Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh lao phổi

18-03-2024 09:23 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis). Bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể nhưng đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, gọi là bệnh lao phổi.

1. Đông y có chữa khỏi bệnh lao phổi?

Đông y gọi bệnh lao phổi là phế lao, thuộc loại bệnh truyền nhiễm. Nguyên nhân là do chính khí hư, tinh huyết suy tổn để bệnh tà xâm phạm vào phế. Ngoài việc dùng thuốc chống lao theo phác đồ trị liệu của y học hiện đại thì y học cổ truyền cũng có các bài thuốc hỗ trợ điều trị hiệu quả tùy thể bệnh.

Theo Đông y, bệnh lao phổi có nhiều giai đoạn và cách chữa khác nhau. Lúc đầu do chính khí hư, tinh huyết bị suy tổn làm bệnh tà xâm phạm vào phế. Bệnh biểu hiện phế âm hư, sau đó gây thận âm hư và đến giai đoạn cuối là phế, tỳ, thận đều hư (khí âm hư). Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc hỗ trợ trị lao phổi tùy theo thể bệnh.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh lao phổi- Ảnh 1.

Bệnh lao phổi theo cách gọi của Đông y là phế lao, thuộc loại bệnh truyền nhiễm.

Ví dụ, với thể phế thận âm hư có triệu chứng sốt về chiều, nhức trong xương, ra mồ hôi trộm, lòng bàn tay bàn chân nóng, hay trằn trọc, dễ cáu gắt, đau ngực, ngủ ít, sụt cân, nam giới di tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều, họng lưỡi khô, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác thì dùng phép chữa: Tư âm, giáng hỏa nhuận phế chỉ khái.

Với thể tỳ thận phế đều hư có triệu chứng thở gấp, ho ra đờm loãng, có khi dính máu, nhức trong xương, sốt buổi chiều, tự ra mồ hôi, ra mồ hôi trộm, ăn ít, phân nhão, sắc mặt trắng bệch, hơi phù, chất lưỡi khô, mạch tế sác, vô lực thì dùng phép chữa: Ích khí dưỡng âm.

Trong chữa bệnh lao phổi, ngoài thuốc còn kết hợp ăn uống để tăng hiệu quả điều trị. Theo y học cổ truyền có nhiều món dược thiện dưới dạng cháo dưỡng sinh và canh thuốc hỗ trợ kết quả chữa bệnh tốt. Ví dụ cháo câu kỷ tử, gạo lứt; cháo địa hoàng, táo nhân; cháo phổi lợn, gạo lứt; cháo bách hợp; cháo trám, cà rốt; canh ba ba, bách bộ, địa cốt bì...

2. Cách sơ cứu trong bệnh lao phổi

Bệnh lao phổi thường có biểu hiện bán cấp nghĩa là không diễn tiến cấp tính như các bệnh lý viêm phế quản, viêm phổi nhưng không phải kéo dài mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Trong bệnh lao phổi hoạt động, dù là bệnh vừa hay nặng, bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì, ngoại trừ cảm thấy không khỏe, kèm theo chán ăn, mệt mỏi và sút cân.

Bệnh phát triển dần dần trong vài tuần hoặc có thể có các triệu chứng cụ thể hơn. Ho là phổ biến nhất. Lúc đầu, có thể ít đờm màu vàng hoặc xanh lá cây, thường là khi thức dậy vào buổi sáng, nhưng ho có thể trở nên nhiều hơn khi bệnh tiến triển. Khó thở có thể là kết quả của tổn thương nhu mô phổi, tràn khí màng phổi tự phát, hoặc bệnh lao phổi có tràn dịch.

Ít gặp hơn, bệnh diễn biến cấp tính, gây viêm phổi cấp (đôi khi cả màng phổi) tràn dịch màng phổi, mở rộng ra các hạch lympho (gây viêm phế quản ở trẻ em). Tràn dịch màng phổi nhỏ chủ yếu là tế bào lympho, thường chứa ít vi khuẩn lao và khỏi trong vòng vài tuần. Trình tự này có thể phổ biến hơn ở trẻ nhỏ và những bệnh nhân bị ức chế miễn dịch bị nhiễm hoặc tái nhiễm gần đây.

Với trường hợp bệnh nhân lao phổi bị ho ra máu, người bệnh cần tránh di chuyển, nằm tại giường trong phòng yên tĩnh; Nâng cao đầu và nghiêng đầu sang một bên; Người chăm sóc chuẩn bị cho bệnh nhân một chiếc cốc bên cạnh, mỗi khi ho hãy dùng cốc này hứng để biết được lượng máu đã ho ra. Tránh không để người bệnh nuốt ngược vào trong vì sẽ kích thích nôn. Nếu người bệnh ho ra quá nhiều máu, hãy đưa đi cấp cứu ngay.

3. Cách chăm sóc bệnh nhân lao phổi tại nhà

Khi mắc bệnh lao phổi cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dùng thuốc do bác sĩ chỉ định. Bằng cách tuân theo chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, thực hành thói quen vệ sinh tốt và tuân theo chế độ dùng thuốc theo quy định, bệnh nhân lao phổi có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch của mình và cải thiện cơ hội kiểm soát và phục hồi thành công.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh lao phổi- Ảnh 3.

Người bệnh lao phổi nên được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ với các loại thực phẩm lành mạnh để tăng sức đề kháng.

Chăm sóc bệnh nhân lao phổi tại nhà cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, ăn một chế độ ăn uống cân bằng giàu protein, vitamin và khoáng chất để hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Điều quan trọng người bệnh lao phổi cần nhớ là việc phòng ngừa lây bệnh cho người thân. Khi chăm sóc bệnh nhân lao phổi tại nhà, người thân hoặc người chăm sóc cần đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Cách ly người bệnh trong phòng riêng và miễn tiếp khách tới thăm cho đến khi khỏi bệnh.
  • Thực hành các thói quen vệ sinh tốt như rửa tay thường xuyên và che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi.
  • Bệnh nhân cần tránh xa/không tiếp xúc với trẻ nhỏ, người già, người có bệnh lý nền, sức đề kháng kém như người bệnh đái tháo đường, HIV/AIDS, suy thận,...
  • Bệnh nhân cần phải mang khẩu trang, nhất là khi ra khỏi phòng tiếp xúc với người khác; đặc biệt khi ho cần cách xa người khác.
  • Bệnh phẩm phải được vứt bỏ và phân hủy theo quy định: khăn giấy bỏ vào thùng rác đậy kín và đem vứt ở đúng khu vực.
  • Tuyệt đối không dùng chung đồ đạc cá nhân với người bị lao phổi: không ăn chung, dùng chung bát đĩa, cốc nước, bàn chải đánh răng, khăn trải giường, bồn cầu, không bắt tay, hôn hay tiếp xúc gần với người bệnh.
  • Người bệnh cần được nghỉ ngơi nhiều và tránh căng thẳng nhiều nhất có thể để hỗ trợ quá trình chữa lành của cơ thể.

4. Bệnh lao phổi có chữa khỏi không?

Bệnh lao phổi có thể chữa khỏi được nếu phát hiện sớm và điều trị đúng thuốc, đúng phương pháp. Bệnh nhân phải được bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt ngay sau khi được chẩn đoán, đặc biệt là những người lao phổi M(+), tức là người có vi trùng nhìn thấy trực tiếp trong đàm.

5. Lưu ý với người đái tháo đường, phụ nữ có thai… khi mắc bệnh lao phổi

Việc điều trị bệnh lao được dựa trên các nguyên tắc: Phối hợp cùng lúc nhiều thuốc chống lao để tránh xuất hiện các vi khuẩn kháng thuốc. Khi điều trị bệnh nhân cần tuân thủ dùng thuốc đúng liều, uống thuốc đều đặn theo giờ cố định để thuốc có tác dụng. Dùng thuốc đủ thời gian để tránh tái phát.

Khi người bệnh có kèm theo các bệnh lý khác như đái tháo đường thì cần sự tư vấn đặc biệt của bác sĩ về chế độ ăn uống cũng như dùng các thuốc điều trị bệnh lao và thuốc đái tháo đường.

Bệnh nhân lao mắc đái tháo đường nên tập trung vào việc tiêu thụ thực phẩm ít đường và carbohydrate, nhiều chất xơ, protein và chất béo lành mạnh. Ví dụ bao gồm các loại rau không chứa tinh bột như rau lá xanh, bông cải xanh và ớt, các nguồn protein nạc như cá, thịt gia cầm và đậu phụ, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt với số lượng hạn chế.

Chính vì những mối nguy hiểm rình rập cho cả mẹ và thai nhi nên khi phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh lao sẽ được khuyến khích không mang thai và sinh con trong suốt quá trình điều trị bệnh. Phụ nữ mang thai khi mắc bệnh lao cần được điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Việc điều trị bệnh lao cho phụ nữ mang thai có công thức riêng, phức tạp hơn vì vừa phải đảm chữa bệnh cho bà mẹ lẫn sự an toàn của thai nhi.

Với phụ nữ mang thai được chẩn đoán lao phổi sẽ có phác đồ điều trị không ảnh hưởng đến thai nhi, tuy nhiên bệnh nhi sinh ra sau này cũng phải được tầm soát lao. Sau khi sinh, nếu người mẹ vẫn còn phải điều trị bệnh lao sẽ phải cách ly với em bé để hạn chế tối đa nguy cơ lây bệnh cho con, không cho em bé bú sữa mẹ khi mẹ bị lao phổi. Con của mẹ bị lao khi mang thai cần được theo dõi để xem có bị lao bẩm sinh không và tiêm vaccine BCG sớm phòng lao sơ nhiễm.

6. Chi phí khám chữa bệnh lao phổi

Quy trình khám bệnh lao khá đơn giản, chỉ bao gồm khám tổng quát, chụp X-quang phổi, xét nghiệm đờm và nuôi cấy. Thông thường, chi phí xét nghiệm bệnh lao có thể dao động từ 80.000-400.000 đồng mỗi lần xét nghiệm. Tuy nhiên, đây chỉ là mức giá tham khảo và số tiền bệnh nhân cần chi trả có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

Theo quy định của Chương trình Chống Lao Quốc gia, tất cả bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh lao sẽ miễn phí xét nghiệm soi đờm trực tiếp và thuốc điều trị lao. Dù thuốc chống lao được cấp miễn phí, song với thời gian điều trị kéo dài từ 6-8 tháng, thậm chí lên tới 2 năm nếu là lao kháng thuốc, cùng với nhiều bệnh lý kèm theo, nên chi phí điều trị cho một bệnh nhân có thể lên tới vài trăm triệu đồng.

Tính toán chung trong điều trị lao (1 ca bệnh bình thường) thì chi phí điều trị bình quân ít nhất 50.000 đồng/ngày. Ngoài các thuốc điều trị lao, có bệnh nhân còn phải kèm thuốc bổ, thuốc trợ gan, các thuốc điều trị triệu chứng... (ví dụ bệnh nhân bị lao kèm theo đái tháo đường hoặc bệnh lý gan, thận kèm theo thì chi phí điều trị và thời gian điều trị sẽ khác). Với những ca lao kháng thuốc, chi phí có thể gấp vài chục lần.

Mặc dù được BHYT chi trả nhưng bệnh nhân lao phổi tham gia BHYT nên khám, chữa bệnh đúng tuyến. Để có được chế độ miễn phí, người mắc bệnh lao cần được chẩn đoán và đăng ký trong hệ thống chống lao. Nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc lao, cần đến trạm y tế xã sau đó được giới thiệu đến trung tâm y tế huyện để được xét nghiệm chẩn đoán và đăng ký điều trị miễn phí. Nhiều nơi bệnh nhân lao được chuyển về quản lý và chữa trị tại trạm y tế xã nên gần nhà và rất thuận tiện trong quá trình chữa bệnh.

Lao phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, đường lây truyền và cách điều trịLao phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, đường lây truyền và cách điều trị

SKĐS - Lao phổi là thể bệnh hay gặp nhất. Nguồn lây bệnh lao cho người lành chủ yếu là người bệnh mắc lao phổi, đặc biệt là người bệnh có vi khuẩn tìm thấy được bằng xét nghiệm đờm soi kính trực tiếp.


Thiên Châu
Ý kiến của bạn