1. Thận ứ nước có nguy hiểm không?
Thận ứ nước là một trong những tình trạng bệnh lý của hệ tiết niệu có thể xảy ra ở nhiều nhóm đối tượng khác nhau từ thai nhi, trẻ em cho đến người lớn.
Mặc dù tình trạng này có thể điều trị dứt điểm, tuy nhiên, không ít trường hợp thận tích nước trong thời gian dài dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Trường hợp thận ứ nước kéo dài có khả năng dẫn đến những biến chứng khác như tăng huyết áp, thiếu máu, suy thận,...
2. Đông y có chữa được bệnh thận ứ nước không?
Theo y học cổ truyền, thận ứ nước chưa có tên gọi nhưng theo dấu hiệu lâm sàng, bệnh được chia 3 thể: huyết ứ, thấp nhiệt, thận hư nên phương pháp trị là hoạt huyết, hóa ứ, trừ thấp, bổ thận. Tuy nhiên tùy thể bệnh mà gia giảm cho thích hợp, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi điều trị.
3. Thận bị ứ nước có nên uống nhiều nước không?
- Người bệnh thận ứ nước vẫn nên uống đầy đủ nước để duy trì sức khỏe. Việc uống nhiều nước có thể khiến triệu chứng đau lưng trở nên nặng hơn và mức độ ứ nước tăng nhanh hơn nhưng cơ thể vẫn cần lượng nước vừa đủ để duy trì chức năng thận và giảm nguy cơ nhiễm trùng tiểu ngược dòng.
- Khi bị bệnh thận ứ nước cần xác định nguyên nhân gây tắc nghẽn đường tiểu và giải quyết nguyên nhân đó sớm nhất có thể chứ không thể giảm uống nước để hy vọng giảm tốc độ nặng lên của bệnh.
- Với trường hợp người bệnh thận ứ nước quá nặng dẫn đến suy thận cấp thì có thể cần giảm lượng nước uống vì lúc này cơ thể không còn khả năng thải nước qua nước tiểu nữa.
4. Thận ứ nước có chữa được không?
Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách, bệnh thận ứ nước sẽ không gây ra bất kỳ tổn thương lâu dài nào.
5. Bệnh thận ứ nước có tự khỏi không?
Tình trạng bệnh thận ứ nước có thể tự khỏi. Đối với người bệnh được chẩn đoán thận ứ nước ở cấp độ nhẹ đến trung bình, bác sĩ sẽ theo dõi tích cực và thăm khám sức khỏe định kỳ để xem xét quá trình tiến triển của bệnh. Một vài trường hợp sẽ cần uống thuốc kê toa để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.
6. Người bị bệnh thận ứ nước nên kiêng thực phẩm gì?
- Người bị thận ứ nước nên chú ý đến chế độ ăn uống để hỗ trợ quá trình điều trị, bảo vệ thận và ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nặng. Người bệnh nên kiêng ăn thực phẩm chứa nhiều muối vì muối làm tích nước gây tăng áp lực lên thận.
- Hạn chế sử dụng thực phẩm giàu đạm động vật như thịt động vật. Đạm là cần thiết cho cơ thể, nhưng khi thận bị tổn thương, việc tiêu thụ quá nhiều đạm có thể gây gánh nặng lên thận trong quá trình lọc chất thải.
- Hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường vì đường có thể ảnh hưởng đến quá trình viêm nhiễm trong cơ thể, làm suy giảm hệ miễn dịch, từ đó có thể làm bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Kiêng ăn những thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ để tránh tăng nguy cơ tích tụ chất béo trong cơ thể, gây thêm áp lực cho thận khi phải lọc máu.
- Không sử dụng chất kích thích và đồ uống có cồn. Các chất kích thích, caffeine có thể làm tăng áp lực lên thận. Đồ uống có cồn có thể gây tổn thương trực tiếp đến thận, làm giảm hiệu quả chức năng của thận trong quá trình lọc chất thải.
- Hạn chế ăn thức ăn cay, nhiều gia vị để tránh tình trạng kích thích niêm mạc đường tiết niệu, gây khó chịu và làm triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
7. Các phương pháp điều trị thận ứ nước phổ biến là gì?
Việc điều trị thận ứ nước do tắc nghẽn có mục tiêu loại bỏ nguyên nhân gây tắc nghẽn và tái lập lưu thông đường dẫn niệu.
- Việc loại bỏ nguyên nhân tắc nghẽn sẽ dựa theo tác nhân gây ra tình trạng tắc nghẽn như tán sỏi, phẫu thuật loại bỏ sẹo đường tiểu, điều trị bệnh lý tuyến tiền liệt, thay đổi thói quen sinh hoạt...
- Tái lập lưu thông đường dẫn tiểu bao gồm: Cắt nối đường dẫn niệu sau khi đã loại bỏ nguyên nhân gây tắc nghẽn. Một số trường hợp sẽ đặt ống thông niệu quản hoặc dẫn lưu thận qua da với tắc nghẽn đường tiểu. Bác sĩ cũng có thể chỉ định đặt thông niệu đạo hoặc dẫn lưu bàng quang trên xương mu với tắc nghẽn đường tiểu dưới.