Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh giãn não thất

17-04-2025 09:14 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Giãn não thất hay còn gọi là não úng thủy, tràn dịch não là hậu quả của tình trạng mất cân xứng giữa sản xuất và hấp thụ dịch não tủy.

1. Đông y có chữa được bệnh giãn não thất không?

Giãn não thất hay còn gọi là não úng thủy, tràn dịch não là hậu quả của tình trạng mất cân xứng giữa sản xuất và hấp thụ dịch não tủy. Sự sản xuất ra dịch não tủy tùy thuộc phần lớn vào sự chuyển vận tích cực các ion, natri đi qua màng biểu mô đặc biệt của đám rối màng mạch để đổ vào các khoang não thất. Dịch này lưu thông từ não thất nọ sang não thất kia (qua ống hay các lỗ thông) rồi được hấp thu trở lại vào hệ tuần hoàn tĩnh mạch thông qua các khoang dưới màng nhện bao phủ lên các bán cầu não.

Giãn não thất phần lớn do tắc nghẽn lưu thông và cản trở tái hấp thu dịch não thất. Giãn não thất có 2 thể: thể tràn dịch não trong và tràn dịch não ngoài. Tràn dịch não trong phần lớn do tắc nghẽn ống sylvius do biến chứng của nhiễm khuẩn hay hậu quả của các khối u chèn ép tại đó. Tràn dịch não ngoài nguyên nhân phổ biến là do biến chứng viêm màng não như lao màng não, viêm màng não nhiễm khuẩn hoặc do biến chứng xuất huyết. Đông y không chữa được giãn não thất tuy nhiên có nhiều bài thuốc có thể hỗ trợ điều trị tốt đối với căn bệnh này.

2. Các phương pháp điều trị bệnh giãn não thất

Tùy thuộc vào từng cá nhân, nguyên nhân gây tình trạng giãn não thất mà các bác sĩ có chỉ định khác nhau.

Điều trị giãn não thất thai kỳ: Trong 3 tháng giữa thai kỳ, nếu mẹ siêu âm phát hiện não thất có kích thước dưới 10mm thì không cần quá lo lắng. Mẹ chỉ cần thường xuyên thăm khám theo định kỳ để theo dõi và không cần can thiệp nhiều.

Giãn não thất nhẹ là sự thay đổi bình thường, do tác động phụ của những dị tật khác gây ra. Do đó, khi phát hiện cần kiểm tra và siêu âm kỹ với tim và não của thai nhi.

Nếu khi kết quả xét nghiệm cho thấy không có những điểm bất thường, các bác sĩ sẽ theo dõi mẹ bầu trong một vài ngày để có kết luận chính xác nhất hoặc mẹ bầu có thể được theo dõi tại nhà cho đến khi sinh. Ngược lại, nếu kết quả xét nghiệm là dương tính với giãn não thất, thì thai phụ cần ngay lập tức phải nhập viện để được theo dõi, nếu trường hợp nặng phải chấp nhận bỏ thai để đảm bảo cho những lần mang thai sau.

Điều trị giãn não thất ở các lứa tuổi khác:

  • Đặt hệ thống shunt: Phương pháp điều trị phổ biến nhất cho bệnh giãn não thất là phẫu thuật đặt hệ thống thoát dịch, được gọi là shunt. Nó bao gồm một ống dài, linh hoạt với một van giữ chất lỏng từ não chảy đúng hướng và đúng tốc độ. Một đầu của ống thường được đặt ở một trong các tâm thất của não. Sau đó, ống được đặt dưới da đến một bộ phận khác của cơ thể, nơi dịch não tủy dư thừa có thể được hấp thụ dễ dàng hơn - chẳng hạn như bụng hoặc một buồng của tim,... Những bệnh nhân mắc giãn não thất thường cần một hệ thống shunt cho đến hết đời và cần phải theo dõi thường xuyên.
  • Phẫu thuật nội soi thất thứ ba: Phẫu thuật nội soi thất thứ ba là một phương pháp có thể dùng cho một số người. Trong phương pháp này, bác sĩ phẫu thuật sử dụng một máy quay video nhỏ để có tầm nhìn trực tiếp bên trong não, sau đó tạo một lỗ ở đáy của một trong các tâm thất hoặc giữa các tâm thất để cho phép dịch não tủy chảy ra khỏi não.
  • Một số người mắc bệnh giãn não thất, đặc biệt là trẻ em, có thể cần điều trị bổ sung, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các biến chứng lâu dài của tràn dịch não.

3. Bệnh giãn não thất có chữa khỏi được không?

Hiện nay, giãn não thất vẫn chưa có thuốc điều trị, phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật. Tuy nhiên, biện pháp phẫu thuật cũng không thể khắc phục hoàn toàn các hậu quả do bệnh gây ra. Do đó, khi có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bệnh giãn não thất cần đến khám càng sớm càng tốt để có thể phát hiện và điều trị kịp thời, giảm nhẹ các tác động tiêu cực đến sức khỏe và hệ thần kinh.

4. Những chú ý quan trọng đối với bệnh giãn não thất

Trong não thất của thai nhi và người lớn luôn có một lượng dịch não tủy nhất định, với chức năng bảo vệ não và tủy sống. Trung bình dịch khoang não thất thai nhi đo được <10mm. Nhưng khi trẻ gặp phải những rối loạn trong quá trình sản sinh, lưu thông và hấp thụ dịch não tủy sẽ dẫn đến tình trạng giãn các não thất. Nếu lượng dịch bị tắc nghẽn hoặc ứ đọng, trì trệ sẽ gây ra tăng áp lực nội sọ.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh giãn não thất- Ảnh 1.

Giãn não thất hay còn gọi là não úng thủy là hậu quả của tình trạng mất cân xứng giữa sản xuất và hấp thụ dịch não tủy.

Bên cạnh phương pháp phẫu thuật, bệnh nhân mắc bệnh giãn não thất, cần thực hiện thêm một số phương pháp điều trị khác để phục hồi một số tổn thương do bệnh gây ra như:

  • Thăm khám sức khỏe định kỳ và thực hiện đúng theo các chỉ định của bác sĩ phụ trách điều trị.
  • Kiểm tra và thực hiện một số phương pháp điều trị các vấn đề liên quan đến hệ thần kinh, rối loạn thần kinh.
  • Thực hiện phương pháp vật lý trị liệu để trẻ phát triển các kỹ năng về thể chất, xã hội.
  • Điều trị tâm lý nhằm giúp bé kiểm soát và phát triển các hành vi phù hợp, phát triển kỹ năng giao tiếp, dễ dàng hòa nhập với mọi người.
  • Các phương pháp hỗ trợ giáo dục: giáo viên dạy kèm, xác định mục đích giáo dục, tài liệu học tập phù hợp với trẻ.

5. Chi phí khám chữa bệnh

Chẩn đoán giãn não thất thường dựa trên siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) ; Chụp cộng hưởng từ (MRI) Phí siêu âm thai 2D tại các bệnh viện công lập ở mức 200.000 - 300.000 VNĐ, siêu âm 3D và 4D có giá 400.000 - 500.000 VNĐ.

Chi phí chụp MRI thai là 3.500.000 VNĐ, nếu BHYT thanh toán thì sẽ hết ít hơn.

Đối với điều trị giãn não thất nhập viện theo dõi chi phí cũng sẽ khác với các phẫu thuật khác nhau.

Giãn não thất có nguy hiểm?Giãn não thất có nguy hiểm?

Tôi có cháu trai 2 tuổi, hiện tại thóp trước vẫn chưa kín, trước trán nổi nhiều gân xanh. Cháu cũng hay ốm đau.



BS. Ngô Duy Cường
Ý kiến của bạn