Câu hỏi thường gặp liên quan đến bạch cầu cấp

18-10-2024 17:43 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bạch cầu cấp thường được gọi là ung thư máu, đây là một nhóm bệnh máu ác tính, các tế bào ung thư nhân lên rất nhanh. Nếu không được điều trị, các tế bào này sẽ ứ đọng trong tủy xương và cản trở quá trình tạo ra các tế bào máu bình thường.

Bạch cầu cấp: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnhBạch cầu cấp: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Bạch cầu cấp thường được gọi là ung thư máu. Đây không phải là một bệnh lý đơn lẻ mà bao gồm nhiều loại bệnh. Mặc dù bạch cầu cấp thường được coi là bệnh lý không thể chữa khỏi, nhưng gần đây kết quả điều trị tốt hơn nhiều nhờ sử dụng các phương pháp điều trị tiên tiến.

1. Đông y có chữa được bạch cầu cấp?

Bạch cầu cấp là một nhóm bệnh máu ác tính, được xếp vào nhóm ung thư không thể chữa khỏi. Đông y không chữa khỏi căn bệnh này.

2. Các phương pháp điều trị bạch cầu cấp

Điều trị bạch cầu cấp là một phương pháp điều trị chuyên khoa sâu. Do đó, việc điều trị chỉ có thể được thực hiện ở các cơ sở chuyên ngành huyết học, do bác sĩ được đào tạo chuyên ngành huyết học và có kinh nghiệm điều trị hóa chất, ghép tế bào gốc tạo máu thực hiện.

- Điều trị tấn công lui bệnh: Hóa chất liều cao để đẩy lùi tế bào ác tính, đồng thời cho phép tế bào bình thường hồi phục. Tùy vào thể bệnh, tuổi, tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

- Điều trị sau lui bệnh: Mục đích làm giảm tối thiểu số lượng tế bào ác tính, đồng thời tế bào máu trở lại mức bình thường, gọi là lui bệnh hoàn toàn. Nếu ngừng điều trị ở giai đoạn này, hầu hết người bệnh sẽ bị tái phát.

Điều trị hỗ trợ:

  • Chống thiếu máu, xuất huyết bằng các chế phẩm máu.
  • Dự phòng và điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh và yếu tố kích thích sinh máu.
  • Phòng ngừa hội chứng tiêu khối u bằng allopurinol, truyền dịch, lợi niệu, kiềm hóa nước tiểu.
  • Gạn bạch cầu khi số lượng bạch cầu quá cao, nguy cơ tắc mạch.

- Ghép tế bào gốc tạo máu: Là phương pháp được tiến hành để làm giảm nguy cơ tái phát và đạt gần đến tình trạng chữa khỏi bệnh cho người bệnh. Ghép tế bào gốc tạo máu là quá trình phục hồi tế bào gốc tạo máu cho các người bệnh ung thư đã trải qua hóa trị liệu liều cao do liệu pháp này không những tiêu diệt tế bào ung thư mà còn tiêu diệt luôn cả tế bào gốc trong tủy xương.

Chỉ định ghép phụ thuộc vào độ tuổi của người bệnh, tình trạng toàn thân và chức năng của các cơ quan trong cơ thể và có nguồn hiến tế bào gốc phù hợp cũng như điều kiện kinh tế của từng người bệnh.

3. Bệnh bạch cầu cấp có chữa khỏi được không?

Bạch cầu cấp là tình trạng cấp tính của bệnh lý ác tính tại tủy xương (ung thư máu cấp tính) nên không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, hiện nay nhờ sử dụng các phương pháp điều trị tiên tiến mà tiên lượng và hiệu quả điều trị ung thư máu được cải thiện rõ rệt, kéo dài thời gian sống cho người bệnh.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bạch cầu cấp- Ảnh 2.

Bạch cầu cấp thường được gọi là ung thư máu.

4. Lưu ý quan trọng đối với bạch cầu cấp

Những yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh bạch cầu cấp, gồm:

Những người tiếp xúc tia xạ lâu ngày (vùng nhiễm xạ nặng, điều trị bằng tia xạ…), sau các vụ nổ hạt nhân thì tỷ lệ bạch cầu cấp nhiều hơn bình thường. Tia xạ gây tổn thương vật liệu di truyền, gây suy giảm miễn dịch.

Những công nhân tiếp xúc với hóa chất nhóm Alkyl, nhóm benzen thì tỷ lệ bạch cầu cấp sẽ cao hơn bình thường. Hoặc tình trạng hóa chất, thuốc trừ sâu, nhiễm độc nguồn nước, thức ăn...

Có một số bệnh bẩm sinh di truyền như hội chứng Down, hội chứng thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh, hội chứng Poland… và những người có tiền sử gia đình mắc bệnh bạch cầu cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Chăm sóc và theo dõi người bệnh bị bạch cầu cấp cần chú ý duy trì chế độ ăn cân bằng đủ dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm giàu năng lượng và protein, ăn chín uống sôi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Người bệnh ung thư máu khả năng miễn dịch sẽ suy giảm nặng, nên cơ thể rất dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, virus và các tác nhân khác. Lời khuyên là nên tránh chỗ đông người, duy trì thói quen sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên để phòng nhiễm khuẩn.

Sau quá trình điều trị nội trú, bệnh nhân đã hoàn tất thành công quá trình điều trị thì nên được tiếp tục điều trị định kì và theo dõi. Tình trạng khi ra viện không có nghĩa là bệnh được chữa khỏi, do vậy điều quan trọng là tiếp tục theo dõi điều trị cùng với tư vấn sát sao của bác sĩ điều trị. Bệnh nhân phải được sử dụng thuốc theo chỉ định với liều lượng chính xác, định kỳ và khám kiểm tra theo hẹn để đảm bảo rằng họ nhận thức chính xác về tình trạng bệnh tật và sức khỏe của mình.

5. Chi phí khám chữa bệnh bạch cầu cấp

Để phát hiện bạch cầu cấp bệnh nhân cũng cần thực hiện một số các phương pháp chẩn đoán sau:

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, huyết đồ: Là xét nghiệm thường quy được thực hiện định kỳ nhằm chẩn đoán cũng như theo dõi tình trạng bệnh. Kết quả xét nghiệm thường là tình trạng bạch cầu giảm hoặc tăng, tiểu cầu và hồng cầu giảm.

Chọc hút tủy xương: Bắt buộc thực hiện trong chẩn đoán ung thư máu. Bệnh bao gồm nhiều loại khác nhau và dựa trên mỗi dạng ung thư máu bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện loại xét nghiệm tương ứng:

  • Xét nghiệm tế bào di truyền.
  • Xét nghiệm Immunophenotyping.
  • Xét nghiệm dịch não tuỷ.
  • Chụp CT, MRI, PET-CT: Giúp kiểm tra và theo dõi các biểu hiện của bệnh.
  • Sinh thiết hạch bạch huyết: Dùng trong chẩn đoán ung thư hạch bạch huyết.

Về điều trị cũng như các loại ung thư khác, bạch cầu cấp chi phí khá cao và kéo dài. Hiện nay, chi phí điều trị ung thư máu thường dao động từ 200.000.000 – 300.000.000 đồng cho một ca ghép tự thân và hơn 600.000.000 đồng với những trường hợp ghép tế bào gốc đồng loại. Theo Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, tổng chi phí phí của ca ghép là 500.000.000 – 600.000.000 đồng, được BHYT chi trả 1 phần.

Tuy vậy, điều trị bạch cầu cấp thường yêu cầu thời gian dài với các giai đoạn điều trị bằng cách sử dụng kết hợp các phương thức điều trị khác nhau, đôi khi kéo dài nhiều năm, giống như điều trị một căn bệnh mạn tính, do đó người bệnh cần phát hiện sớm và tuân thủ điều trị của bác sĩ.

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh bạch cầu cấpChế độ dinh dưỡng cho người bệnh bạch cầu cấp

SKĐS - Bệnh bạch cầu cấp là một trong những bệnh lý máu ác tính. Cùng với sự phát triển của y học cùng các loại thuốc hóa trị liệu và chế độ ăn uống lành mạnh giúp người bệnh điều trị bệnh hiệu quả hơn.


BS. Phạm Văn Hiệu
Ý kiến của bạn