Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh sa trực tràng

12-09-2024 07:42 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh nhân cần phải được điều trị càng sớm càng tốt để cải thiện triệu chứng và tránh những nguy cơ gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe.

1. Đông y có chữa được bệnh sa trực tràng?

Sa trực tràng Đông y gọi chứng thoát giang là một chứng bệnh thường gặp ở nhiều lứa tuổi, tại vùng hậu môn trực tràng sa xuống ra ngoài hậu môn, tùy theo bệnh nặng hay nhẹ mà mức độ sa ra ngoài dài hay ngắn.

Bệnh gây ra bởi nhiều nguyên nhân như: Sau các bệnh lỵ mạn tính hoặc táo bón khó đại tiện phải rặn nhiều lâu ngày hoặc trung khí hư hạ hãm...

Nguyên nhân chủ yếu do sau khi bị bệnh lỵ mạn tính hoặc táo bón khó đại tiện phải rặn nhiều lâu ngày hoặc sau đẻ trung khí hư gây ra hạ hãm làm cho trực tràng sa xuống khỏi vị trí và giãn to dần ra sau mỗi lần đại tiện, lâu ngày sa giãn càng nhiều khó có khả năng tự co vào được, phải dùng tay ấn mới vào được và lại tụt xuống ngay trước hoặc trong khi đại tiện. Bệnh nặng không thể ấn vào bên trong được mà ở ngoài hậu môn gây khó chịu.

Các phương pháp điều trị sa trực tràng bằng Đông y sử dụng các loại thảo dược thiên nhiên hoặc châm cứu, để cải thiện căn nguyên gây bệnh, từ đó tăng cường sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Người bệnh có thể tìm hiểu các phương pháp điều trị phổ biến trong phần dưới đây và có kế hoạch chăm sóc sức khỏe hiệu quả nhất.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh sa trực tràng- Ảnh 1.

Điều trị sa trực tràng bằng Đông y sử dụng các bài thuốc được bào chế từ các dược liệu quý để cải thiện các triệu chứng.

Theo Đông y, sa trực tràng xảy ra khi khí huyết không đầy đủ, tạng phủ hư tổn, táo bón ở đại tràng hoặc thấp nhiệt ở hạ chú. Điều này dẫn đến khí hư hạ hãm, cân cơ không vững. Ở trẻ em, huyết khí chưa thịnh vượng, phụ nữ sau sinh rặn đẻ nhiều sẽ gây tổn hao khí, người cao tuổi khí huyết hư hao, trung khí không đầy đủ, dẫn đến khí hư hãm, mất điều khiển các chức năng sẽ dẫn đến phát sinh các triệu chứng sa trực tràng.

Điều trị sa trực tràng bằng Đông y được chỉ định và hướng dẫn bởi thầy thuốc chuyên môn. Do đó, người bệnh nên đến cơ sở y học cổ truyền uy tín để được thăm khám và bốc thuốc điều trị phù hợp nhất.

2. Cách sơ cứu bệnh sa trực tràng

Khi gặp tình huống sa trực tràng, sơ cứu đúng cách là rất quan trọng để giảm thiểu tổn thương và giúp bệnh nhân thoải mái trước khi có thể tiếp cận điều trị y tế. Dưới đây là hướng dẫn về cách sơ cứu khi gặp trường hợp sa trực tràng:

  • Giữ bình tĩnh và tránh hoảng sợ: Khi trực tràng bị sa ra ngoài, có thể gây cảm giác đau, khó chịu hoặc sợ hãi. Điều quan trọng là cần giữ bình tĩnh và không tạo thêm áp lực lên vùng bị sa.
  • Tư thế nằm thoải mái: Nằm nghiêng hoặc nằm sấp để giảm áp lực lên vùng bụng và hậu môn, nên cho người bệnh nằm nghiêng hoặc nằm sấp. Nếu có thể, kê gối dưới vùng chậu để giúp giảm áp lực lên trực tràng.
  • Giữ vùng sa trực tràng sạch sẽ: Dùng nước ấm hoặc dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0.9%) để rửa sạch nhẹ nhàng khu vực hậu môn và phần trực tràng sa ra ngoài. Điều này giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Tránh chà xát mạnh: Không nên sử dụng xà phòng mạnh hoặc khăn chà xát vì có thể gây tổn thương thêm cho mô trực tràng.
  • Đẩy nhẹ nhàng phần trực tràng trở lại: Nếu phần trực tràng sa ra ngoài chưa quá sưng và vẫn có khả năng đẩy nhẹ nhàng, có thể thử dùng găng tay sạch, bôi trơn bằng dầu khoáng hoặc gel để đẩy từ từ phần sa trở lại bên trong hậu môn. Tuy nhiên, nếu phần sa quá sưng hoặc gây đau, không nên cố gắng thực hiện và cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay.
  • Dùng khăn sạch hoặc băng gạc: Sau khi sơ cứu hoặc nếu không thể đưa trực tràng trở lại, bạn có thể dùng một chiếc khăn sạch hoặc gạc vô trùng, thấm nước ấm để che phủ phần trực tràng bị sa, giúp tránh bụi bẩn và nhiễm trùng trong khi chờ đợi được điều trị y tế.
  • Giảm đau tạm thời: Có thể dùng một túi đá bọc trong khăn để chườm lên vùng hậu môn trong khoảng 10-15 phút. Điều này giúp giảm sưng và đau.
  • Tránh rặn hoặc tạo thêm áp lực: Người bệnh nên tránh rặn hoặc đứng ngồi quá nhiều, vì điều này có thể làm tình trạng sa nặng hơn.
  • Gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện: Sau khi thực hiện các biện pháp sơ cứu, hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ kiểm tra và điều trị. Trong trường hợp khẩn cấp hoặc phần trực tràng sa ra ngoài không thể tự quay lại, cần gọi cấp cứu ngay lập tức.
  • Kiểm tra tình trạng sưng tấy hoặc đau đớn: Nếu phần trực tràng không thể tự trở lại hoặc gây đau nhiều hơn, cần theo dõi kỹ và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bác sĩ để tránh nguy cơ thiếu máu cục bộ ở phần mô trực tràng.

Lưu ý quan trọng:

  • Không tự ý dùng thuốc: Không nên tự dùng bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là thuốc chống viêm hoặc giảm đau mà chưa có chỉ định của bác sĩ, vì điều này có thể làm tình trạng tồi tệ hơn.
  • Những biện pháp sơ cứu trên giúp ngăn ngừa biến chứng và tạo sự thoải mái cho người bệnh trong khi chờ điều trị y tế.

3. Cách chăm sóc bệnh bệnh sa trực tràng

Việc chăm sóc người bệnh sa trực tràng cần chú ý những điều sau:

Chế độ ăn uống

  • Thực phẩm giàu chất xơ: Giúp ngăn ngừa táo bón và giảm áp lực lên trực tràng. Chọn các loại rau xanh, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt.
  • Uống nhiều nước: Ít nhất 1,5-2 lít nước mỗi ngày để giữ cho phân mềm.
  • Tránh thực phẩm khó tiêu: Thức ăn cay nóng, rượu bia, và các loại thực phẩm giàu chất béo có thể làm bệnh nặng hơn.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh sa trực tràng- Ảnh 2.

Cá hồi có thành phần dinh dưỡng quan trọng tốt cho người bệnh sa trực tràng.

Thói quen vệ sinh

  • Không rặn quá mức: Khi đi tiêu, tránh rặn mạnh để giảm áp lực lên trực tràng.
  • Đi vệ sinh đúng giờ: Cố gắng duy trì thói quen đi vệ sinh vào một thời điểm cố định hàng ngày.
  • Giữ vùng hậu môn sạch sẽ: Rửa sạch vùng hậu môn sau khi đi tiêu bằng nước ấm và lau khô.

Tập thể dục

  • Tập bài tập Kegel: Giúp tăng cường cơ vùng chậu, hỗ trợ giữ trực tràng ở vị trí bình thường.
  • Tránh các bài tập nặng: Các hoạt động cần dùng lực mạnh như nâng vật nặng có thể làm nặng thêm tình trạng sa trực tràng.

Quản lý cơn đau

  • Sử dụng thuốc giảm đau: Dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tắm nước ấm: Ngâm mình trong nước ấm để giảm bớt cơn đau và làm dịu vùng hậu môn.

Điều trị y tế

  • Khám bác sĩ: Điều trị sa trực tràng có thể bao gồm phẫu thuật tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng. Các phương pháp không phẫu thuật như tập thể dục, thay đổi chế độ ăn uống cũng có thể được áp dụng trong các trường hợp nhẹ.

Tránh các yếu tố nguy cơ

  • Kiểm soát táo bón: Táo bón là một trong những nguyên nhân chính gây sa trực tràng.
  • Hạn chế ho mãn tính: Ho nhiều có thể làm tăng áp lực trong bụng và khiến bệnh nặng hơn.

4. Bệnh sa trực tràng có chữa khỏi không?

  • Nếu được điều trị từ sớm và đúng cách, hầu hết người bệnh sẽ khỏi hẳn bệnh sa trực tràng. Song cũng có một nhóm người có thể tái phát bệnh sau phẫu thuật.

5. Lưu ý với người béo phì, tiểu đường, mang bầu… khi mắc bệnh sa trực tràng

  • Đối với những người bị béo phì, tiểu đường hoặc đang mang bầu khi mắc bệnh sa trực tràng, việc chăm sóc và điều trị cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe cụ thể. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng:

Người béo phì

  • Giảm cân: Thừa cân tạo áp lực lên vùng bụng và trực tràng, làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của sa trực tràng. Giảm cân là một yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát bệnh.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Tập trung vào chế độ ăn giàu chất xơ và ít calo, giúp kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ táo bón, nguyên nhân chính gây sa trực tràng.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng: Tránh các bài tập nặng tạo áp lực lên bụng và vùng chậu, thay vào đó nên tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội hoặc tập Kegel để hỗ trợ cơ chậu.

Người mắc bệnh tiểu đường

  • Kiểm soát đường huyết: Tiểu đường có thể ảnh hưởng đến khả năng tự chữa lành vết thương và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nếu sa trực tràng cần phẫu thuật. Kiểm soát tốt đường huyết là ưu tiên hàng đầu.
  • Chế độ ăn kiêng phù hợp: Cần duy trì chế độ ăn giàu chất xơ nhưng cũng phải đảm bảo không làm tăng đường huyết. Lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI), kết hợp với nhiều rau xanh và thực phẩm nguyên hạt.
  • Lưu ý về nhiễm trùng: Tiểu đường có thể làm chậm quá trình hồi phục sau phẫu thuật hoặc điều trị. Chăm sóc vết thương kỹ lưỡng và kiểm soát vi khuẩn là cực kỳ quan trọng.

Phụ nữ mang thai

  • Áp lực từ thai nhi: Khi mang thai, áp lực từ tử cung có thể làm tăng nguy cơ sa trực tràng, đặc biệt trong những tháng cuối của thai kỳ. Cần chú ý tư thế ngồi và nằm để giảm áp lực lên trực tràng.
  • Tránh táo bón: Táo bón thường xuyên trong thai kỳ có thể làm trầm trọng hơn tình trạng sa trực tràng. Cần duy trì chế độ ăn uống giàu chất xơ, uống nhiều nước và tập thói quen đi vệ sinh đều đặn.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng: Tập các bài tập phù hợp cho thai phụ như yoga, bơi lội hoặc đi bộ giúp duy trì sức khỏe vùng chậu mà không gây áp lực thêm lên trực tràng.
  • Tư vấn bác sĩ: Nếu sa trực tràng gây khó chịu trong thai kỳ, cần thảo luận với bác sĩ về các biện pháp an toàn giúp giảm triệu chứng mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh sa trực tràng- Ảnh 3.

Bệnh nhân bị sa trực tràng gặp khó khăn khi đi đại tiện.

Điều trị

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ: Những người thuộc các nhóm nguy cơ cao này cần sự chăm sóc đặc biệt từ các chuyên gia y tế để đưa ra phác đồ điều trị an toàn và hiệu quả. Phẫu thuật sa trực tràng có thể phức tạp hơn nếu họ đang mắc bệnh khác, và có thể cần đến các phương pháp điều trị không xâm lấn.
  • Quản lý bệnh lý đồng thời: Điều quan trọng là kiểm soát tốt các bệnh nền (béo phì, tiểu đường) để giảm thiểu tác động xấu đến bệnh sa trực tràng.

6. Chi phí khám chữa bệnh sa trực tràng

Đúng tuyến: Nếu bạn khám, chữa bệnh đúng tuyến (tại bệnh viện đã đăng ký bảo hiểm ban đầu hoặc có giấy chuyển viện từ cơ sở y tế), bạn sẽ được BHYT chi trả theo tỷ lệ:

  • 80% chi phí đối với người tham gia bảo hiểm thông thường.
  • 95% chi phí đối với các đối tượng chính sách đặc biệt (người nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn...).
  • 100% chi phí đối với một số trường hợp đặc biệt như trẻ em dưới 6 tuổi, người có công với cách mạng.

Trái tuyến: Nếu bạn khám chữa bệnh trái tuyến (tự đi khám mà không có giấy chuyển viện), tỷ lệ BHYT chi trả sẽ thấp hơn, tùy thuộc vào cấp độ bệnh viện:

  • 40% chi phí đối với bệnh viện tuyến trung ương.
  • BHYT chi trả 100% nếu điều trị nội trú tại tuyến tỉnh.
  • 100% chi phí đối với bệnh viện tuyến huyện.
    Bài tập cho bệnh nhân sa trực tràngBài tập cho bệnh nhân sa trực tràng

    SKĐS – Tập thể dục đã được chứng minh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần. Hoạt động thể chất thường xuyên là một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để bảo vệ sức khỏe của mình.


BSCKII Phạm Gia Thành
Phó trưởng khoa Ngoại Tiêu hoá – Gan mật, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Ý kiến của bạn