1. Đông y có chữa được bệnh hồng ban nút không?
Hồng ban nút là kết quả của một quá trình phản ứng được tạo ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân gây hồng ban nút như: Nhiễm khuẩn, thuốc, bệnh hệ thống, có thai và bệnh ác tính… Tuy nhiên có trên 50% trường hợp hồng ban nút là tự phát. Vì vậy đông y không chữa được căn bệnh này.
2. Các phương pháp điều trị bệnh hồng ban nút
Hồng ban nút có thể tự thoái triển mà không cần điều trị gì. Hơn 50% bệnh nhân hồng ban nút do tự phát, vì vậy điều trị triệu chứng rất quan trọng.
Nguyên tắc điều trị là điều trị triệu chứng, loại bỏ nguyên nhân gây bệnh. Tùy từng bệnh nhân cụ thể mà các bác sĩ chỉ định thích hợp.
Bệnh nhân có thể được dùng thuốc toàn thân như: Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs):
- Kali iod: Một số nghiên cứu cho rằng Kali iod cải thiện cơn đau trong vòng 24h và cải thiện được tổn thương da của hồng ban nút sau vài ngày. Nếu không thấy đáp ứng sau 2 - 3 tuần điều trị thì nên dừng.
- Glucocorticoid toàn thân: Khi bệnh nhân không đáp ứng với NSAID và kali iodide hoặc cần cải thiện nhanh chóng triệu chứng có thể điều trị một liệu trình ngắn. Trước khi sử dụng cần loại trừ nguyên nhân nhiễm khuẩn.
Bệnh dai dẳng, mạn tính hoặc tái phát: Có thể cần điều trị ức chế mạn tính hoặc điều trị từng đợt lặp lại. Các thuốc được chứng minh có hiệu quả là colchicine, dapsone, hydroxychloroquine
Tiêm corticosteroid nội thương tổn là một phương pháp điều trị cho những bệnh nhân có số lượng tổn thương ít và không dung nạp glucocorticoid toàn thân.
Phương pháp điều trị khác có thể được dùng là các thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF)-alpha đối với hồng ban nút nặng hoặc kháng trị. Một số lợi ích đã được báo cáo với etanercept, adalimumab, infliximab.
Trong quá trình điều trị bệnh, người bệnh cũng cần tuân theo những lưu ý sau đây:
- Để chân hoặc vùng khớp có hồng ban nút được nghỉ ngơi đầy đủ.
- Nâng cao chân khi nằm.
- Chườm lạnh.
- Không tạo áp lực, đè vật nặng lên chân hoặc vùng khớp có hồng ban nút.

Hồng ban nút là một bệnh lý da được đặc trưng bởi các nốt cục tròn đỏ và đau.
3. Bệnh hồng ban nút có chữa khỏi được không?
Bệnh nhân mắc hồng ban nút tiên lượng tốt, với hầu hết các trường hợp tự khỏi hoặc với sự chăm sóc hỗ trợ.
Tái phát có thể xảy ra ở một phần ba số trường hợp thường gặp trong các trường hợp do bệnh viêm mạn tính gây ra.
Bệnh hồng ban nút tuy là một bệnh lành tính, nhưng một trong những lý do phổ biến thất bại trong điều trị đến từ việc không xác định đúng nguyên nhân gây bệnh. Hơn nữa chúng có khả năng tiềm ẩn nhiều bệnh lý khác, không chỉ riêng vấn đề viêm nhiễm trong hệ cơ xương khớp.
Người bệnh nên tìm đến những bệnh viện lớn, đa khoa có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa nội cơ xương khớp để thăm khám và điều trị bệnh. Trong trường hợp hồng ban nút đi kèm với các bệnh lý về phổi, tiêu hóa… các bác sĩ chuyên khoa sẽ phối hợp với nhau để đưa ra phương án điều trị tối ưu đối với điều trị sức khỏe người bệnh.
Hiệu quả điều trị bệnh phụ thuộc nhiều vào các yếu tố:
- Mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Tình trạng tổn thương khớp, cơ.
- Tiên lượng của bệnh.
- Bệnh lý nguyên phát hoặc bệnh lý tiềm ẩn.
- Khả năng đáp ứng phác đồ điều trị của từng người.
4. Những chú ý quan trọng đối với bệnh hồng ban nút
Hồng ban nút là tình trạng viêm vùng lớp mỡ dưới da hình thành nên các sẩn, u cục màu đỏ hoặc tím, thường ở mặt trước cẳng chân, đầu gối. Đôi khi các vết này còn xuất hiện ở cẳng tay.
Vùng da bị tổn thương này ban đầu có thể xuất hiện tình trạng viêm kéo dài trong vài tuần, để lại vết bầm tím. Sau 3 đến 6 tuần hồng ban nút có thể biến mất để lại vết thâm hoặc tạo thành vết lõm dưới da mạn tính.
Bệnh hay gặp ở nữ nhiều hơn nam. Độ tuổi hay gặp nhất là từ 20 đến 40 tuổi. Những người mang gen HLA B8 chiếm 88% số người bị bệnh.
Nhiều trường hợp hồng ban nút có thể tự khỏi. Tuy nhiên nếu gặp các dấu hiệu sau thì người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị:
- Các cơn đau do hồng ban nút ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và công việc.
- Xuất hiện tình trạng sưng và đỏ kéo dài.
- Các vết hồng ban không hết sau 2 - 3 tuần.
5. Chi phí khám chữa bệnh
Chẩn đoán hồng ban nút chủ yếu dựa vào lâm sàng với việc nhận ra các nốt cục tròn đỏ trên da ở các vị trí điển hình. Đôi khi bác sĩ cần phải sinh thiết da để xác định chẩn đoán. Điều này liên quan đến việc lấy một mẫu da nhỏ dưới gây tê tại chỗ.
Sau đó mẫu da này được xử lý tại phòng xét nghiệm và kiểm tra dưới kính hiển vi. Các xét nghiệm khác thường là xét nghiệm máu và chụp X-quang ngực có thể được thực hiện để xác định nguyên nhân gây ra hồng ban nút.
Do bệnh có thể tự khỏi nên việc chẩn đoán và điều trị ở mỗi người khác nhau nên chi phí cũng khác nhau. Ví dụ xét nghiệm máu tổng quát dao động từ 1.000.000 – 3.000.000 VNĐ, chụp X-quang ngực có giá từ 100.000 - 200.000 VNĐ.