Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh hẹp động mạch phổi

24-04-2025 11:17 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hẹp động mạch phổi là một khuyết tật tim bẩm sinh, thường được chẩn đoán trong vòng vài giờ đầu tiên sau khi sinh.

Hẹp động mạch phổi có thể gây đột tử trong những trường hợp nặng. Đó là lý do tại sao việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng đối với sức khỏe người bệnh. Bởi lẽ ở rất nhiều bệnh nhân, các dấu hiệu có thể không xuất hiện cho đến khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Hẹp van động mạch phổi là tình trạng van động mạch phổi không mở đúng cách hoặc đủ rộng, khiến dòng máu lưu thông bị chậm lại. Các van phổi nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi. Van phổi hoạt động như một cánh cửa, cho phép máu chảy vào và đi ra khỏi tim.

1. Đông y có chữa được bệnh hẹp động mạch phổi không?

Hiện nguyên nhân gây hẹp động mạch phổi chưa được biết rõ nhưng người ta thấy rằng nguyên nhân gây bệnh hẹp động mạch phổi thường có liên quan đến một số dị tật tim bẩm sinh như: Còn ống động mạch (PDA). Hẹp động mạch phổi với vách ngăn tâm thất còn nguyên vẹn (PA/IVS).

Bệnh có thể đi kèm tình trạng van ba lá kém phát triển hoặc tâm thất phải kém phát triển và các mạch máu nuôi tim bất thường. Hẹp động mạch phổi với thông liên thất. Đây là mức độ nặng nhất của tứ chứng Fallot. Vì vậy, đông y không chữa được hẹp động mạch phổi.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh hẹp động mạch phổi- Ảnh 1.

Van động mạch phổi không mở hết được khiến lượng máu từ tim lên phổi giảm.

2. Các phương pháp điều trị bệnh hẹp động mạch phổi

Hẹp động mạch phổi (PS) là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp tắc nghẽn buồng tống thất phải, đây cũng là một bệnh bẩm sinh. Vị trí tắc nghẽn đường thoát thất phải có thể là ở van tim, dưới van hay trên van.

Trong ba loại trên, hẹp tại van động mạch phổi thì gặp nhiều nhất và chiếm tỷ lệ đến 10% các bệnh tim bẩm sinh. Tổn thương này có thể đi kèm với những bất thường bẩm sinh khác, nhưng bài này chỉ đề cập đến thương tổn hẹp động mạch phổi đơn độc mà thôi.

Trong nhiều bệnh tim bẩm sinh, hẹp động mạch phổi là một bệnh có diễn tiến lâm sàng tương đối nhẹ nhàng và có tiên lượng tốt. Vì lý do này, đây là bệnh tim bẩm sinh có biểu hiện lâm sàng khá muộn và có thể được chẩn đoán lần đầu ở tuổi trưởng thành. Rất nhiều bệnh nhân sẽ không cần điều trị gì và những bệnh nhân cần được điều trị thì có thể điều trị thành công.

Chính vì vậy, tùy từng bệnh nhân, dựa trên khám lâm sàng và kết quả thu được từ các kiểm tra cận lâm sàng để đưa ra phác đồ điều trị. Bệnh ở giai đoạn nhẹ, không có triệu chứng cụ thể thường chưa can thiệp y tế. Nhưng nếu bệnh nhân bị những cơn đau ngực, khó thở hoặc ngất xỉu cho thấy tình trạng hẹp van động mạch phổi đang tiến triển và cần được điều trị.

Việc điều trị cũng cần dựa vào tình trạng bệnh nhân có thể bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Đó là các loại thuốc có tác dụng:

  • Cải thiện lưu lượng máu;
  • Làm loãng máu để giảm đông máu;
  • Giảm lượng chất lỏng dư thừa trong máu;
  • Phòng ngừa tình trạng nhịp tim không đều

Cùng với việc dùng thuốc, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật tạo hình bằng cách kéo căng thành van động mạch phổi để cải thiện lưu lượng máu. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có khả năng phải thay van động mạch phổi. Bác sĩ sẽ xem xét thay thay thế van đã hỏng bằng van cơ học hoặc van sinh học.

3. Bệnh hẹp động mạch phổi có chữa khỏi được không?

Bệnh hẹp động mạch phổi hoàn toàn có thể điều trị được nếu phát hiện và điều trị kịp thời. Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ như: ngất xỉu, thường xuyên bị hụt hơi hoặc đau ngực, tăng lên khi vận động.

Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tim cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất, các phòng khám hay bệnh viện chuyên khoa tim mạch. Hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào tại địa phương để được thăm khám kịp thời.

Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời chứng hẹp van động mạch có thể giúp giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm.

4. Những chú ý quan trọng đối với bệnh hẹp động mạch phổi

Mặc dù đa số hẹp van động mạch phổi là bẩm sinh, nhưng để phòng ngừa bệnh nên chú ý: Điều trị viêm hầu họng triệt để vì viêm họng không được điều trị triệt để có thể biến chứng thành sốt thấp khớp – một căn nguyên của bệnh.

Chú ý chăm sóc răng miệng vì nếu bị nhiễm trùng (viêm nướu) và mô tim bị nhiễm trùng (viêm nội tâm mạc). Tình trạng viêm mô tim do nhiễm trùng có thể làm hẹp động mạch, đồng thời khiến tình trạng hẹp van phổi nặng thêm.

Ngoài ra, cần ăn uống và có lối sống lành mạnh, tránh xa thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, tuân thủ chế độ ăn nhiều trái cây, ngũ cốc và các loại rau xanh. Nếu có người thân (bố mẹ, anh chị em ruột) bị các bệnh lý về tim, bạn cần kiểm tra sức khỏe tim mạch mỗi 6 tháng/lần. Việc làm này sẽ giúp bác sĩ tầm soát và phát hiện sớm bệnh, từ đó có hướng can thiệp kịp thời.

5. Chi phí khám chữa bệnh

Để chẩn đoán hẹp động mạch phổi, sau bước thăm khám ban đầu, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra cận lâm sàng bao gồm:

Điện tim; X quang tim phổi; Siêu âm Doppler tim; cộng hưởng từ hạt nhân, chụp cắt lớp vi tính; thông tim.

Tuy nhiên, thông tim chỉ được chỉ định chẩn đoán khi hậu quả huyết động của hẹp van động mạch phổi không rõ ràng, hoặc nghi ngờ có hẹp nhánh động mạch phổi ở ngoại vi. Tương tự, cộng hưởng từ hạt nhân, chụp cắt lớp vi tính được chỉ định chủ yếu giúp chẩn đoán các tổn thương phối hợp, đánh giá chức năng thất phải, tìm bất thường giải phẫu động mạch vành.

Chính vì vậy, chi phí hẹp động mạch phổi ở mỗi người sẽ khác nhau, nếu chỉ X quang tim phổi thì chi phí dao động từ 150.000 – 600.000 VNĐ. Chụp cắt lớp vi tính tim phổi chi phí sẽ dao động từ 1.900.000 - 5.000.000 VNĐ tùy vào từng nơi, từng trường hợp. Bởi bảng giá có thể thay đổi, có thêm các khoản phí khác cho những trường hợp nhất định.

Hẹp động mạch phổi: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnhHẹp động mạch phổi: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS -Hẹp động mạch phổi là một tình trạng mà trong đó dòng chảy của máu từ tim đến phổi bị chậm lại bởi van động mạch phổi biến dạng, hoặc biến dạng ở trên hoặc dưới các van.


BS. Nguyễn Văn Hiếu
Ý kiến của bạn