Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh suy tĩnh mạch chân

17-09-2024 15:54 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Suy tĩnh mạch chân là tình trạng suy giảm chức năng của hệ tĩnh mạch nông chi dưới do sự hoạt động không hiệu quả của các van tĩnh mạch. Suy tĩnh mạch không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Dưới đây là một số câu hỏi liên quan đến bệnh.

1. Đông y có chữa được suy tĩnh mạch chân không?

Trong Đông y, suy tĩnh mạch chân là do huyết ứ, khí trệ (máu không lưu thông từ ngoại vi trở về tim). Để điều trị căn bệnh này, cần dùng liệu pháp hoạt huyết, hành khí, tán ứ kết hợp với bảo vệ thành mạch.

Ở giai đoạn đầu, có thể sử dụng một số bài thuốc Đông y để hỗ trợ điều trị suy tĩnh mạch chân. Tuy nhiên, khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng như có biến đổi cấu trúc dưới da hoặc xuất hiện vết loét, thì Đông y không còn hiệu quả trong việc điều trị.

Suy tĩnh mạch chân là tình trạng suy giảm chức năng của hệ tĩnh mạch do sự hoạt động không hiệu quả của các van tĩnh mạch.

Suy tĩnh mạch chân là tình trạng suy giảm chức năng của hệ tĩnh mạch do sự hoạt động không hiệu quả của các van tĩnh mạch.

2. Xử trí thế nào khi bị suy tĩnh mạch chân?

Khi bị suy tĩnh mạch và cảm thấy đau nhức, khó chịu, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị phù hợp. Không nên tự ý xử lý tại nhà. Nếu có các triệu chứng như đau kéo dài, chân sưng to, tê cứng hoặc có vết loét, cần thăm khám ngay lập tức để tránh biến chứng nặng hơn.

3. Cách chăm sóc suy tĩnh mạch chân thể nhẹ tại nhà

Suy giãn tĩnh mạch chân ở giai đoạn nhẹ có thể được kiểm soát bằng các biện pháp sau để giảm bớt triệu chứng và ngăn chặn bệnh tiến triển: Bổ sung thực phẩm giàu flavonoid như cam, quýt, các loại quả mọng (cherry, việt quất), bông cải xanh, rau bina, hành tây, ớt chuông… Đồng thời, tăng cường thực phẩm giàu kali và chất xơ trong thực đơn hàng ngày.

Duy trì luyện tập thể dục thể thao để ổn định huyết áp. Các môn thể thao phù hợp gồm đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga. Mặc quần áo rộng rãi để giúp máu lưu thông dễ dàng. Tránh đứng quá lâu một chỗ.

4. Suy tĩnh mạch chân có chữa khỏi không?

Dùng thuốc, tất áp lực hay thay đổi chế độ tập luyện chỉ giúp cải thiện triệu chứng và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh ở giai đoạn nhẹ. Để điều trị triệt để suy giãn tĩnh mạch chân, cần áp dụng các biện pháp can thiệp y khoa như phẫu thuật hoặc điều trị Laser.

5. Lưu ý với người béo phì, tiểu đường, phụ nữ mang thai… mắc suy tĩnh mạch chân

5.1 Người béo phì mắc suy tĩnh mạch chân

Áp lực từ trọng lượng cơ thể lớn khiến việc máu lưu thông từ chân về tim trở nên khó khăn. Khi áp lực trong lòng tĩnh mạch tăng, thành tĩnh mạch nông và sâu sẽ giãn rộng, khiến van tĩnh mạch không đóng kín, gây ra hiện tượng máu trào ngược.

Tình trạng này khiến chân sưng phù, nặng nề, và thậm chí gây chuột rút. Trong trường hợp nặng, các tĩnh mạch ngoại vi giãn lớn, tạo điều kiện cho cục máu đông hình thành.

Do đó, người bệnh béo phì bị suy tĩnh mạch chân cần thực hiện những biện pháp giảm cân để cải thiện tình trạng sức khỏe của mình.

Cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp để giảm cân an toàn, hiệu quả.

5.2 Người bị tiểu đường mắc suy tĩnh mạch chân

Người bệnh tiểu đường cần thận trọng, vì suy giãn tĩnh mạch có thể gây nhiễm trùng chi. Việc điều trị cần có sự phối hợp giữa chuyên khoa tim mạch và nội tiết. Điều trị suy giãn tĩnh mạch sớm sẽ giúp tránh biến chứng nghiêm trọng.

5.3 Phụ nữ mang thai mắc suy tĩnh mạch chân

Trong thai kỳ, sự thay đổi nội tiết tố có thể làm suy giãn thành tĩnh mạch, dễ gây cục máu đông. Thường thì bệnh chỉ gây khó chịu tạm thời như đau, ngứa và ảnh hưởng thẩm mỹ. Tuy nhiên, nếu xuất hiện huyết khối, sẽ gây đau nhức nghiêm trọng. Phụ nữ mang thai cần thăm khám và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh biến chứng nguy hiểm.

Các bác sĩ can thiệp cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch.

Các bác sĩ can thiệp cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch.

6. Chi phí chữa bệnh suy tĩnh mạch chân

Người bệnh nên khám tại các chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh. Bác sĩ thường thăm khám lâm sàng, hỏi về triệu chứng và đôi khi chỉ định siêu âm Duplex.

Tùy theo tình trạng, bác sĩ sẽ đề xuất các phương pháp điều trị nội khoa, thay đổi lối sống, hoặc can thiệp bằng phẫu thuật, Laser nội mạch, tiêm xơ…

Khi bệnh nhân suy tĩnh mạch chân đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế, mức chi trả bảo hiểm y tế còn tùy thuộc vào vấn đề người bệnh được thanh toán theo diện đồng chi trả 80%, 95% hay 100%.

Do đó, người bệnh cần tới cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ cũng như được báo giá chính xác.

Bài tập cho người mắc bệnh suy tĩnh mạch chânBài tập cho người mắc bệnh suy tĩnh mạch chân

SKĐS - Đối với người bệnh suy tĩnh mạch chân (hay còn gọi là suy tĩnh mạch nông chi dưới), bên cạnh các phương pháp điều trị, chế độ ăn uống thì việc luyện tập đóng vai trò rất quan trọng. Mặc dù không phải là cách chữa trị, nhưng tập thể dục là một cách hiệu quả để làm giảm các triệu chứng giãn tĩnh mạch.


BS CKI Vũ Tuyết Trinh
Bệnh viện Nội tiết Nghệ An
Ý kiến của bạn