Hà Nội

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bàn chân bẹt

24-10-2024 11:23 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bàn chân bẹt với gan chân phẳng lì là một dạng dị tật phổ biến trên thế giới. Dị tật này gây tổn hại nghiêm trọng đến thần kinh cột sống và ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ.

1. Đông y có chữa được bàn chân bẹt không?

Nguyên nhân khiến trẻ bị bàn chân bẹt chủ yếu do di truyền, yếu tố di truyền khiến nhiều thế hệ trong gia đình cùng mắc hội chứng này.

Ngoài ra, nếu trẻ nhỏ thường có thói quen đi chân đất, đi dép đế bằng hoặc trẻ có gen xương khớp mềm thì sau thời gian dài, hội chứng bàn chân bẹt cũng hình thành. Những trẻ mắc bệnh lý xương khớp, bệnh lý thần kinh, béo phì… cũng có nguy cơ mắc hội chứng bàn chân bẹt cao hơn.

Đông y không chữa được hội chứng này nhưng tập vật lý trị liệu rất tốt cho người bệnh bàn chân bẹt. Ưu điểm của phương pháp này là hỗ trợ tạo cơ bắp, củng cố gân, bù đắp sự bất ổn về cấu trúc của bàn chân.

Trước khi tập, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu để phòng ngừa chấn thương và nâng cao hiệu quả điều trị.

2. Các phương pháp điều trị bàn chân bẹt

Hiện có nhiều phương pháp điều trị hội chứng này, bao gồm:

- Sử dụng đế chỉnh hình bàn chân

Đối với trẻ trong độ tuổi 2 – 7 tuổi, trong quá trình phát triển nếu mắc chứng bàn chân bẹt, hướng điều trị thường là điều trị nội khoa. Trẻ thường được yêu cầu sử dụng đế chỉnh hình bàn chân.

Đây là miếng lót đặc biệt khi mang giày dép. Phụ kiện này sẽ được thiết kế đúng với kích thước chân của trẻ, thiết kế tạo vòm ở mặt bàn chân. Khi di chuyển mỗi ngày, dưới tác động của trọng lực cơ thể, phụ kiện này giúp nâng đỡ phần xương bàn chân, tạo vòm để xương bàn chân của người bệnh trở về đúng trục phát triển.

Đế chỉnh hình bàn chân là phương pháp điều trị có hiệu quả cao khi độ tuổi áp dụng càng nhỏ càng tốt. Người bệnh thường được chỉ định thực hiện phương pháp này cho đến khi xương chân bình thường trở lại. Tuy nhiên, đối với trẻ trên 7 tuổi, phương pháp dùng đế chỉnh hình bàn chân có thể phải mất nhiều thời gian hơn, khó đạt hiệu quả như mong muốn.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bàn chân bẹt- Ảnh 1.

Khám bàn chân bẹt để phát hiện sớm bệnh giúp cho việc phục hồi chức năng của bàn chân trở nên đơn giản hơn.

- Vật lý trị liệu

Bên cạnh các phương pháp điều trị trên, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu có thể hướng dẫn người bệnh thực hiện một vài bài tập trị liệu giúp kiểm soát tốt những triệu chứng, đồng thời ngăn ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn.

Những bài tập vật lý trị liệu có thể hỗ trợ cải thiện sức khỏe, tăng độ linh hoạt cho bàn chân và mắt cá chân, nhờ đó cải thiện triệu chứng.

- Phẫu thuật cải thiện bàn chân bẹt

Với người bệnh kém đáp ứng những phương pháp không can thiệp kể trên hay những biểu hiện ngày càng nghiêm trọng hơn, phẫu thuật có thể được chỉ định. Phương pháp này sẽ giúp giảm đau, tạo ra một vòm bàn chân mới, cải thiện hoạt động bàn chân.

Những vị trí đau do bệnh thường rất khác nhau. Vì thế, không có phương pháp phẫu thuật thống nhất cho bệnh lý này. Cách phẫu thuật thường dựa trên đánh giá, kinh nghiệm của các bác sĩ. Bên cạnh đó, phẫu thuật với các trường hợp bàn chân bẹt còn tùy thuộc độ tuổi, mức độ của những triệu chứng và mức độ dị dạng cấu trúc của bàn chân.

Các phương pháp phẫu thuật có thể giúp cải thiện hiệu quả, gần như là dứt điểm những triệu chứng nhưng cần nhiều thời gian, thường đi kèm những phương pháp phục hồi chức năng để người bệnh có thể phục hồi lại bình thường một cách hiệu quả.

3. Bệnh bàn chân bẹt có chữa khỏi được không?

Tình trạng bàn chân bẹt khi được can thiệp càng sớm, khả năng điều trị thành công càng cao. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, hội chứng bẹt chân có thể gây ra các vấn đề xương khớp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tầm vận động của trẻ. Đối với người trưởng thành thì bàn chân bẹt không thể điều trị khỏi.

4. Những chú ý quan trọng đối với bệnh bàn chân bẹt

Những người có nguy cơ mắc chứng bàn chân bẹt gồm:

  • Người thừa cân, béo phì
  • Phụ nữ mang thai
  • Người viêm hay rách gân vùng cổ chân do phải thường xuyên hoạt động cường độ cao trong thời gian dài

Về việc điều trị bàn chân bẹt thì độ tuổi vàng để việc điều trị bàn chân bẹt đạt hiệu quả tốt nhất là từ 3 đến 7 tuổi. Đây là thời điểm lý tưởng để can thiệp sớm và phục hồi hoàn toàn vòm bàn chân cho trẻ. Càng điều trị sớm, hiệu quả càng cao vì thế khả năng điều trị bàn chân bẹt thành công sẽ giảm dần theo độ tuổi.

Cụ thể, những trẻ từ 15-16 tuổi, thời gian để trẻ cải thiện bàn chân bẹt là 5 năm, đối với người trưởng thành thì bàn chân bẹt không thể điều trị khỏi. Tuy không thể điều trị khỏi hoàn toàn chứng bàn chân bẹt ở người lớn song việc duy trì mang đế chỉnh hình y khoa sẽ hỗ trợ nâng đỡ lòng bàn chân, ngăn ngừa các cơn đau như đau mắt cá chân, đau đầu gối, đau cột sống.

5. Chi phí khám chữa bệnh

Chi phí điều trị bàn chân bẹt thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ nghiêm trọng của tình trạng, phương pháp điều trị được sử dụng và cơ sở y tế nơi thăm khám.

Trẻ sẽ được đánh giá xem liệu bé có bị hội chứng bàn chân bẹt hay không qua việc khám lâm sàng, kiểm tra toàn diện về tư thế đi, dáng đứng của trẻ. Bên cạnh đó có thể chẩn đoán bởi những dịch vụ khác như: chụp X-quang, cộng hưởng từ (MRI) ,chụp CT.

Vì vậy, chi phí khám bàn chân bẹt dao động từ 200.000 - 500.000 VNĐ tùy cơ sở y tế. Các chi phí chụp X-quang, chụp MRI/CT scan dao động từ 1.500.000 - 3.000.000 VNĐ tùy theo cơ sở y tế và kỹ thuật chụp.

Chi phí điều trị bàn chân bẹt sử dụng nẹp/đế chỉnh hình có giá dao động từ 500.000 - 3.000.000 VNĐ tùy theo loại nẹp/đế và chất liệu chưa bao gồm vật lý trị liệu và thuốc sử dụng trong quá trình điều trị.

Trường hợp phải phẫu thuật thì chi phí cao hơn so với các phương pháp điều trị khác, dao động từ 10.000.000 - 50.000.000 VNĐ tùy vào mức độ phức tạp và cơ sở y tế.

Bàn chân bẹt: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnhBàn chân bẹt: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Bàn chân bẹt là tình trạng bàn chân không có vòm. Khi đi hoặc chạy, toàn bộ mặt bàn chân sẽ tiếp xúc trực tiếp với mặt đất làm phản lực tác động ngược lên. Dị tật này gây tổn hại nghiêm trọng đến thần kinh cột sống và ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ.


ThS.BSCKII. Nguyễn Việt Khoa
Ý kiến của bạn