Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh ghẻ

10-04-2025 11:34 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Ghẻ là một bệnh lý phổ biến, có khả năng lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua sử dụng chung các vật dụng như quần áo, khăn, nệm,…Tuy không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng làm người bệnh khó chịu ngứa ngáy.

1. Đông y có chữa được bệnh ghẻ không?

Bệnh ghẻ thuộc nhóm bệnh ngoài da do ký sinh trùng ghẻ có tên Sarcoptes scabiei hominis, lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua quần áo, chăn chiếu có ghẻ và trứng ghẻ.

Sau khi bám vào bề mặt da, cái ghẻ chui sâu vào trong để đẻ trứng, cơ thể bạn sẽ nhận diện đây như là tác nhân lạ và xuất hiện các phản ứng như dị ứng, nổi mẩn đỏ và ngứa. Mức độ ngứa hoặc khó chịu này sẽ có thể dữ dội hơn về đêm, khiến cho bạn càng gãi nhiều, dẫn đến các tình trạng nặng hơn như ghẻ lở.

Theo y học cổ truyền, bệnh ghẻ thuộc phạm trù "thấp nhiệt độc tà", gây tổn thương da và ngứa ngáy cho người bệnh. Hiện nay, nhiều người thường kết hợp thuốc tây y với các loại lá đông y có tính kháng khuẩn, sát trùng tự nhiên giúp giảm ngứa ngáy và hỗ trợ điều trị bệnh ghẻ. Đông y có nhiều bài thuốc trị ghẻ hiệu quả, các cây thuốc nam trị ghẻ ngứa thường là các loại thảo dược có hoạt chất với tính kháng viêm. Cách thức sử dụng cũng khá đơn giản như nấu nước lá để tắm, xát trực tiếp lên vùng da bị bệnh, vì thế bạn có thể áp dụng ngay tại nhà.

Tuy nhiên, việc tắm lá không đúng cách, lá bị nhiễm cách loại hóa chất (chất bảo quản, chất kích thích) có thể làm bội nhiễm, nặng hơn tình trạng bệnh. Việc tắm lá chỉ mang tính chất tham khảo, nên cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng.

2. Các phương pháp điều trị bệnh ghẻ

Nguyên tắc điều trị bệnh ghẻ là khi phát hiện, điều trị sớm, điều trị cùng lúc tất cả những người bị ghẻ trong gia đình, tập thể. Bôi thuốc vào buổi tối, đúng cách; Cách ly người bệnh, là luộc quần áo, vệ sinh chăn chiếu, đồ dùng…

Phụ thuộc vào tình trạng bệnh nhân bị ghẻ giản đơn, ghẻ chàm hóa, ghẻ bội nhiễm, hay ghẻ sẩn cục…mà bác sĩ chuyên khoa Da liễu sẽ có kế hoạch điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân.

Thuốc bôi tại chỗ: Kem permethrin 5%, dung dịch DEP (diethyl-phtalat), benzyl benzoat 10-25%, ivermectin 1%, sulfur 6-33%, malathion 0,5%, kem crotamiton.

Bôi thuốc đúng cách: Thường bôi thuốc vào buổi tối, chú ý bôi kỹ những vùng nếp gấp, sinh dục, quanh móng, sau tai; đối với trẻ em có thể bôi cả vùng mặt và đầu nếu có thương tổn và theo chỉ định của bác sĩ.

Thuốc toàn thân: thuốc giảm ngứa, kháng sinh, chống viêm nếu trẻ bị ghẻ bội nhiễm, chàm hóa bác sĩ chuyên khoa cân nhắc việc sử dụng thêm.

Trường hợp tổn thương da nặng, lan tỏa, ghẻ đáp ứng kém với điều trị thuốc bôi có thể chỉ định thêm thuốc uống Ivermectin, dùng cho trẻ > 15 kg.

3. Bệnh ghẻ có chữa khỏi được không?

Bệnh ghẻ có thể được điều trị bằng thuốc bôi ngoài da hoặc thuốc kê đơn đường uống. Liều lượng và loại thuốc cụ thể, tùy vào từng tình trạng bệnh bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp.

4. Những chú ý quan trọng đối với bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ có lây qua tiếp xúc gần da, thường xuyên với người bệnh, lây qua việc dùng chung chăn gối, khăn,… với người bệnh. Bệnh ghẻ đóng vảy (ghẻ Na Uy) có thể lây qua tiếp xúc thông thường.

Biện pháp phòng ngừa ghẻ tái phát tốt nhất chính là đảm bảo tất cả các thành viên trong gia đình, bạn bè và những người tiếp xúc gần gũi khác với người bệnh đều được điều trị ghẻ đúng cách cùng lúc, ngay cả khi không có triệu chứng. Vì bệnh ghẻ có thể lây lan dễ dàng qua tiếp xúc da kề da với người khác.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh ghẻ- Ảnh 1.

Ghẻ có khả năng lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua sử dụng chung các vật dụng.

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh ghẻ bao gồm:

  • Bệnh thường gặp nhiều hơn ở những nước nghèo, ở những người sống trong môi trường chật hẹp, đông đúc như khu nhà ổ chuột, trại tị nạn,…
  • Bệnh ghẻ có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhưng trẻ em và phụ nữ dễ bị bệnh hơn.
  • Những người có sức đề kháng bị suy giảm sẽ dễ bị mắc bệnh ghẻ hơn như: người già, người nhiễm HIV, người ghép tạng.
  • Đặc biệt những người tiếp xúc hoặc sinh hoạt chung với người bị ghẻ sẽ có khả năng cao dễ bị lây lan bệnh nhất.

Do đó, để phòng bệnh ghẻ chúng ta thường xuyên giặt chăn màn, quần áo, khăn tắm, dọn dẹp vệ sinh nơi ở,… để loại bỏ bọ ve. Không thể phòng ngừa hoàn toàn ghẻ tái phát, cách tốt nhất bạn có thể làm là tránh tiếp xúc với nguyên nhân, con đường lây truyền cái ghẻ.

  • Vệ sinh cá nhân rất quan trọng, đóng góp vào thành công của điều trị ghẻ. Vệ sinh, thay đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn tắm, chiếu, khăn trải giường, hàng ngày (giặt ở nhiệt độ ≥ 50 độ trong ít nhất 10 phút, sau đó phơi, sấy khô, là ủi hai mặt nếu có thể) sau đó được bịt kín trong túi, sử dụng lại sau khoảng 5 ngày.
  • Điều trị đồng thời cho cả người tiếp xúc và ở chung nhà với người bệnh. Nên tiến hành thăm khám càng sớm càng tốt để ngăn ngừa nguy cơ lây lan và phát triển mầm mống gây bệnh.
  • Tránh tiếp xúc thường xuyên với chất tẩy rửa, xà phòng,…
  • Uống nhiều nước ít nhất 2 lít mỗi ngày.
  • Cung cấp thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất có trong rau, củ, quả,…

5. Chi phí khám chữa bệnh

Thông thường bác sĩ chuyên khoa da liễu khám soi dưới kính lúp nhận định tổn thương, các vị trí đặc trưng của bệnh, đặc thù cơn ngứa và dịch tễ trong gia đình có người bị bệnh tương tự cho phép chẩn đoán bệnh ghẻ mà không cần thiết phải xét nghiệm.

Đôi khi một số trường hợp không điển hình, có thể cần xét nghiệm như: soi tìm cái ghẻ, chất cặn thải của cái ghẻ dưới kính hiển vi, hoặc bằng máy dermoscopy. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng tìm thấy cái ghẻ.

Thông thường khám da liễu có chi phí trung bình 40.000 VNĐ/lượt khám đối với khám thường (có bảo hiểm Y tế); Khám dịch vụ hoặc ngoài giờ: Dao động từ 80 - 100.000VNĐ/lượt khám. Khám VIP: Từ 300.000 - 400.000VNĐ/lượt khám.

Bảng giá xét nghiệm ký sinh trùng dao động từ 100.000 đồng cho đến 2.000.000 đồng tùy từng loại xét nghiệm. Ví dụ như soi tươi (Ghẻ) có giá 60.000 đồng; Xét nghiệm máu để biết nồng độ IgE có tăng cao hay không có giá gần 1.000.000 VND.

Ghẻ: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnhGhẻ: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Bệnh ghẻ là bệnh ngoài da phổ biến do ký sinh trùng ghẻ có tên khoa học Sarcoptes scabiei Hominis (cái ghẻ) gây nên. Bệnh thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt.



ThS.BS Trần Thị Thúy
Ý kiến của bạn