1. Đông y có chữa được bệnh chửa ở vết mổ không?
Chửa ở vết mổ là một dạng thai ngoài tử cung do thai làm tổ ở vết sẹo mổ trên cơ tử cung. Đây là dạng bệnh lý hiếm gặp nhất của thai ngoài tử cung và thường gây ra hậu quả sẩy thai sớm, rau cài răng lược, vỡ tử cung. Vì vậy, đông y không chữa được chửa ở vết mổ.
2. Các phương pháp điều trị chửa ở vết mổ
Những năm gần đây, cùng với sự gia tăng tỉ lệ mổ lấy thai, số trường hợp bị thai bám sẹo mổ cũng tăng lên đáng kể. Áp dụng rộng rãi siêu âm ngả âm đạo để đánh giá thai kỳ sớm đã góp phần giúp chẩn đoán sớm bệnh lý này, nhờ vậy giảm các rủi ro khi điều trị. Người bệnh mắc chửa ở vết mổ phải chấp nhận việc bỏ thai theo nguyên tắc điều trị. Nguyên tắc điều trị là lấy khối thai ra trước khi vỡ và bảo tồn khả năng sinh sản.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị được cân nhắc trên từng người bệnh.
- Nạo, hút thai, nong thai: Sử dụng trong trường hợp thai còn nhỏ, chưa xâm lấn sâu vào vết mổ đẻ cũ và chưa xảy ra các biến chứng gì. Tuy nhiên việc nạo hút thai dễ gây ra các biến chứng xuất huyết với tỷ lệ cao. Trường hợp không cầm được máu thì người bệnh sẽ phải phẫu thuật để cầm máu.
- Dùng hóa chất thường để điều trị hỗ trợ. Mục đích giảm sự phân bố mạch máu ở khối thai và tiêu huỷ tế bào rau.
- Phẫu thuật: Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp khi không đáp ứng điều trị nội khoa và do khối rau thai phát triển mạnh làm xâm lấn nhiều khi thai đã phát triển lớn. Ngoài ra phẫu thuật còn thực hiện để cầm máu khi không cầm được máu bằng phương pháp thông thường. Sau khi thực hiện lấy thai ra ngoài, bệnh nhân sẽ được kết hợp điều trị hóa trị liệu với mục đích giảm sự phân bố mạch máu ở khối thai và tiêu hủy tế bào rau thai.
Người bệnh sau khi điều trị được nghỉ ngơi thoải mái và thường xuyên kiểm tra để đảm bảo kết quả điều trị tốt nhất. Sau khi xuất viện, người bệnh nghỉ ngơi đồng thời đi khám bệnh định kỳ theo lời dặn của bác sĩ.
- Người bệnh tránh thai trong vòng 2 năm, không đặt vòng tránh thai. Người bệnh cần đi khám ngay khi xuất hiện các triệu chứng sốt, đau bụng dữ dội và ra máu âm đạo nhiều.
- Ở các lần mang thai tiếp theo, người bệnh cần đi kiểm tra định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời.
- Hiện nay chưa có biện pháp triệt để phòng chửa vết mổ. Tỷ lệ mổ lấy thai ngày càng tăng do sự phát triển của các phương pháp hỗ trợ sinh sản, ngoài ra còn có sự ảnh hưởng không nhỏ của yếu tố xã hội như: đẻ theo giờ, sản phụ không muốn đẻ thường, chịu đau kém…. Dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân chửa sẹo mổ lấy thai ngày càng tăng lên. Để hạn chế bệnh cần chỉ định chặt chẽ hơn trong mổ lấy thai làm giảm tỷ lệ mổ đẻ.

Siêu âm được xem là phương pháp hiệu quả trong việc chẩn đoán và đánh giá sản phụ có thai bám sẹo mổ cũ
3. Chửa ở vết mổ có chữa khỏi được không?
Chửa ở vết mổ có thể điều trị được, việc chọn lựa các phương thức điều trị, việc điều trị thường phối hợp nhiều phương thức và được cân nhắc trên từng người bệnh.
Để việc điều trị thành công việc phát hiện sớm vô cùng quan trọng. Với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nếu có vết mổ đẻ cũ khi có thai cần được thăm khám sớm để xác định vị trí chính xác của thai nhằm loại bỏ trường hợp chửa tại vết mổ đẻ cũ vì rất nguy hiểm.
Đặc biệt với những trường hợp đi khám thai nếu phát hiện có túi ối ở vị trí bất thường thì cần phải siêu âm bằng Doppler và phải hội chẩn với những người có kinh nghiệm để hạn chế nguy cơ rủi ro cho người bệnh.
4. Những chú ý quan trọng đối với chửa ở vết mổ
Mặc dù chửa ở vết mổ là một bệnh lý với biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên đây lại là một bệnh lý ít gặp với tỷ lệ khoảng 1% mắc phải trên các phụ nữ mang thai sau lần mổ lấy thai đầu tiên.
Vì vậy đối với các lần mang thai tiếp theo của bệnh nhân đã mổ lấy thai lần đầu cần đi khám và kiểm tra sớm, thường xuyên và kỹ càng để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Ngoài ra cần lưu ý như sau:
- Không nên có thai quá sớm khi vết mổ cũ còn mới (dưới 18 tháng) vì khi đó dễ bị nứt vết mổ gây mất máu và chết thai.
- Cần khám thai định kỳ một cách đều đặn theo đúng hẹn.
- Cần đưa giấy mổ lần trước cho các bác sĩ và khai rõ lý do mổ là gì, thời gian từ lúc mổ đến nay là bao lâu, nằm viện bao nhiêu ngày sau mổ, có nhiễm trùng trong thời gian hậu phẫu không…
- Ngoài ra nên chú ý các dấu hiệu đau vết mổ cũ: đau ngang trên xương mu, đau liên tục, ấn vào đau nhói lên. Khi có các dấu hiệu này là có nguy cơ nứt vết mổ cũ cần phải đến ngay bệnh viện có khoa sản gần nhất. Thường bạn sẽ được cho nhập viện trước ngày dự sinh 2 tuần lễ. Khi đó các bác sĩ sẽ cho làm đầy đủ các xét nghiệm tiền phẫu và đánh giá xem bạn cần mổ lại hay có thể sanh ngả âm đạo.
Vấn đề kế hoạch hoá gia đình:
Để tránh vết mổ cũ mới, ngay sau lần mổ đầu tiên nên lưu ý đến vấn đề ngừa thai. Để chọn lựa phương pháp ngừa thai nên tham vấn bác sĩ. Từ 2 năm trở lên hãy để có thai lại.
Khi đã mổ lấy thai 2 lần rồi và có đủ con thì không nên sinh nữa, cần thiết phải ngừa thai. Đặc biệt, đối với những người đã mổ 2 lần rồi mà chưa đủ con thì có thể mổ lần thứ 3 nhưng nguy cơ nứt vết mổ cũ khá cao. Sau khi mổ lần thứ 3 nên triệt sản.5. Chi phí khám chữa bệnh
Việc điều trị chửa ở vết mổ tùy thuộc vào từng người cụ thể nên tổng chi phí của mỗi người sẽ khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng điều trị, các dịch vụ, loại phòng nằm, các dịch vụ mà sản phụ đăng ký.
Thông thường, giá cho mỗi ca phẫu thuật điều trị chửa ở vết mổ sẽ dao động trong mức như sau: Khi điều trị nội khoa, giá sẽ tương ứng khoảng từ 3 triệu cho tới 6 triệu đồng.
Nếu sử dụng phương pháp phẫu thuật chi phí sẽ rơi vào khoảng 8 triệu tới 22 triệu đồng, thậm chí có thể hơn. Các chi phí này cũng có thể thay đổi với các dịch vụ mà bệnh nhân yêu cầu và các chi phí thăm khám bệnh, nằm viện.