Câu hỏi thường gặp liên đến bệnh mất trí nhớ

23-08-2024 10:33 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Chứng mất trí nhớ ảnh hưởng đến mỗi người một cách khác nhau và triệu chứng cũng không giống nhau. Tính cách, sức khỏe nói chung cũng như hoàn cảnh xã hội đều là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến bệnh mất trí nhớ.

1. Đông y có chữa được bệnh mất trí nhớ không?

Một số loại thảo dược từ tự nhiên có tác dụng tăng trí nhớ, giúp người bệnh mất trí nhớ cải thiện triệu chứng. Cách sử dụng các thảo dược đó như sau:

Trà hương thảo: Lấy 2-3g lá hương thảo khô hãm trong một tách nước sôi làm một liều, uống 4-5 liều/ngày. Hoặc dùng 20g lá khô (30g lá tươi) hãm với 500ml nước sôi, chia 4-5 lần để uống trong ngày.

Bạch quả: Một số nghiên cứu lâm sàng cho thấy, khả năng thúc đẩy lưu thông máu lên não của cao lá bạch quả giúp tăng cường khả năng duy trì trí nhớ, chức năng nhận thức và tập trung.

Quế: Quế chứa một số hợp chất có hoạt tính sinh học bao gồm cinnamaldehyd, coumarin và tanin, có tác dụng hỗ trợ làm giảm căng thẳng, chống oxy hóa hoặc viêm nhiễm.

BS. Molly Rapozo, chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe não bộ tại Mỹ cho biết, quế đã được sử dụng như một loại thuốc thảo dược an toàn và có lịch sử lâu đời ở nhiều nền văn hóa khác nhau. Điều này có nghĩa là quế có thể dễ dàng được đưa vào chế độ ăn uống. Chẳng hạn như sử dụng làm gia vị cho món ăn, làm bánh hoặc hãm trà quế, uống nóng hoặc lạnh.

Câu hỏi thường gặp liên đến bệnh mất trí nhớ- Ảnh 1.

Bạch quả hỗ trợ thúc đẩy máu lưu thông, tốt cho trí não.

2. Tiêm phòng dại có gây mất trí nhớ?

Hiện nay một số người có quan điểm cho rằng, tiêm phòng dại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến bệnh nhân suy giảm trí nhớ, thậm chí giảm tuổi thọ. Vì lo sợ điều đó mà nhiều gia đình lựa chọn không tiêm vaccine phòng dại khi phát hiện bị chó cắn. Hậu quả là khi bệnh nhân phát cơn dại thì không thể cứu được nữa.

Việc lo ngại tiêm vaccine phòng dại có thể gây mất trí nhớ thực chất quan điểm đó không phải là không có cơ sở. Đó là điểm hạn chế của vaccine phòng dại thế hệ cũ. Loại vaccine này đã ngừng sử dụng cách đây hàng chục năm.

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, vaccine phòng dại thế hệ mới là vaccine vô bào, nhập khẩu từ châu Âu, chất lượng vaccine rất tốt và hoàn toàn không có bất kỳ tác dụng có hại nào ảnh hưởng đến trí não, hệ thần kinh của người được tiêm phòng. Ở các nước phát triển, các bác sĩ thú y đều được tiêm phòng dại nhắc lại hằng năm.

3. Mắc đái tháo đường có liên quan bệnh mất trí nhớ?

Nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng suy giảm trí nhớ và bệnh tiểu đường có mối liên quan với nhau. Đối với bệnh mất trí nhớ, để tìm hiểu và ghi nhớ thông tin mới, người ta cần dẫn truyền thần kinh thích hợp trong cơ thể. Đây là cách duy nhất mà thông tin được lưu trữ trong não và là cách duy nhất người ta có thể nhớ bất cứ điều gì.

Bất kỳ việc truyền tín hiệu không chính xác giữa các tế bào thần kinh sẽ ức chế rất nhiều khả năng học hỏi và ghi nhớ thông tin của một người. Kịch bản này có thể xảy ra với bất kỳ ai ở một mức độ nào đó, không chỉ những người bị ảnh hưởng bởi bệnh đái tháo đường. Đơn giản là việc không tiêu thụ đủ lượng glucose có thể gây ra điều này. Tăng đường huyết và hạ đường huyết có thể cản trở hoạt động của đồi hải mã, gây khó tập trung và có thể gây mất trí nhớ ngắn hạn, thậm chí dài hạn. Ngoài ra, biến chứng của bệnh đái tháo đường gây tổn thương mạch máu khiến người ta mắc chứng mất trí nhớ mạch máu và thiếu hụt nhận thức.

Có một số bằng chứng cho thấy bệnh Alzheimer có liên quan đến tín hiệu của insulin và sự chuyển hóa glucose trong não của bệnh nhân, vì vậy, người bệnh đái tháo đường cũng thường mắc chứng bệnh liên quan tới thoái hóa não. Hội chứng chuyển hóa cũng ảnh hưởng đến trí nhớ của bệnh nhân đái tháo đường, chủ yếu ảnh hưởng đến những người mắc bệnh đái tháo đường type 2.

Để bảo vệ bản thân khỏi bị mất trí nhớ, điều quan trọng là bạn phải quản lý tốt bệnh đái tháo đường, bao gồm cả quản lý huyết áp. Ngoài ra, bạn nên duy trì lối sống lành mạnh: ngủ đủ giấc; rèn luyện não bộ bằng các bài tập thể dục não bộ, các trò chơi trí tuệ; tuân thủ chế độ ăn uống, tập thể dục phù hợp; kiểm soát stress.

Câu hỏi thường gặp liên đến bệnh mất trí nhớ- Ảnh 2.

Nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng suy giảm trí nhớ và bệnh tiểu đường có mối liên quan với nhau.

4. Chăm sóc người bệnh mất trí nhớ tại nhà như thế nào?

Tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân mà bác sĩ hướng dẫn người bệnh và người nhà cách chăm sóc người bệnh mất trí nhớ tại nhà:

Chăm sóc đặc biệt: Khi bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, suy thận, ung thư, người nhà thực hiện cho bệnh nhân:

  • Uống thuốc đủ, đúng liều.
  • Theo dõi thường xuyên huyết áp, đường huyết.
  • Áp dụng chế độ ăn khoa học, giảm đường, muối, tăng cường ăn rau xanh, đạm, hạn chế chất béo động vật.
  • Luyện tập thể dục thường xuyên.
  • Kiểm soát cân nặng, tránh béo phì.

Người bệnh hay bị quên: Người bệnh nhắc đi nhắc lại một câu hỏi, thậm chí chỉ cách nhau vài phút. Hay đi tìm đồ dùng cá nhân vì không nhớ để chúng ở đâu. Quên đi những sự kiện gần đây và quên tên của mọi người, không nhớ địa chỉ nhà, số điện thoại của mình và người thân. Lúc này người bệnh cần:

- Tập chơi các trò chơi vận động não như xếp hình, sudoku.

- Tập thói quen để đồ vật ở những nơi cố định. Trước khi đặt xuống tập nhìn và cố gắng ghi nhớ vị trí.

- Thường xuyên giao lưu, tiếp xúc với nhiều người.

- Ghi địa chỉ và số thoại vào vòng đeo tay để phòng khi đi lạc.

Người bệnh không nhớ ngày tháng năm, không nhận thức được vị trí hiện tại, thậm chí bị lẫn các phòng hoặc vị trí ngay trong nhà. Bạn cần thực hiện giúp họ bằng cách:

- Luôn hỏi bệnh nhân các câu hỏi về vị trí và lặp lại hằng ngày.
- Thường xuyên đưa bệnh nhân ra ngoài đi dạo và nói về các mốc đặc biệt trên đường về. Có thể để bệnh nhân tự đi về và người chăm sóc ở phía sau quan sát hỗ trợ.
- Đeo vòng tay, vòng cổ chứa thông tin, địa chỉ và số điện thoại người thân.

Bệnh nhân không tự chăm sóc được bản thân hoặc phụ thuộc một phần vào người khác. Bạn có thế hỗ trợ và hướng dẫn để bệnh nhân có thể tự chăm sóc tối đa. Đơn giản hóa lịch sinh hoạt, cố định các vật dụng cá nhân để bệnh nhân dễ dàng ghi nhớ và thực hiện.

Người bệnh bị rối loạn giác ngủ, trầm cảm, trầm cảm, hoang tưởng. Khi bị sa sút trí tuệ, bệnh nhân buồn rầu, ngại giao tiếp, luôn cảm giác bị mất tiền, bị phản bội, mất ngủ, rối loạn chu kỳ thức - ngủ, khó vào giấc, hay tỉnh dậy giữa đêm và hay gặp ác mộng. Những lúc này người nhà nên:

- Ở bên cạnh quan tâm chia sẻ.

- Khuyến khích bệnh nhân nói nhiều hơn.

- Tránh gây cảm xúc tiêu cực cho bệnh nhân.

- Giữ bệnh nhân ở khu vực an toàn tránh va đập, cất các vật sắc nhọn dẽ gây thương tích cho họ xa tầm tay.

- Khuyến khích thể dục để giữ tinh thần thoải mái, hỗ trợ giấc ngủ.


BS. Quốc Hùng
bác sĩ
Ý kiến của bạn