Câu hỏi thường gặp liên quan đến áp xe hậu môn

15-09-2024 20:09 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Áp xe hậu môn là tình trạng các khoang gần hậu môn hoặc trực tràng chứa đầy mủ, gây đau đớn cho người bệnh.

Áp xe hậu môn: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnhÁp xe hậu môn: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Áp xe hậu môn là một diễn biến cấp tính của viêm vùng da quanh hậu môn tạo thành các ổ mủ (nhọt lớn) nằm xung quanh, do sự nhiễm trùng từ các tuyến trong ống hậu môn.

1. Đông y có chữa được áp xe hậu môn không?

Áp xe hậu môn ở phần lớn các trường hợp đều do các tuyến bên trong bị nhiễm trùng cấp tính. Đôi khi vi khuẩn, phân hoặc vật lạ cũng có thể làm tắc nghẽn tuyến hậu môn, xâm nhập vào mô xung quanh, sau đó tụ lại trong khoang, gây ra hiện tượng áp xe. Vì vậy, đông y không chữa khỏi bệnh này.

2. Các phương pháp điều trị áp xe hậu môn

Sau khi chẩn đoán chính xác áp xe hậu môn, tùy từng trường hợp cụ thể các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp. Cách điều trị tốt nhất cho bệnh áp xe hậu môn là phẫu thuật tháo mủ cho ổ áp xe, nhất là khi ổ áp xe bị vỡ. Nhiều trường hợp áp xe nặng, viêm nhiễm sâu và rộng, cần phẫu thuật gây mê để dẫn mủ triệt để.

Sau phẫu thuật bệnh nhân cần sử dụng kháng sinh và thuốc giảm đau. Trong 1 số trường hợp hệ miễn dịch tốt, thì không cần thiết phải dùng kháng sinh kéo dài. Nếu bệnh nhân bị táo bón hoặc mắc chứng khó đại tiện, bệnh có thể tiến triển lâu hơn, bác sĩ sẽ xem xét cho sử dụng thuốc làm mềm phân.

Ngoài ra, bệnh nhân cần tắm nước ấm để giảm sưng. Tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi tình trạng tái phát. Tình trạng áp xe hậu môn hình móng ngựa, trên cơ nâng, lan qua lỗ bịt, hoại tử Fournier cần bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị, điều kiện và phẫu thuật viên có kinh nghiệm điều trị.

3. Áp xe hậu môn có chữa khỏi được không?

Áp xe hậu môn thường phải phẫu thuật mới điều trị được, tuy nhiên bệnh có thể tái phát nếu như phẫu thuật không triệt để hoặc chăm sóc hậu phẫu không đúng cách khiến tình trạng viêm nhiễm, mưng mủ không khỏi hoàn toàn. Do vậy, bệnh nhân cần lựa chọn điều trị tại cơ sở y tế uy tín, đồng thời tuân thủ liệu trình điều trị đúng cách, đủ thời gian. Lắng nghe tư vấn của bác sĩ trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật và phòng tránh bệnh tái phát trở lại.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến áp xe hậu môn- Ảnh 2.

Áp xe hậu môn là tình trạng các khoang gần hậu môn hoặc trực tràng chứa đầy mủ, gây đau đớn cho người bệnh.

4. Cách chăm sóc bệnh tại nhà

Những điều bệnh nhân cần biết sau khi ra viện:

Uống thuốc đúng hướng dẫn theo đơn khi ra viện. Nếu trong quá trình uống thuốc có những triệu chứng bất thường như ngứa, buồn nôn, chóng mặt, tức ngực, khó thở… cần tới bệnh viện để được khám và xử trí.

- Cách chăm sóc vết mổ

Nên thay băng ngày 1 lần tại bệnh viện hoặc thay băng tại cơ sở y tế địa phương.

Phải giữ vết mổ sạch và khô, nếu bị ướt thì phải thay băng ngay, ngâm hậu môn với dung dịch pha loãng cùng nước ấm và Povidine theo hướng dẫn của bác sĩ.

Thời gian hồi phục vết mổ khoảng 2 – 3 tháng, phụ thuộc vào từng cơ địa, chế độ chăm sóc vết thương và kèm theo chế độ ăn giàu chất đạm.

– Chế độ dinh dưỡng

Uống nhiều nước, tăng cường dinh dưỡng, chế độ ăn phải giàu đạm để kích thích mô hạt nhanh đầy vết mổ như tôm, cua, cá, trứng, thịt. Bổ sung thêm những thức ăn nhuận tràng dễ đi cầu như chuối, đu đủ, khoai lang, khoai tây, rau mồng tơi, rau lang... để tránh gây táo bón.

Tránh ăn uống các chất kích thích, cay, nóng như tiêu, ớt, rượu, bia… Không hút thuốc lá vì sẽ làm chậm lành vết mổ.

– Chế độ sinh hoạt và tập luyện

Tránh lao động nặng trong vòng 1 tháng sau mổ. Tăng cường tập luyện thể dục nhẹ nhàng phù hợp với thể lực. Mặc quần vải mềm rộng thoáng mát. Có thể tắm nhưng sau đó phải ngâm hậu môn bằng dung dịch sát trùng và thay băng vết mổ lại ngay.

Tập đi đại tiện đúng giờ (không ngồi quá lâu trong nhà vệ sinh, không nên xem điện thoại hoặc đọc sách khi đi vệ sinh). Sau khi đi vệ sinh cần rửa sạch bằng cách dội nước từ trước ra sau và dùng gạc thấm khô, không nên dùng giấy để lau chà sát vào vết mổ, gây chảy máu và nhiễm trùng vết mổ. Ngâm hậu môn sau khi đi vệ sinh (đại tiện) với khoảng 2 lít nước ấm pha loãng với Povidine, ngâm trong 15 – 20 phút. Không quan hệ tình dục qua đường hậu môn.

Phải khám ngay khi có các triệu chứng bất thường như: Sốt, vết mổ đau nhiều, chảy máu nhiều, sưng đỏ, có dịch mủ chảy ra. Sưng nề vùng hậu môn. Đại tiện khó, táo bón hoặc lỏng nhiều lần trong ngày.

Bệnh lý áp xe hậu môn thường gây ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân. Nếu không điều trị sớm, khối áp xe có thể lớn và tiến triển sâu vào các khoang vùng hậu môn trực tràng. Từ đó gây nên tình trạng nhiễm trùng, áp xe dạng móng ngựa hoặc khối áp xe có thể tự vỡ và chuyển thành rò mủ mạn tính, gọi theo y học là rò hậu môn. Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

5. Chi phí khám chữa bệnh

Tùy theo từng cá nhân, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp. Chi phí phẫu thuật áp xe hậu môn khoảng 3.000.000 đồng - 5.000.000 đồng (chưa tính phí khám ban đầu, làm các xét nghiệm, chụp chiếu). Tại bệnh viện công sẽ được chi trả 80% chi phí nếu có thẻ bảo hiểm y tế. Chi phí mổ áp xe ở bệnh viện tư hay phẫu thuật theo dịch vụ sẽ có giá tiền đắt hơn, chưa kể các dịch vụ khác tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi bệnh nhân.

Điều trị áp xe hậu mônĐiều trị áp xe hậu môn

SKĐS - Áp xe hậu môn thường gây đau đớn, sốt và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Việc phát hiện và điều trị kịp thời giúp giảm các biến chứng nguy hiểm...


BS Nguyễn Nga
Ý kiến của bạn