Hà Nội

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh sởi

19-03-2024 14:48 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh sởi thường ảnh hưởng nhiều đến trẻ em, đặc biệt là những người chưa được tiêm phòng hoặc không có miễn dịch đối với virus sởi.

Tìm hiểu về bệnh sởi và biện pháp phòng chống bệnh sởiTìm hiểu về bệnh sởi và biện pháp phòng chống bệnh sởi

Đang mùa sởi, nếu trẻ có vẻ kém vui đùa, không chịu chơi như mọi ngày thì các bà mẹ nên lưu ý xem có phải bị bệnh sởi hay không.

Bệnh sởi lưu hành rộng, vì thế bệnh liên tục xuất hiện trong cộng đồng, cộng thêm mức độ lây lan của bệnh rất nhanh nên rất dễ bùng phát thành dịch.

1. Đông y có chữa được bệnh sởi hay không?

Bệnh sởi cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị, đông y không thể chữa được. Tuy vậy, các phương pháp có thể hỗ trợ điều trị, giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi và giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.

2. Cách xử trí khi gặp bệnh sởi

Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm rất cao nên việc phòng ngừa bệnh, tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng là điều mọi người cần chú ý. Cần giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh, giữ gìn nơi sinh hoạt thông thoáng, sạch sẽ.

Với trẻ đã nhiễm bệnh sởi, cần phải được ở phòng thoáng, đủ ánh sáng, nghỉ ngơi, ngủ đủ, vệ sinh răng miệng. Tuyệt đối tránh các tập tục kiêng nước, kiêng gió, kiêng ăn.

Trẻ mắc bệnh sẽ chán ăn, khi đó cha mẹ nên để trẻ ăn đồ ăn lỏng, dễ tiêu, kết hợp tăng cường dinh dưỡng bằng các thức ăn giàu vitamin A.

Nhỏ mũi, mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc dung dịch nhỏ mắt mũi 3 - 4 lần/ngày.

Nếu trẻ bị sốt thì cần cho trẻ uống đủ nước, nước Oresol hoặc nước hoa quả. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt thông thường (Paracetamol) theo hướng dẫn. Nới lỏng quần áo và chườm ấm để giúp trẻ hạ sốt.

Khi trẻ bị tiêu chảy phải bổ sung nước hoặc cho trẻ bú nhiều hơn.

Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt lặp lại, ho nhiều hơn và có đờm, hay nheo mắt vì chói, tiêu chảy, sốt cao kéo dài, co giật, li bì, trẻ mệt hơn, thở nhanh nông, khàn tiếng, mất tiếng hoặc có các biểu hiện bất thường khác… cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

Phụ nữ mang thai bị mắc sởi nên đến bệnh viện gần nhất để được tư vấn và có phác đồ điều trị trong thời gian thai kỳ.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh sởi- Ảnh 2.

Virus sởi một loại virus ARN thuộc chi Morbillillin nằm trong họ Paramyxoviridae.

3. Cách chăm sóc bệnh sởi tại nhà

Đối với bệnh sởi, nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà cho trẻ.

  • Cách ly trẻ bệnh với trẻ lành.
  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt > 38°C.
  • Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
  • Vệ sinh trẻ như tắm hàng ngày, thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng ở thông thoáng sạch sẽ.
  • Nhỏ mắt bằng nước muối 0,9% ngày 3 lần.
  • Tránh quan niệm sai lầm cho trẻ kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh nặng hơn.
  • Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý (nếu trẻ ≥ 6 tháng)
  • Cách chế biến thức ăn: Mềm dễ tiêu, nên chia thành nhiều bữa trong ngày.
  • Bổ sung vitamin A:

+ Trẻ dưới 6 tháng: Uống 50.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.

+ Trẻ 6- 12 tháng: Uống 100.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.

+ Trẻ trên 12 tháng tuổi và người lớn: Uống 200.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.

Trong thời gian chăm sóc và điều trị tại nhà, người bị sởi có các dấu hiệu bất thường như xuất hiện sốt lại, ho nhiều hơn và có đờm, có biểu hiện chói mắt hoặc có các biểu hiện bất thường khác... thì cần đưa đến cơ sở y tế để được khám lại và xử trí kịp thời.

4. Bệnh sởi có chữa khỏi được không?

Về bản chất sởi là một loại bệnh lành tính. Bệnh hoàn toàn có thể tự khỏi nếu có chế độ chăm sóc, sinh hoạt hợp lý. Theo thống kê của Bộ Y tế, có tới 90% ca mắc bệnh sởi có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày mà không để lại biến chứng nguy hiểm. 10% còn lại bệnh xuất hiện biến chứng ở những cơ địa đặc biệt như hệ miễn dịch yếu, suy dinh dưỡng nặng, trẻ mắc các bệnh về suy giảm sức đề kháng, trẻ thiếu vitamin A nặng.

Phần lớn các trường hợp mắc bệnh sởi với triệu chứng nhẹ được các bác sĩ khuyên nên tiến hành cách ly và chăm sóc tại nhà. Chỉ những trường hợp nặng mới nhập viện để hạn chế tình trạng quá tải và lây nhiễm mới.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh sởi- Ảnh 3.

Bệnh sởi thường ảnh hưởng nhiều đến trẻ em.

5. Lưu ý với người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai... khi mắc bệnh sởi

Những người dễ bị mắc bệnh sởi là:

  • Trẻ quá nhỏ chưa đến tuổi được tiêm phòng sởi.
  • Những người chưa bao giờ tiêm phòng sởi.
  • Những người không tiêm ngừa đủ 2 mũi sởi.
  • Người được tiêm ngừa nhưng không tạo được miễn dịch hiệu quả.

Người có nguy cơ bị biến chứng nặng khi mắc bệnh sởi là:

  • Trẻ nhỏ.
  • Suy dinh dưỡng.
  • Khu vực đông dân cư.
  • Suy giảm miễn dịch.
  • Thiếu vitamin A.

Đối với người lớn khi mắc sởi

Người lớn hiếm khi mắc sởi, vì đa số đã nhiễm bệnh từ khi còn nhỏ và miễn dịch với bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp người lớn, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính như: Tiểu đường, huyết áp, tim mạch... vẫn có thể mắc sởi do chưa có miễn dịch. Khi nhiễm bệnh, người bệnh sẽ có thời gian ủ bệnh từ 7 - 21 ngày (trung bình 10 ngày), sau đó bệnh mới phát tán thành các biểu hiện bệnh cụ thể.

Khác với trẻ nhỏ, bệnh sởi ở người lớn sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, liệt, động kinh…

Đối với phụ nữ đang mang thai cũng có nguy cơ mắc sởi nếu tiếp xúc với nguồn bệnh. Virus sởi sẽ gây ra tình trạng sảy thai, thai chết lưu, sinh non, trẻ bị nhẹ cân, dị tật thai nhi hoặc thai nhiễm sởi tiên phát.

Thông thường sau khi hết sốt và hết phát ban, một số bệnh nhân tưởng đã khỏi hẳn, nhưng sau đó tình trạng sốt cao trở lại gây đau đầu, co giật, thay đổi ý thức từ lú lẫn dẫn tới hôn mê.

Bệnh nhân có thể bị liệt tứ chi, rối loạn cơ tròn xuất hiện, đó là khi bệnh đã biến chứng sang viêm màng não hoặc viêm tủy. Các biến chứng nặng khác có thể xảy ra khi mắc sởi như viêm phổi, viêm phế quản phổi, viêm kết – giác mạc dẫn tới loét giác mạc, mù lòa.

Ngoài ra, do quan niệm bệnh sởi chỉ có thể xuất hiện ở trẻ em, người lớn thường chủ quan không có những biện pháp cách ly, các chế độ chăm sóc dinh dưỡng cũng như vệ sinh tốt. Đây là nguyên nhân khiến bệnh dễ dàng lây lan trong cộng đồng và có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề.

Ở trẻ em mắc bệnh sởi

Hầu hết trẻ bị sởi tử vong do các biến chứng. Các biến chứng bao gồm:

  • Do virus sởi: Viêm phổi kẽ thâm nhiễm tế bào khổng lồ, viêm thanh khí phế quản, viêm cơ tim, viêm não, màng não cấp tính.
  • Do bội nhiễm: Viêm phổi, viêm tai giữa, viêm dạ dày ruột...
  • Do điều kiện dinh dưỡng và chăm sóc kém: Viêm loét hoại tử hàm mặt, giác mạc…
  • Các biến chứng khác: Lao tiến triển, tiêu chảy…

6. Chi phí khám chữa bệnh

Bệnh sởi không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ nên các chi phí thường là hạ sốt: Áp dụng các biện pháp hạ nhiệt vật lý như lau nước ấm, chườm mát. Dùng thuốc hạ sốt Paracetamol khi sốt cao.

- Bồi phụ nước, điện giải qua đường uống. Chỉ truyền dịch duy trì khi người bệnh nôn nhiều, có nguy cơ mất nước và rối loạn điện giải. Bổ sung vitamin A theo chỉ định của bác sĩ.

- Mức độ bệnh: Tùy vào mức độ bệnh có biến chứng hay không mà mức chi phí cũng khác nhau. Nếu tình trạng bệnh nhẹ thì việc chữa trị đơn giản, dễ dàng và tiết kiệm được chi phí. Tuy nhiên, nếu bệnh nặng, việc điều trị phức tạp thì chi phí có thể cao hơn.

Người bệnh có thể lựa chọn khám tại cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh hoặc trung ương với các lựa chọn khám theo yêu cầu, khám dịch vụ, khám theo chế độ BHXH…

Người bị bệnh sởi thực hiện các nội dung khám sau đây:

- Xét nghiệm công thức máu thường thấy giảm bạch cầu, giảm bạch cầu lympho và có thể giảm tiểu cầu.

– Chụp X-quang phổi có thể thấy viêm phổi kẽ. Có thể tổn thương nhu mô phổi khi có bội nhiễm.

– Xét nghiệm huyết thanh học: Lấy máu kể từ ngày thứ 3 sau khi phát ban tìm kháng thể IgM. Những nơi chỉ làm được IgG thì lấy hai mẫu huyết thanh giai đoạn cấp và giai đoạn hồi phục để xác định hiệu giá kháng thể. Hiệu giá kháng thể lần 2 cao gấp ít nhất 4 lần so với lần đầu.

– Phân lập virus, phản ứng khuếch đại gen (RT-PCR) nếu có điều kiện.

Về tiêm phòng thông thường sẽ dao động trong khoảng 200.000 đồng - 300.000 đồng khi tiêm kết hợp Sởi – Rubella.

Bệnh sởi: Nguyên nhân, lây truyền, triệu chứng và cách điều trịBệnh sởi: Nguyên nhân, lây truyền, triệu chứng và cách điều trị

SKĐS - Sởi là bệnh lưu hành rộng vì thế bệnh liên tục xuất hiện trong cộng đồng, mức độ lây lan rất nhanh nên dễ bùng phát thành dịch. Là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh sởi có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh.


BS Nguyễn Văn Dũng
Ý kiến của bạn