Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tăng huyết áp thứ phát

07-10-2024 17:20 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Tăng huyết áp thứ phát là tình trạng huyết áp cao được xác định rõ nguyên nhân, do một bệnh lý hoặc một vấn đề y tế khác gây ra. Hiện nay, tăng huyết áp thứ phát đang ngày càng phổ biến.

1. Đông y có chữa bệnh được bệnh tăng huyết áp thứ phát?

Đông y không chữa được tăng huyết áp thứ phát và cũng không thể giúp người bệnh giảm lượng thuốc phải sử dụng. Thuốc đông y chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị nhưng không thể thay thế thuốc tây y trong điều trị tăng huyết áp thứ phát.

Việc sử dụng các vị thuốc đông y để hạ huyết áp phù hợp trong trường hợp huyết áp tăng nhẹ. Sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp theo đông y có thể giúp giảm thiểu việc phải sử dụng nhiều loại thuốc từ tây y, nhưng không thể thay thế hoàn toàn.

Khi sử dụng bài thuốc theo thang, cần được thăm khám bởi bác sĩ đông y để xác định nguyên nhân và dùng bài thuốc phù hợp. Tuy nhiên, một số vị thuốc không nên sử dụng cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, do đó cần chú ý khi lựa chọn.

Ngoài việc sử dụng các vị thuốc, nên kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt để có thể kiểm soát tốt huyết áp. Duy trì cân nặng hợp lý bằng chế độ ăn uống và tập luyện thể dục. Cần kiểm tra huyết áp thường xuyên để có thể theo dõi được đáp ứng điều trị với thuốc. Bên cạnh đó, người bệnh cần phải được bác sĩ thăm khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tăng huyết áp thứ phát- Ảnh 1.

Tăng huyết áp thứ phát đột ngột có thể làm bệnh nhân bất tỉnh.

2. Cách sơ cứu bệnh bệnh tăng huyết áp thứ phát

Cách sơ cứu người bị tăng huyết áp thứ phát không chỉ cần nhanh mà còn phải chính xác và an toàn. Khi xử trí cơn tăng huyết áp thứ phát, chúng ta cần lưu ý đến những vấn đề sau:

  • Để người bệnh nằm nghỉ ngơi trong không gian thông thoáng, yên tĩnh. Không nên để bệnh nhân di chuyển vì rất dễ té ngã, ngất xỉu.
  • Cứ mỗi 15 phút, cần đo lại huyết áp cho bệnh nhân một lần và ghi nhận để báo cho bác sĩ.
  • Người cấp cứu cần bình tĩnh và nhờ đến sự giúp đỡ của những người khác. Tránh lo lắng, xúc động quá mức bởi điều này sẽ tác động đến tâm lý bệnh nhân.
  • Nếu bệnh nhân bị nôn ói, cho bệnh nhân nằm nghiêng một bên để tránh hít sặc.
  • Không nên cho bệnh nhân ăn uống bất cứ thứ gì.
  • Không nên tự mua thuốc về cho bệnh nhân uống.
  • Không nên xoa bóp, ấn, tác động lên người bệnh nhân.
  • Nhanh chóng đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế gần nhất. Hãy mang theo tất cả thuốc, giấy tờ liên quan tới các bệnh đã có ở bệnh nhân.

3. Cách chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp thứ phát

Khi phát hiện bệnh lý tăng huyết áp thứ phát, cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác các bệnh lý nền liên quan và cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Thông thường, tình trạng bệnh nền đòi hỏi phải điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Một khi bệnh nền được điều trị hiệu quả, tăng huyết áp thứ phát có thể giảm hoặc thậm chí trở lại bình thường.

3.1. Điều trị bệnh tăng huyết áp thứ phát

Thông thường, thay đổi lối sống - chẳng hạn như ăn chế độ ăn lành mạnh, tăng hoạt động thể chất và duy trì cân nặng khỏe mạnh - có thể giúp duy trì huyết áp thấp. Bạn cũng cần phải tiếp tục dùng thuốc hạ huyết áp, và bất kỳ tình trạng sức khỏe nào mà bạn có ảnh hưởng đến sự lựa chọn thuốc của bác sĩ.

Các thuốc có thể chọn bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu: Thuốc hoạt động trên thận của bạn để giúp cơ thể bạn loại bỏ natri và nước, làm giảm thể tích máu.
  • Thuốc làm giảm khối lượng công việc trong tim và mở rộng các mạch máu, khiến tim bạn đập chậm hơn và ít lực hơn.
  • Thuốc làm dãn mạch máu.
  • Điều trị đôi khi có thể phức tạp. Bạn có thể cần nhiều hơn một loại thuốc kết hợp với thay đổi lối sống để kiểm soát huyết áp cao của bạn. Và bác sĩ sẽ muốn bạn tái khám nhiều hơn cho đến khi nào huyết áp của bạn ổn định, có thể là thường xuyên, mỗi tháng một lần.

3.2. Thay đổi lối sống lành mạnh

Mặc dù việc điều trị bệnh tăng huyết áp thứ phát có thể là khó khăn, nhưng việc thay đổi lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn phần nào hạn chế đi tác hại của bệnh tăng huyết áp thứ phát. Bao gồm:

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tăng huyết áp thứ phát- Ảnh 2.

Đi bộ là môn thể thao có tác dụng hạ huyết áp.

  • Ăn thực phẩm lành mạnh: Thử các chế độ ăn kiêng để ngăn ngừa tăng huyết áp, đặc biệt với trái cây, rau quả, ngũ cốc và thực phẩm bơ sữa ít béo. Có nhiều kali, được tìm thấy trong trái cây và rau quả như khoai tây, rau bina, chuối và mơ, để giúp ngăn ngừa và kiểm soát huyết áp cao. Ăn ít chất béo bão hòa.
  • Giảm muối trong chế độ ăn uống của bạn: Nồng độ natri thấp hơn 1,500 mg/ngày phù hợp với người từ 51 tuổi trở lên, mọi lứa tuổi ở người da đen hoặc những người mắc bệnh cao huyết áp, tiểu đường hoặc bệnh thận mạn tính. Người khỏe mạnh có thể nhắm mục tiêu cho 2.300 mg một ngày hoặc ít hơn.
  • Mặc dù bạn có thể giảm lượng muối ăn bằng cách bỏ muối, bạn cũng nên chú ý đến lượng muối trong thực phẩm chế biến mà bạn ăn, như trong các đồ ăn đóng hộp.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Nếu bạn thừa cân, giảm cân thậm chí có thể hạ thấp huyết áp của bạn.
  • Tăng hoạt động thể chất: Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm huyết áp và giữ cân nặng của bạn được kiểm soát. Phấn đấu ít nhất 30 phút hoạt động thể chất mỗi ngày.
  • Hạn chế uống rượu: Ngay cả khi bạn khỏe mạnh, rượu có thể làm tăng huyết áp. Nếu bạn chọn uống rượu, hãy uống với mức độ vừa phải - mỗi ngày một ly cho phụ nữ, và hai ly một ngày cho nam giới.
  • Không hút thuốc: Thuốc lá gây tổn thương thành mạch máu và đẩy nhanh quá trình làm cứng các động mạch. Nếu bạn hút thuốc, hãy hỏi bác sĩ để giúp bạn bỏ thuốc.
  • Giảm căng thẳng: Giảm căng thẳng càng nhiều càng tốt. Thực hành các bài tập như thư giãn cơ và thở sâu. Việc ngủ nhiều cũng có thể giúp ích.

4. Bệnh tăng huyết áp thứ phát có chữa khỏi không?

Hiện chưa có phương pháp chữa trị hoàn toàn cho bệnh tăng huyết áp thứ phát, tuy nhiên, điều trị có thể giúp giảm áp lực huyết quá cao. Trong trường hợp nhẹ, áp lực huyết cao có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh.

5. Lưu ý với người béo phì, tiểu đường, mang bầu… khi mắc bệnh tăng huyết áp thứ phát

Đối với người béo phì, nguy cơ mắc tăng huyết áp thứ phát cao gấp 2-6 lần so với người bình thường. Người béo phì mắc tăng huyết áp nếu không kiểm soát tốt huyết áp có thể dẫn tới đột quỵ. Bởi khi lượng mỡ (điển hình là mỡ bụng) có thể gây áp lực lên các động mạch, làm tăng huyết áp. Một khi huyết áp cao sẽ khiến áp lực bơm máu lên não đột ngột tăng vọt. Từ đó dễ gây chảy máu não (đột quỵ, xuất huyết não).

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tăng huyết áp thứ phát- Ảnh 3.

Khi phát hiện bệnh lý tăng huyết áp thứ phát, cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán.

Bên cạnh đó, huyết áp cao cũng thúc đẩy các cục máu đông (huyết khối) di chuyển lên động mạch não gây tắc nghẽn mạch máu não gây thiếu máu não cục bộ (đột quỵ thiếu máu não).

Vì vậy người béo phì cần có chế độ làm việc, ăn uống hợp lý và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ tránh dư thừa trọng lượng cơ thể. Đây cũng là biện pháp rất quan trọng để giảm nguy cơ gây tăng huyết áp, nhất là ở những người cao tuổi.

Đái tháo đường và tăng huyết áp thứ phát thường đi kèm với nhau. Người đồng mắc tăng huyết áp và đái tháo đường dễ có nguy cơ biến chứng đái tháo đường và tăng tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ. Do vậy người bệnh tăng huyết áp thứ phát cần thăm khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh đái tháo đường nếu có, đồng thời tuân thủ điều trị của bác sĩ, thay đổi chế độ sinh hoạt và tăng cường vận động.

Với phụ nữ mang thai, tăng huyết áp thứ phát làm tăng nguy cơ tiền sản giật và sản giật cũng như làm tăng các nguy cơ gây tử vong hoặc các bệnh lý khác như suy thận, suy tim... Do vậy, phụ nữ mang thai cần thăm khám định kỳ để sớm phát hiện tăng huyết áp nếu có.

6. Chi phí khám chữa bệnh tăng huyết áp thứ phát

Hiện nay, có nhiều lựa chọn từ tuyến huyện trở lên cho người bệnh khi muốn thăm, khám, chữa bệnh tăng huyết áp thứ phát với các lựa chọn khám theo yêu cầu, khám dịch vụ, khám theo chế độ BHXH…

Gói khám tăng huyết áp thứ phát sẽ giúp người bệnh xác định được các yếu tố như:

  • Chẩn đoán tăng huyết áp (nếu có) và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
  • Đánh giá các yếu tố nguy cơ và một số bệnh lý đồng mắc.
  • Lời khuyên về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt cho người bệnh.

Người bệnh có thể đăng ký gói khám tổng quát tại các bệnh viện để phát hiện tăng huyết áp. Tùy vào trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ có thêm các chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu…Vậy nên, để nhận mức giá cụ thể người bệnh nên liên hệ đến bệnh viện để được cung cấp thông tin.

Tăng huyết áp thứ phát: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trịTăng huyết áp thứ phát: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trị

SKĐS - Tăng huyết áp thứ phát khác với loại huyết áp thông thường (tăng huyết áp nguyên phát). Bệnh cần phải được điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra.


BS. Trịnh Thanh Lan
Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Ý kiến của bạn