Cặp nhiệt độ và cho thuốc hạ sốt đặt hậu môn nếu nghi ngờ trẻ sốt; 
  • Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi trẻ qua con giật, hoặc cơn giật kéo dài trên 3 phút mà không tự hết.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh thấp tim ở trẻ em- Ảnh 1.

Thấp tim có thể gây tổn thương van tim vĩnh viễn, suy tim.

3. Cách chăm sóc bệnh thấp tim ở trẻ em

Điều trị bệnh nhân thấp tim, ngoài việc dùng thuốc thì chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng, cũng hết sức quan trọng. Dinh dưỡng đầy đủ giúp trẻ nhanh hồi phục bệnh. Việc nghỉ ngơi hạn chế vận động giúp quả tim được nghỉ ngơi nhiều hơn, đặc biệt ở những bệnh nhân thấp tim có biến chứng gây suy tim. Quy định thời gian nghỉ ngơi sẽ phụ thuộc vào từng thể bệnh, và mức độ ảnh hưởng lên chức năng tim.

  • Ngoài việc thực hiện chỉ định của bác sĩ bệnh nhân nên nằm nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường nhằm giảm nhu cầu về oxy và dinh dưỡng của cơ thể. Hạn chế đi lại cho những bệnh nhân khó thở khi gắng sức.
  • Ăn nhẹ, ăn các loại thức ăn dễ tiêu như sữa, cá. Hạn chế lượng muối và nước bằng cách khuyên bệnh nhân ăn nhạt tương đối và hạn chế uống nước.
  • Thường xuyên động viên, giải thích để bệnh nhân không lo lắng, yên tâm điều trị. Phòng nằm của bệnh nhân phải đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.
  • Hướng dẫn cho bệnh nhân và theo dõi việc thực hiện các chỉ đinh của thầy thuốc về chế độ ăn, uống.
  • Bệnh nhân nên ăn nhiều rau, hoa quả, thức ăn giàu đạm. Khi người bệnh thấp tim đang được điều trị trợ tim và lợi tiểu, khuyến khích ăn hoa quả có nhiều kali: hồng xiêm, chuối tiêu, nho….
  • Không nên uống nhiều nước khi có phù, suy tim nặng. Ngoài ra, người suy tim nặng cần nghỉ ngơi, ăn uống vệ sinh mỗi ngày tại giường, thay đổi tư thế nhẹ nhàng, ở tư thế nửa nằm nửa ngồi khi khó thở nhiều. Bác sĩ và điều dưỡng sẽ đánh giá chi tiết chế độ ăn, lượng nước uống và nước tiểu người bệnh hàng ngày.
  • Đối với các trường hợp không suy tim hoặc suy tim nhẹ cũng cần chế độ nghỉ ngơi để tránh các biến chứng dẫn tới suy tim hoặc suy tim nặng thêm. Chế độ nghỉ ngơi còn phải thực hiện trong nhiều tuần ở nhà để viêm tim hồi phục hoàn toàn, tránh di chứng van.
  • Hàng ngày phải theo dõi tiến triển của các triệu chứng suy tim, hiệu quả và các tác dụng phụ của thuốc và báo với bác sĩ để có thể kịp thời đưa ra những can thiệp chính xác.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh thấp tim ở trẻ em- Ảnh 2.

Bệnh nhân thấp tim nên ăn nhiều rau, hoa quả.

4. Bệnh thấp tim ở trẻ em có chữa khỏi không?

Đa số bệnh nhân thấp tim sẽ khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán đúng kịp thời và bệnh nhân tuân thủ điều trị đúng phác đồ. 

Một số trường hợp nguy hiểm khi trẻ bị tổn thương nặng nề gây viêm cơ tim cấp, suy tim cấp, có thể gây tử vong. Hoặc một số trường hợp để lại những di chứng nặng nề trên van tim, như hẹp hở van 2 lá, van động mạch chủ, gây suy tim sớm, giảm tuổi thọ.

5. Lưu ý với trẻ em khi mắc bệnh thấp tim

Ngay cả khi điều trị khỏi ở giai đoạn cấp, thì về nhà trẻ vẫn phải tuân thủ đầy đủ các chế độ để phòng bệnh tái phát:

  • Vệ sinh răng miệng họng sạch sẽ hằng ngày, vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường sống đảm bảo sạch sẽ, khô thoáng.
  • Tuân thủ đầy đủ chế độ thuốc thang, và chế độ nghỉ ngơi.
  • Tái khám định kì đầy đủ.

6. Chi phí khám chữa bệnh thấp tim ở trẻ em

Chi phí khám và điều trị bệnh thấp tim ở trẻ em thể thông thường sẽ không cao, và đa số được bảo hiểm chi trả nếu trẻ điều trị đúng tuyến theo quy định của bảo hiểm.

Chỉ có một số trường hợp thấp tim biến chứng nặng, trẻ phải dùng các thuốc đắt tiền như IVIG, các thuốc trợ tim hiếm... thì sẽ tăng cao chi phí hơn.

Thấp tim ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhThấp tim ở trẻ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Bệnh thấp tim còn gọi là bệnh thấp khớp cấp, sốt thấp. Đây là bệnh hệ thống miễn dịch trung gian liên quan đến nhiễm khuẩn streptococcus. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh tim mắc phải ở trẻ em từ 5-15 tuổi.


BSCKI. Lê Thị Thắm
Khoa Tim mạch, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An
Ý kiến của bạn