Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh đau thắt ngực

11-04-2025 14:39 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Đau thắt ngực là dấu hiệu cảnh báo bệnh mạch vành và một số bệnh lý tim mạch khác. Nếu không được chẩn đoán và điều trị tốt thì rủi ro bị nhồi máu cơ tim rất dễ xảy ra.

Đau thắt ngực: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnhĐau thắt ngực: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Đau thắt ngực là bệnh lý tim mạch phổ biến hiện nay, đặc biệt hay gặp ở người cao tuổi và có thể là biểu hiện của tình trạng nhồi máu cơ tim rất nguy hiểm. Động mạch vành bị thu hẹp vì tắc nghẽn hoặc co thắt khiến lượng máu để nuôi tim không đủ.

Đau thắt ngực là chỉ cơn đau hoặc khó chịu ở vùng ngực, xảy ra khi khả năng cung cấp máu của động mạch vành không có đủ máu đến nuôi tim, thường do mảng xơ vữa trong thành mạch máu. Những mảng xơ vữa này sẽ làm hẹp động mạch và hạn chế cung cấp máu cho tim, đặc biệt khi gắng sức.

Có nhiều nguyên nhân gây đau ngực và phần lớn liên quan đến tim hoặc phổi. Đau thắt ngực là triệu chứng cảnh báo điển hình bệnh mạch vành, có 90% cơn đau ngực là do hẹp động mạch vành. Khi quá trình xơ vữa diễn ra kéo dài trong nhiều năm với sự tích tụ từ các mảng bám vào lòng mạch, làm thành mạch dày lên, cứng lại, mất tính đàn hồi và làm giảm lượng máu đến cơ tim. Lúc này tim buộc phải làm việc trong môi trường thiếu oxy, từ đó gây đau thắt ngực.

1. Đông y có chữa được bệnh đau thắt ngực không?

Điều trị đau thắt ngực nhằm mục đích kiểm soát triệu chứng và phát hiện các bệnh lý tim mạch nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim. Ngoài việc điều chỉnh lối sống lành mạnh, hạn chế các tác nhân có hại như thuốc lá, béo phì, người bệnh cũng có thể được chỉ định sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật tùy theo tình trạng bệnh. Đông y có nhiều bài thuốc hỗ trợ đau thắt ngực hiệu quả. Tuy nhiên để việc sử dụng hiệu quả cần có sự tư vấn của thầy thuốc cho phù hợp với từng người bệnh. Người bệnh cần tránh những chấn thương về tinh thần tình cảm.

Ngoài ra, bệnh nhân không được lao động nặng, không được gắng sức, tập thể dục nhẹ nhàng, hợp với sức khỏe, hợp với tuổi tác. Ăn uống thanh đạm, giảm mỡ, tăng cường rau xanh và các loại đậu. Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu.

2. Các phương pháp điều trị bệnh đau thắt ngực

Thông thường bác sĩ sẽ kiểm tra những triệu chứng và làm một vài xét nghiệm: Điện tâm đồ ECG, siêu âm tim, chụp động mạch vành, chụp MRI tim, chụp CT tim…

Nếu có dấu hiệu của tim bị tắc nghẽn, bác sĩ có thể tiến hành thủ thuật thông tim (kiểm tra lưu lượng máu chảy qua tim bằng cách đặt một thiết bị từ động mạch luồn đến tim).

Điều trị đau thắt ngực là cải thiện lưu lượng máu nuôi tim và cải thiện khả năng hoạt động của tim. Đầu tiên là bệnh nhân nên dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi.

Dùng thuốc

Nếu đau thắt ngực do thiếu máu cục bộ ở tim thì việc sử dụng thuốc là cần thiết. Một số loại thuốc được sử dụng trong trường hợp này bao gồm Aspirin (có tác dụng ngăn ngừa hình thành cục huyết khối trong mạch máu), Nitrate (làm giãn những mạch máu bị thu hẹp), thuốc ức chế beta (giảm co bóp và giúp tim đập chậm hơn).

Can thiệp mạch

Phương pháp điều trị này được chỉ định khi cơn đau thắt ngực không thuyên giảm dù người bệnh đã dùng thuốc, nghỉ ngơi và thay đổi thói quen sinh hoạt. Tùy vào nguyên nhân và tình trạng bệnh, người bệnh sẽ được phẫu thuật nong mạch vành, đặt stent mạch vành hoặc bắc cầu mạch vành. Mục đích là mở rộng và tạo độ thông thoáng cho những mạch máu bị thu hẹp, tắc nghẽn, giúp máu được lưu thông dễ dàng.

Trên thực tế việc điều trị đau thắt ngực tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể, nếu đau ngực do nhồi máu cơ tim, bác sĩ sẽ điều trị thuốc giảm đau và thuốc hạn chế tổn thương tim. Nếu thuốc không kiểm soát được cơn đau thắt ngực, bác sĩ sẽ chỉ định cho một số can thiệp phẫu thuật để giữ cho cơ tim của bạn được sống như chụp và đặt stent mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu.

Phẫu thuật sửa chữa nếu bị bóc tách động mạch chủ. Sử dụng thuốc ức chế tiết acid nếu cơn đau ngực của bạn do trào ngược acid dạ dày vào thực quản. Thuốc chống trầm cảm nếu cơn đau ngực xảy ra do những cơn hoảng loạn.

Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh đau thắt ngực- Ảnh 2.

Đau thắt ngực là dấu hiệu cảnh báo bệnh mạch vành và một số bệnh lý tim mạch khác.

3. Bệnh đau thắt ngực có chữa khỏi được không?

Chữa đau thắt ngực nhằm làm giảm đau nhanh chóng, hạn chế các mảng xơ vữa tích tụ thêm, làm chậm tiến triển của bệnh, đồng thời giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim. Bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi. Việc điều trị lâu dài bằng các loại thuốc hoặc bằng phẫu thuật động mạch vành, khoét mảng xơ vữa động mạch, bắc cầu nối, nong động mạch vành.

4. Những chú ý quan trọng đối với bệnh đau thắt ngực

Người đau thắt ngực không cần nghỉ ngơi tuyệt đối, nhưng cần hạn chế lao động chân tay và trí óc, tránh gắng sức, nhất là gắng sức đột ngột, đi bộ nhanh, lên dốc, lên cầu thang, ngược gió... tránh lạnh, tránh gió lùa, không được tắm đêm, sống điều độ, có giờ giấc nghỉ ngơi, tránh làm việc ngay sau bữa ăn. Tập thể dục nhẹ, đi bộ ngắn và chậm, nhưng không chơi thể thao nặng như tập tạ, karate, tennis, chú trọng giải trí, nghe nhạc...

Không hút thuốc lá vì thuốc lá là nguyên nhân xuất hiện cơn đau, hạn chế cà phê đặc và nước chè đặc vì sẽ gây mất ngủ. Không nên ăn những bữa quá thịnh soạn, không uống rượu. Ăn hạn chế chất có nhiều lipid và cholesterol như mỡ động vật, bơ, lòng đỏ trứng, óc, gan, thận và nên dùng dầu thực vật thay mỡ động vật.

Dù đã được điều trị nhưng các cơn đau thắt ngực vẫn có khả năng tái phát và gây ra những biến chứng nguy hiểm. Do đó trong sinh hoạt hàng ngày cần chú ý đến những việc sau để phòng ngừa các cơn đau "quay lại" cũng như tránh để bản thân rơi vào các tình huống nguy hiểm.

Loại bỏ các yếu tố nguy cơ cũng là cách để bảo vệ sức khỏe tim mạch bằng cách:

  • Nói không với thuốc lá, rượu bia và chất kích thích.
  • Không thức khuya, không làm việc hay vận động quá sức.
  • Tránh để căng thẳng kéo dài, tránh cảm xúc mạnh.
  • Kiểm tra và theo dõi lượng đường huyết với bệnh nhân bị tiểu đường.
  • Kiểm soát mức cholesterol trong máu với bệnh nhân bị rối loạn mỡ máu.
  • Kiểm soát huyết áp và duy trì ổn định với bệnh nhân bị cao huyết áp.

Thay đổi chế độ ăn uống tránh tiêu thụ mỡ và nội tạng động vật, thịt đỏ, lòng đỏ trứng… Chú ý bổ sung các thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây, hạt, đậu, cá hồi, cá ngừ, dầu ô liu, dầu hạnh nhân…

Rèn luyện thể chất mỗi ngày bằng những bài tập vừa sức như đi bộ, yoga… và thời gian tập không cần quá nhiều, chỉ 30 phút/ngày hoặc khi thấy cơ thể ra mồ hôi là được.

5. Chi phí khám chữa bệnh

Việc chi phí khám chữa bệnh đau thắt ngực phụ thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể. Để chẩn đoán ngoài việc hỏi bệnh sử đầy đủ và thăm khám lâm sàng về triệu chứng điển hình của cơn đau thắt ngực, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán như: Điện tâm đồ (ECG); test gắng sức; Chụp mạch vành; MRI tim; CT scan.

Các dịch vụ khám chuyên khoa tim mạch thông thường có mức giá dao động từ 150.000 – 600.000 VNĐ; nếu điện tâm đồ có giá 100.000 VNĐ - ECG có giá 570.000 VNĐ; siêu âm tim có giá 250.000 VNĐ… tương tự chữa bệnh, cơn đau thắt ngực nặng do nhồi máu cơ tim thì các bác sĩ có thể tiến hành một số can thiệp vào mạch vành sẽ có chi phí nhiều hơn việc dùng thuốc với trường hợp nhẹ.

Tóm lại: Để có trái tim khỏe mạnh thì những người có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch hoặc có triệu chứng đau thắt ngực cần đi thăm khám sớm, để có hướng xử trí kịp thời.

Các thuốc điều trị đau thắt ngựcCác thuốc điều trị đau thắt ngực

SKĐS - Đau thắt ngực là cơn đau xuất phát từ tim do nhiều nguyên nhân khác nhau., nhưng chủ yếu là do xơ vữa động mạch, co thắt động mạch vành... Điều trị đau thắt ngực nhằm làm giảm đau nhanh và hạn chế các nguy cơ gây nhồi máu cơ tim.


BS Ngô Hồng Hạnh
Ý kiến của bạn