Hà Nội

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tắc ruột sơ sinh

30-10-2024 10:10 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tắc ruột sơ sinh là hội chứng cấp cứu ngoại khoa phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh do tắc ruột gây nên. Nếu không được điều trị kịp thời, hội chứng tắc ruột sơ sinh sẽ dẫn tới những hậu quả rất nghiêm trọng, bệnh nhi có thể tử vong.

1. Đông y có chữa được bệnh tắc ruột sơ sinh?

Đông y không chữa được bệnh tắc ruột sơ sinh, tắc ruột sơ sinh chủ yếu được điều trị bằng các chỉ định phẫu thuật ngoại khoa, nhưng các phương thuốc đông y có thể hỗ trợ giúp bệnh tắc ruột có thể phục hồi sức khoẻ.

2. Cách sơ cứu bệnh tắc ruột sơ sinh

Bệnh nhi bị tắc ruột sơ sinh vào viện thường trong tình trạng bụng chướng, nôn nhiều, có thể kèm theo cả suy hô hấp. 

Vì vậy việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng, bệnh nhi nên được khai thông đường thở, duy trì hô hấp, đặt sonde dạ dày, sonde hậu môn để giảm tình trạng chướng bụng. 

Nếu suy hô hấp có thể cho trẻ thở oxy hoặc thở máy, đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn và tình trạng mất nước mới có hướng hồi sức tích cứu đúng phác đồ.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tắc ruột sơ sinh- Ảnh 1.

Tắc ruột ở trẻ sơ sinh liên quan mật thiết tới lồng ruột.

3. Cách chăm sóc bệnh tắc ruột sơ sinh

Tắc ruột là vấn đề sức khỏe khá nghiêm trọng, bệnh nhân cần được điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát tốt tình hình sức khỏe, ngăn ngừa diễn biến xấu do hiện tượng tắc ruột xảy ra.

Ngoài việc điều trị theo hướng dẫn, cha mẹ nhớ xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp dành cho trẻ nhỏ. Nhờ vậy, bé sẽ sớm phục hồi, tổn thương đường ruột được kiểm soát tốt nhất. Khi hiện tượng tắc ruột ở trẻ sơ sinh xuất hiện, cơ thể bé sẽ bị mất nước và nhiễm khuẩn nghiêm trọng. Chính vì thế, khi trẻ có dấu hiệu tắc ruột cần được phát hiện và khám kịp thời để có hướng xử trí kịp thời.

Trong giai đoạn điều trị tắc ruột, trẻ cần được phẫu thuật sớm, sau mổ trẻ được nhịn ăn, nuôi dưỡng tĩnh mạch để đường ruột có thể hồi phục tốt nhất và đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho trẻ.

Khi trẻ được cho ăn trở lại, chúng ta nên cho con ăn nhiều bữa nhỏ thay vì cố gắng ép bé ăn quá nhiều đồ trong một bữa lớn. Điều này giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động hiệu quả hơn, hạn chế tình trạng tắc ruột trở nên nghiêm trọng và tồi tệ hơn. Nếu vô tình trẻ bị sặc, nghẹn khi ăn, cha mẹ cần có biện pháp xử trí trẻ sặc bột kịp thời.

4. Bệnh tắc ruột sơ sinh có chữa khỏi không?

Bệnh tắc ruột sơ sinh là một trong nhưng bệnh lý cấp cứu ngoại nhi tiêu hóa. Tuy là bệnh lý nặng và phức tạp, nhưng bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tắc ruột sơ sinh- Ảnh 2.

Nếu thấy trẻ khóc liên tục, phân lẫn chất nhầy và máu, bạn nên cho trẻ đi khám.

Bệnh tắc ruột sơ sinh để điều trị khỏi cần phải xác định được nguyên nhân gây tắc. Mỗi nguyên nhân sẽ có chỉ định can thiệp khác nhau, với sự tiến bộ của y khoa, bệnh lý tắc ruột hiện nay có thể can thiệp bằng các phương pháp xâm lấn tối thiểu.

5. Lưu ý khi mắc bệnh tắc ruột sơ sinh

Bệnh lý tắc ruột sơ sinh là một trong những bệnh lý cấp cứu của ngoại nhi tiêu hóa, bệnh thường có diễn biến nặng và vô cùng phức tạp. Trong điều trị phải dựa vào nguyên nhân gây tắc ruột mà có chỉ định điều trị và phẫu thuật khác nhau, vì vậy cần lưu ý khi trẻ tắc ruột sơ sinh:

  • Trẻ cần được sớm chẩn đoán xác định để đưa ra chỉ định can thiệp kịp thời.
  • Bệnh có nhiều nguyên nhân gây tắc khác nhau nên cần phải xác định rõ nguyên nhân gây tắc và phải xử trí để lập lại lưu thông đường tiêu hóa.
  • Bệnh nhi tắc ruột thường phải nhịn ăn kéo dài, nên cần có kế hoạch chăm sóc và dinh dưỡng hợp lý, thúc đẩy quá trình hồi phục.

6. Chi phí khám chữa bệnh tắc ruột sơ sinh

Bệnh tắc ruột sơ sinh thường nhập viện trong tình trạng nặng, cần hồi sức tích cực và chỉ định phẫu thuật. Vì vậy chi phí cho điều trị bệnh tắc ruột sơ sinh tương đối cao trung bình có thể dao động 10 triệu đến 50 triệu. Có những bệnh phải can thiệp nhiều lần như bệnh không hậu môn, hoặc megacolone phải can thiệp nhiều lần nên chi phí còn cao hơn nữa.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tắc ruột sơ sinh- Ảnh 3.

Trẻ cần phẫu thuật trị tắc ruột nếu truyền dịch và thụt tháo không hiệu quả.

Bệnh nhi là sơ sinh nên sau phẫu thuật thường phải nhịn ăn, nuôi dưỡng tĩnh mạch bằng các thuốc và dịch nuôi dưỡng chuyên biệt. Đối tượng sơ sinh nên trẻ được hưởng chế độ bảo hiểm, tuy vậy các chi phí ngoài bảo hiểm vẫn còn nhiều.

Mỗi bệnh nhi nằm viện thường kèm theo nhiều người nhà chăm sóc, chính vì vậy cũng là gánh nặng kinh tế cho cả gia đình.

Tắc ruột sơ sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trịTắc ruột sơ sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và điều trị

SKĐS - Tắc ruột ở trẻ sơ sinh rất nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của trẻ. Vì thế trẻ bị tắc ruột cần được điều trị kịp thời và có phương pháp chăm sóc phù hợp để hạn chế diễn biến của bệnh và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.


BS CKII. Dương Văn Thông
Trưởng khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa
Ý kiến của bạn