Hà Nội

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh Rubella

02-04-2024 11:28 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Rubella là bệnh thường gặp với đặc trưng là sốt nhẹ, phát ban và sưng hạch. Mặc dù hầu hết các trường hợp mắc Rubella đều nhẹ nhưng nếu chủ quan bệnh có thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Dưới đây là những câu hỏi liên quan đến bệnh Rubella cần biết:

1. Đông y có chữa được bệnh Rubella không?

Bệnh Rubella là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Rubella gây ra, Đông y không thể chữa được.

Tuy vậy, Đông y có thể hỗ trợ điều trị người bệnh nhanh chóng phục hồi và giảm các triệu chứng của bệnh.

2. Cách xử trí khi mắc Rubella

Khi bị nghi nhiễm Rubella cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán. Đối với trường hợp bệnh nặng lên hoặc có dấu hiệu biến chứng phải điều trị và cách ly tại bệnh viện.

Cách ly bệnh nhân trong vòng 7 ngày kể từ khi phát ban. Trường hợp bệnh nhẹ cách ly tại hộ gia đình (nghỉ học, nghỉ làm, không tham gia các hoạt động tập thể, tập trung đông người) để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.

Trong thời gian cách ly, bệnh nhân phải đeo khẩu trang y tế, tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, làm việc...

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh Rubella- Ảnh 1.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus Rubella sẽ có khoảng thời gian ủ bệnh trung bình 16 – 18 ngày.

3. Cách chăm sóc bệnh Rubella tại nhà

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh Rubella. Bệnh thường có diễn biến nhẹ nên không cần sự chăm sóc và điều trị đặc biệt mà có thể điều trị tại nhà hoặc các cơ sở y tế.

Ở trẻ có sốt cao, các bác sĩ hạ sốt cho trẻ bằng những biện pháp như uống nhiều nước, chỉ sử dụng thuốc hạ nhiệt khi thực sự cần thiết và tốt nhất không nên dùng aspirin. Không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm.

Bệnh nhân Rubella cần kết hợp nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, chú ý chăm sóc và vệ sinh răng miệng, bàn tay, thân thể.

Người bệnh ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây. Người bệnh cần được vệ sinh mũi họng (nhỏ mũi và súc họng) hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 9%o. Nếu nhức đầu nhiều hoặc đau khớp có thể sử dụng thêm thuốc giảm đau. Đối với trẻ nhỏ cần giặt khăn bằng nước ấm lau người hàng ngày cho bé.

Khi có dấu hiệu bệnh, bệnh nhân nên sớm đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị, cách ly khi cần thiết để hạn chế việc lây lan cho những người thân xung quanh.

4. Bệnh Rubella có chữa khỏi không?

Đến nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị để điều trị bệnh Rubella. Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng của bệnh nhẹ, người bệnh chỉ cần nằm nghỉ ngơi, uống nhiều nước và dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể tăng cao.

Nguyên tắc điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ nhiệt; Giữ ấm, tránh gió, kiêng nước trong thời gian phát ban, đề phòng bội nhiễm viêm đường hô hấp; Ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng; Tăng cường ăn hoa quả như cam, chanh và các vitamin.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh Rubella- Ảnh 2.

Cần tiêm vaccine để phòng bệnh Rubella.

Phụ nữ mang thai mắc bệnh Rubella cần đi khám bác sĩ để có chỉ định điều trị bằng thuốc (như dùng acetaminophen để giảm các triệu chứng). Hoặc những trường hợp nghiêm trọng hơn, điều trị có thể bao gồm truyền máu hay dùng steroid (loại hormone tổng hợp có tác dụng điều trị chứng viêm).

Thông thường sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus Rubella sẽ có khoảng thời gian ủ bệnh trung bình 16 – 18 ngày. Các triệu chứng thường xuất hiện 2 đến 3 tuần sau khi bệnh nhân tiếp xúc với mầm bệnh. Khi lui bệnh, người bệnh hết sốt, ban lặn nhanh không theo quy luật và không để lại dấu vết trên da, thường sau 1 tuần hạch sẽ trở về bình thường.

5. Lưu ý với trẻ em, phụ nữ mang thai... khi mắc Rubella

Người lớn hoặc trẻ em đều có nguy cơ mắc bệnh Rubella. Nhưng ở một số đối tượng, nguy cơ mắc bệnh Rubella cao hơn những người khác như:

  • Những người chưa từng tiêm vaccine phòng bệnh Rubella.
  • Những người chưa từng mắc bệnh Rubella.
  • Người đi đến những quốc gia khác, đặc biệt là những nơi đang thịnh hành dịch Rubella.

Bệnh Rubella rất nguy hiểm đối với phụ nữ có thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ là giai đoạn hình thành các bộ phận của thai nhi. Virus có thể qua hàng rào nhau thai, xâm nhập vào bào thai và tác động tới quá trình phát triển của bào thai. Có khoảng một nửa số trường hợp mắc bệnh không có dấu hiệu lâm sàng điển hình nên nhiều phụ nữ có thai mắc Rubella không được phát hiện, gây ra nhiều hậu quả nặng nề về sức khỏe đối với người mẹ và thai nhi.

Nhiễm Rubella trong thời kỳ đầu khi mang thai có thể gây ra sẩy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ này có nguy cơ cao mắc hội chứng Rubella bẩm sinh với nhiều dị tật nghiêm trọng như dị tật tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển...

Ngoài ra, trẻ có thể mắc đái tháo đường, vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh, viêm não màng não, viêm phổi, nhẹ cân, sinh non... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe giống nòi. Một số trường hợp trẻ tử vong do hậu quả của hội chứng Rubella bẩm sinh.

Hội chứng Rubella bẩm sinh có thể gặp ở 70 - 90% trẻ sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu mang thai.

6. Chi phí khám chữa bệnh

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam có từ 1.267 - 6.145 ca mắc hội chứng Rubella bẩm sinh.

Ở nước ta, năm 2011 trên toàn quốc ghi nhận trên 7.200 ca mắc Rubella tại 59 tỉnh/thành, tập trung ở nhóm trẻ em, thanh niên và phụ nữ tuổi sinh đẻ. Trên thực tế số mắc này còn cao hơn nhiều lần do nhiều trường hợp có biểu hiện nhẹ không đến các cơ sở y tế.

Trong các năm 2011-2012, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 đã ghi nhận hơn 300 ca mắc hội chứng Rubella bẩm sinh với các dị tật bẩm sinh. Trong đó 90% mắc tim bẩm sinh với các dị tật phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, 45,3% đục thủy tinh thể; 37,7% lách to; 15,3% vàng da nhân; 11,3% trẻ có kích thước đầu nhỏ; 12,3% chậm phát triển, 3,7% có các tổn thương não phức tạp (bại não, xuất hiện giãn não thất, xuất huyết não); 1% viêm não màng não và các hậu quả khác như nhẹ cân khi sinh (73,2%), đẻ non (33,5%), suy dinh dưỡng bào thai, tổn thương gan. Hơn 80% các trường hợp này mắc từ 2 dị tật trở lên.

Chi phí thăm khám và điều trị tùy thuộc vào từng cá thể bệnh nhân. Dựa vào chẩn đoán ca bệnh lâm sàng và xét nghiệm:

  • Kháng thể kháng Rubella IgM (+) (ELISA). Xét nghiệm IgM có thể âm tính trong vòng 5 ngày đầu sau khi phát ban, cần tiến hành xét nghiệm lại sau 1 tuần.
  • Kháng thể kháng rubella IgG: hiệu giá kháng thể lần 2 sau 1 tuần tăng gấp 4 lần so với lần 1.
  • RT-PCR Rubella (+): bệnh phẩm dịch hầu họng, máu, dịch não tủy, dịch ối.

Cần phải làm xét nghiệm chẩn đoán cho tất cả những trường hợp Rubella có biến chứng và phụ nữ có thai nghi ngờ nhiễm Rubella.

Chi phí giá của các xét nghiệm phát hiện bệnh Rubella thường rơi vào mức từ 350.000 đồng – 500.000 đồng tùy theo chỉ định.

Rubella: Nguyên nhân, triệu chứng, đường lây truyền, cách điều trị và phòng bệnhRubella: Nguyên nhân, triệu chứng, đường lây truyền, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Rubella là bệnh truyền nhiễm do virus Rubella gây nên, bệnh phần lớn ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh Rubella sẽ gây những biến chứng nguy hiểm cho thai nhi như: dị tật bẩm sinh, chết lưu hoặc sảy thai.


BS Nguyễn Văn Bàng
Ý kiến của bạn