1. Bị liệt nửa người có thể gây ra những khó khăn gì trong sinh hoạt hàng ngày?
Liệt nửa người thường gây ra các triệu chứng như yếu cơ tay chân, không thể cử động được, khó cầm nắm đồ vật, đau mỏi cơ, mất thăng bằng, mất phương hướng, méo miệng, hụt hơi, khó nói…
Tình trạng này khiến bệnh nhân không thể cử động hay tự đi lại như bình thường mà chỉ có thể nằm yên một chỗ. Khi đó, mọi vấn đề như ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh đều phải thực hiện trên giường bệnh. Những khó khăn, bất tiện này được biểu hiện cụ thể như sau:
- Khó khăn trong di chuyển
- Loét da do tỳ đè
- Trầm cảm, tự ti
- Đại tiểu tiện không tự chủ
2. Lưu ý khi chăm sóc người bệnh liệt nửa người
Tình trạng liệt nửa người sau tai biến gây nhiều khó khăn cho người bệnh và cả người nhà bệnh nhân. Do vậy, cần phải lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân bị tai biến liệt nửa người chu đáo để không làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt. Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân bị tai biến liệt nửa người, để giúp quá trình phục hồi diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn thì cần lưu ý một số điều sau:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp là điều cần thiết. Bên cạnh việc duy trì chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng còn phải đảm bảo thực phẩm mềm và dễ tiêu. Người nhà có thể nấu cháo mềm và chia nhỏ thành nhiều bữa cho bệnh nhân, kết hợp với uống sữa mỗi ngày.
- Vệ sinh cá nhân: Các hoạt động vệ sinh cá nhân của bệnh nhân bị liệt nửa người hoàn toàn phụ thuộc vào người chăm sóc. Vì vậy, người nhà cần chú ý đánh răng, lau mặt, tắm rửa, gội đầu 1 – 2 lần một tuần cho bệnh nhân hoặc chăm sóc dựa theo thói quen hàng ngày của người bệnh. Ngoài ra do vấn đề đại tiểu tiện không tự chủ, người chăm sóc cần vệ sinh cẩn thận và lau khô khu vực tầng sinh môn để tránh tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu.

ThS.BS Lê Bá Tuấn - Chuyên ngành Nội thần kinh, Phòng Bảo vệ sức khỏe TW5 (Bệnh viện Hữu Nghị) đang khám cho bệnh nhân.
- Đề phòng loét da do nằm lâu ngày. Những khu vực bị tỳ đè nhiều như vùng cùng cụt, hai bả vai, hai gót chân, lưng, mông có nguy cơ bị loét da do nằm lâu ngày. Để chống lở loét, cần cho bệnh nhân nằm trên đệm nước hoặc đệm hơi; lăn trở thay đổi điểm tỳ cho bệnh nhân (2 giờ/lần). Hàng ngày nên xoa bóp nhẹ nhàng những vùng bị tỳ đè nhiều, tuy nhiên không nên xoa bóp quá mạnh vì có thể gây trợt da. Vận động thụ động bên liệt để tránh co cứng cơ, đồng thời giúp lưu thông tuần hoàn.
- Cần đề phòng các biến chứng về hô hấp khi chăm sóc bệnh nhân tai biến liệt nửa người. Nguyên nhân là do việc nằm lâu và ít vận động có thể gây ra tình trạng ứ đọng đờm dãi, từ đó khiến bệnh nhân bị viêm phổi hoặc tắc nghẽn đường thở. Nên cho bệnh nhân ngồi dậy, cố gắng vỗ rung vùng lưng mỗi ngày để khạc đờm dãi ra ngoài.
- Thường xuyên vận động, xoa bóp nhẹ nhàng.
- Xoa bóp nhẹ nhàng vùng tay, chân, trán, lưng
- Luyện tập co duỗi các ngón tay, ngón chân, khớp tay, khớp chân
- Cho bệnh nhân xoay cổ, tập ngồi dậy, sau đó dần dần tập đứng, tập đi…
- Xoa bóp nhẹ nhàng tại các vùng tay, chân, lưng, trán giúp bệnh nhân dễ chịu và lưu thông tuần hoàn
3. Chẩn đoán phân biệt liệt nửa người với các bệnh lý khác
Các bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện các phương pháp để chẩn đoán phân biệt liệt nửa người với các bệnh lý như:
- Các trường hợp liệt chức năng (rối loạn phân ly)
Thường xảy ra trong những hoàn cảnh đặc biệt như sang chấn tâm lý. Các triệu chứng lâm sàng thay đổi theo tác động của bên ngoài và chịu tác dụng của ám thị.
Thiếu các dấu hiệu khách quan: Phản xạ gân xương bình thường, phản xạ da bụng và da bìu bình thường, không có dấu hiệu Babinski hoặc các dấu hiệu tương đương.
Tuy nhiên chỉ định chụp cắt lớp vi tính sọ não là cần thiết để không bỏ sót một trường hợp tổn thương thực thể phối hợp với một bệnh lý tâm thần.

Chấn thương sọ não có thể gây đụng dập não, các khối máu tụ, phù não... dẫn đến tình trạng liệt nửa người.
- Giảm động tác trong hội chứng ngoại tháp nửa người (hội chứng Parkinson)
Rất nhiều trường hợp hội chứng Parkinson bắt đầu từ một bên, nhất là những thể mà triệu chứng tăng trương lực là chủ yếu có thể nhầm với liệt nửa người.
Khám kỹ về lâm sàng sẽ phát hiện các dấu hiệu của tăng trương lực ngoại tháp biểu hiện co cứng kiểu ống chì, dấu hiệu bánh xe răng cưa. Triệu chứng co cứng tháp có đặc điểm khác hẳn: Co cứng các cơ gấp ở chi trên và các cơ duỗi ở chi dưới, co cứng có tính chất đàn hồi.
Tìm dấu hiệu run kiểu Parkinson: Run ở ngọn chi, đều khoảng 3 chu kỳ/ giây, biên độ nhỏ, run ở tư thế nghỉ. Có một số nghiệm pháp làm cho bệnh nhân tập trung chú ý một bên, bên không được chú ý sẽ xuất hiện run rõ hơn.
- Thiếu sót vận động sau một cơn động kinh cục bộ (liệt Todd )
Trong động kinh cục bộ vận động hoặc một cơn động kinh cục bộ toàn bộ hóa thứ phát có thể xuất hiện triệu chứng liệt tồn dư trong vòng vài giờ. Cần hỏi kỹ bệnh sử và diễn biến của liệt, nhất là những trường hợp đã xảy ra nhiều lần.
Trường hợp không có người chứng kiến cần khám kỹ để phát hiện các triệu chứng phối hợp như sẹo do ngã nhiều lần, cắn phải lưỡi - môi, tiểu ra quần... Điện não đồ có vai trò quan trọng giúp phát hiện những hoạt động kịch phát kiểu động kinh hoặc những biến đổi bất thường sau cơn động kinh.
- Hiện tượng mất chú ý nửa thân
Gặp trong hội chứng tổn thương thùy đỉnh của bán cầu không ưu thế. Hiện tượng này thường phối hợp với các triệu chứng khác của tổn thương bán cầu không ưu thế như phủ nhận bên bị bệnh, mất nhận thức nửa thân.
4. Đông y có điều trị được liệt nửa người không
Một số phương pháp trong đông y có thể áp dụng vào quá trình phục hồi cho người bệnh liệt nửa người như: châm cứu, bấm huyệt… Người bệnh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, tránh tình trạng tự ý điều trị có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.
5. Các địa chỉ thăm khám và điều trị liệt nửa người
Các bác sĩ chuyên khoa thần kinh sẽ thông qua thăm khám lâm sàng, chụp chiếu để đưa ra những chẩn đoán và phương án điều trị thích hợp cho người bệnh liệt nửa người. Người nhà và bệnh nhân cần xác định với những trường hợp liệt nửa người không chỉ mất chi phí điều trị lớn mà thời gian điều trị cũng phải kéo dài. Dưới đây là một số địa chỉ thăm khám và điều trị liệt nửa người tại Hà Nội:
- Khoa Thần kinh – Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ:78 Đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
- Khoa Ngoại Thần kinh – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Khoa Ngoại Thần kinh – Bệnh viện E. Địa chỉ: 89 Trần Cung, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội
- Khoa Ngoại Thần kinh - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Tùng- Đống Đa - Hà Nội
- Khoa Nội - Hồi sức thần kinh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Địa chỉ: 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.