1. Đông y có chữa được bệnh hẹp thanh quản không?
Đông y có thể đóng vai trò hỗ trợ trong điều trị hẹp thanh quản ở giai đoạn nhẹ hoặc phục hồi, thông qua việc giảm triệu chứng và cải thiện hô hấp. Các phương pháp thường dùng bao gồm thuốc Đông y với các vị thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, lợi yết hầu, châm cứu, bấm huyệt để điều chỉnh khí huyết, giảm phù nề, xoa bóp giúp thư giãn cơ vùng cổ và thay đổi lối sống, chế độ ăn uống bằng cách tránh chất kích thích và duy trì ăn uống thanh đạm.
Tuy nhiên, Đông y không phải là phương pháp chính cho các trường hợp nặng hoặc cấp tính. Hiệu quả của Đông y còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố và người bệnh nên cân nhắc việc kết hợp với Tây y.
2. Bệnh hẹp thanh quản có nguy hiểm không?

Mức độ nguy hiểm bệnh hẹp thanh quản phụ thuộc vào mức độ hẹp và tốc độ tiến triển của bệnh.
Bệnh hẹp thanh quản nguy hiểm vì nó gây ra sự thu hẹp đường thở, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hô hấp của người bệnh. Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào mức độ hẹp và tốc độ tiến triển của bệnh.
Khó thở: Đây là triệu chứng chính và có thể từ nhẹ (khó thở khi gắng sức) đến nặng (khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi), thậm chí gây suy hô hấp cấp tính, đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
Thở rít: Tiếng thở bất thường này cho thấy đường thở đang bị cản trở đáng kể.
Thiếu oxy máu: Khi đường thở bị hẹp, lượng oxy vào phổi giảm, dẫn đến thiếu oxy trong máu, gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, đặc biệt là não.
Ngừng thở: Trong trường hợp hẹp nặng, đường thở có thể bị tắc nghẽn hoàn toàn, dẫn đến ngừng thở và tử vong nhanh chóng.
Biến chứng lâu dài: Hẹp thanh quản mạn tính có thể gây ra các vấn đề về giọng nói (khàn tiếng), khó nuốt, nhiễm trùng đường hô hấp tái phát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Tâm lý: Tình trạng khó thở kéo dài có thể gây lo lắng, căng thẳng, thậm chí trầm cảm cho người bệnh.
3. Bệnh hẹp thanh quản có chữa khỏi không?
Bệnh hẹp thanh quản có khả năng chữa khỏi nhưng mức độ và phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Với các tiến bộ y học hiện nay, nhiều trường hợp hẹp thanh quản có thể được điều trị thành công, giúp người bệnh cải thiện đáng kể khả năng thở và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, một số trường hợp hẹp nặng hoặc phức tạp có thể đòi hỏi nhiều lần can thiệp và quá trình điều trị lâu dài.
Quan trọng nhất là người bệnh cần được thăm khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa Tai Mũi Họng uy tín để được đánh giá chính xác tình trạng bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp nhất.
4. Cách chăm sóc người mắc bệnh hẹp thanh quản tại nhà
Chăm sóc người bệnh hẹp thanh quản tại nhà đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhẹ triệu chứng, hỗ trợ quá trình phục hồi và ngăn ngừa các biến chứng.
Người bệnh cần uống thuốc đúng liều lượng, đảm bảo người bệnh uống thuốc đầy đủ và đúng theo chỉ định. Đưa người bệnh đi tái khám theo lịch hẹn để bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh và điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần. Thực hiện các liệu pháp hỗ trợ theo chỉ dẫn như các bài tập thở, liệu pháp giọng nói.
Người bệnh cần có môi trường sống thuận lợi, giữ không khí trong lành, tránh khói bụi, khói thuốc lá, hóa chất độc hại và các chất gây kích ứng đường hô hấp. Đảm bảo không gian sống thông thoáng, có thể sử dụng máy lọc không khí nếu cần. Không khí khô có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng khó thở, có thể sử dụng máy tạo ẩm, đặc biệt vào mùa khô hoặc khi sử dụng điều hòa. Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, người bệnh hẹp thanh quản có thể bị co thắt đường thở.

Người bệnh hẹp thanh quản nên ăn các thức ăn mềm.
Người bệnh hẹp thanh quản cần uống đủ nước để làm loãng dịch nhầy và giữ ẩm đường hô hấp, nên ăn thức ăn mềm, dễ nuốt và tránh các thức ăn cứng, khô hoặc cay nóng có thể gây kích ứng thanh quản. Cần chia nhỏ bữa ăn trong ngày có thể giúp giảm áp lực lên đường thở và hệ tiêu hóa. Tránh các chất kích thích như rượu, bia, cà phê và đồ uống có gas có thể làm tăng trào ngược acid, gây kích ứng thanh quản.
Người bệnh cũng cần ngủ đủ giấc giúp cơ thể phục hồi và tăng cường hệ miễn dịch. Tránh gắng sức quá mức vì các hoạt động gắng sức có thể làm tăng nhu cầu oxy và gây khó thở. Hạn chế nói to, nói nhiều vì điều này giúp giảm áp lực lên thanh quản và dây thanh âm.
Người chăm sóc và người bệnh cùng theo dõi sát các triệu chứng:
Quan sát mức độ khó thở: Ghi lại tần suất, thời điểm và mức độ khó thở để thông báo cho bác sĩ trong lần tái khám.
Theo dõi tiếng thở: Lưu ý nếu có tiếng thở rít (stridor) tăng lên hoặc xuất hiện các âm thanh bất thường khác.
Chú ý đến giọng nói: Theo dõi sự thay đổi về độ khàn hoặc mất giọng.
Phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm trùng đường hô hấp: Sốt, ho có đờm, đau họng. Cần báo cho bác sĩ nếu có các dấu hiệu này.
Bệnh hẹp thanh quản có thể gây lo lắng và khó chịu. Hãy lắng nghe và động viên người bệnh, giúp họ giữ tinh thần lạc quan giúp người bệnh cảm thấy an tâm và được hỗ trợ.
Người bệnh cần thực hiện các bài tập thở nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu hô hấp. Thực hiện các bài tập phục hồi chức năng giọng nói theo hướng dẫn của chuyên gia ngôn ngữ trị liệu. Hãy sử dụng máy khí dung đúng cách để đưa thuốc trực tiếp vào đường thở hoặc người bệnh khó khạc đờm, cần thực hiện hút đờm nhẹ nhàng theo chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn của nhân viên y tế…
5. Chi phí khám điều trị bệnh hẹp thanh quản
Người bệnh hẹp thanh quản có thể đến các bệnh viện đa khoa có Khoa Tai – Mũi – Họng. Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân và các biến chứng của bệnh, người bệnh có thể cần đến khám ở các khoa khác như: khoa Hô hấp nếu có các vấn đề hô hấp liên quan; khoa Nội để đánh giá các bệnh lý toàn thân có thể ảnh hưởng đến tình trạng hẹp thanh quản và khoa Ngoại trong trường hợp cần can thiệp phẫu thuật.
Chi phí khám và điều trị bệnh hẹp thanh quản phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cơ sở y tế công lập, tư nhân hoặc phòng khám quốc tế... ; Các xét nghiệm cần thiết; Phác đồ điều trị; Thời gian nằm viện (nếu có)… Nếu bệnh nhân có bảo hiểm y tế, chi phí khám và điều trị có thể được chi trả một phần hoặc toàn bộ, tùy thuộc vào loại bảo hiểm và cơ sở y tế. Để biết thông tin chi phí cụ thể, tốt nhất nên xem thông tin của bệnh viện mà người bệnh dự định đến khám và điều trị.
Xem thêm: