Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh hẹp động mạch thận

26-04-2025 12:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hẹp động mạch thận là sự thu hẹp của một hoặc nhiều động mạch cấp máu đến thận (động mạch thận). Khi các động mạch bị thu hẹp sẽ dẫn đến sự thiếu hụt lượng máu đến thận, nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây suy thận.

1. Đông y có chữa được bệnh hẹp động mạch thận không?

Phần lớn căn nguyên hẹp động mạch thận là do xơ vữa động mạch thận. Tình trạng này tương tự như quá trình xơ vữa mạch máu ở tim và các cơ quan khác trong cơ thể. Việc điều trị có thể bao gồm thay đổi lối sống, dùng thuốc và một thủ thuật để khôi phục lưu lượng máu đến thận. Vì vậy, đông y không điều trị được hẹp động mạch thận, tuy nhiên có nhiều món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị căn bệnh này.

2. Các phương pháp điều trị bệnh hẹp động mạch thận

Tùy theo tình trạng bệnh lý mà sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. Trong đó, 3 phương pháp phổ biến là: dùng thuốc điều trị, phẫu thuật, thay đổi lối sống.

Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị huyết áp cao liên quan đến hẹp động mạch thận bao gồm:

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE) và thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB), giúp giãn mạch máu và ngăn chặn sự hình thành angiotensin II (một chất trong cơ thể làm thu hẹp mạch máu).
  • Thuốc lợi tiểu, giúp cơ thể bạn loại bỏ natri và nước dư thừa trong cơ thể.
  • Thuốc chẹn beta và thuốc chẹn alpha-beta, tác dụng làm tim đập chậm, giãn mạch máu.
  • Thuốc chẹn kênh canxi giúp giãn mạch máu.

Nếu xơ vữa động mạch là nguyên nhân cơ bản của hẹp động mạch thận, bác sĩ cũng có thể đề nghị dùng aspirin và thuốc giảm cholesterol.

Với trường hợp người bệnh có huyết áp cao không thể kiểm soát, biến chứng (phù phổi, suy yếu chức năng thận…), bác sĩ thường đưa ra khuyến cáo về việc phẫu thuật để khôi phục lưu lượng máu qua động mạch thận, cải thiện máu đến thận:

Nong và đặt stent mạch thận là thủ thuật để thông chỗ hẹp giúp cải thiện lưu lượng máu đến thận. Trong kỹ thuật này, các bác sĩ sẽ mở rộng động mạch thận bị hẹp và đặt một thiết bị (stent) bên trong mạch máu để giữ cho các thành mạch mở ra và cho phép máu lưu thông tốt hơn.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh hẹp động mạch thận- Ảnh 1.

Hẹp động mạch thận là sự thu hẹp của một hoặc nhiều động mạch cấp máu đến thận (động mạch thận).

Chỉ định của kỹ thuật này cụ thể:

  • Hẹp động mạch thận gây tăng huyết áp ác tính, tăng huyết áp không kiểm soát được bằng thuốc
  • Suy thận tiến triển;
  • Hẹp động mạch thận ở người có một thận;
  • Có triệu chứng suy tim hoặc phù phổi thoáng qua tái phát nhiều lần;
  • Cải thiện triệu chứng của bệnh động mạch thận đồng thời có đau thắt ngực không ổn định hoặc suy tim.

Với trường hợp bệnh lý không nghiêm trọng, huyết áp tăng ở mức vừa phải, người bệnh thay đổi lối sống tích cực để cải thiện bệnh lý:

  • Duy trì cân nặng hợp lý: Khi cân nặng tăng lên, huyết áp cũng sẽ tăng lên. Nếu bạn thừa cân, giảm cân có thể giúp giảm huyết áp.
  • Hạn chế muối trong chế độ ăn uống: Muối và thức ăn mặn khiến cơ thể giữ nước. Điều này có thể làm tăng cung lượng máu và làm tăng huyết áp.
  • Hoạt động thể chất: Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp giảm cân, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm cholesterol và giảm huyết áp.
  • Giảm căng thẳng.
  • Uống rượu ở mức độ vừa phải, nếu có.
  • Ngừng hoặc không hút thuốc: Thuốc lá làm tổn thương thành mạch máu và đẩy nhanh quá trình xơ cứng động mạch.

3. Bệnh hẹp động mạch thận có chữa khỏi được không?

Hẹp động mạch thận nếu không được phát hiện kịp thời sẽ gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe như: Suy thận, suy tim, tăng nguy cơ tai biến mạch máu não cũng như các biến chứng do sử dụng thuốc huyết áp liều cao trong thời gian dài. Việc điều trị sớm sẽ khỏi được hẹp động mạch thận, tuy nhiên có thể tái phát.

Do đó những trường hợp người bệnh có huyết áp cao, sử dụng phối hợp các loại thuốc huyết áp liều cao nhưng vẫn không kiểm soát được huyết áp, thì nên đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính đánh giá mức độ hẹp động mạch thận.

4. Những chú ý quan trọng đối với bệnh hẹp động mạch thận

  • Đối tượng nguy cơ hẹp động mạch thận

Xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính gây ra tình trạng hẹp động mạch thận. Xơ vữa động mạch phát triển khi mảng bám (một chất dính chủ yếu được tạo thành từ chất béo và cholesterol) tích tụ trên thành động mạch. Các yếu tố nguy cơ của hẹp động mạch thận bao gồm:

Cholesterol, LDL-Cholesterol máu cao.

Huyết áp cao.

Kháng insulin.

Bệnh đái tháo đường.

Bệnh động mạch vành.

Bệnh động mạch ngoại biên.

Bệnh thận mạn tính.

Thừa cân hoặc béo phì.

Ít tập thể dục.

Hút thuốc lá hoặc làm việc trong môi trường nhiều khói thuốc lá.

Ăn mặn.

Thường xuyên ăn đồ ngọt, nhiều tinh bột, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa như mỡ, nội tạng, đồ ăn chế biến sẵn.

Tuổi cao: trên 45 tuổi đối với nam hoặc trên 55 tuổi nếu là nữ giới.

Có bố, mẹ, anh, chị, em ruột mắc bệnh lý tim mạch từ trẻ.

Các yếu tố nguy cơ gây ra hẹp động mạch thận do loạn sản xơ cơ động mạch thận (Fibromuscular dysplasia-FMD) vẫn chưa được biết rõ, nhưng FMD phổ biến nhất ở phụ nữ và những người từ 25 đến 50 tuổi. Loạn sản xơ cơ động mạch thận liên quan đến yếu tố di truyền và có thể ảnh hưởng đến người thân trong cùng gia đình.

5. Chi phí khám chữa bệnh

Để chẩn đoán hẹp động mạch chủ, bác sĩ thường nghe khu vực thận để tìm ra âm thanh và hỏi về các triệu chứng, tiền sử bệnh, đồng thời chỉ định làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh:

  • Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu: để kiểm tra chức năng thận, nồng độ hormon điều hòa huyết áp.
  • Siêu âm Doppler động mạch thận để kiểm tra chức năng động mạch, thận, tìm và đo lường mức độ tắc nghẽn trong mạch máu.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) để quan sát hình ảnh cắt ngang của động mạch thận.
  • Chụp mạch cộng hưởng từ (MRA) để quan sát hình ảnh 3 chiều của mạch thận, thận.
  • Chụp động mạch thận để tìm sự tắc nghẽn trong động mạch và có thể tiến hành mở phần hẹp. Độ đặc hiệu 100%, ngoài tác dụng chẩn đoán hẹp mạch thận thì còn phục vụ can thiệp và xử trí. Tuy nhiên đây là biện pháp xâm lấn và cũng có nhiều nguy cơ xảy ra tai biến như chảy máu, suy thận cấp, dị ứng với thuốc cản quang…

Tùy từng bệnh nhân mà các bác sĩ chỉ định thăm khám, điều trị khác nhau nên chi phí cũng khác nhau. Nếu siêu âm Doppler giao động từ 200.000 -1.000.000 đồng, chụp MRI một bộ phận chi phí thấp hơn, khoảng từ 1.800.000VNĐ – 5.000.000 VNĐ. Ngoài ra, nếu cần chụp phải tiêm chất tương phản từ hoặc thực hiện các kỹ thuật cao hơn thì chi phí sẽ được cộng thêm.

Trên thực tế mỗi thời điểm các giá cũng khác nhau, tùy thuộc vào cơ sở y tế cũng có mức giá khác nhau.

Ngừa biến chứng nguy hiểm của hẹp động mạch thậnNgừa biến chứng nguy hiểm của hẹp động mạch thận

SKĐS - Hẹp động mạch thận là hẹp một hoặc cả hai động mạch thận. Động mạch thận là động mạch mang máu tới thận từ động mạch chủ bụng.



BSCK2 Nguyễn Thị Thu
Ý kiến của bạn