Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh hở eo tử cung

25-04-2025 12:37 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hở eo tử cung là tình trạng cổ tử cung suy yếu và không giữ được thai trong lòng tử cung. Là nguyên nhân phổ biến gây sảy thai liên tiếp và sinh non ở nhiều thai phụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi.

Thậm chí trong nhiều trường hợp thai nhi có thể tử vong ngay khi sinh ra do phải sinh ra quá sớm trong khi các cơ quan trên cơ thể vẫn chưa phát triển đầy đủ.

1. Đông y có chữa được bệnh hở eo tử cung không?

Hở eo tử cung do bẩm sinh, tổn thương, rách cổ tử cung ở những lần sinh trước, tổn thương cổ tử cung do nạo phá thai…Đông y không thể chữa được.

2. Các phương pháp điều trị bệnh hở eo tử cung

Tùy vào tình trạng bệnh, xem xét ảnh hưởng cũng như ở thời điểm phát hiện người phụ nữ có mang thai hay không mà bác sĩ chọn một trong các phương pháp điều trị thích hợp.

Mục tiêu của việc điều trị hở eo tử cung là giúp cổ tử cung đóng lại, duy trì thai kỳ lâu nhất, tránh tình trạng vỡ ối và sinh non. Các chuyên gia sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp dựa trên tình trạng, tiền sử bệnh lý và các thủ thuật ở tử cung mà thai phụ đã từng thực hiện.

Khâu cổ tử cung nếu thai phụ có nguy cơ chuyển dạ sớm và cổ tử cung yếu. Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất, các bác sĩ dùng mũi khâu đặt xung quanh cổ tử cung giúp giữ cho cổ tử cung được đóng kín, giảm nguy cơ sinh non.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh hở eo tử cung- Ảnh 1.

Hở eo tử cung là nguyên nhân phổ biến gây sảy thai liên tiếp và sinh non ở nhiều thai phụ,

Trong trường hợp thai phụ có thai đôi hoặc đa thai, phương pháp khâu cổ tử cung sẽ không được chỉ định vì phương pháp này chưa được chứng minh là có hiệu quả trong những trường hợp này.

Thai phụ có thể được bác sĩ kê đơn progesterone giúp ngăn ngừa các cơn co thắt và đảm bảo thai kỳ tiếp tục phát triển đến khi đủ tháng để sinh nở. Thuốc này sẽ được cung cấp dưới dạng viên thuốc nhỏ đặt vào âm đạo hoặc hậu môn người bệnh.

Những trường hợp thai phụ có nhiều yếu tố nguy cơ gây hở cổ tử cung, bác sĩ sẽ yêu cầu thai phụ thăm khám thai kỳ thường xuyên hơn để siêu âm theo dõi chiều dài cổ tử cung cho đến khoảng tuần thứ 24 của thai kỳ.

Khi ghi nhận những thay đổi tiêu cực về chiều dài cổ tử cung, bác sĩ sẽ có chỉ định thực hiện biện pháp khâu vòng cổ tử cung trước tuần thứ 16 của thai kỳ. Khi đến tuần thứ 38, bác sĩ sẽ tiến hành tháo chỉ khâu để thai phụ có thể sinh nở bình thường. Tuy nhiên, khi chuyển dạ sinh sớm khó tránh được, bác sĩ sẽ sớm cắt chỉ khâu lúc này để tránh rách đứt cổ tử cung do chỉ khâu. Việc cắt chỉ khâu kịp thời giúp giảm nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và thai nhi, đồng thời tạo điều kiện cho quá trình sinh nở diễn ra an toàn hơn.

3. Bệnh hở eo tử cung có chữa khỏi được không?

Hở eo tử cung có thể chữa được, thai phụ cần phải khám thai sớm (3 tháng đầu) của thai kỳ, cần khai báo rõ tiền sử sẩy thai liên tiếp của bạn để được hướng dẫn điều trị. Thông thường bạn sẽ được các bác sĩ cho nhập viện để khâu eo tử cung.

Một số thống kê cho thấy tỷ lệ hở eo tử cung chiếm khoảng 0,5% số phụ nữ đang mang thai và ở nhóm phụ nữ có tiền sử sẩy thai 3 tháng giữa là khoảng 8%.

Mức độ nguy hiểm của hở eo tử cung thường được đánh giá dựa trên độ dài cổ tử cung. Nếu cổ tử cung đo được dưới 25mm, thai phụ đó được xem là có nguy cơ khiến eo tử cung bị hở dẫn đến chuyển dạ sớm. Lúc này, thai phụ sẽ được đề nghị theo dõi chặt chẽ và điều trị sớm để giúp đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé.

4. Những chú ý quan trọng đối với bệnh hở eo tử cung

Hở eo tử cung thường xảy ra vào 3 tháng giữa thai kỳ. Hiện nay nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh của hở eo tử cung vẫn chưa được làm rõ. Một vài giả thuyết được ủng hộ nhiều như do bẩm sinh hoặc liên quan tới một số yếu tố nguy cơ gây hở eo tử cung.

Đối tượng nguy cơ hở eo tử cung

  • Tiền sử sinh non
  • Tiền sử sẩy thai/ sinh non liên tiếp (≥ 2 lần) với đặc điểm sẩy tự nhiên, nhanh, không đau trước đó.
  • Sẩy thai ở 3 tháng giữa thai kì không rõ nguyên nhân
  • Tiền sử có can thiệp thủ thuật như: nong cổ tử cung để nạo phá thai, rách cổ tử cung, khoét chóp cổ tử cung, LEEP cổ tử cung…
  • Tử cung bất thường dị dạng như tử cung hai sừng, nhi tính…

Vì vậy, khi chị em có một trong những yếu tố nguy cơ ở trên và đang có kế hoạch mang thai, việc thăm khám kỹ và thực hiện kiểm tra chuyên sâu bởi các bác sĩ cả trước và trong thai kỳ là điều cần thiết. Điều này giúp chị em theo dõi sát sao cũng như có kế hoạch điều trị phù hợp, từ đó đảm bảo thai kỳ diễn ra an toàn, bé sinh ra khỏe mạnh.

Những thai phụ có tiền sử sinh non, hở eo tử cung ở thai kỳ trước cần trao đổi cụ thể với bác sĩ ở lần khám thai này để được bác sĩ tư vấn, thăm khám kỹ, làm các xét nghiệm thăm dò để đánh giá, can thiệp khâu eo tử cung nếu có chỉ định để dự phòng sẩy thai, đẻ non.

Tuy hở eo tử cung không thể ngăn ngừa được nhưng thai phụ có thể thực hiện một số vấn đề để hạn chế nguy cơ và giúp có một thai kỳ vui khỏe:

  • Bổ sung đầy đủ vitamin, tăng cường dinh dưỡng đủ các chất, sử dụng các thực phẩm tươi, sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.
  • Cần kiểm soát cân nặng người mẹ trong quá trình mang thai. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong cả thai kỳ tăng cân lý tưởng là 10-12 kg. Trung bình 3 tháng đầu tăng 1kg, 3 tháng giữa tăng 4-5 kg, 3 tháng cuối tăng 5-6 kg.
  • Vai trò của siêu âm ngày càng quan trọng trong phát hiện bất thường hình thái học thai nhi và đo chiều dài cổ tử cung, đánh giá hình thái cổ tử cung để dự phòng sẩy thai/ sinh non. Chính vì thế, phụ nữ mang thai cần đi khám và siêu âm thai định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
  • Trong thai kỳ nếu thấy có dấu hiệu bất thường như đau bụng dưới, tức cài xuống hạ vị, ra máu, ra nước âm đạo cần phải đến viện ngay để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, xử trí kịp thời.

5. Chi phí khám chữa bệnh

Dựa vào tiền sử sản khoa đơn thuần hoặc kết hợp siêu âm đường âm đạo đo chiều dài cổ tử cung. Kiểm tra Fibronectin của thai nhi-Fetal fibronectin (fFN) thai nhi là protein được sản xuất bởi tế bào thai nhi. Fibronectin thai nhi được coi là một chất kết dính hay "keo sinh học" gắn túi thai với tử cung. Test này được dùng cho phụ nữ có tuổi thai từ 22 đến 34 tuần, miễn là màng ối còn nguyên vẹn và cổ tử cung mở <3 cm.

Việc lấy mẫu được thực hiện bằng cách đặt một miếng gạc vào vùng hậu môn- âm đạo, cần được thực hiện trước khi siêu âm cổ tử cung. Test fFN dương tính với kết quả > 50ng/dl.

Ngoài ra, các chẩn đoán khác còn để phân biệt với bệnh:

  • Nhau bong non;
  • Thai chậm tăng trưởng trong tử cung;
  • Đa thai;
  • Tiền sản giật;
  • Ối vỡ non;
  • Chuyển dạ sinh non…
Chính vì vậy, mỗi thai phụ cụ thể mà các bác sĩ chỉ định chẩn đoán điều trị phù hợp. Nếu siêu âm qua đường âm đạo có giá từ 250.000- 500.000VNĐ, khâu cổ tử cung ngả âm đạo có chi phí từ 1.000.000-2.000.000VNĐ chưa tính các loại dịch vụ khác, thuốc men, có bảo hiểm y tế hay không, cũng như mỗi cơ sở y tế có các mức giá cũng khác nhau.
Hở eo tử cung: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnhHở eo tử cung: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Hở eo tử cung là tình trạng cổ tử cung suy yếu không thể giữ được thai trong buồng tử cung. Đây là một trong những tình trạng nguy hiểm cho cả thai phụ lẫn thai nhi, dọa sảy thai hoặc sinh non.


BS.Lê Thị Thu
Ý kiến của bạn