- 1. Đông y hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường
- 2. Cách sơ cứu hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường
- 3. Cách chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường tại nhà
- 4. Bệnh đái tháo đường có chữa khỏi không?
- 5. Lưu ý với người béo phì, người cao tuổi, phụ nữ có thai… khi mắc bệnh đái tháo đường
- 6. Chi phí khám chữa bệnh đái tháo đường
1. Đông y hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường thuộc chứng tiêu khát trong y học cổ truyền. Tiêu khát là sự đốt cháy tân dịch ở bên trong cơ thể bằng đường niệu, sốt, ra mồ hôi... Biểu hiện ăn nhiều, uống nhiều, đi tiểu nhiều, nước tiểu có đường, sút cân nhanh...
Nguyên tắc hỗ trợ điều trị đái tháo đường theo Đông y là trị liệu toàn diện, trong đó sử dụng tổng hợp các biện pháp: dùng thuốc và không dùng thuốc, kết hợp thuốc và chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện khí công dưỡng sinh...
Phương pháp cụ thể có thể chia làm 2 biện pháp hỗ trợ chính là dùng thuốc và không dùng thuốc:
Không dùng thuốc: Là sử dụng các liệu pháp tự nhiên như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, dược thiện, trà dược, cháo thuốc, dán thuốc vào huyệt, tắm thuốc, tập luyện khí công dưỡng sinh...
Dùng thuốc: Tùy theo từng thể bệnh mà lựa chọn các vị thuốc và bài thuốc cho phù hợp nhằm mục đích dưỡng âm nhuận phế, dưỡng vị sinh tân, bổ thận sinh tân…
Ngoài việc chú ý chế độ ăn và dùng các bài thuốc Đông y, trong kinh nghiệm dân gian cũng có nhiều phương pháp hỗ trợ trị liệu đái tháo đường đơn giản, dễ kiếm, dễ dùng, rẻ tiền và có hiệu quả ở các mức độ khác nhau. Kinh nghiệm hỗ trợ điều trị đái tháo đường trong dân gian rất phong phú nhưng chưa được chú ý đúng mức và khai thác hết. Ví như: dùng lá ổi, rễ cây dâm bụt, rễ cây dâu tằm, mướp đắng, thiên hoa phấn, củ mài, hoàng liên... sắc uống; dùng dưa hấu, cà rốt, lê, dưa chuột, bí đao, mướp đắng... ép lấy nước uống hằng ngày…
2. Cách sơ cứu hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường không phải một bệnh cấp tính nhưng đôi khi cần cấp cứu nếu người bệnh bị hạ đường huyết nghiêm trọng. Hạ đường huyết là một biến chứng hay gặp ở người đái tháo đường, có khi trở nên nguy hiểm. Điều này thường xảy ra khi người bệnh dùng quá liều insulin, bỏ bữa hay không ăn đủ lượng thức ăn, khoảng cách giữa các bữa ăn kéo dài hoặc tập thể dục quá sức.
Khi đường huyết bị tụt xuống quá mức, người bệnh thường cảm thấy đói, choáng váng, run tay chân, rất mệt, đổ mồ hôi nhiều, lo lắng... Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng khẩn cấp về bệnh đái tháo đường có thể trở nên rất nghiêm trọng. Người bệnh có thể đi lại khó khăn, nhìn mờ, thay đổi nhận thức, hôn mê hoặc co giật.
Lúc này, nên cho bệnh nhân ăn đồ ngọt hoặc đồ uống có đường như socola, nước chanh, kẹo, nếu là đường tự nhiên càng tốt (đường tự nhiên có trong các loại trái cây, nước mía, nước dừa) sẽ giúp tăng lượng đường trong máu và cải thiện chức năng cơ thể của họ. Tránh cho người bệnh uống đồ uống dành cho người ăn kiêng vì nó không có đường và không giúp ích gì cho họ.
3. Cách chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường tại nhà
Bệnh nhân đái tháo đường thường được khuyên nên chú ý tới lối sống nhiều hơn. Thực hành ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất nên trở thành thói quen hàng ngày. Người bệnh cần duy trì cân nặng khỏe mạnh. Tự theo dõi đường huyết hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ để quản lý lượng đường trong máu. Dùng thuốc insulin đúng liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Chế độ ăn tốt cho bệnh nhân đái tháo đường
- Nên cắt bỏ đường tinh luyện và carbohydrate tinh chế khỏi chế độ ăn uống. Loại bỏ các thực phẩm nhiều đường, ít chất xơ hoặc chất dinh dưỡng như bánh mì trắng và bánh ngọt, nước ép trái cây chế biến sẵn và thực phẩm có hàm lượng fructose cao.
- Ăn nhiều loại thực phẩm lành mạnh, cung cấp vitamin, khoáng chất và giàu chất xơ, bao gồm: Các loại trái cây ít đường như thanh long, ổi, bưởi, cam, táo, lê mận, và trái cây gia vị như cà chua, ớt; Các loại rau không chứa tinh bột, như rau lá xanh, bông cải xanh và súp lơ; Các loại đậu như đậu, đậu xanh và đậu lăng; Ngũ cốc nguyên hạt, như bánh mì làm từ lúa mì nguyên hạt, gạo lứt, yến mạch nguyên hạt và quinoa.
- Ăn chất béo lành mạnh: Chế độ ăn uống nên bao gồm nhiều loại thực phẩm có chất béo không bão hòa, còn được gọi là "chất béo tốt", bao gồm dầu oliu, hướng dương, dầu hạt cải; Các loại hạt như hạnh nhân, đậu phộng, hạt lanh và hạt bí ngô; Cá béo, chẳng hạn như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ và cá tuyết,...
Thực phẩm béo có lượng calo cao và nên ăn ở mức độ vừa phải. Nên hạn chế chất béo bão hòa, "chất béo xấu" được tìm thấy trong các sản phẩm từ sữa và thịt đỏ. Bạn có thể hạn chế chất béo bão hòa bằng cách ăn các sản phẩm từ sữa ít béo, thịt gà và thịt lợn nạc.
- Người đái tháo đường thường có cảm giác khát nước và muốn uống nhiều nước. Khi khát nước, nếu không được uống để bù đủ lượng nước thì rất dễ bị đặc máu làm tích tụ chất cặn bã và đường dư thừa vì chúng không thể đào thải ra ngoài. Hệ quả của tình trạng này là tăng áp lực thẩm thấu huyết tương. Do đó, việc uống đủ lượng nước cần thiết trong ngày rất quan trọng với người đái tháo đường.
Nước uống tốt nhất cho bệnh nhân đái tháo đường là nước lọc. Nếu đang mắc bệnh lý khác như bệnh thận mạn tính hoặc đang dùng thuốc lợi tiểu thì nên giảm lượng nước uống mỗi ngày 1 lít nước để tránh bị giữ nước gây nguy hiểm.
- Không nên sử dụng rượu bia và các đồ uống có cồn, có chất kích thích mạnh.
Hoạt động thể chất nhiều hơn: Người bệnh đái tháo đường nhận được nhiều lợi ích cho hoạt động thể chất thường xuyên như giảm cân, giảm lượng đường trong máu của bạn, tăng cường độ nhạy cảm với insulin - giúp giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường.
Nên lựa chọn các bài tập vừa sức, phù hợp với thể trạng của bạn như tập yoga, aerobic, đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe hoặc chạy bộ trong hầu hết các ngày với tổng thời gian ít nhất 150 phút mỗi tuần.
Hãy bỏ hút thuốc nếu bạn hiện đang hút thuốc lá.
Quản lý các yếu tố nguy cơ khác ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, chẳng hạn như huyết áp và viêm nhiễm.
4. Bệnh đái tháo đường có chữa khỏi không?
Hiện vẫn chưa có cách chữa trị dứt điểm bệnh đái tháo đường type 2. Các biện pháp điều trị chỉ nhằm mục đích kiểm soát lượng đường trong máu trở lại mức bình thường nhưng điều này không có nghĩa là bệnh đái tháo đường đã khỏi hoàn toàn.
Phương pháp chữa trị duy nhất được biết đến đối với bệnh đái tháo đường type 1 là ghép tuyến tụy hoặc ghép các tế bào tuyến tụy chuyên biệt sản xuất insulin. Nhưng phương pháp này khá tốn kém và khó áp dụng rộng rãi.
5. Lưu ý với người béo phì, người cao tuổi, phụ nữ có thai… khi mắc bệnh đái tháo đường
Thừa cân, béo phì là nguy cơ dễ dẫn đến các hội chứng chuyển hóa, trong đó có rối loạn đường huyết và đái tháo đường type 2. Tình trạng thừa cân và béo phì sẽ dẫn đến hiện tượng đề kháng insulin, các tế bào sẽ không hấp thu được được đường trong máu dù tuyến tụy vẫn tiết insulin đầy đủ. Do đó, những người béo phì mắc đái tháo đường nên tích cực giảm cân để đảm bảo sự kiểm soát đường huyết tốt hơn. Giảm cân nhiều hơn sẽ mang lại lợi ích lớn hơn. Đặt mục tiêu giảm cân dựa trên trọng lượng cơ thể hiện tại của người bệnh.
Với người cao tuổi, nhiều thay đổi liên quan đến tuổi tác ảnh hưởng đến biểu hiện lâm sàng của bệnh đái tháo đường. Những thay đổi này có thể làm cho việc nhận biết và điều trị bệnh đái tháo đường gặp khó khăn. Do đó, ở người cao tuổi, mục tiêu chung trong điều trị đái tháo đường tương tự như ở người trung niên, cần kiểm soát cả tăng đường huyết và các yếu tố nguy cơ.
Người cao tuổi cần đi khám và tư vấn về kiểm soát bệnh đái tháo đường thường xuyên. Tuy nhiên ở những bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi dễ bị tổn thương cần chú ý tránh hạ đường huyết, tụt huyết áp và những tương tác thuốc do dùng nhiều loại thuốc. Ngoài ra cần chú ý điều trị các bệnh lý kèm theo.
Đái tháo đường thai kỳ là vấn đề sức khỏe dễ gây ảnh hưởng tới thai nhi, thai phụ và quá trình sinh nở. Nguyên nhân là do khi mang thai, nội tiết tố của người mẹ thay đổi, ảnh hưởng đến sự điều tiết insulin của cơ thể, dẫn đến bệnh đái tháo đường. Khi khám thai, các bác sĩ sẽ tư vấn thai phụ nên tầm soát đái tháo đường thai kỳ vào những tuần đầu của thai kỳ và vào tuần thai thứ 24 - 28.
Nếu được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, mẹ bầu cần lưu ý tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường, việc thay đổi chế độ ăn, luyện tập hợp lý khoa học sẽ kiểm soát được chỉ số đường huyết. Có tới 75 - 80% mẹ bầu có thể đưa đường huyết về ngưỡng bình thường bằng thay đổi chế độ dinh dưỡng và tập thể dục thường xuyên.
Sau khi áp dụng các cách trên dưới sự giám sát của bác sĩ mà chỉ số đường huyết không cải thiện thì thai phụ cần dùng thêm thuốc. Việc dùng thuốc trong thai kỳ cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
6. Chi phí khám chữa bệnh đái tháo đường
Mặc dù đái tháo đường nằm trong danh mục chi trả BHYT nhưng chi phí điều trị đái tháo đường type 2 với nhiều biến chứng nặng nề vẫn đang là gánh nặng đối với người bệnh, gia đình và xã hội. Chi phí điều trị đái tháo đường type 2 hàng năm tương đối cao và chiếm khoảng 7-11% GDP bình quân đầu người Việt Nam. Người bệnh ĐTĐ cao tuổi có chi phí cao hơn người trẻ do nhiều bệnh kèm theo, biến chứng nhiều hơn.
Theo kết quả nghiên cứu được thực hiện tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, chi phí trung bình cho 1 lần điều trị ngoại trú của người bệnh đái tháo đường type 2 chiếm 60,6% thu nhập trung bình của người bệnh. Trong đó BHYT chi trả 93,7% chi phí khám và thuốc do bệnh viện phát, chiếm 41,5% tổng chi phí trực tiếp mà người bệnh phải chịu. Người bệnh phải trả 58,5% tổng chi phí trực tiếp. Điều này sẽ làm gia tăng tình trạng phụ thuộc kinh tế vào người thân của người bệnh.