Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh rách giác mạc

17-09-2024 14:16 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Rách giác mạc được hiểu đơn giản là những trầy xước trên bề mặt biểu mô giác mạc, thường xuất phát từ nguyên nhân do dị vật làm tổn thương lớp giác mạc khiến cho thị lực bị giảm sút, đau nhức, khó chịu.

1. Đông y có chữa được rách giác mạc không?

Đông y không chữa được rách giác mạc, tuy nhiên người bệnh có thể sử dụng các phương pháp đông y nhằm hỗ trợ giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe cũng như thị lực tốt hơn.

2. Cách sơ cứu rách giác mạc

Rách giác mạc hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng thái độ và cách sơ cứu đúng khi bị dị vật bay vào mắt. Khi cảm nhận có vật lạ bay vào mắt, người bệnh thường có xu hướng đưa tay dụi mắt. Tuy nhiên, việc làm này không những không lấy được dị vật mà còn làm rách giác mạc. Thay vào đó, cần thực hiện các cách sau để bảo vệ giác mạc:

  • Nhấp nháy mắt nhiều lần trong nước sạch để các bụi bẩn trôi ra ngoài.
  • Kéo mi mắt trên xuống dưới để lông mi của mi mắt dưới có thể chải đi các dị vật.
  • Rửa mắt bằng nước muối sinh lý hoặc nước sạch giúp rửa trôi dị vật ra ngoài.
  • Nếu dị vật vẫn còn trong mắt, tuyệt đối không cố gắng gắp dị vật ra mà hãy đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa mắt xử trí.
  • Nếu sau khi sơ cứu mắt đã đỡ cộm, đỡ đau thì tra ngay thuốc mỡ Tetracylin 1% sau đó băng kín mắt lại. Mục đích của việc dùng kháng sinh mỡ để làm liền vết xước giác mạc, thuốc không bị trôi đi.

3. Cách chăm sóc bệnh rách giác mạc

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh rách giác mạc- Ảnh 1.

Giác mạc đóng vai trò bảo vệ cho các thành phần bên trong của nhãn cầu.

Giác mạc đóng vai trò bảo vệ cho các thành phần bên trong của nhãn cầu. Kết hợp với thủy tinh thể và đồng tử, giác mạc hấp thu và hội tụ ánh sáng tại một điểm trên võng mạc. Tạo nên một hình ảnh sao chép, giúp mắt nhìn thấy được các vật xung quanh môi trường bên ngoài.

Mức độ nguy hiểm của tình trạng rách giác mạc hầu hết đều phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên tổn thương đó. Trên các số liệu thực tế, đa phần các vết xước tại giác mạc đều là những tổn thương ngay bên ngoài lớp biểu mô. Những vết xước này sẽ tự bình phục sau khoảng 2 - 3 ngày, và không để lại sẹo, không làm ảnh hưởng đến thị lực người nhìn.

Tuy nhiên, đối với những vết xước sâu do cành cây, móng tay, hay vật dụng cứng. Nếu bạn không có biện pháp xử lý và điều trị kịp thời, vết thương sẽ trở nên nghiêm trọng hơn gây nên một số bệnh về mắt như: nhiễm trùng giác mạc, viêm kết mạc, thậm chí là mất thị lực vĩnh viễn.

Để quá trình hồi phục mắt diễn ra nhanh hơn, bạn nên lưu ý những điều sau:

  • Hãy rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc chất diệt khuẩn trong 20 giây để tay luôn sạch sẽ bởi tay là bộ phận tiếp xúc với mắt khá nhiều.
  • Hãy cố gắng hết sức không chạm tay vào mắt.
  • Luôn mang kính bảo vệ mắt thích hợp khi bạn ở trong khu vực có nhiều khói bụi, dị vật,… Để ngăn ngừa bỏng giác mạc, nên đeo kính râm khi phải đi ra ngoài và tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mang theo tia cực tím cường độ cao.
  • Tạm thời ngừng đeo kính áp tròng cho đến khi mắt khỏi hoàn toàn.
  • Chỉ sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt được bác sĩ kê đơn rõ ràng. Rửa mặt bằng các loại nước sạch, tránh những nguồn nước ô nhiễm.

4. Rách giác mạc có chữa khỏi không?

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh rách giác mạc- Ảnh 2.

Nếu được điều trị kịp thời, đúng cách, người bệnh tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ thì giác mạc có thể tự lành sau vài ngày.

Nếu được điều trị kịp thời, đúng cách, người bệnh tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ thì giác mạc có thể tự lành sau vài ngày, hầu như không ảnh hưởng đến mắt, khả năng quan sát.

Tuy nhiên, người bệnh lưu ý khi cảm giác khó chịu ở mắt, nghi là do dị vật làm rách giác mạc nên lập tức đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất đề kiểm tra tránh các biến chứng nguy hiểm.

Một số cách có thể làm giảm triệu chứng trước khi đến cơ sở y tế:

  • Rửa mắt nhẹ nhàng bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý (Natri Clorid 0,9%).
  • Rửa mắt giúp làm trôi dị vật ra ngoài.
  • Chớp mắt nhiều lần với nước sạch.

Một số cách không thể thực hiện tại nhà vì có thể làm nghiêm trọng hơn tình trạng:

  • Cố gắng lấy dị vật ra từ mắt.
  • Hạn chế dụi mắt sau khi bị tổn thương.
  • Không sử dụng bất kỳ dụng cụ nào, kể cả tăm bông, nhíp,... để lấy dị vật ra khỏi mắt.
  • Hạn chế, không nên sử dụng kính áp tròng, đeo len khi đang bị tổn thương.

5. Những lưu ý khi bị rách giác mạc

Sơ cứu đúng cách là một trong những bước cơ bản để hạn chế việc rách giác mạc bị nặng hơn. Bạn cần thực một số bước sơ cứu tạm thời cho mắt như sau:

Việc nên làm khi bị rách giác mạc

  • Hãy loại bỏ dị vật ra khỏi mắt: Dùng nước sạch hoặc tốt hơn là nước muối sinh lý để đổ đầy vào một chiếc ly. Lưu ý chiếc ly này phải vừa với mắt. Sau đó, bạn đưa mắt vào mép ly sao cho mắt tiếp xúc với toàn bộ nước. Thực hiện chớp mở mắt liên tục nhằm giúp dị vật trôi ra ngoài mắt theo làn nước. Nếu không có ly nước, bạn có thể xử lý khẩn cấp bằng cách lấy tay hất nước vào mắt hoặc để mắt dưới vòi nước nhỏ.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh rách giác mạc- Ảnh 3.

Chớp mắt liên tục giúp tuyến nước mắt được kích thích hoạt động và giúp dị vật trôi ra ngoài.

  • Cố gắng chớp mắt liên tục: Mục đích của việc chớp mắt liên tục giúp tuyến nước mắt được kích thích hoạt động và giúp dị vật trôi ra ngoài. Lưu ý bạn chỉ nên làm thế khi có dị vật nhỏ trong mắt. Trường hợp dị vật to hơn, mắt bạn lại bị khô thì không nên cố gắng chớp mắt nhiều. Vì khi ấy, rất có thể làm trầy xước hơn giác mạc của bạn.
  • Dùng thêm thuốc mỡ kháng sinh: Nếu các bước sơ cứu ở trên thuận lợi, mắt bạn sẽ đỡ cộm hơn. Khi ấy, bạn có thể bôi thuốc mỡ kháng sinh lên mắt giúp làm dịu mắt và tiêu diệt những vi khuẩn bám trên mi mắt. Lưu ý, không tự ý dùng thuốc, nếu sử dụng thuốc mỡ phải được kê đơn bởi bác sĩ.
  • Sử dụng băng gạc: Trong trường hợp có dị vật lớn rơi hoặc cắm vào mắt, tốt nhất bạn nên nhắm mắt (nếu được). Sau đó, dùng băng gạc che đi phần mắt bị tổn thương và di chuyển tới bệnh viện ngay. Hành động này giúp bảo vệ mắt khỏi bụi và vi khuẩn xâm nhập sâu vào mắt. Lưu ý, không cố làm thêm bất kỳ hành động sơ cứu nào, tránh mắt rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn.

Việc không nên làm khi rách giác mạc

  • Nghiêm cấm tự ý lấy dị vật ra, nếu dị vật đã cắm sâu vào trong nhãn cầu.
  • Tuyệt đối không được dụi mắt trong thời gian mắt bị tổn thương. Bởi dụi mắt vô tình sẽ khiến cho vết thương càng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Tránh xa các loại thuốc nhỏ mắt có cồn khi bị rách giác mạc. Vì nó sẽ gây loét các vết nứt ở trong nhãn cầu. Về lâu dài, mắt bạn sẽ lâu lành hơn.
  • Đeo kính bảo hộ tại nơi làm việc, học tập.
  • Trong quá trình điều trị rách giác mạc thì tốt hơn hết bạn không nên mang kính áp tròng cho đến khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Nên mang kính râm đi dưới trời nắng hoặc bất cứ khi nào bạn cảm thấy nhạy cảm với ánh sáng.

6. Chi phí khám chữa bệnh rách giác mạc

Mức giá trung bình cho dịch vụ khám mắt, rách giác mạc sẽ có mức dao động tùy vào từng tình trạng bệnh lý. Cụ thể, giá khoảng từ 200.000 đồng đến vài triệu đồng.

Mức chi phí được bảo hiểm y tế hỗ trợ sẽ tùy theo những trường hợp bệnh và chính sách của bảo hiểm trong thời điểm người bệnh điều trị. Nếu người bệnh có bảo hiểm y tế, chi phí điều trị sẽ được chi trả một phần hoặc toàn bộ.

Cảnh báo: Bệnh đau mắt đỏ có thể bùng phát thành dịch sau lũ Cảnh báo: Bệnh đau mắt đỏ có thể bùng phát thành dịch sau lũ

SKĐS - Môi trường ngập nước trong bão lũ có độ ẩm cao, nhiệt độ môi trường từ 20 - 30 độ C khiến các vi sinh vật gây bệnh cho mắt sẽ hoạt động mạnh mẽ, nguy cơ gây bệnh, trong đó bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) là phổ biến.


ThS. BS Phạm Thị Vân
Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh
Ý kiến của bạn