Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh suy giáp bẩm sinh

29-11-2024 09:12 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Suy giáp bẩm sinh là tình trạng thiếu hụt hormone tuyến giáp. Bệnh gây ra tình trạng chậm phát triển thể chất, tinh thần và vận động ở trẻ. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ bị lùn và đần độn suốt đời, thậm chí trẻ có thể bị tử vong. Dưới đây là các câu hỏi thường gặp về bệnh suy giáp bẩm sinh.

1. Đông y có thể chữa được bệnh suy giáp bẩm sinh không?

Theo y học cổ truyền, suy giáp bẩm sinh thuộc phạm vi chứng "phù thũng" và "hư lao", có thể do các nguyên nhân như: Dương hư khí suy. Âm huyết hư tổn. Âm tụ huyết ứ.

Chứng nhẹ

Bệnh mới bắt đầu thường biểu hiện tỳ dương bất túc, khí huyết hư, phép trị chủ yếu là ôn trung kiện tỳ, ích khí bổ huyết.

  • Bài thuốc: Hoàng kỳ 30g, đảng sâm 18g, bạch truật 24g, đương quy 12g, chích thảo 6g, sài hồ 6g, ba kích thiên 6g, kỷ tử 9g, trần bì 3g. Sắc uống ngày 1 thang. Cho 750ml nước vào sắc kỹ còn 300ml nước thuốc chia uống 3 lần trong ngày. Uống kiên trì 2 tháng.

Chứng trạng

  • Sử dụng bài thuốc gồm: Nhục thung dung 12g, sơn dược 20g, sinh hoàng kỳ 30g, đảng sâm 20g, quế chi 5g, tiên linh tỳ 12g, bổ cốt chỉ 12g, đương quy 12g, bạch thược 16g, xích thược 12g (sao), đơn sâm 12g, bạch linh 20g, trạch tả 20g, lộc giác sương 20g (sắc trước), chế phụ phiến 10g (sắc trước), quy bản 20g (sắc trước). Sắc uống cần kết hợp thuốc tân dược.

Chứng nguy: Phép trị phải hồi dương cố thoát, ích khí liễm âm, dùng bài sâm phụ thang: Nhân sâm 40g, phụ tử 8g, sinh khương 8g, sắc uống.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh suy giáp bẩm sinh- Ảnh 1.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh suy giáp bẩm sinh- Ảnh 2.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh suy giáp bẩm sinh- Ảnh 3.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh suy giáp bẩm sinh- Ảnh 4.

Các vị thuốc Đương quy, Hoàng kỳ, Đảng sâm, Bạch truật.

2. Sơ cứu người bệnh suy giáp bẩm sinh thế nào?

Suy giáp bẩm sinh là một tình trạng hiếm gặp ở trẻ sơ sinh do tuyến giáp không phát triển bình thường, dẫn đến thiếu hormone tuyến giáp. Việc sơ cứu đối với người bệnh suy giáp bẩm sinh chủ yếu tập trung vào nhận diện và quản lý các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc cấp cứu. Dưới đây là cách sơ cứu cơ bản:

  • Đảm bảo đường thở thông thoáng: Đặt bệnh nhân ở tư thế nghiêng an toàn nếu có nguy cơ nôn hoặc nghẹt thở.
  • Kiểm tra hô hấp và tuần hoàn: Nếu không thở hoặc không có mạch, thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) theo quy trình. Dùng oxy nếu người bệnh khó thở.
  • Giữ ấm cơ thể: Tránh để bệnh nhân bị lạnh vì suy giáp thường làm giảm nhiệt độ cơ thể. Giữ ấm cho bệnh nhân nhưng không quá nóng.
  • Gọi cấp cứu ngay lập tức.
  • Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.

3. Cách chăm sóc người bệnh suy giáp bẩm sinh

Chăm sóc trẻ: cũng như chăm sóc những trẻ khỏe mạnh bình thường, chỉ cần nhớ cho trẻ uống thuốc đều đặn. Thuốc thường được uống cùng nước hoặc sữa mẹ trước khi ăn. Một số chất sẽ làm giảm hấp thu thuốc: canxi, sắt, sữa đậu nành…

Trẻ vẫn được tiêm phòng theo lịch đầy đủ. Khi trẻ bị ốm, trẻ vẫn phải uống thuốc tuyến giáp như hàng ngày.

Lịch tái khám: các trẻ nên được tái khám đều đặn theo hẹn của các bác sĩ để chỉnh liều thuốc, và có thể sẽ làm xét nghiệm máu kiểm tra.

Thông thường thời gian khám sẽ là: 1-2 tuần sau khi bắt đầu uống thuốc, mỗi 2 tuần cho đến khi chỉ số TSH bình thường. Sau đó mỗi 1-3 tháng trong năm đầu, mỗi 2-4 tháng khi trẻ 1-3 tuổi, và mỗi 6-12 tháng sau đó.

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ mắc suy giáp bẩm sinh sẽ gặp nhiều hệ lụy. Ảnh minh hoạ.

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ mắc suy giáp bẩm sinh sẽ gặp nhiều hệ lụy. Ảnh minh hoạ.

4. Suy giáp bẩm sinh có chữa khỏi được không?

Suy giáp bẩm sinh không thể chữa khỏi hoàn toàn mà trẻ bắt buộc phải dùng hormone thay thế trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên nếu trẻ được phát hiện sớm, điều trị đều đặn, khám đúng hẹn trẻ hoàn toàn phát triển bình thường cả về thể chất và tinh thần. Liệu pháp hormone thay thế là phương pháp điều trị suy giáp bẩm sinh duy nhất đem lại hiệu quả và an toàn.

Còn trường hợp phát hiện ở giai đoạn muộn dùng hormone thay thế có thể phần nào cải thiện được sự phát triển của não bộ và sự phát triển về thể chất. Phát hiện càng sớm trẻ được dùng thuốc sớm thì giảm thiểu được các biến chứng của thiếu hormone tuyến giáp.

Thay thế hormone tuyến giáp bằng Thyroxine. Đây là 1 hormone tổng hợp được điều chế thành dạng viên uống mỗi ngày và sử dụng suốt đời. Nó có rất ít tác dụng phụ và nếu có thường là do sử dụng không đúng liều lượng.

Tất cả trẻ bị suy giáp bẩm sinh phải được theo dõi về lâm sàng và xét nghiệm định kỳ.

5. Lưu ý với người béo phì và phụ nữ mang thai mắc bệnh suy giáp bẩm sinh

5.1. Đối với người béo phì mắc suy giáp bẩm sinh

Người béo phì mắc suy giáp bẩm sinh cần chú ý những điều sau:

Duy trì chế độ ăn uống hợp lý:

  • Hạn chế thực phẩm giàu đường, chất béo bão hòa và đồ ăn nhanh. Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây tươi, và thực phẩm giàu chất xơ. Hoạt động thể chất đều đặn:
  • Lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, hoặc bơi lội. Tránh các hoạt động quá sức gây áp lực lên tim mạch và khớp. Tuân thủ điều trị và theo dõi sức khỏe:
  • Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là hormone thyroxine (T4). Định kỳ kiểm tra chức năng tuyến giáp để điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp.

5.2. Đối với phụ nữ mang thai mắc suy giáp bẩm sinh

Bệnh suy giáp bẩm sinh ở phụ nữ mang thai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Do đó cần lưu ý:

Thăm khám tiền sản định kỳ:

- Bác sĩ sẽ kiểm tra chức năng tuyến giáp và theo dõi sự phát triển của thai nhi. Phát hiện và xử lý sớm các nguy cơ như tiền sản giật, đẻ non hoặc suy dinh dưỡng thai nhi.

Dinh dưỡng hợp lý:

- Bổ sung đủ i-ốt qua chế độ ăn hoặc thực phẩm chức năng theo hướng dẫn của bác sĩ. Tránh các thực phẩm gây cản trở hấp thu hormone tuyến giáp như đậu nành, cải xanh, bông cải trắng.

Tuân thủ điều trị:

- Không tự ý dừng hoặc thay đổi liều thuốc trong thai kỳ. Tăng liều thyroxine khi cần thiết để đáp ứng nhu cầu hormone tăng lên trong thai kỳ.

Quản lý cân nặng:

Tăng cân phù hợp theo từng giai đoạn của thai kỳ, tránh tăng cân quá mức.

Tóm lại: Suy giáp bẩm sinh là bệnh lý cần được quản lý chặt chẽ, đặc biệt ở người béo phì và phụ nữ mang thai. Việc tuân thủ điều trị, duy trì chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh không chỉ giúp kiểm soát bệnh mà còn đảm bảo sức khỏe toàn diện cho bản thân và sự phát triển của thai nhi.

Bệnh suy giáp ở trẻ có thể khiến trẻ dậy thì chậm hơn thông thường.

Bệnh suy giáp ở trẻ có thể khiến trẻ dậy thì chậm hơn thông thường.

6. Chi phí khám chữa bệnh suy giáp bẩm sinh

Chi phí điều trị suy giáp bẩm sinh bao gồm: Chi phí khám và chẩn đoán; Xét nghiệm chức năng tuyến giáp (TSH, FT4); Chi phí điều trị và thuốc men; Chi phí thăm khám định kỳ…. Chi phí điều trị suy giáp bẩm sinh còn tùy mức độ bệnh và nơi điều trị.

Người bệnh có thẻ BHYT sẽ được hỗ trợ từ 70% - 100% chi phí khám chữa bệnh suy giáp bẩm sinh tùy theo nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và cơ sở y tế. Các loại thuốc cơ bản như levothyroxine thường được bảo hiểm chi trả một phần.

Do đó, người bệnh cần tham gia BHYT và lựa chọn các cơ sở y tế phù hợp để giảm bớt gánh nặng tài chính. Để được thông tin chi tiết, hãy tham khảo tại các bệnh viện chuyên khoa nội tiết hoặc bác sĩ điều trị trực tiếp.

Suy giáp bẩm sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhSuy giáp bẩm sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Suy giáp bẩm sinh là tình trạng thiếu hụt hormone tuyến giáp. Bệnh gây ra tình trạng chậm phát triển thể chất, tinh thần và vận động ở trẻ. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ bị lùn và đần độn suốt đời, thậm chí trẻ có thể bị tử vong.




TTƯT. BSCKII. Nguyễn Thanh Hải
Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An
Ý kiến của bạn