1. Đông y có chữa được bệnh động kinh không?
Động kinh thường được điều trị bằng thuốc chống động kinh và điều trị nguyên nhân dẫn đến cơn động kinh. Loại thuốc sẽ dựa trên loại động kinh, tần suất, tuổi tác và sức khỏe tổng thể.
Người bệnh không được tự ý thay đổi liều lượng hay ngưng sử dụng thuốc mà không hỏi ý kiến của bác sĩ. Nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng thì cần gọi cho bác sĩ hoặc đi tái khám. Nếu tình trạng động kinh không cải thiện hoặc cải thiện ít khi dùng thuốc chống co giật, có thể xem xét phẫu thuật.
Đông y có nhiều phương thuốc hỗ trợ điều trị căn bệnh này hiệu quả trong đó có thể kể đến như: Xoa bóp bấm huyệt, châm cứu hoặc cấy chỉ để điều trị toàn diện hơn, giúp lưu thông tuần hoàn, tăng nuôi dưỡng não bộ. Hoặc sử dụng các bài thuốc với nguyên tắc thực chứng lấy hóa đàm tức phong là chính, nếu thành hư chứng thì bổ tâm, thận, kiện tỳ hóa đàm là chính. Đề phòng bệnh tái phát, thời gian không có cơn, phương pháp lấy bổ thận, an thần là chính.
Tuy nhiên, bệnh nhân cần tham vấn thầy thuốc để được tư vấn thích hợp, không được tự ý bỏ thuốc, thay đổi liều lượng thuốc mà cần phải được bác sĩ thăm khám kỹ tình hình bệnh, theo dõi diễn biến bệnh, lịch sử điều trị mà có chỉ định phù hợp.
2. Các phương pháp điều trị bệnh động kinh
Động kinh thường được điều trị bằng thuốc chống động kinh và điều trị nguyên nhân dẫn đến cơn động kinh. Loại thuốc sẽ dựa trên loại động kinh, tần suất, tuổi tác và sức khỏe tổng thể.
Nguyên tắc điều trị:
- Khởi đầu bằng một loại thuốc duy nhất. Thuốc được chọn phải phù hợp với thể động kinh, ít tác dụng phụ, rẻ tiền, phù hợp với đặc điểm cơ thể người bệnh.
- Bắt đầu bằng liều thấp rồi tăng dần để tìm được liều hữu hiệu.
- Liều thuốc cho hàng ngày được tính theo mg/kg cân nặng, không tính theo tuổi, có thể thay đổi chút đỉnh tùy từng người. Ở trẻ con liều này có phần cao hơn người lớn.
- Việc sử dụng cùng lúc nhiều thuốc kháng động kinh chỉ cần thiết khi một loại thuốc (đã đạt đến liều cao nhất) mà không có kết quả.
- Khi kết hợp các thuốc khác cần để ý đến tác dụng qua lại giữa chúng cũng như ảnh hưởng trên các thuốc để tránh ngộ độc.
- Phần lớn các loại thuốc kháng động kinh đều có thời gian bán hủy khá dài nên chỉ cần cho một lần duy nhất trong ngày.
- Riêng các thuốc Tegretol, Primidone và Deparkine nên chia liều 2 – 3 lần/ngày.
- Không kết hợp Phenobarbital và Primidone vì gây quá liều.
- Các thuốc kháng động kinh chỉ thực sự có tác dụng khi đạt một nồng độ trong máu ổn định sau một thời gian dùng thuốc.
- Điều trị bệnh động kinh phải dùng thuốc liên tục không được tự động ngừng thuốc.
- Loại trừ nhân tố có hại như: Rượu, rối loạn giấc ngủ, chấn thương tâm lý, nhiễm trùng, nhiễm độc…
Điều trị phẫu thuật được chỉ định khi: Động kinh kháng thuốc; Động kinh cục bộ ổ khu trú nhỏ; Động kinh cục bộ toàn thể hóa...
Chế độ ăn uống, sinh hoạt: Người bệnh động kinh cần chú ý tới chế độ ăn khoa học, không dùng các loại kích thích như cafe, thuốc lá, rượu, gia vị, không được ăn quá nhiều nhất là vào buổi tối. Một số tác giả đề nghị ăn nhiều mỡ, ít hydrat carbon và protein tạo ra tình trạng tăng ceton nên đỡ động kinh. Thức ngủ đúng giờ tùy theo nghề nghiệp của từng người để tránh mất định hình hoạt động thần kinh trong 24 giờ.

Động kinh thường được điều trị bằng thuốc chống động kinh và điều trị nguyên nhân dẫn đến cơn động kinh.
Tránh các công việc có thể nguy hiểm cho bệnh nhân hoặc người khác như làm việc trên cao, dưới nước, gần lửa, lái xe. Tránh làm việc lâu ngoài nắng vì dễ mất nước và điện giải. Không làm việc nơi ánh sáng chói lòe như hàn hoặc không nên xem ti vi và chơi trò chơi điện tử lâu vì đó là các kích thích có thể gây lên cơn.
Theo dõi điều trị : Theo dõi lâm sàng, điện não, chất lượng cuộc sống. Khi không khống chế được cơn cần xem lại chẩn đoán, cách sử dụng thuốc (liều, tương tác…), sự tuân thủ điều trị. Có thể cân nhắc chuyển đơn trị liệu 1 thuốc khác trước khi nghĩ đến đa trị liệu và phẫu thuật.
Theo dõi tác dụng không mong muốn: có nhiều tác dụng không mong muốn cần phải theo dõi trong quá trình trị liệu. Có hai loại tác dụng không mong muốn cần phải lưu ý là phản ứng đặc ứng và các tai biến khi quá liều.
Có thể ngừng thuốc sau 2 năm (hoặc hơn) khi không có cơn trên lâm sàng và điện não đồ bình thường. Giảm liều từ từ trước khi ngừng thuốc, không ngừng thuốc đột ngột. Chú ý hiện tượng lui bệnh giả tạo (bệnh nhân không khai các cơn).
3. Bệnh động kinh có chữa khỏi được không?
Bệnh động kinh cần được điều trị càng sớm càng tốt nhằm kiểm soát hoàn toàn các cơn, tránh các ảnh hưởng xấu như giảm sút trí tuệ và biến đổi nhân cách cũng như trạng thái động kinh liên tục.
Ngày nay việc điều trị toàn diện bằng thuốc, phẫu thuật, chế độ ăn uống, sinh hoạt, phục hồi chức năng… đem lại nhiều kết quả tốt.
Bệnh động kinh càng được điều trị sớm thì cơ hội khỏi bệnh càng cao hoặc có thể kiểm soát được các cơn động kinh giảm thiểu nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, điều trị kịp thời là yếu tố then chốt để kiểm soát và cải thiện tình trạng bệnh động kinh.
4. Những chú ý quan trọng đối với bệnh động kinh
Nếu ai đó xung quanh bạn bị động kinh, hãy làm theo hướng dẫn sau:
- Giữ bình tĩnh.
- Không di chuyển người bệnh đến một vị trí khác.
- Đảm bảo vị trí người đó ngã hoặc đi lại an toàn, loại bỏ các vật dụng xung quanh có thể gây thương tích.
- Không cố gắng cố định chân tay khi người bệnh di chuyển, co giật, run rẩy.
- Không cố gắng đánh thức người bệnh bằng cách hét hoặc lắc người.
- Nhẹ nhàng xoay cơ thể người bệnh nằm nghiêng để tránh bị sặc dịch lỏng hoặc chất nôn.
- Gối đầu, nới lỏng quần áo quanh cổ.
- Không cạy miệng hay nhét bất cứ thứ gì vào miệng người bệnh.
- Hầu hết các cơn động kinh không đe dọa tính mạng. Nhưng nếu người bệnh bị động kinh kéo dài hơn 5 phút thì gọi bác sĩ hoặc xe cấp cứu. Ngoài ra, nếu trước đó người bệnh chưa từng bị động kinh hoặc bạn không chắc cơn co giật có phải do động kinh hay không thì hãy gọi cấp cứu, vì cơn co giật có thể do một nguyên nhân khác, nhất là khi người bệnh đang mang thai hoặc bị đái tháo đường.
- Khi cơn co giật kết thúc, người bị động kinh có thể lảo đảo, mệt mỏi, đau đầu hoặc cảm thấy bối rối, xấu hổ. Hãy để họ nghỉ ngơi. Nếu cần, hãy giúp đỡ liên lạc người thân của người bệnh để đưa họ về nhà an toàn.
5. Chi phí khám chữa bệnh
Chẩn đoán xác định động kinh phải dựa vào lâm sàng (dựa vào thầy thuốc, nhân viên y tế mô tả, chứng kiến cơn) kết hợp với biến đổi điện não đồ.
Động kinh có nhiều hình thái lâm sàng khác nhau. Cơn lớn là thể cần được chẩn đoán phân biệt với các cơn co giật do nhiều nguyên nhân khác ở nhiều chuyên khoa khác nhau (Thần kinh, Tâm thần, Nhi khoa, Nội tiết, Sản khoa, …).
Về chi phí khám động kinh sẽ dao động từ 100.000 - 500.000 VNĐ/lần khám. Chụp MRI não 3 Tesla với Protocol của động kinh: 2.300.000 VNĐ. Điện não video 24h-72h có chi phí 4.000.000-12.000.000 VNĐ ( tùy thuộc vào người bệnh có đủ 3 cơn động kinh để phân tích đánh giá hay không).
Trong một số tình huống cần thêm các thông tin để đảm bảo cho an toàn và tỉ lệ thành công cho cuộc phẫu thuật, có thể cần phải khảo sát thêm: PET/CT Scanners não: 24.000.000 VNĐ, MRI (cộng hưởng từ chức năng): 4.500.000 VNĐ.
Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào người bệnh chọn khám thường hay khám dịch vụ có bảo hiểm y tế hay không bảo hiểm y tế ,… Ngoài ra, nếu cần điều trị bằng thuốc, người bệnh sẽ mất thêm một khoản chi phí nữa. Nếu phẫu thuật thì chi phí khoảng 80.000.000 VNĐ nếu không có bảo hiểm y tế, khoảng 70.000.000VNĐ nếu người bệnh có bảo hiểm y tế. Tùy từng bác sĩ và tình trạng mà sẽ có những loại thuốc khác nhau, giá sẽ khác nhau.