Hà Nội

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh nhiễm nấm Candida

12-09-2024 18:33 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Nhiễm nấm Candida là một bệnh nhiễm trùng do một loại nấm gây ra tên là Candida, thường là Candida albicans. Nhiễm nấm Candida có thể gây tổn thương ở miệng, da, bộ phận sinh dục và trường hợp hiếm gặp sẽ ảnh hưởng đến máu rồi di chuyển đến các cơ quan khác nếu không được điều trị kịp thời.

Nên ăn gì khi bị nhiễm nấm Candida?Nên ăn gì khi bị nhiễm nấm Candida?

SKĐS- Bệnh nhiễm nấm Candida có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Chế độ ăn uống đúng cách đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát triệu chứng và hỗ trợ quá trình điều trị nấm Candida hiệu quả.

    1. Đông y có chữa được bệnh do nấm Candida?

Trong y học cổ truyền có một số bài thuốc chữa viêm âm đạo nói chung (trong đó có viêm âm đạo do nấm Candida) có sử dụng các vị thuốc: sài đất, kim ngân hoa, muồng trâu, bồ công anh, ngải cứu, thổ phục linh, ích mẫu, hoàng bá… để sắc uống, xông và rửa cơ quan sinh dục nữ.

Việc sử dụng các bài thuốc này cần được chuyên gia y học cổ truyền chẩn bệnh và gia giảm vị thuốc cho phù hợp từng trường hợp.

Ngoài ra, trong dân gian cũng lưu truyền cách dùng lá trầu không để chữa nấm Candida đơn giản và hiệu quả nhờ vào công dụng trầu không là kháng sinh tự nhiên có khả năng ức chế hoạt động của một số loại vi khuẩn, nấm. Việc dùng trầu không có thể kết hợp với lá chè xanh, giấm táo, gừng tươi... để rửa vùng kín.

    2. Nấm Candida gây bệnh gì, có nguy hiểm không?

Bệnh nấm Candida là bệnh cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính do nấm men giống Candida, hầu hết là Candida albicans.

Candida có sẵn ở trong cơ thể thường ở phế quản, khoang miệng, ruột, âm đạo, vùng da quanh hậu môn,… bình thường ở dạng hoại sinh không gây bệnh. Khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ chuyển sang ký sinh và gây bệnh.

Các bệnh do nhiễm nấm Candida tuy gây ra các triệu chứng khó chịu nhưng thường dễ điều trị và ít khi đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, tình trạng sẽ nghiêm trọng khi nấm Candida xâm nhập vào máu gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Các yếu tố thuận lợi để cho nấm Candida gây bệnh là: phụ nữ có thai, bệnh đái đường, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với nước, dùng kháng sinh hoặc corticoid kéo dài…

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh nhiễm nấm Candida- Ảnh 2.

Nấm Candida ở lưỡi.

    3. Nấm Candida âm đạo lây truyền theo đường nào?

Đối với những người khỏe mạnh, nấm Candida thường xuất hiện khoảng 30% ở miệng, 39% ở âm đạo, 17% ở phế quản, 35% ở ruột. Khi có điều kiện thích hợp, nấm Candida sẽ phát triển nhanh chóng và sinh ra các triệu chứng bất lợi cho cơ thể. Triệu chứng bị bệnh nấm Candida ở miệng là đau họng, xuất hiện một lớp phủ màu trắng trên lưỡi, mụn nước, có vết loét hoặc hơi thở có mùi hôi. Ở đường tiêu hóa có thể dị ứng thực phẩm, đau bụng, viêm loét dạ dày, ợ nóng, ngứa hậu môn.

Bệnh nấm Candida âm đạo có thể lây truyền theo nhiều đường khác nhau như qua các công cụ dùng chung như khăn, quần lót, dụng cụ tình dục (sextoy) với người mang bệnh. Theo thống kê có khoảng 75% nữ giới ít nhất mắc nấm âm đạo một lần trong đời. Biểu hiện của nấm âm đạo là ra nhiều huyết trắng loãng hoặc đục giống váng sữa ở âm đạo kèm theo cảm giác ngứa, nóng rát ở âm hộ. Có cảm giác đau rát khi đi tiểu, khi quan hệ tình dục, có mùi hôi ở bộ phận sinh dục.

Khi có dấu hiệu bệnh nấm Candida âm đạo, chị em nên đi khám phụ khoa để điều trị kịp thời.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh nhiễm nấm Candida- Ảnh 3.

Nhiễm nấm Candida âm đạo là bệnh hay gặp ở nữ giới.

4. Cần làm gì khi nhiễm nấm Candida?

Khi có biểu hiện nhiễm nấm Candida, ngoài việc khám, các bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm. Tùy từng bệnh mà bệnh phẩm là: dịch đờm, dịch âm đạo, vẩy da, chất ngoáy họng... Bệnh phẩm được soi tươi và nhuộm gram, eosin, hematoxylin thấy nhiều tế bào men hình bầu dục, có chồi, có thể có sợi nấm giả.

Sau khi xác định được nguyên nhân chính xác nhiễm nấm Candida, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Thuốc kháng nấm là phương án được áp dụng phổ biến trong những trường hợp bị nhiễm nấm Candida. Ví dụ nếu là nấm miệng có thể dùng thuốc dạng bôi, nếu nặng có thể dùng phối hợp đường uống.

Nếu nhiễm nấm Candida trên da cần giữ gìn vệ sinh da luôn khô thoáng, sạch sẽ kết hợp với những thuốc có công dụng chống nấm.

Nếu nhiễm nấm Candida vùng kín bệnh nhân có thể được dùng thuốc đặt âm đạo đồng thời phối hợp với các thuốc đường uống khác.

Lưu ý quan trọng, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu không được dùng những thuốc này. Ngoài ra trong quá trình dùng thuốc cần kiêng quan hệ tình dục và không uống rượu bia. Nếu bạn tình cũng xuất hiện triệu chứng bệnh thì cần phải điều trị.

Đối với những trường hợp bị nhiễm nấm Candida toàn thân có thể sẽ được chỉ định tiêm đường tĩnh mạch.

    5. Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa nhiễm nấm Candida tại nhà

Những thói quen sinh hoạt dưới đây có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến do nhiễm Candida hoặc ngăn ngừa nấm Candida tái phát.

Chế độ sinh hoạt: Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng, vệ sinh sạch sẽ cơ thể. Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Yếu tố tinh thần: Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái và không căn thẳng.

Chế độ dinh dưỡng: Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nếu bị đái tháo đường thì cần có chế độ ăn thích hợp. Tham khảo bác sĩ để có chế độ ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe.

    6. Cách gì giảm nguy cơ nhiễm Candida âm đạo?

Trong sinh hoạt hàng ngày, nên áp dụng các biện pháp sau đây để giảm nguy cơ nhiễm nấm Candida âm đạo ở nữ:

Tăng cường bổ sung probiotic: Ăn các loại thực phẩm như sữa chua hoặc bổ sung thực phẩm chức năng có chứa các dòng lợi khuẩn như Lactobacillus và/hoặc acidophilus (hai loại vi khuẩn được tìm thấy trong âm đạo) sẽ giúp kích thích sự phát triển của các lợi khuẩn tại âm đạo, giúp âm đạo của bạn chống lại được tình trạng nhiễm nấm (chủ yếu là nấm Candida).

Kiểm soát lượng đường huyết: Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, phụ nữ bị tiểu đường typ 2 dễ có nguy cơ bị nhiễm nấm âm đạo (trong đó có nấm Candida) tái phát hơn. Do vậy, hãy đảm bảo rằng, bạn kiểm soát hiệu quả lượng đường huyết bởi việc này sẽ giúp bạn dự phòng được tình trạng nhiễm nấm Candida âm đạo. Đường huyết tăng lên quá cao và không được kiểm tra sẽ khiến nấm tại âm đạo phát triển nhanh hơn.

Giảm tiêu thụ đường: Việc tiêu thụ một lượng đường lớn sẽ gia tăng tình trạng nhiễm nấm Candida âm đạo. Nguyên nhân có thể là do lượng đường lớn (đặc biệt là glucose) sẽ kích thích nấm phát triển và dính vào các tế bào ở âm đạo.

Mặc quần lót làm bằng vải cotton và không mặc đồ quá bó sát: Để phòng tránh bị nhiễm nấm, bạn nên mặc quần lót làm bằng cotton để giảm tình trạng tích tụ độ ẩm. Hơn nữa các loại quần áo bó sát, chật như quần legging, quần jeans sẽ khiến nhiệt độ và độ ẩm bị tích tụ lại ở vùng kín. Việc này cũng sẽ làm nấm Candida phát triển mạnh mẽ hơn.

Không sử dụng các sản phẩm có mùi thơm: Để duy trì cân bằng pH ở âm đạo, bạn nên tránh sử dụng các sản phẩm có mùi thơm tại vùng kín, ví dụ như xà phòng, tampon, băng vệ sinh, các sản phẩm dạng xịt và dạng bột. Hạn chế thụt rửa âm đạo. Bạn cũng nên tránh thụt rửa âm đạo bởi việc này có thể làm mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại tại âm đạo. Thụt rửa cũng sẽ làm loại bỏ lớp niêm mạc bảo vệ của âm đạo, cũng là lớp hàng rào bảo vệ âm đạo khỏi tình trạng nhiễm nấm.

Cởi bỏ quần áo ẩm ướt ngay lập tức: Sau khi luyện tập thể thao hoặc sau khi đi bơi, bạn nên cởi bỏ bộ quần áo ướt càng sớm càng tốt. Bạn nên lau hoặc sấy khô vùng kín sau khi tắm.

Thay đổi loại thuốc tránh thai bạn đang dùng: Rất nhiều loại thuốc tránh thai hiện nay có chứa estrogen. Với đa số phụ nữ, estrogen không phải là vấn đề gì đáng lo ngại, nhưng quá nhiều estrogen có thể sẽ khiến một vài phụ nữ dễ nhiễm nấm Candida âm đạo hơn. Estrogen sẽ dẫn đến sự sản xuất glycogen (một loại đường) tại âm đạo, và bởi vì các bào tử nấm sẽ ăn loại đường này để tồn tại, nên quá nhiều glycogen sẽ dẫn đến việc vi nấm phát triển ngoài tầm kiểm soát.

Không lạm dụng kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm nấm Candida:

Chỉ nên sử dụng kháng sinh nếu bạn được bác sĩ kê đơn. Sử dụng kháng sinh một cách không cần thiết trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng nhiễm nấm bởi kháng sinh sẽ tiêu diệt hết tất cả các loại vi khuẩn.

7. Chi phí điều trị bệnh nấm Candida

Các chi phí điều trị bệnh nấm Candida nằm trong danh mục chi trả của bảo hiểm y tế theo quy định.

Nấm Candida gây bệnh gì, có nguy hiểm không?Nấm Candida gây bệnh gì, có nguy hiểm không?

SKĐS - Các bệnh do nhiễm nấm Candida tuy gây ra các triệu chứng khó chịu nhưng thường dễ điều trị và ít khi đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, tình trạng sẽ nghiêm trọng khi nấm Candida xâm nhập vào máu gây nhiều biến chứng nguy hiểm.


Cử nhân khoa học Trần Hải Anh
Khoa xét nghiệm 1, Bệnh viện Bưu điện
Ý kiến của bạn