1. Đông y có chữa được hẹp van hai lá không?
Hẹp van hai lá có nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó thường gặp nhất là do di chứng của thấp tim (bệnh van tim hậu thấp). Vì vậy đông y không chữa được bệnh này.
Hẹp van hai lá gây biến chứng cấp tính nguy hiểm nhất là phù phổi cấp. Thường xảy ra khi gắng sức, mang thai, nhiễm trùng, truyền dịch nhiều… Biểu hiện khó thở dữ dội, vật vã, kích thích, trào bọt hồng... Cần xử trí cấp cứu nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
2. Các phương pháp điều trị hẹp van hai lá
Mục tiêu điều trị chính là mở rộng diện tích mở van hai lá mà không gây biến chứng hở van hai lá đáng kể hoặc lấp mạch não. Muốn đạt được điều này phải đánh giá tổn thương van và bộ máy dưới van hai lá… từ đó chọn phương pháp can thiệp thích hợp là nong van hai lá bằng bóng qua da hay mổ sửa/thay van hai lá.
Điều trị nội khoa được đặt đối với hẹp van hai lá nhẹ và hẹp van hai lá trung bình không triệu chứng, không tăng áp động mạch phổi.
Điều trị đặc hiệu bằng cách nong van hai lá bằng bóng qua da (PTMC). Phương pháp này sẽ được chỉ định khi bệnh nhân là hẹp van hai lá trung bình đến khít (diện tích mở van hai lá ≤ 1,5cm2…
Phẫu thuật sửa hoặc thay van hai lá được chỉ định khi hẹp van hai lá nặng, chữa bằng các biện pháp trên thất bại.
Ngoài ra, điều trị hỗ trợ bằng cách tránh gắng sức, ăn nhạt; Thuốc lợi tiểu, ức chế beta; Thuốc kháng đông wafarin khi cần.
3. Bệnh hẹp van hai lá có chữa khỏi được không?
Bệnh hẹp van hai lá có thể được điều trị bằng các phương pháp như: Dùng thuốc, nong van bằng bóng qua da và phẫu thuật sửa hoặc thay van hai lá. Nếu van bị hẹp nặng thì cần phải phẫu thuật sửa van hoặc thay van nhân tạo. Với van nhân tạo người bệnh cần uống thuốc theo chỉ định để duy trì hoạt động bình thường của van.
Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu duy trì lối sống khoa học và tuân thủ đúng phác đồ điều trị thì bệnh nhân hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh và ngăn ngừa biến chứng hẹp van tim hiệu quả.

Hẹp van hai lá là bệnh van tim phổ biến.
4. Những chú ý quan trọng đối với bệnh hẹp van hai lá
Hẹp van hai lá là bệnh hay gặp nhất trong các bệnh tim mắc phải, chiếm khoảng 40% các bệnh van tim. Bệnh chủ yếu gặp ở nữ (70 - 90%). Nguyên nhân chủ yếu do thấp (60%), khoảng 20% không rõ nguyên nhân và một số ít do bẩm sinh.
Ngoài những người có tiền sử sốt thấp khớp hay mắc các bệnh tự miễn, thì người cao tuổi, người hút thuốc lá, mắc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu… cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Phần lớn bệnh nhân hẹp van hai lá khi có biểu hiện triệu chứng cơ năng thì đều có chỉ định mổ, không thể điều trị khỏi bằng nội khoa.
Biến chứng có thể gặp khi mắc hẹp van hai lá là: Cơn hen tim, phù phổi cấp. Tắc mạch đại tuần hoàn trong đó có tắc mạch não gây liệt nửa người. Tắc mạch phổi. Rối nhịp tim: Rung nhĩ, cuồng động nhĩ. Suy tim: Suy tim phải.
Các biến chứng khác như: Tăng áp động mạch phổi, lùn hai lá, giảm sức lao động. Vì vậy, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ bệnh nhân cần chú ý xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, khoa học cụ thể:
- Hạn chế ăn thức ăn, nước uống nhiều muối.
- Duy trì cân nặng, cố gắng giảm cân nếu bị béo phì.
- Hạn chế tiêu thụ cafein, vì sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim.
- Giảm các hoạt động gắng sức, tập luyện thể dục thể thao đều đặn.
- Khi thấy khó thở, tức ngực cần đi khám ngay.
- Tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
- Không uống rượu, hút thuốc lá, vì làm tăng rối loạn nhịp tim và tăng nặng triệu chứng.
Ngoài ra, phụ nữ ở lứa tuổi sinh sản nếu mắc bệnh hẹp van hai lá nên tư vấn bác sĩ trước khi có thai, vì thai kỳ sẽ làm tăng mức độ nguy hiểm của bệnh tim mạch sẵn có.
5. Chi phí khám chữa bệnh
Để chẩn đoán hẹp van hai lá ngoài khám lâm sàng các bác sĩ chỉ định: Siêu âm tim; Điện tâm đồ; X-quang ngực thẳng… để xác định hẹp van hai lá và loại trừ với bệnh khác. Về điều trị sẽ tùy theo mức độ nặng và nguyên nhân của hẹp van hai lá. Các bác sĩ sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Các thuốc điều trị nội khoa chủ yếu làm giảm triệu chứng của suy tim sung huyết. Điều trị triệt để bệnh chỉ có phương pháp can thiệp nong van hoặc phẫu thuật thay sửa van. Do vậy, mỗi người bệnh có chỉ định khác nhau nên chi phí cũng sẽ khác nhau. Nếu dùng thuốc điều trị nội khoa sẽ ít hơn là phẫu thuật. Ví dụ chi phí cho một ca nong van tim hiện nay khoảng 40.000.000 – 80.000.000VNĐ, trong đó bao gồm: Chi phí thực hiện can thiệp, phí xét nghiệm, phí nằm viện và điều trị bằng thuốc. Nếu thay van tim nếu mổ hở van tim 2 lá chi phí sẽ dao động từ 80. 000.000 -140. 000.000 VNĐ. Các chi phí này có thể sẽ khác nhau ở các đơn vị y tế, có bảo hiểm y tế hoặc không có bảo hiểm y tế, loại van được sử dụng.
Dù áp dụng phương pháp điều trị nào người bệnh cũng nên theo dõi, tái khám thường xuyên để các bác sĩ kịp thời điều chỉnh phác đồ điều trị.