Hà Nội

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tăng tiết mồ hôi

14-10-2024 06:23 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tăng tiết mồ hôi là bệnh lý với đặc trưng là tình trạng tiết mồ hôi quá mức, thường ảnh hưởng đến lòng bàn tay, bàn chân, nách, hoặc khuôn mặt. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây nhiều phiền toái cho người mắc.

1. Đông y có chữa được bệnh tăng tiết mồ hôi?

Hiện nay không có bài thuốc đông y nào được công bố về việc điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi.

Một số bài thuốc dân gian truyền miệng là sử dụng là trầu không để ngâm chân: Trong lá trầu không có tính chất kháng khuẩn, chống viêm do đó việc ngâm lá trầu không giúp da mềm mại, phục hồi các tổn thương ở biểu bì, giảm các tình trạng viêm ở lòng bàn chân.

Ngoài ra các vị thuốc thiên môn đông, sơn thù du, hoàng kỳ kết hợp với nhau cũng được cho là có tác dụng làm giảm tiết mồ hôi tay chân…

2. Cách chăm sóc bệnh tăng tiết mồ hôi

Đối với các trường hợp tăng tiết mồ hôi tay, chân nhẹ cần chú ý vệ sinh bàn tay, chân sạch sẽ, tránh tình trạng viêm nhiễm. Ngoài ra chú ý trong ăn uống và sinh hoạt để giảm nguy cơ bệnh nặng lên.

Cụ thể:

  • Tránh làm việc trong môi trường nóng.
  • Tránh các đồ ăn cay nóng, các thức ăn, uống gây kích thích thần kinh như café, rượu, thuốc lá…
  • Sinh hoạt và nghỉ ngơi có khoa học, tránh các hoạt động căng thẳng, kích thích thần kinh hoặc sự tập trung cao độ.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tăng tiết mồ hôi- Ảnh 1.

Đổ mồ hôi nhiều - tăng tiết mồ hôi là một hoạt động sinh lý của cơ thể. Ảnh minh hoạ.

3. Bệnh tăng tiết mồ hôi có chữa khỏi không?

Bệnh tăng tiết mồ hôi có nhiều phương pháp điều trị và bệnh có thể được điều trị khỏi hoàn toàn bằng phương pháp phẫu thuật.

Phương pháp phẫu thuật hiện nay phổ biến nhất là phẫu thuật nội soi đốt hạch giao cảm ngực, tùy vào mức độ ra mồ hôi nhiều hay ít, vị trí ra mồ hôi mà bác sĩ phẫu thuật sẽ lựa chọn đốt hạch giao cảm ngực số 3, số 3 và 4 hay kết hợp cả hạch giao cảm số 2, 3 và 4.

Cho đến nay phẫu thuật nội soi đốt hạch giao cảm vẫn được xem là lựa chọn vàng trong điều trị ngoại khoa điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi tay.

4. Lưu ý với người béo phì, tiểu đường, mang bầu… khi mắc bệnh tăng tiết mồ hôi

Đối với người béo phì, tiểu đường, người mang bầu có triệu chứng tăng tiết mồ hôi, chúng ta cần lưu ý để đánh giá đó là các triệu chứng tăng tiết mồ hôi thứ phát (do bệnh béo phì, tiểu đường hoặc tình trạng mang thai gây ra) hay đó thực sự là bệnh tăng tiết mồ hôi tay nguyên phát.

Nếu bệnh nhân có tình trạng tăng tiết mồ hôi toàn thân, diễn ra cả lúc nghỉ ngơi, không liên quan đến các tình trạng kích thích giao cảm như căng thẳng, tập trung cao độ, thực hiện các động tác tinh vi thì đó là tăng tiết mồ hôi tay thứ phát. Người bệnh quản lý tốt tình trạng cân nặng, điều chỉnh ổn định đường huyết thì các triệu chứng của tăng tiết mồ hôi tay sẽ ổn định.

Trong trường hợp bệnh nhân thực sự có bệnh tăng tiết mồ hôi tay (tăng tiết mồ hôi tay nguyên phát) với các đặc điểm chủ yếu bị ở bàn tay, bàn chân, nách, mặt hoặc phối hợp các vị trí trên, bị đối xứng 2 bên (phải, trái), tăng lên khi căng thẳng, tập trung cao độ hoặc thực hiện các động tác tinh vi.

Giảm hoặc không bị tăng tiết mồ hôi lúc ngủ thì bệnh nhân cần được bác sĩ đánh giá mức độ bị bệnh và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tăng tiết mồ hôi- Ảnh 2.

Tình trạng tăng tiết mồ hôi nguyên phát thường giảm dần theo độ tuổi. Ảnh minh hoạ.

5. Chi phí khám chữa bệnh tăng tiết mồ hôi

Bệnh tăng tiết mồ hôi thường khá rõ ràng khi được bác sĩ chuyên khoa thăm khám trên lâm sàng, ngoài ra khi đến khám, bệnh nhân sẽ được bác sĩ cho chỉ định một số xét nghiệm để chẩn đoán với triệu chứng tăng tiết mồ hôi thứ phát do các bệnh lý khác như cường giáp, tiểu đường…

Đối với các bệnh nhân có thể bảo hiểm y tế, việc thăm khám và điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi được bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định.

Điều trị bệnh tăng tiết mồ hôi tùy vào mức độ bệnh, bác sĩ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau. Đối với các bệnh nhân từ mức độ II trở lên có chỉ định ngoại khoa thì phương pháp phẫu thuật nội soi đốt hạch giao cảm điều trị hiệu quả cao và triệt để được bảo hiểm thanh toán chi phí theo quy định của bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Tăng tiết mồ hôi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trịTăng tiết mồ hôi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

SKĐS - Tăng tiết mồ hôi là bệnh lý với đặc trưng là tình trạng tiết mồ hôi quá mức, thường ảnh hưởng đến lòng bàn tay, bàn chân, nách, hoặc khuôn mặt. Mặc dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây nhiều phiền toái cho người mắc.


BSCKII Nguyễn Văn Phú
Bệnh viện Nội tiết Nghệ An
Ý kiến của bạn