1. Đông y có chữa được bệnh nhược thị không?
Theo BS. Thanh Liêm, Học viện Y học cổ truyền, nhược thị, hay còn gọi là mắt lười, là tình trạng một hoặc cả hai mắt không phát triển thị lực bình thường. Nguyên nhân thường do sự lệch lạc giữa hai mắt, tật khúc xạ, hoặc các vấn đề về võng mạc trong thời kỳ phát triển của trẻ.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Đông y có thể mang lại hiệu quả nhất định trong việc hỗ trợ điều trị nhược thị, đặc biệt khi kết hợp với các phương pháp điều trị của Tây y.
Đông y cho rằng, nhược thị thường liên quan đến các vấn đề về khí huyết lưu thông không đều, gan thận hư yếu. Các bài thuốc Đông y sẽ tác động vào các nguyên nhân này, giúp cải thiện tuần hoàn máu, cân bằng khí huyết, bổ gan thận, giảm căng thẳng… tạo điều kiện thuận lợi cho mắt phục hồi.
Châm cứu, xoa bóp cũng có thể hỗ trợ điều trị nhược thị, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.
2. Nhược thị có nguy hiểm không?
Nhược thị có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo BS. Nguyễn Đức Trung, nhược thị nếu không điều trị sớm, đặc biệt ở trẻ em, có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn ở mắt bị bệnh.
Nhược thị gây suy giảm thị lực, mắt bị nhược thị sẽ có thị lực kém hơn so với mắt còn lại, dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào mắt khỏe, khiến mắt yếu càng ngày càng yếu hơn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng mắt khỏe cũng có thể bị ảnh hưởng.
Nhược thị có thể gây rối loạn thị giác hai mắt, khiến người bệnh khó nhìn thấy hình ảnh rõ nét và có chiều sâu.
Do không nhìn rõ đồ vật, nên người bị nhược thị thường gặp khó khăn trong học tập, làm việc và các hoạt động thường ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách là chìa khóa để cải thiện thị lực và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh nhược thị. Chính vì vậy, khi phát hiện con mình có dấu hiệu của bệnh nhược thị, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi khám mắt để được điều trị càng sớm càng tốt.
3. Có thể chữa khỏi hoàn toàn nhược thị không?
Theo các chuyên gia nhãn khoa, nhược thị có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Trẻ bị nhược thị dưới 7 tuổi nếu được điều trị thì mắt có thể phục hồi 100%. Từ 8 - 12 tuổi có khả năng phục hồi nhưng khó hơn, sau 12 tuổi là rất khó và sau 18 tuổi gần như không thể phục hồi hoàn toàn.
Nhược thị có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm.
BS. Nguyễn Đức Trung cho biết, hiện nay, biện pháp cơ bản nhất điều trị nhược thị tập trung vào nguyên lý: Buộc não phải sử dụng mắt yếu hơn bằng cách hạn chế việc sử dụng mắt khỏe; Điều trị các vấn đề về khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị), lác mắt, hoặc các vấn đề về nhãn cầu khác khi được chẩn đoán nhược thị do những nguyên nhân này.
Trẻ sẽ bịt một mắt lành và tập nhìn bằng mắt bệnh, hoặc có thể tra thuốc làm mắt lành suy yếu, kích thích thị giác của mắt bệnh. Phương pháp này giúp hoạt động thị giác phát triển thị giác tích cực, hoặc kích thích chức năng võng mạc, luyện tập thị giác 2 mắt…
Yếu tố then chốt trong việc điều trị nhược thị cho trẻ là phát hiện chính xác nguyên nhân và mức độ bệnh, độ tuổi của trẻ, sự kết hợp và chăm sóc giữa bác sĩ và gia đình.
4. Các phương pháp điều trị nhược thị tại nhà
Bệnh nhược thị nên được điều trị càng sớm càng tốt, nếu để lâu thì việc điều trị khó khăn, kết quả hạn chế, thường không thể phục hồi hoàn toàn thị lực. Qua việc thăm khám, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm thị lực và từ đó chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Các bài tập luyện mắt có tác dụng trong quá trình điều trị nhược thị.
Các phương pháp điều trị tại nhà bao gồm:
Hạn chế sử dụng mắt lành, kích thích sử dụng mắt nhược thị:
Dùng băng dán trực tiếp che mắt khỏe hoặc dán băng che trên mắt kính. Thời gian thực hiện phương pháp này phụ thuộc vào mức độ nhược thị: Với nhược thị nặng thì cần bịt hoàn toàn trong ngày hoặc có thể bịt hoàn toàn trừ 1 giờ. Bên cạnh đó cũng có thể bịt mắt trong 1/2 thời gian trẻ thức (đối với trẻ dưới 1 tuổi).
Các phương pháp luyện mắt:
Bài tập đảo mắt: Hướng dẫn trẻ che mắt khỏe lại, mắt nhược thị nhìn theo một vật di chuyển theo chiều kim đồng hồ và nhìn ngược trở lại. Có thể tập đảo mắt tương tự theo các hướng từ trên xuống, sang phải, sang trái, theo hình ziczac, theo đường chéo, đường xoắn ốc…
Bài tập với bút: Dạy trẻ cầm bút đưa thẳng trước mặt, rồi di chuyển sang phải, trái và mắt phải dõi theo chuyển động của bút liên tục. Khi mắt cảm thấy mỏi hãy dừng lại và massage mắt.
Bài tập với màn hình máy tính: Trẻ được thực hiện các bài tập khá vui nhộn như: hứng trứng gà, tìm gà bay… Những bài tập này giúp mắt vận động, kích xạ phản ứng và điều tiết mắt nhanh hơn.
Bài tập với các thiết bị chuyên dụng: Trẻ sẽ được chơi các trò chơi như: vẽ, xếp hình, chơi cờ caro, đánh cờ tướng… Tùy vào độ tuổi, trẻ sẽ được hướng dẫn lựa chọn trò chơi phù hợp với mình. Thông qua các trò chơi này, tế bào thần kinh trong võng mạc và hệ thống trung khu thần kinh thị giác được kích thích nhanh hơn, giúp mắt điều tiết tốt hơn.
Tóm lại, nhược thị có thể gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, giảm chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, bệnh có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Chính vì vậy, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở trẻ.